TCCSĐT - Ngày 12-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia; chủ trì cuộc họp về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô; tiếp Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Myanmar U Chô Tin.

* Tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục liên thông văn bản quốc gia được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử”.

Đến nay, đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước (trong vòng 1 tháng đầu năm nay có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia là minh chứng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử: “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo WB…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia là bước đột phá quan trọng giúp cho việc chuyển và nhận văn bản từ Trung ương đến địa phương thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng quy định; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, khắc phục tình trạng tại một số cơ quan văn thư nhận văn bản giấy nhưng không nhận được văn bản điện tử, dẫn đến việc phải đợi bản điện tử để tiếp nhận, xử lý…

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được phát triển trên nền Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các vị khách quốc tế... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.

** Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với một số bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương về việc tháo gỡ một số khó khăn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành và địa phương đều khẳng định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp ô tô đối với sự phát triển của các địa phương và cả nước. Đặc biệt, tại các địa phương có các trung tâm công nghiệp ô tô, có đóng góp lớn vào ngân sách.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mong muốn Chính phủ ban hành các chính sách thuận lợi hơn nữa nhằm thúc đẩy công nghiệp phụ trợ để phục vụ cho chính ngành công nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước. Đây cũng là biện pháp quan trọng để thu hút các hãng công nghiệp ô tô lớn của thế giới đầu tư hoặc liên kết với các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ô tô.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghiệp ô tô là một ngành công nghệ cao, có vai trò quan trọng đối với phát triển công nghiệp của một quốc gia. Thủ tướng đánh giá cao thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư lớn phát triển ngành công nghiệp ô tô, cả lắp ráp, sản xuất ô tô, sản xuất phụ tùng ô tô ở trong nước, góp phần hình thành các trung tâm lớn về công nghiệp ô tô tại một số vùng cả nước, trong đó có các thương hiệu lớn như Trường Hải, Thành Công, Toyota, Vinfast.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần có chính sách thuận lợi hơn nữa để giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là công nghiệp phụ trợ, sản xuất các phụ tùng ngay tại trong nước để phục vụ cho công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, từ đó không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện chính sách về công nghiệp phụ trợ, trong đó có sản xuất phụ tùng cho ô tô, động cơ ô tô, để mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp này phải có sự đổi mới, sáng tạo, có chiến lược và bước đi phù hợp để đi đến thành công. Chính phủ sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Cùng với đó là cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các tập đoàn ô tô lớn thế giới; nghiên cứu thị trường trong nước và xuất khẩu để sản xuất các mặt hàng phù hợp, trong đó, ngoài tiến tới xuất khẩu ô tô nguyên chiếc thì cần xuất khẩu cả linh kiện ô tô.

Yêu cầu các địa phương tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp ô t, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo môi trường sống xanh, sạch cho người dân.

** Cũng chiều 12-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Myanmar U Chô Tin.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp Bộ trưởng U Chô Tin nhân dịp Bộ trưởng sang Việt Nam đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar; tin tưởng, thành công của Kỳ họp sẽ đóng góp quan trọng vào việc đưa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar phát triển thực chất và hiệu quả hơn nữa. Chúc mừng các thành tựu kinh tế-xã hội của Myanmar thời gian qua, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ nỗ lực của Myanmar trong việc thúc đấy tiến trình hòa bình và hòa giải dân tộc.

Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Myanmar U Chô Tin cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giành thời gian tiếp. Bộ trưởng U Chô Tin nêu rõ, quan hệ hai nước Việt Nam - Myanmar đang phát triển hết sức tốt đẹp và vui mừng thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả tốt đẹp của kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương hai nước.

Bộ trưởng U Chô Tin cho biết, quan hệ hai nước được thiết lập từ năm 1975 và không ngừng được tăng cường từ đó đến nay thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên. Chúc mừng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế; Bộ trưởng U Chô Tin cũng đặc biệt chúc mừng Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiền lần thứ hai, đóng góp tích cực vào củng cố hoà bình, ổn định thế giới. Cùng với đó, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước phát triển mạnh mẽ, còn nhiều dư địa phát triển. Lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

Cảm ơn những ý kiến của Bộ trưởng U Chô Tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước cần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Trước mắt là tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương vì hai nước còn nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác, cần có cơ chế tốt hơn để phối hợp phát triển.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ Myanmar tại các diễn đàn đa phương; mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nhất là trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng mong Bộ trưởng tiếp tục có nhiều đóng góp trong phát triển quan hệ hai nước nói riêng, quan hệ giữa các nước ASEAN nói chung.

Qua Bộ trưởng, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi đến Tổng thống, các nhà lãnh đạo Myanmar và đặc biệt là Cố vấn Nhà nước A-ung Xan-xu-ki./.