Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Đề nghị bổ sung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 07-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Giám sát vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí cơ bản. Đó là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Ngoài ra, không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực. Phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong 4 nội dung cụ thể. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2018 (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì về nội dung).
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018.
Theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), dân tộc thiểu số nước ta với hơn 13,6 triệu người (chiếm trên 14% dân số cả nước), trong đó có khoảng 10 triệu đồng bào sinh sống ở biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng hiện nay, đây vẫn là nơi khó khăn, lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước, nhiều thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao...
Đại biểu Âu Thị Mai chỉ rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, chưa đạt mục tiêu đề ra. Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011 - 2018” nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót để có những chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng này.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề xuất Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011 - 2018. Theo đại biểu, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Việc sử dụng các nguồn năng lượng như xăng, dầu, điện, khí đốt tăng mạnh kèm theo quá trình đô thị hóa, nhiều khu chung cư, nhà cao tầng xây dựng; thời tiết biến đổi khó lường, nắng nóng khô hạn... Bên cạnh đó, tình hình cháy nổ có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, nhân dân. Trong khi đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều hạn chế, cụ thể công tác quản lý nhà nước về phòng, chống cháy nổ có hiện tượng buông lỏng, thiếu chặt chẽ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc; điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ chưa đáp ứng yêu cầu; công tác thanh tra, xử lý vi phạm còn hình thức. “Tôi đề nghị Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát này năm 2019 nhằm rà soát lại quy định pháp luật, kịp thời sửa đổi, bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương cho biết.
Giải quyết triệt để nạn bạo hành, xâm hại trẻ em
Đề cập đến nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh, đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng.
Đại biểu phân tích, theo số liệu của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến cuối năm 2017 ở Việt Nam trung bình có 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng cần được chăm sóc đặc biệt và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an cũng cho thấy, khoảng 50% trẻ em phải vào trại giáo dưỡng có tuổi thơ từng sống trong sự hà khắc của bố mẹ. Trong 5 tháng đầu năm 2018 có trên 600 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. Cả nước có hơn 10 cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong đó cơ quan đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra rất phức tạp. Hậu quả để lại cho các em rất nặng nề cả về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ khi đến tuổi trưởng thành.
“Qua trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi thấy chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tập trung giải quyết vụ việc kịp thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy sẽ không hiệu quả, vì đơn giản những giải pháp này đã triển khai trong thời gian qua, xong hiện tượng này vẫn xảy ra, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề triệt để cần bổ sung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về bạo hành, xâm hại trẻ em”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh./.
Đại sứ Giles Lever: Anh sẽ tăng học bổng cho học sinh Việt Nam  (07/06/2018)
Điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích  (06/06/2018)
Chủ tịch nước gửi điện thăm hỏi vụ núi lửa phun trào ở Guatemala  (06/06/2018)
Tiếp tục theo dõi, quan trắc giám sát môi trường biển  (06/06/2018)
Tiếp tục đà phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada  (06/06/2018)
Thủ tướng: Việt Nam đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo  (06/06/2018)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay