TCCSĐT - Chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 được ban hành theo Quyết định số 170/2005/QĐ-Ttg, ngày 8-7-2005, của Thủ tướng Chính phủ. Chuẩn nghèo này được tính toán dựa vào những nhu cầu chi tiêu cơ bản cho lương thực, thực phẩm, nhà ở, mặc, y tế, giáo dục, văn hóa, đi lại và giao tiếp xã hội, trong đó, chi tiêu cho nhu cầu lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 60% và chi tiêu cho nhu cầu phi lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu.

Để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện nhận diện hộ nghèo ở các địa phương, cơ sở và tiết kiệm chi phí rà soát, chuẩn nghèo được chuyển đổi tính theo thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình.

Chuẩn nghèo cũng là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và nhóm dân cư.

Tuy vậy, qua thực hiện chuẩn nghèo, đã phát sinh một số vấn đề bất cập như sau:

Thứ nhất, chuẩn nghèo được ban hành dựa vào những nhu cầu chi tiêu cơ bản của hộ gia đình, trong khi những nhu cầu này lại phụ thuộc bởi yếu tố giá cả. Khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng (trong đó chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh hơn) sẽ làm cho giá trị thực tế của chuẩn nghèo giảm xuống (chỉ số giá tiêu dùng hiện nay đã tăng trên 40% so với thời điểm ban hành chuẩn nghèo hiện hành). Bởi vậy, hằng năm, khi rà soát hộ nghèo, một bộ phận người nghèo sẽ phải đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương và không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng trên thực tế, họ vẫn là người nghèo.

Thứ hai, trên thực tế, một số địa phương đã áp dụng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước và chủ động điều chỉnh chuẩn nghèo khi chỉ số CPI tăng cao, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương khác chưa áp dụng chuẩn nghèo cao hơn nhưng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu Quốc hội kiến nghị trong các kỳ họp thứ 4 và thứ 5, Quốc hội khoá XII.

Kết quả khảo sát của các địa phương cho thấy, đến cuối năm 2008, tổng số hộ cận nghèo cả nước vào khoảng 1 triệu hộ, với 3,8 triệu nhân khẩu. Trong thực tế, đây là những hộ nghèo nhưng do chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh kịp thời khi chỉ số CPI tăng nên họ không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước.

Để đảm bảo công bằng hơn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, Chính phủ đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ liên quan dự kiến phương án điều chỉnh chuẩn nghèo để trình Chính phủ ban hành. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện chuẩn nghèo hiện hành; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, và Ủy ban Dân tộc, cùng các bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chuẩn nghèo như sau:

Phương án I: Điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2009 để áp dụng trong năm 2010.

Năm 2008, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, nghiên cứu và trình Chính phủ điều chỉnh chuẩn nghèo để bảo đảm giá trị thực tế của chuẩn nghèo theo hướng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (Tờ trình số 59/Tr-BLĐTBXH, ngày 1-11-2008), với các mức như sau:

- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 300.000đ/người/tháng (dưới 3.600.000đ/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 390.000đ/người/tháng (dưới 4.600.000đ/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

Mức điều chỉnh theo phương án này tăng 150% so với chuẩn nghèo hiện hành, trong khi chỉ số CPI mới tăng khoảng 40% (năm 2007 là 12,63%, năm 2008 là 22,97%, và 6 tháng đầu năm 2009 tăng 2,68% so với tháng 12 năm 2008). Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên mức điều chỉnh chuẩn nghèo theo Tờ trình số 59/Tr-BLĐTBXH, ngày 1-11-2008.

Tuy nhiên, sẽ có một số vướng mắc khi thực hiện phương án này, đó là:

1. Chuẩn nghèo hiện hành áp dụng cho cả giai đoạn 2006-2010, bởi vậy, nếu điều chỉnh chuẩn nghèo năm 2009 thì sẽ chỉ còn thực hiện được năm 2010 (1 năm), và do đó, việc điều chỉnh không có ý nghĩa lớn.

2. Tuy chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh nhưng thời gian qua, để kiềm chế lạm phát và suy giảm kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Các chính sách đó đã, đang phát huy tác dụng.

3. Điều chỉnh chuẩn nghèo thì sẽ tăng hộ nghèo và kinh phí để thực hiện các chính sách giảm nghèo. Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, việc bố trí ngân sách tăng thêm cũng sẽ gặp khó khăn.

4. Nếu điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2009 sẽ gây lúng túng cho các địa phương trong tổ chức thực hiện và khó khăn trong việc đánh giá các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2006-2010).

Phương án II: Tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo hiện hành đến hết năm 2010; đồng thời, ban hành chuẩn nghèo mới (áp dụng giai đoạn 2011-2015) trong năm 2009, để năm 2010, các địa phương khảo sát, xác định hộ nghèo theo hướng cập nhật thêm chỉ số CPI năm 2010 và năm 2011, cụ thể như sau:

Giả định chỉ số CPI bình quân mỗi năm tăng 8%, với mức chuẩn nghèo đã được cập nhật chỉ số giá tiêu dùng đến cuối năm 2009, thì chuẩn nghèo đến năm 2011 sẽ bằng: mức chuẩn nghèo đã được cập nhật giá năm 2009 nhân với (x) chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 và nhân với (x) chỉ số giá tiêu dùng năm 2011, tương ứng với khu vực nông thôn và khu vực thành thị.

Theo phương án trên, chuẩn nghèo tương ứng với từng khu vực đến năm 2011 như sau:

- Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 350.000đ/người/tháng (dưới 4.200.000đ/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

- Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 450.000đ/người/tháng (dưới 5.400.000đ/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.

Ưu điểm của phương án này là:

Thứ nhất, chuẩn nghèo sẽ phản ảnh phù hợp hơn với thực trạng nghèo, không bỏ sót đối tượng hộ nghèo, bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách giảm nghèo.

Thứ hai là, các bộ có điều kiện rà soát, đánh giá và đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách giảm nghèo mới cho phù hợp.

Thứ ba, các địa phương có thời gian chuẩn bị và chủ động tổ chức rà soát hộ nghèo chặt chẽ, chính xác.

Từ những phân tích trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chuẩn nghèo theo Phương án II, và đề xuất tiến độ thực hiện như sau:

- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 trong quý III năm 2009.

- Quý IV năm 2009, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương pháp, công cụ, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức khảo sát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới.

- Sáu tháng đầu năm 2010, các địa phương sẽ tổ chức khảo sát hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới; đồng thời, tổ chức rà soát cả hộ cận nghèo theo quy trình hướng dẫn tại Thông tư số 25/2008/TT-BLĐTBXH, ngày 21-10-2008, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Các bộ liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo phù hợp với chuẩn nghèo mới.

- Trong năm 2009, tiến hành đánh giá, nghiên cứu, đề xuất chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015./.