Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-3-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:38, ngày 12-03-2019

TCCSĐT - Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị thành lập một ủy ban thường trực chuyên trách về xúc tiến đầu tư vào châu Phi trong bối cảnh các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Mỹ , EU và Ấn Độ đang chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại châu lục đầy tiềm năng này.

Sau 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 4% kế hoạch

Số giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành địa phương 2 tháng đầu năm 2019 mới đạt hơn 16.210 tỷ đồng, đạt 3,89% so với kế hoạch Quốc hội giao.

Theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, trong số giải ngân trên, vốn trong nước là gần 16.175 tỷ đồng (4,38% kế hoạch Quốc hội giao) còn vốn ngoài nước là hơn 35 tỷ đồng (đạt 0,07% kế hoạch Quốc hội giao).

Bộ Tài chính đánh giá, số liệu giải ngân 2 tháng năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương mặc dù có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân bởi những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án.

"Đồng thời, tháng Hai có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn", văn bản Bộ Tài chính nêu lên. Qua đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát báo cáo, Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các dự án đủ điều kiện.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn, Bộ Tài chính đề nghị thu hồi hết số vốn này để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 khẩn trương triển khai. Trước đó, ngày 19-02, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đôn đốc việc này.

Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Đối với thị trường chứng khoán, mục tiêu chung của đề án là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Cùng với đó, phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017; số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Theo đề án, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; triển khai các sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30 trước năm 2020 và từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu trước năm 2025.

Đề án đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; cơ cấu lại tổ chức thị trường; nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; giải pháp nâng hạng thị trường; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.

Trong đó, về giải pháp cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, Đề án nêu rõ cần đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc niêm yết, đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa đồng thời, thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Trong năm 2019, triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu khi đủ điều kiện; hoàn thiện bộ quy tắc chỉ số chứng khoán VN30 phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu; thiết lập đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính; đề xuất phương án phát hành các sản phẩm trái phiếu mới theo lộ trình phù hợp: trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát; cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi; triển khai phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế xanh và bền vững, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; phát triển các loại hình quỹ đầu tư ETF, quỹ đầu tư bất động sản nhằm đa dạng hóa các sản phẩm quỹ.

Bên cạnh đó, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn; bổ sung điều kiện về quy mô vốn, số lượng cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nhỏ trong công ty đại chúng.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính, việc giám sát và xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề; xây dựng, triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm cho các công ty niêm yết; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các Sở giao dịch Chứng khoán trong giám sát việc thực hiện các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty; khuyến khích các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín tham gia thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tiến tới quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu phải được định mức tín nhiệm.

Một trong những giải pháp cơ cấu lại tổ chức thị trường là tăng cường tính thanh khoản cho thị trường. Cụ thể, triển khai các loại lệnh mới trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt là các loại lệnh phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư chuyên nghiệp; triển khai hoạt động giao dịch trong ngày phù hợp với điều kiện của thị trường.

Cùng với đó, thực hiện việc nới rộng biên độ giao động giá trong ngày theo tính chất của từng phân bảng cổ phiếu niêm yết; áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh, tăng thời gian giao dịch áp dụng cho một số giao dịch đặc biệt; nghiên cứu triển khai mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán; cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch trái phiếu phù hợp với tính chất giao dịch thỏa thuận, đảm bảo chế độ báo cáo kịp thời, chính xác, xây dựng đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường; thực hiện các nghiệp vụ về phát hành bổ sung trái phiếu, hoán đổi trái phiếu, mua lại trái phiếu để hình thành các mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng thanh khoản, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường và quản lý phòng ngừa rủi ro danh mục nợ trái phiếu chính phủ.

Phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp theo thông lệ quốc tế; xây dựng Trung tâm Thông tin tập trung về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Liên minh châu Âu kéo dài danh sách "các thiên đường thuế"

Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết các nước EU đã bổ sung 10 cái tên mới vào dự thảo danh sách các thiên đường thuế, trong đó có Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Bermuda (thuộc Anh).

Danh sách mới nói trên dự kiến sẽ được các bộ trưởng tài chính EU xem xét, thông qua tại cuộc họp vào ngày 12-3 tới. Bản danh sách hiện tại chỉ bao gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Samoa, Trinidad and Tobago cùng với ba vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam và quần đảo Virgin.

Quan chức trên cho hay dự thảo danh sách mới sẽ được mở rộng lên con số 15; trong đó có UAE, Oman, Bermuda và các đảo khác tại Caribe và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các nước EU vẫn đang cân nhắc có đưa Bermuda và UAE vào danh sách chính thức hay không.

Danh sách các thiên đường thuế bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ý tưởng lập danh sách này của EU được khởi xướng từ tháng 4-2016, sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", trong đó Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới.

Tờ FD, nhật báo tài chính của Hà Lan, gần đây đưa tin trong năm 2017, Google đã sử dụng một cơ chế hợp pháp để chuyển gần 20 tỷ euro từ Hà Lan sang Bermuda để trốn thuế.

Theo các tài liệu tài chính mà báo trên có được và công bố hồi tháng Một vừa qua, Google đã chuyển 19,9 tỷ euro (tương đương 22,7 tỷ USD) sang Bermuda trong một chiến lược trốn thuế với mật danh "Double Irish, Dutch Sandwich".

Chính phủ Nhật Bản thành lập ủy ban xúc tiến đầu tư vào châu Phi

Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị thành lập một ủy ban thường trực chuyên trách về xúc tiến đầu tư vào châu Phi trong bối cảnh các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Mỹ , EU và Ấn Độ đang chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại châu lục đầy tiềm năng này.

Dẫn nguồn hãng tin Nikkei cho biết ủy ban trên có thể sẽ được ra mắt trong thời điểm diễn ra sự kiện Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD7) vào tháng Tám tới tại thành phố Yokohama của Nhật Bản, với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Nhật Bản và các nước châu Phi.

Hoạt động theo cơ chế phối hợp công-tư giữa chính phủ và các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại châu Phi, ủy ban này có chức năng tham mưu cho Chính phủ Nhật Bản những biện pháp nhằm tăng cường đầu tư vào "lục địa Đen," bao gồm việc soạn thảo những hiệp định đầu tư song phương và đa phương cũng như các thỏa thuận về ưu đãi thuế đầu tư.

Theo Nikkei, thành viên của ủy ban thường trực này sẽ bao gồm các quan chức từ Bộ Kinh tế-Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai) cùng đại diện các công ty vừa và nhỏ đang kinh doanh hoặc có mối quan hệ làm ăn tại châu Phi.

Dự kiến, mỗi năm ủy ban sẽ nhóm họp từ 2-3 lần dưới chủ trì lần lượt của từng thành viên. Song song với sự kiện TICAD7 vào tháng Tám tới, ủy ban thường trực này cũng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư dành riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản mong muốn đầu tư vào châu Phi với sự tham gia của các quan chức và doanh nghiệp hai bên.

Cuộc hội thảo với tên gọi B-TICAD này sẽ tập trung phân tích những thách thức của môi trường đầu tư tại châu Phi cũng như thu nhận ý kiến và các đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến hoạt động kinh doanh tại châu lục này.

Trung Quốc sắp thông qua dự luật tạo thay đổi cơ bản với FDI

Người phát ngôn Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Trương Nghiệp Toại ngày 04-3 cho biết Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu vào tuần tới đối với một dự luật sẽ đem lại "thay đổi cơ bản" cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về dự luật vào ngày 15-3, ngày cuối cùng trong kỳ họp thường niên. Động thái này được cho là có thể giảm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ.

Dự luật sẽ loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc, một vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Dự luật này cũng cam kết loại bỏ tiến trình thông qua theo từng trường hợp đối với đầu tư nước ngoài.

Thay đổi này sẽ bảo đảm rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng đặc quyền này như các công ty Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, ngoài trừ các lĩnh vực trong danh sách cấm.

Luật mới sẽ thay thế 3 đạo luật hiện hành về các liên doanh cân bằng giữa nước ngoài và Trung Quốc, các liên doanh không cân bằng và các công ty 100% vốn nước ngoài (FDI).

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã than phiền về việc thiếu sự tiếp cận công bằng cho các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, cũng như nạn đánh cắp tràn lan tài sản trí tuệ.

Ông Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng ấn tượng ban đầu về dự luật mới là tích cực, tuy nhiên các doanh nghiệp đang chờ đợi các nội dung chi tiết./.