TCCS ĐT - Ngày 7-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó đánh giá nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Việt Nam là thấp, đồng thời nhấn mạnh, xây dựng có thể là ngành quyết định cho mức tăng trưởng mà WB dự báo sẽ đạt 5,5% năm 2009.

Giám đốc WB tại Việt Nam, ông Mác-tin Ra-ma nhận xét, năm 2008 Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn như lạm phát tăng cao, bong bóng giá bất động sản và thâm hụt thương mại gia tăng, các thị trường tín dụng bị thắt chặt, giá hàng hóa đổ dốc và thương mại toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng tích cực thông qua các chính sách quyết liệt như chuyển hướng ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định nền kinh tế vào tháng 3-2008. Đến tháng 11-2008, một lần nữa Chính phủ lại có những bước chuyển hướng sang hỗ trợ hoạt động kinh tế. Nhờ đó mà bất chấp những trở ngại, Việt Nam vẫn vượt qua năm 2008 khá thành công.

Nguy cơ khủng hoảng tài chính, khủng hoảng cán cân thanh toán ở Việt Nam là thấp

Theo các chuyên gia WB, tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới Việt Nam là không đáng kể, do các ngân hàng của Việt Nam không tiếp cận với các sản phẩm "độc hại", cũng như không nằm trong quyền kiểm soát của các ngân hàng nước ngoài trong diện rủi ro cao. Vì thế, lo ngại về những vấn đề trong nước bắt nguồn từ việc cho vay đầu tư bất động sản thiếu thận trọng vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 đang dần lắng xuống. Hơn thế, hầu hết các khoản vay giải ngân trong giai đoạn bong bóng giá tài sản đều đến kỳ đáo hạn mà không cần phải tăng biên độ NPL. Các ngân hàng cổ phần lớn đều tăng vốn cổ đông, duy trì mức lợi nhuận và cải thiện danh mục đầu tư. Các ngân hàng nhà nước đã xiết chặt cơ chế cho vay và thu lợi nhuận lớn thông qua việc mua lại trái phiếu bán ra bởi nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, khối ngân hàng cổ phần nhỏ và yếu hơn cũng thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu theo quy định.

Thâm hụt thương mại giảm, chuyển dần sang thặng dư nhỏ, lạm phát giảm

Thực tế, xuất khẩu giảm với mức sụt giá mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu kể từ giữa năm 2008 và số lượng đơn đặt hàng thưa thớt đối với các sản phẩm may mặc, giày dép và các sản phẩm khác. Tuy nhiên, Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn các nước khác là do khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần. Các chuyên gia WB cho biết, năm 2009 Việt Nam có thể sẽ được Hoa Kỳ cho vào danh sách hưởng ưu đãi từ hệ thống ưu đãi phổ cập. Hơn nữa, nhập khẩu thậm chí đang giảm nhanh hơn xuất khẩu, một phần do tỷ trọng nhập khẩu trong các sản phẩm xuất khẩu phi hàng hóa khá cao. Các công ty đầu tư nước ngoài đều là các nhà nhập khẩu ròng. Vì thế, việc các luồng FDI chậm lại sẽ đồng nghĩa với thâm hụt thương mại giảm xuống.

Cũng theo các tác giả của bản báo cáo, thâm hụt thương mại năm 2009 ước tính ở mức thấp hơn và các luồng vốn ngắn hạn có thể hạn chế sự biến động của tỷ giá hối đoái. Trên thực thế, tiền đồng tăng giá khá mạnh trong năm 2008, ở mức 25% - cao hơn tăng trưởng GDP thực gấp 4 lần. Vì vậy, khả năng giảm giá thực tế đồng tiền Việt Nam trong năm 2009 là thấp. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang từng bước áp dụng một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn. Xu hướng trên một phần là do giá lương thực và nhiên liệu trên thị trường quốc tế giảm. Phần khác là do trong 2 tháng cuối năm, lạm phát lại tiếp tục tăng, do chịu tác động của các yếu tố thời vụ, đồng thời cũng phản ánh việc chính sách tiền tệ nhanh chóng được nới lỏng.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu yếu ớt trên thị trường toàn cầu. Việc đóng cửa các xí nghiệp và sa thải nhân công đã cho thấy sức cầu trong nước đang thấp đi. Tín dụng ngân hàng và bảo lãnh cho vay với lãi suất thấp có thể kéo lại sức cầu do đầu tư thương mại đã cạn kiệt nguồn vốn. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp không thể khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nếu như không có nhu cầu đối với các sản phẩm của họ. Các chuyên gia WB cho rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công, và, xây dựng sẽ là ngành có khả năng bù đắp lớn nhất cho việc sụt giảm ngành sản xuất trong nước trong năm 2009./.