Tiếp tục phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, ngày 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật Kiến trúc; thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
* Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Một số đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất, xây dựng một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước; làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; quy định cụ thể việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ: Đối với quy định mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các quy định cụ thể về các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa. Các nội dung chi tiết, trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục của Luật và phù hợp với thực tiễn (Điều 31).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa (Điều 31); bổ sung quy định về thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi ban hành (khoản 1 Điều 31). Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104). Đồng thời, dự thảo Luật quy định: Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (Khoản 3 Điều 31).
Băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, có nhiều loại sách tham khảo bắt buộc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều 31 dự thảo Luật quy định: Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phân tích, Nghị quyết 29 đã nêu định hướng “biên soạn thêm sách giáo khoa hỗ trợ việc học và phải phù hợp với từng đối tượng người học”. Theo ông Chiến, định hướng đó không có nghĩa bậc học nào (từ mầm non tới tiểu học, trung học) cũng cần biên soạn nhiều bộ sách cho một môn học. Còn Nghị quyết 88 của Quốc hội thì nêu rõ “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thống nhất”. Ông Chiến đề nghị, dự thảo Luật cần quán triệt đầy đủ tinh thần của 2 Nghị quyết này cũng như đòi hỏi của dư luận xã hội là làm một bộ sách giáo khoa thống nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bám sát tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu phù hợp với thực tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc các trường lựa chọn dạy bộ sách giáo khoa nào sau khi tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh… là quá phức tạp. Bên cạnh đó, làm nhiều bộ sách sẽ xảy ra tình trạng các đơn vị biên soạn “chạy” để bộ sách của mình được sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội đã thể hiện tinh thần đổi mới theo hướng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, nhưng về chất lượng thì Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, cha mẹ học sinh là để bảo đảm tính tự chủ, linh hoạt trong giảng dạy, đặc biệt là để phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của mỗi vùng, miền và cộng đồng dân cư.
Giải trình về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Vì vậy, sau khi được thẩm định, các sách giáo khoa đưa vào lưu hành đều là sách giáo khoa chuẩn quốc gia.
** Cũng phiên họp sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự án Luật sẽ điều chỉnh 2 nhóm chính sách là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Về chính sách Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát thêm các quy định cho sát với thực tiễn, khả năng của ngân sách nhằm thúc đẩy tính xã hội hóa và phát huy năng lực sáng tạo.
Các đại biểu đồng tình cần có quy định nhằm phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, hạn chế kiến trúc ngoại lai gây phản cảm, phá vỡ cảnh quan kiến trúc mang tính lịch sử, văn hóa và môi trường hiện nay. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về nội hàm nhất là về phong cách, đặc điểm văn hóa các dân tộc. Quy định cần mang tính chính trị, tính định hướng nhằm cổ vũ, hướng dẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Liên quan đến chứng chỉ hành nghề, dự thảo Luật đã quy định 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc; Cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc và Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân.
Các đại biểu thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Luật Xây dựng đã quy định giao cho một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo những hạng nhất định. Kế thừa pháp luật về xây dựng và tránh xáo trộn trong hoạt động quản lý nhà nước, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh lập Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chuyên gia. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, các cơ sở nghiên cứu đào tạo về kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề, sát hạch hành nghề kiến trúc, thực hiện chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư.
Nhiều đại biểu cũng yêu cầu rà soát để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc, khắc phục tình trạng buông lỏng kiến trúc như vừa qua, nhất là tại đô thị, nông thôn, làm rõ vai trò nhạc trưởng trong hoạt động kiến trúc.
** Chiều 12-3, với 100% phiếu tán thành, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, Nghị quyết quy định có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Đó là, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, các trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tuy có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù như có vị trí địa lý biệt lập với các đơn vị hành chính khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp (nếu thực hiện sắp xếp sẽ tạo bất ổn về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội…), Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa thực hiện sắp xếp.
Đặc biệt, Nghị quyết đã quy định các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về số lượng lãnh đạo, quản lý; số lượng công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chế độ, chính sách thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đang chuẩn bị sắp xếp, gây khó khăn thêm cho việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức ở các đơn vị hành chính mới sau này, Nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cụ thể, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Nghị quyết cũng quy định việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đây là công việc khó, phức tạp và cần có lộ trình từng bước. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nhằm thể chế hóa các nguyên tắc, xác định khung pháp lý tạo cơ sở thuận lợi cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định trong giai đoạn 2019 - 2021.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sau khi ban hành Nghị quyết, Chính phủ cần có kế hoạch triển khai cụ thể để Nghị quyết sớm được thực thi. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong từng đề án cụ thể.
Kết thúc giai đoạn này, Chính phủ sẽ tiến hành tổng kết và báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính trong các giai đoạn tiếp theo theo yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị.
Cũng trong phiên họp chiều, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-3-2019)  (12/03/2019)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-3-2019)  (12/03/2019)
Kinh tế thế giới và Việt Nam: Triển vọng năm 2019  (12/03/2019)
Cải cách hành chính là động lực cho tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên  (12/03/2019)
Cải cách hành chính là động lực cho tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên  (12/03/2019)
Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/03/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên