Kinh tế Việt Nam sẽ có bứt phá mới trong năm 2019
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2018, cùng tinh thần quyết liệt mạnh mẽ ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng năm nay kinh tế Việt Nam sẽ có những bứt phá mới.
Những kịch bản tăng trưởng
Cuối năm 2018, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế 2018, nhận định những thuận lợi, thách thức cùng xem xét triển vọng phát triển của các ngành, lĩnh vực, các nhân tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019, các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2019.
Theo đó, dựa trên các biến số: tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giá tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới; một số đánh giá tác động của Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động và biến động tỷ giá, biến động lãi suất; tăng trưởng tín dụng; nợ công, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã đưa ra hai kịch bản dự báo.
Đó là, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ dao động trong khoảng từ 6,84 - 7,02%.
Dựa trên các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 kịch bản trong thời gian tới.
Cụ thể, kịch bản 1 dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế, GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 - 2020. Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.
Riêng năm 2019, Tổ tư vấn Kinh tế nhận định Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,9 - 7% và lạm phát dưới 4%.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (Nghị quyết 01), Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực. Theo đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được xây dựng tăng trưởng 3%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,57%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất với 12,09%; ngành khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 4,4%).
Tăng trưởng GDP quý 1 ở mức tăng 6,93%; quý 2 tăng 6,7%; quý 3 tăng 7,03%; quý 4 tăng 6,63%. Cả năm 2019, tăng trưởng GDP là 6,8%.
Đặc biệt, tại Nghị quyết lần này, Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ liên quan ngành, lĩnh vực có trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện.
Nhìn vào các chỉ số trên cho thấy, so với năm 2018, Chính phủ xây dựng mức tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đều thấp hơn từ 0,76% đến trên 1%; riêng lĩnh vực công nghiệp khai khoáng giảm mạnh nhất với 1,29%. Điều này cho thấy, Chính phủ có sự thận trọng trước những thách thức từ tác động của tình hình thế giới, trong nước và tiếp tục đi theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
Hướng tới mục tiêu “kép”
Trong bài viết đánh giá về tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trong năm 2018 và những định hướng trong năm 2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp đầu năm mới 2019, Thủ tướng đánh giá đất nước bước vào năm 2019 trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Đó là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện.
Ở trong nước, kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới và tiếp tục đà phát triển thuận lợi những năm gần đây, tiềm lực đất nước vững mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và những khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn trong khi tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ứng dụng công nghệ cao ở nhiều ngành, lĩnh vực còn hạn chế. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn mà các cấp, các ngành và khu vực kinh tế trong nước cần vượt qua để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Với những khó khăn, thách thức trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% như đã đề ra, Việt Nam cần một sự bứt phá trong năm 2019.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhìn nhận: Bứt phá tựu chung lại là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Quốc hội giao.
"Bứt phá còn là sự quyết tâm của cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; hệ thống chính trị chứ không riêng các cơ quan của Chính phủ,” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết.
Theo đó, tại Nghị quyết 01, Chính phủ đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước bắt tay vào triển khai với một tinh thần tiến công.
Cụ thể, các bộ, ngành liên quan thực hiện việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường; điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình và liều lượng phù hợp. Cùng đó, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay; tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với điều kiện vùng, miền, sản phẩm, ngành hàng; coi phát triển nông nghiệp hiệu quả cao là trọng tâm, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và phát triển thị trường là khâu đột phá.
Về lĩnh vực công nghiệp, Chính phủ yêu cầu ngành công thương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án công nghiệp trọng điểm cùng với xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Đáng chú ý, năm 2019, ngành công thương chú trọng khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông...
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp công nghệ.
Cùng với việc giao các nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tổ chức giao ban hàng tháng/quý kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết 01 đồng thời, chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.
Theo tiến sỹ Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, Chính phủ cần chỉ đạo tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm trong cơ cấu nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị tường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Đề cập tới giải pháp thúc đẩy thực thi chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, năm 2019, Chính phủ cần giải quyết tình trạng “tồn kho” chính sách để tăng hiệu quả thế chế.
Theo đó, ông đề xuất Chính phủ cần giao cho Bộ Nội vụ hoặc thành lập một Tổ với nhiệm vụ giúp việc cho Thủ tướng rà soát các chính sách; trong đó chính sách nào tốt nhưng không được thực hiện, không bám sát được thực tiễn hay vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, Chính phủ giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành trong thiết kế và triển khai chính sách. Từng bộ, ngành có bộ phận đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi từng giải pháp, chính sách.
Sau khi đã giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, Chính phủ cần thông qua các kênh đa dạng khác nhau để lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp và người dân cũng như từ chính quyền cơ sở. Nếu các chính sách thực thi yếu thì người đứng đầu tổ chức ban hành các chính sách cần có trách nhiệm giải trình và có lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề.
Khá lạc quan từ việc phân tích “đằng sau” những con số tăng trưởng của năm 2018, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính ngân hàng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang có thay đổi về mặt chất lượng. Đây sẽ là vấn đề cốt lõi góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
Với các yếu tố tích cực từ đà tăng trưởng của năm 2018, một khung chương trình hành động thực chất cùng việc phân công giám sát chặt chẽ, đặc biệt là tinh thần quyết tâm từ Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, tổ chức trong nước cho rằng, đó sẽ là cơ sở vững chắc cho sự bứt phá nền kinh tế trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ hy vọng: “Chúng ta có cơ sở để lạc quan tin tưởng năm 2019 sẽ thành công “mục tiêu kép” là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP"./.
Nhiều địa phương tổ chức Tết sum vầy năm 2019  (19/01/2019)
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Ninh Thuận  (19/01/2019)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo trên cả nước  (19/01/2019)
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban kinh tế xã hội  (19/01/2019)
Bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh  (19/01/2019)
Củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước  (19/01/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay