Ngày 19-01, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo Anh rời Liên minh châu Âu (EU) với một thỏa thuận và bà cảm thấy có trách nhiệm tìm ra một giải pháp có trật tự.

Phát biểu trong một sự kiện ở thành phố Rostock ở miền Bắc nước Đức, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ nỗ lực tới ngày cuối cùng để tìm ra giải pháp giúp sự kiện Brexit (Anh rời EU) có một thỏa thuận cuối cùng và đảm bảo Anh và EU có mối quan hệ tốt nhất sau Brexit.

Bà cũng cho biết Đức tôn trọng quyết định ra đi của Anh nhưng cũng nói thêm rằng EU có trách nhiệm định hình một tiến trình "chia ly" để 50 năm nữa sẽ không có ai nói lời từ chối với liên minh này và luôn phải cân nhắc khả năng để tránh phải thỏa hiệp.

Nhà lãnh đạo Đức cũng tái khẳng định Anh sẽ là đối tác quan trọng với EU hậu Brexit.

Trước đó, bà Merkel từng nói mọi việc hiện phụ thuộc vào Thủ tướng Anh Theresa May để quyết định hướng đi tiếp của Brexit.

Tiến trình Brexit đang rơi vào trạng thái mất phương hướng sau khi thỏa thuận "chia tay" mà Anh và EU ngã ngũ hồi tháng 11-2018 sau 2 năm đàm phán trắc trở cuối cùng lại "chết yểu" tại Hạ viện Anh.

Các kịch bản được nhắc tới nhiều nhất vào lúc này là một Brexit không thỏa thuận hoặc một cuộc trưng cầu ý dân lại khi chỉ còn 10 tuần nữa là Brexit chính thức diễn ra.

Việc Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit với số phiếu phản đối áp đảo càng khiến cho thỏa thuận này bị mổ xẻ nhiều hơn trên mặt báo.

Lo ngại những thông tin phân tích trên truyền thông có thể tạo ra những hiểu lầm, chính phủ Cộng hòa Ireland, một trong những quốc gia chịu tác động trực tiếp từ thỏa thuận, khẳng định cam kết của quốc gia này với thỏa thuận Brexit được Anh và EU thông qua hồi tháng 11-2018, là chắc chắn kể cả với điều khoản "rào chắn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Điều khoản này cho phép Anh ở lại liên minh thuế quan EU và vùng Bắc Ireland ở lại thị trường chung châu Âu cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại để tránh thiết lập đường biên giới cứng trên đảo Ireland, một kịch bản có thể làm tái bùng phát xung đột bạo lực tại vùng đất này về vấn đề quy chế lãnh thổ./.