TCCS ĐT - Biến đổi khí hậu và tác động của nó đến sự sống trên hành tinh đã trở thành vấn đề toàn cầu nóng bỏng. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thiên nhiên đã trở thành mục tiêu và nguyên tắc phát triển của các quốc gia.

Những cảnh báo đáng quan tâm

Trái đất đang nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao là một nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn tại của trái đất. Các nhà khoa học thuộc Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho rằng, trong thế kỷ này, mực nước biển có thể tăng 81 cm. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của một số trung tâm nghiên cứu khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu và môi trường, mực nước biển có thể tăng cao gấp hai lần mức dự báo trên (vào khoảng 163 cm).

Mực nước biển tăng là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các nguy cơ lớn như: sản xuất nông nghiệp suy giảm và đi kèm với nó nạn thiếu đói; tình trạng thiếu nước, các hệ sinh thái tan vỡ và đi kèm với chúng là dịch bệnh hoành hành. Thậm chí, tình trạng thiếu nước còn có thể gây ra các biến động lớn về chính trị-xã hội, chiến tranh cục bộ và nội chiến. Một nghiên cứu cho thấy, sẽ có ít nhất 3 tỉ người rơi vào cảnh thiếu lương thực vào năm 2100 do trái đất ấm lên. Tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới diễn ra tại Tây Ban Nha tháng 10 năm 2008, Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) đã liệt kê 12 loại dịch bệnh có thể lan truyền do thay đổi khí hậu.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho rằng: thiếu hụt nước là một đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nhân loại. Rất nhiều nơi trên trái đất đang có nguy cơ bị nước biển xóa tên như các đảo ở Ấn Độ Dương, ở Thái Bình Dương hay bị biển đe dọa như những vùng đất trải dài từ Băng-la-đét tới Ai-cập. Tình hình này sẽ dẫn đến các cuộc di cư lớn. Các nhà khoa học về dân số và môi trường ước tính tổng số người tỵ nạn vì lý do thời tiết trên thế giới hiện vào khoảng từ 25 tới 50 triệu người, nhiều hơn số 20,8 triệu người tỵ nạn vì lý do chính trị và xung đột vũ trang. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các cuộc xung đột vũ trang và nội chiến trong tương lai gần.

Ở Việt Nam, trong mấy chục năm gần đây thời tiết có nhiều biến đổi bất thường. Bão, lũ, hạn hán xảy ra khắp cả nước, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân. Những trận lũ xảy ra liên tục hết đợt này đến đợt khác ở các tỉnh miền Trung, các đợt triều cường lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh, các đợt rét kéo dài ở Bắc Bộ hay trận bão Du-ri-an bất thường xảy ra tại Nam Bộ tháng 12-2006...là những diễn biến không bình thường của thời tiết.

Tại kỳ họp thứ 9 Đại hội đồng Diễn đàn nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển với chủ đề “Dân số, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển bền vững” tại Hà Nội tháng 12-2008, các đại biểu đánh giá Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thuỷ văn Trung ương, trong vòng khoảng 50 năm từ 1951 đến năm 2000, nhiệt độ trung bình/ năm đã tăng lên 0,70C. Nhiệt độ trung bình/ năm của 40 năm gần đây (1961-2000) cao hơn trung bình/ năm của 30 năm trước đó (1931-1960). Nhiệt độ trung bình/ năm của thập niên 1991-2000 ở Hà Nội,Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đều cao hơn trung bình của thập niên 1931- 1940 lần lượt là 0,8; 0,4 và 0,60C. Năm 2007 nhiệt độ trung bình/ năm cả ba nơi đều cao hơn trung bình của thập niên 1931-1940 là 0,8-1,30C và cao hơn thập niên 1991-2000 từ 0,4-0,50C.
 
Theo báo cáo về phát triển con người 2007-2008 của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nếu nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2oC, thì 22 triệu người ở Việt Nam sẽ mất nhà cửa và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của Việt Nam sẽ bị nước biển nhấn chìm. Nếu không có giải pháp tích cực, trong vài chục năm tới nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3oC và mực nước biển có thể dâng lên 1m vào năm 2100. Khi đó sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, hằng năm có khoảng 40.000km2 đồng bằng ven biển bị ngập.

Chịu ảnh hưởng rõ nhất do việc nước biển dâng là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất thấp nhất của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có tổng diện tích 34.322km2, trong đó 18.066km2 đất thuộc các huyện, xã ven biển. Trong mấy năm gần đây, yếu tố khí tượng thuỷ văn tại khu vực này tiếp tục thay đổi theo chiều hướng xấu, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và khó dự đoán.

Các nhà khoa học cảnh báo, khi mực nước biển dâng cao từ 0,2-0,6m, sẽ có 1.708km2 đất bị ngập, ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 110 nghìn người. Trong trường hợp nước dâng cao hơn mức dự đoán trên (khoảng 2m như UNDP cảnh báo) khu vực này có thể bị mất đến 20.000km2 đất.

Ngoài đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển cũng chịu sự đe dọa không nhỏ của việc nước biển dâng cao và các thiên tai từ biển đổ ập đến. Với trên 3.000km bờ biển, nước ta được coi là quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương cao hơn trước sự biến đổi khí hậu. Các huyện, xã ven biển miền trung, thời gian gần đây đang bị nước biển xâm lấn đến mức báo động. Nhiều xã nằm cách bờ biển từ 5 đến 10km, nhưng đã và đang bị nước mặn tấn công.

Miền Trung và các tỉnh ven biển Bắc Bộ hàng năm vẫn phải oằn mình chống chọi sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão biển Đông và những trận lũ quét bất ngờ ập đến. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố của thế giới bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Mưa lũ, triều cường dâng cao ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có xu hướng gia tăng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thành phố và đời sống của hàng triệu người dân thành phố lớn nhất Việt Nam này.

Tuy không xếp vào tốp 10 thành phố bị đe dọa, nhưng Hà Nội cũng là nơi phải chịu tác động khá nhiều của biến đổi khí hậu.

Cường độ mưa đang có xu hướng tăng lên rõ rệt trên phần lớn lãnh thổ, lượng mưa có xu hướng giảm đi trong tháng 7, 8 nhưng lại tăng lên trong các tháng 9, 10, 11. Thời điểm mưa đã thay đổi, mùa khô kéo dài hơn, mùa mưa nhiều mưa hơn, khiến cho hạn hán và lũ lụt đều có chiều hướng tăng lên.

Ngoài các biểu hiện bất bình thường của thời tiết do biến đổi khí hậu kể trên, môi trường Việt Nam còn đang bị hủy hoại bởi các yếu tố chủ quan do những hoạt động thiếu ý thức của con người. Ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung, tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm… đã ở mức báo động.

Ở khu vực nông thôn, nhiều con sông đang trở thành những dòng sông chết; nhiều cánh đồng màu mỡ đang bị hại bởi các nhà máy gây ô nhiễm và các sân gôn.

Tài nguyên rừng ngày một suy giảm, khả năng ngăn lũ ngày càng kém. Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam rất có nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới.

Cùng với những nguyên nhân khách quan mang tính toàn cầu, thì những nguyên nhân chủ quan, làm cho tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta thêm trầm trọng.

Những biến động bất thường về thời tiết ở nước ta trong vòng 50-60, sáu mươi năm trở lại đây cho thấy những cảnh báo trên rất đáng quan tâm. Nếu không chủ động ứng phó, hậu quả xảy ra rất nghiêm trọng và khó lường. Trước mắt nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân, gây khó khăn, thậm chí làm phá sản các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhìn xa hơn, đó là vận mệnh của cả dân tộc đang bị đe dọa.

Làm gì để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường?

Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc xuyên suốt quá trình phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu rõ: “Coi trọng việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội”(1).  Đảng cũng đã chỉ ra một hệ thống các nội dung cần thực hiện quan điểm trên, coi đó là đường lối phát triển bền vững trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biến đường lối đó thành hành động cụ thể, thiết thực và có hiệu quả. Xuất phát từ đó, chúng tôi thấy cần triển khai một số công việc trước mắt như sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến một cách cơ bản nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ thể các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về chính sách phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước. Từng cán bộ, đảng viên, từng người dân, mọi tổ chức và cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, coi việc bảo vệ môi trường trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và là đạo đức, nếp sống văn hoá, trách nhiệm công dân.

2. Xây dựng chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường và gấp rút triển khai thực hiện. Đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển quốc gia, coi bảo vệ môi trường là một ngành kinh tế, vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch (hay chiến lược) ứng phó với tình trạng nước biển dâng cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau đó là các huyện, xã duyên hải Bắc Bộ và miền Trung; nâng độ che phủ của rừng, trả lại những gì vốn thuộc về thiên nhiên.

Đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, huy động mọi nguồn lực của đất nước vào nhiệm vụ khắc phục biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

3. Rà soát lại các dự án đầu tư, đưa mục tiêu bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất là điều kiện bắt buộc tiên quyết trong phê duyệt các dự án đầu tư. Khắc phục tư tưởng công nghiệp hóa bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận mù quáng, trải thảm đỏ để tiếp nhận đầu tư một cách tràn lan, không tính đến hậu quả về môi trường. Kiên quyết không chấp nhận những dự án gây ô nhiễm môi trường, cho dù nó có đem lại siêu lợi nhuận. Ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, phát triển công nghệ sạch. Tăng cường quản lý, bảo đảm khai thác tài nguyên hợp lý và tiết kiệm, nhất là tài nguyên đất, nước, biển, rừng, khoáng sản, đi đôi với phục hồi môi trường các khu khai thác tài nguyên, đảm bảo cân bằng sinh thái.

4- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật những hành vi hủy hoại môi trường và hành vi bao che, dung túng cho những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các chế tài xử lý hình sự còn đang bị bỏ trống, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường.

5- Đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về vốn, khoa học - công nghệ.

6- Quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ môi trường và nghiên cứu dự báo các hiểm họa thiên tai, nhất là lực lượng thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường, kiểm lâm và dự báo khí hậu - thủy văn. Nghiên cứu, xem xét khả năng tổ chức cơ quan phòng, chống, khắc phục hiểm họa thiên tai và bảo vệ môi trường theo hướng tập trung, thống nhất, một đầu mối trên cơ sở các lực lượng đang nằm rải rác ở các bộ, ngành hiện nay./.
 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam,: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, Tr.221,222