Kịch bản “không thỏa thuận” trong việc Anh rời Liên minh châu Âu
Hôm 15-01 vừa qua, với tỷ lệ 202
phiếu thuận và 432 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit
mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi cuối năm
ngoái. Điều này đã gây ra sự xáo trộn trên chính trường Anh, thậm chí có
thể đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về việc Anh rời
khỏi EU.
Các đảng phái chính trị tại Anh đang bất đồng về cách thức triển khai Brexit sau khi thỏa thuận mà chính phủ công bố bị Hạ viện bác bỏ trong khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Brexit chính thức diễn ra. Theo các quy định của EU về việc một quốc gia thành viên rời khỏi liên minh, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3 tới mà không có thỏa thuận nào nếu quốc hội nước này không thông qua một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải hủy bỏ Điều khoản 50, chọn ở lại lâu dài với EU. Như vậy, có hai cách để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận: bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận Brexit đã được bà và giới chức EU nhất trí hoặc hủy bỏ Điều khoản 50, thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Thủ tướng May nhấn mạnh việc thay đổi kết quả trưng cầu ý dân là một sự sai lầm.
Gấp rút tìm kiếm giải pháp
Sau thất bại tại Hạ viện, Thủ tướng Anh Theresa May tổ chức một loạt các cuộc họp với các bộ trưởng trong nội các của bà cũng như trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu sau khi thỏa thuận Brexit bị Hạ viện bác bỏ.
Trong nước, Thủ tướng Anh Theresa May tìm cách tham vấn với các lực lượng đối lập để tìm giải pháp. Sau khi Chủ tịch Công đảng đối lập Jeremy Corbyn từ chối tham vấn với Thủ tướng May và yêu cầu bà phải bảo đảm điều kiện tiên quyết là sẽ không đưa nước Anh rời bỏ hoàn toàn EU mà không có bước chuẩn bị nào cho tương lai, coi đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán nhằm đạt được thỏa hiệp, Thủ tướng May đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Corbyn từ chối lời mời gặp của bà để thảo luận các hướng đi tiếp theo sau khi thỏa thuận Brexit không vượt qua được "ải" Hạ viện. Bà khẳng định luôn "mở rộng cửa" để gặp lãnh đạo Công đảng Corbyn mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, cũng như sẵn sàng thảo luận các đề xuất của ông trong đó có việc giữ Anh ở lại liên minh thuế quan với EU. Bà May cũng khẳng định chưa thể loại trừ khả năng Brexit không thỏa thuận nếu các bên không cùng nhau ngăn chặn kịch bản này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cũng nêu rõ rằng việc loại trừ khả năng Brexit không thỏa thuận không thuộc quyền hạn của chính phủ. Theo các quy định của EU về việc một quốc gia thành viên rời khỏi khối, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3 tới mà không có thỏa thuận nào nếu quốc hội nước này không thông qua một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải hủy bỏ Điều khoản 50, chọn ở lại lâu dài với EU. Như vậy, có 2 cách để tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận: bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận, đặc biệt là thỏa thuận Brexit đã được bà và giới chức EU nhất trí hoặc hủy bỏ Điều khoản 50, thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, Thủ tướng May nhấn mạnh việc thay đổi kết quả trưng cầu ý dân là một sự sai lầm.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cảnh báo đảng này sẽ ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu nếu Thủ tướng Anh Theresa May không "gạt bỏ những giới hạn đỏ" của bà về Brexit sau khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận.
Ông Corbyn nêu rõ bà May phải gạt bỏ những giới hạn đỏ và nghiêm túc nghĩ về những đề xuất cho tương lai. Phía Công đảng cũng như ông sẵn sàng thảo luận với nữ Thủ tướng về một thỏa hiệp miễn sao bà loại trừ khả năng về một Brexit không thỏa thuận. Thủ lĩnh Công đảng cảnh báo bà May không nên gây áp lực hay cố gắng tiến hành bỏ phiếu lại đối với bản thỏa thuận Brexit mới vừa bị bác bỏ.
Trong bài phát biểu tại thành phố Hasting miền Nam nước Anh, ông Corbyn cũng cảnh báo nếu chính phủ tiếp tục cứng rắn, hay nếu sự ủng hộ đối với giải pháp thay thế của Công đảng bị chặn lại do mâu thuẫn đảng phái và nước Anh phải đối mặt với nguy cơ Brexit không thỏa thuận, Công đảng sẽ buộc phải tìm kiếm các hướng đi thay thế, bao gồm cả việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác.
Theo thủ lĩnh Công đảng, kế hoạch Brexit thay thế của đảng này bao gồm một liên minh thuế quan với EU, một mối quan hệ vững mạnh với thị trường đơn nhất và bảo vệ những quyền lao động và môi trường.
Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh dẫn một bản hướng dẫn của chính phủ, theo đó phải mất hơn 1 năm mới có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit.
Cựu lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), Nigel Farage, người có tư tưởng dân túy và ủng hộ Brexit, cho rằng Vương quốc Anh dường như sẽ trì hoãn thời điểm rời khỏi Liên minh châu Âu và nhiều khả năng sẽ diễn ra một cuộc trưng cầu ý dân khác liên quan đến vấn đề này.
Ông Farage dự đoán rằng Hạ viện Anh sẽ đảo ngược tiến trình Brexit và nhiều khả năng kết quả sau cùng sẽ là việc gia hạn tiến trình này theo quy định trong Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon. Cựu thủ lĩnh UKIP cho rằng phe ủng hộ Brexit cần chuẩn bị kỹ một khi xảy ra một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai.
Khả năng ở lại EU và cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai
Trong một bức thư được đăng tải trên báo "The Times", tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer kêu gọi Anh tiếp tục là thành viên của EU, thay vì rời khỏi khối này.
Bà Kramp-Karrenbauer, người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel trong vai trò người đứng đầu CDU, cùng một số chính trị gia, nhà tư bản công nghiệp và nghệ sĩ Đức đã đưa ra lời đề nghị trên trong bức thư. Theo đó, nội dung bức thư đã nhấn mạnh vai trò và sự đóng góp của Anh trong việc giúp "Lục địa già" trở nên thịnh vượng và phát triển như ngày hôm nay. Giới chính trị gia Đức cũng nhắc lại thời điểm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi đó nước Anh đã mở rộng cửa chào đón nước Đức như một quốc gia chủ quyền và một cường quốc châu Âu. Bức thư khẳng định nước Đức không bao giờ quên điều này. Bên cạnh đó, bà Kramp-Karrenbauer và các tác giả khác cho rằng việc Anh rời khỏi EU sau hơn 45 năm là thành viên, sẽ khiến EU gợi nhớ những nét truyền thống vốn có của nước Anh, và trên hết là người dân nước này.
Trong khi đó, theo cuộc thăm do ý kiến do YouGov tiến hành hôm 16-01, nếu có một cuộc trưng cầu ý dân khác vào thời điểm hiện tại, số người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU sẽ cao hơn số người lựa chọn rời khỏi là 12 điểm phần trăm. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, 56% số người được hỏi sẽ bỏ phiếu ở lại EU và 44% sẽ bỏ phiếu rời khỏi khối này. Ngoài ra, có tới 78% những người ủng hộ Công đảng muốn tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit.
Đây là khoảng cách lớn nhất trong số các cuộc khảo sát về Brexit được tiến hành kề từ cuộc trưng cầu ý dân gây bất ngờ năm 2016. Trong cuộc trưng cầu ý dân này, 17,4 triệu cử tri, tương đương 51,9%, bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU, trong khi 16,1 triệu cử tri, tương đương 48,1%, ủng hộ ở lại khối này.
EU để ngỏ một thỏa thuận tham vọng hơn với Anh
Trước tình hình đó, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu về Brexit, Michel Barnier cho biết EU để ngỏ khả năng có được một thỏa thuận Brexit "tham vọng" hơn so với thỏa thuận vừa bị Quốc hội Anh bác bỏ. Ông Barnier tuyên bố nếu London bày tỏ mong muốn một mối quan hệ tham vọng hơn, EU sẵn sàng mở lối.
Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Bồ Đào Nha, ông Barnier khẳng định EU cũng đã thông qua các biện pháp dự phòng để đề phòng trường hợp Brexit "không thỏa thuận". Tuy nhiên, rất khó để thực hiện các biện pháp này, đặc biệt trong điều kiện vẫn tồn tại sự hoài nghi. Do đó, tốt nhất vẫn cần đạt được một thỏa thuận.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Costa tuyên bố vì thỏa thuận này đã bị Quốc hội Anh bác bỏ, nên hiện bước tiếp theo không phụ thuộc vào EU hay Trưởng đoàn đàm phán EU, mà phụ thuộc vào Anh. Ông khẳng định Lisbon sẽ hợp tác chặt chẽ về mặt chính trị với các thể chế EU liên quan Brexit.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong những ngày tới đây, Berlin sẽ nỗ lực để có thể đảm bảo một thỏa thuận được thực hiện khi diễn ra Brexit. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh với sự bế tắc của Quốc hội Anh về các điều khoản Brexit như hiện nay, Đức sẵn sàng cho cho một Brexit "lộn xộn".
Phát biểu trước các nghị sĩ trong Quốc hội Liên bang, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức khẳng định Berlin sẽ cố gắng hết sức có thể để ngăn chặn mọi tác động tiêu cực ảnh hưởng tới người dân và các công ty, doanh nghiệp Đức. Cũng theo Ngoại trưởng Maas, nếu có điều gì đó mang tính tích cực trong quá trình này, thì đó chính là sự đoàn kết của 27 nước thành viên EU còn lại và Đức có trách nhiệm duy trì sự thống nhất này sau Brexit.
Nhiều nước EU chuẩn bị kế hoạch ứng phó kịch bản Brexit “cứng"
Các quốc gia trong Liên minh châu Âu đang chi hàng triệu USD, tuyển hàng nghìn công nhân và ban hành các quy định khẩn cấp nhằm ứng phó với kịch bản nước Anh sẽ rời khối liên minh này vào ngày 29-3 tới mà không có thỏa thuận.
Một "Brexit cứng" có thể gây chấn động phần còn lại của châu lục ở nhiều phương diện mà nhiều người dân EU chưa ý thức được, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa này, Pháp đã kích hoạt kế hoạch chi 50 triệu euro đầu tư vào các cảng biển và sân bay "bị ảnh hưởng nhiều nhất". Theo Thủ tướng Edouard Philippe, một số cảng sẽ được xây dựng thêm nơi đỗ ô tô, một số cảng khác sẽ được trang bị các hạ tầng để phục vụ công tác kiểm tra hải quan. Ngoài ra, nước này cũng lên kế hoạch tuyển dụng hàng trăm nhân viên hải quan và thanh tra thú y.
Bồ Đào Nha cũng dự định mở các làn xếp hàng đặc biệt tại các sân bay dành cho du khách Anh, nguồn khách du lịch chủ yếu của đất nước này. Theo Thủ tướng nước này Antonio Costa, 80% du khách Anh có thể đến các sân bay ở Faro, Algarve và Funchal ở quần đảo Madeira, nơi có các làn xếp hàng riêng cho các công dân Anh.
Trong khi đó, giới chức Hà Lan cho biết họ hy vọng điều tốt nhất song cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Cơ quan hải quan đang lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 900 nhân viên mới, cũng như đang tìm kiếm các bác sĩ thú y giỏi để phụ trách kiểm tra việc nhập khẩu động vật.
Tại Berlin, giới lập pháp Đức đang thảo luân dự luận giải quyết một số vấn đề hành chính nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra. Về phần mình, các chính phủ từ vùng ven Đại Tây Dương của châu Âu tới Biển Đen cũng đang chuẩn bị các quy định dành cho công dân Anh sống và làm việc tại các nước này khi họ không còn được hưởng quyền cư trú EU, đồng thời hy vọng Chính phủ Anh cũng có hành động tương tự với công dân các nước này.
Giới lãnh đạo Romania đã tìm cách trấn an khoảng một nửa triệu công dân nước này đang sinh sống tại Anh rằng họ sẽ không bị bỏ rơi song vẫn chưa đưa ra được các kế hoạch cụ thể. Cộng hòa Séc và Slovakia cũng đang tích cực xúc tiến đạo luật về các quyền ngắn hạn của các công dân Anh nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra. Trong khi đó, Hà Lan cũng sẽ cho phép các công dân Anh tiếp tục ở lại thêm 15 tháng và cho họ cơ hội nộp đơn xin cư trú.
Hiện nguy cơ Brexit không thỏa thuận không chỉ khiến người dân Anh mà ngay cả các doanh nghiệp ở châu Âu lo ngại khi việc lưu thông hàng hóa bị việc tái áp đặt các quy định và biên giới ngáng trở. Người đứng đầu tổ chức BusinessEurope, Markus Beyrer khẳng định Brexit không thỏa thuận rõ ràng là "điều không thể chấp nhận" đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Theo ông, cần phải tránh kịch bản gây hỗn loạn và xáo trộn này. Trong khi đó, Liên đoàn Hiệp hội ngành dược phẩm châu Âu (EFPIA) cảnh báo mối đe dọa trực tiếp đối với sự an toàn của bệnh nhân và sức khỏe của người dân tại Anh cũng như trên khắp châu Âu nếu kịch bản Brexit "cứng" xảy ra. Theo đó, những tranh cãi về vấn đề biên giới có thể làm cản trở việc cung ứng dược phẩm, trong khi các nhà sản xuất thuốc tại cả Anh và EU đều sẽ không còn được hưởng lợi từ các quy định chung hay cấp phép dược phẩm./.
Các nước khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận CPTPP  (20/01/2019)
Kinh tế Việt Nam sẽ có bứt phá mới trong năm 2019  (20/01/2019)
Nhiều địa phương tổ chức Tết sum vầy năm 2019  (19/01/2019)
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Ninh Thuận  (19/01/2019)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội thăm, tặng quà Tết cho hộ nghèo trên cả nước  (19/01/2019)
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban kinh tế xã hội  (19/01/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay