Campuchia: Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội

Trịnh Thị Hoa Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
20:31, ngày 06-06-2018

TCCSĐT - Tháng 7-2018, nhân dân Campuchia sẽ bước vào cuộc Tổng tuyển cử lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023). Trong nhiệm kỳ vừa qua, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế khả quan, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.




Nền kinh tế có nhiều khởi sắc

Năm 2016, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Campuchia vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan (7%) chủ yếu nhờ kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc; giá trị đầu tư trong ngành xây dựng, bất động sản và doanh thu từ du lịch. Riêng ngành xây dựng đóng góp khoảng 15% GDP của Campuchia. Năm 2016, đã có 2.663 dự án xây dựng được thực hiện trên cả nước với tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực này đạt 8,5 tỷ USD, tăng 156% so năm 2015 (1).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Campuchia cũng tăng cao, khoảng 17%, chủ yếu là xuất khẩu hàng may mặc và giày dép với tỷ trọng lên đến 70% (2). Theo Bộ Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ (MIH) Campuchia, có nhiều công ty đăng ký hoạt động mới, nâng tổng số nhà máy tại Campuchia lên 1.490, trong đó có 1.000 nhà máy sản xuất hàng may mặc và giày dép; tạo ra 12.000 việc làm; tuyển dụng hơn 872.000 lao động. May mặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia, chủ yếu được bán sang các thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại, Campuchia có thể xuất khẩu một số hàng hóa sang EU mà không bị đánh thuế cũng như không bị áp đặt hạn ngạch. Ngành nông nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Năm 2015, Campuchia đã xuất khẩu hơn 538.000 tấn gạo, tăng 39% so với năm 2014. Gạo của Campuchia đã có mặt ở trên 50 quốc gia và bắt đầu có mặt ở các thị trường “khó tính”, như Mỹ, EU (chiếm tới 60% lượng gạo xuất khẩu của Campuchia). Trong nhiều năm, gạo lài của Campuchia (Phka Romdoul) được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới (3).

Bên cạnh đó, du lịch cũng được coi là “vàng xanh” của Campuchia, đóng góp khoảng 20% vào GDP của nước này. Bộ Du lịch Campuchia triển khai hiệu quả công tác quảng bá du lịch ra nước ngoài, tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch, đặc biệt là Hội nghị Du lịch văn hóa thế giới tại thành phố Siem Reap, góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Campuchia ra thế giới. Theo Vụ Thống kê và Kế hoạch thuộc Bộ Du lịch Campuchia, năm 2017, lượng khách quốc tế đến tham quan Campuchia tăng 11,8% so với năm 2016, với 5,6 triệu lượt du khách; đạt doanh thu 3,63 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Dự kiến, Campuchia sẽ đón khoảng 6,1 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018 (4).

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN được tổ chức ở Thủ đô Phnom Penh (tháng 5-2017), Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã nhấn mạnh, Campuchia là nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn; việc đẩy mạnh giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần quan trọng để phát triển kinh tế. Đến nay, Campuchia có quan hệ thương mại với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; tiếp tục thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn, các đối tác phát triển; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng. Việc tích cực tham gia các hoạt động đa phương nhằm tranh thủ tối đa sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và các thể chế tài chính đã giúp Campuchia kết nối với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực cũng như toàn cầu.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng được coi là “điểm sáng” của Campuchia trong việc tạo đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Trong 05 năm qua, FDI đổ vào Campuchia đạt mức từ 1,5 đến 02 tỷ USD mỗi năm, giúp quốc gia này ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô, đa dạng lĩnh vực sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo. Với chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 - 2025 cùng những ưu đãi, khuyến khích đầu tư, Campuchia sẽ ngày càng có nhiều các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn làm điểm đến đầu tư.

Nhìn chung, kinh tế Campuchia hiện đạt mức tăng trưởng khả quan. Lạm phát ở mức thấp và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Campuchia đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và mục tiêu đưa “xứ sở Chùa Tháp” trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2030, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Cải thiện đời sống của người dân

Một là, xóa đói, giảm nghèo. Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Thủ tướng Samdech Hun Sen đứng đầu luôn đặt trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hội nhập khu vực. Từ một quốc gia nghèo theo tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Campuchia đang tiến gần đến ngưỡng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, Campuchia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả giảm nghèo nhanh chóng trong một thập niên qua. Tỷ lệ nghèo ở Campuchia đã giảm từ mức 53,2% (năm 2004) xuống còn 13,5% (năm 2014), đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn đặt ra (năm 2015). Đời sống của người dân Campuchia không ngừng được được cải thiện. GDP bình quân đầu người của Campuchia đã tăng từ 288 USD (năm 2000) lên 1.302 USD (năm 2016) (5).

Hai là, cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước khi tiến hành cải cách giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở Campuchia là 80%. Năm 2013, Campuchia tiến hành cải cách giáo dục. Điều đặc biệt là, việc cải cách này không phải bắt đầu bằng các kế hoạch nhiều triệu USD, mà là thực thi chính sách “không gian lận” trong giáo dục và thi cử. Kết quả là, năm 2014, gần 90.000 học sinh Campuchia tham gia kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia “không gian lận” đầu tiên, chỉ có 25,75% học sinh vượt qua được kỳ thi (hơn 60% thí sinh bị trượt) - thấp hơn rất nhiều so với trước cải cách. Điều này gây “chấn động” trong dư luận Campuchia. Hệ thống giáo dục nước này bộc lộ khá nhiều khuyết điểm. Với quyết tâm cải cách giáo dục, đặc biệt là cải cách quản lý tài chính công và thúc đẩy tính minh bạch, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở Campuchia đã tăng dần theo các năm, từ 41% (năm 2014) lên 56% (năm 2015), 62% (năm 2016) và 63,84% (năm 2017).

Sau 04 năm cải cách giáo dục, diện mạo giáo dục phổ thông ở Campuchia đã có nhiều thay đổi về chất, mặc dù trước mắt vẫn còn khá nhiều khó khăn. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao Campuchia Song Soksan cho biết: “Học sinh Campuchia đã thay đổi thái độ học tập và văn hóa học tập. Chất lượng học sinh phổ thông đủ khả năng tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tạo nền tảng tốt cho giáo dục đại học”. Việc “học sinh muốn đi học” chính là tiền đề cho việc cải cách toàn diện nền giáo dục vốn yếu kém của Campuchia. Chương trình học, nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy được thay đổi từng bước theo hướng hiện đại. Đời sống giáo viên được cải thiện...

Bên cạnh đó, Campuchia còn tập trung nâng cao hệ thống giáo dục nói chung và đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo dạy nghề kỹ thuật nói riêng. Tuy nhiên, quá trình triển khai mới chỉ được ghi nhận ở cấp tiểu học. Ngành giáo dục Campuchia đang tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tăng cường tính minh bạch. Cải cách giáo dục sẽ thúc đẩy Campuchia trở thành một xã hội học tập thực sự, với nền tảng vững chắc để xây dựng đất nước sáng tạo.

Ba là, cải thiện chất lượng chăm sóc y tế. Ngay từ năm 1999, Campuchia đã giới thiệu chính sách viện phí với mục đích cải thiện năng lực của hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Số tiền thu được từ viện phí sẽ chi trả cho việc khuyến khích cán bộ y tế, bổ sung cho ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và giải quyết thanh toán cho các trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, viện phí lại tạo rào cản cho người nghèo nếu như không có hệ thống miễn giảm hiệu quả. Năm 2000, Campuchia đã tiến hành thử nghiệm sử dụng quỹ công bằng y tế. Quỹ này chủ yếu được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ để bù đắp cho những cơ sở y tế có các khoản chi tiêu y tế dành cho người nghèo (khoảng 68% người nghèo, tương đương với 23% tổng dân số Campuchia) và chi trả một số chi phí y tế khác.

Người được hưởng lợi từ quỹ công bằng y tế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại cộng đồng (xác định trước) hay tại cơ sở y tế thông qua bộ câu hỏi phỏng vấn sử dụng phương pháp thẩm tra khả năng tài chính (tài sản lâu năm, nhà cửa, quyền sở hữu đất đai, số lượng thành viên gia đình có tham gia lao động kiếm tiền, số lượng thành viên sống phụ thuộc và số lượng thành viên bị tàn tật), ước lượng thu nhập, chi tiêu và các khoản nợ của hộ gia đình…

Quỹ công bằng y tế đã góp phần không nhỏ giúp những người nghèo có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế một cách thuận lợi hơn. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào được thực hiện để đánh giá một cách toàn diện tính hiệu quả của quỹ công bằng y tế, song kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng dịch vụ tại bệnh viện của người nghèo là thành viên của quỹ công bằng y tế tăng lên đáng kể trong khi số lượng bệnh nhân tự chi trả không giảm.

Ngoài ra, luật pháp Campuchia quy định tất cả các dược phẩm phải được đăng ký với Bộ Y tế Campuchia để các chuyên gia y tế có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhằm giúp lành mạnh hóa thị trường. Chính phủ Campuchia cũng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy dược phẩm tại nước này. Hiện nay, Campuchia có 297 công ty nhập khẩu và phân phối dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (6). Theo Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Chhuon Dara, Campuchia được hưởng ưu đãi thương mại từ nhiều quốc gia. Do đó, những quốc gia này miễn thuế và miễn hạn ngạch đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Campuchia. Vì vậy, với việc xây dựng các nhà máy tại Campuchia, các nhà đầu tư có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm của họ sang nhiều quốc gia, như Mỹ, Trung Quốc, EU mà không phải chịu thuế nhập khẩu hay hạn ngạch.

Người dân Campuchia không những ghi nhận đóng góp to lớn của CPP trong việc duy trì hòa hợp dân tộc, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo trong suốt 38 năm qua, mà còn ủng hộ chủ trương của đảng cầm quyền củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi với cộng đồng quốc tế, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng…

Cuộc bầu cử cấp xã/phường năm 2017 củng cố lòng tin của nhân dân Campuchia đối với CPP. Đảng đã đưa ra cương lĩnh tranh cử 07 điểm trong nhiệm kỳ tới, tập trung vào các nội dung, như nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số; chống tham nhũng và lạm quyền; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội… Kết quả cuộc bầu cử cấp xã/phường năm 2017 một lần nữa khẳng định vai trò chính trị hàng đầu của CPP tại Campuchia. Với chiến thắng này, CPP vẫn là đảng lãnh đạo Campuchia từ cấp cơ sở ở các địa phương đến các cơ quan lập pháp và hành pháp tối cao ở Trung ương, qua đó có thể dễ dàng tiếp tục triển khai những chính sách hợp lòng dân trong thời gian tới. Hơn thế nữa, chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp xã/phường đã củng cố uy tín và vị thế của đảng cầm quyền, tạo tiền đề thuận lợi cho CPP trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp ở Campuchia (tháng 2-2018) và tự tin bước vào cuộc Tổng tuyển cử lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (tháng 7-2018)./.

----------------------------------------------------------------------

(1) Xem: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33499702-kinh-te-campuchia-tren-da-khoi-sac.html

(2) Xem: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/campuchia-con-ho-kinh-te-moi-o-chau-a-305127.html
(3) Xem: http://vietnamnet.vn/vn/, ngày 12-12-2017
(4) Xem: https://www.vietnamplus.vn/doanh-thu-cua-nganh-du-lich-campuchia-dat-363-ty-usd-nam-2017/487734.vnp
(5) Xem: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/item/33249402-kinh-te-campuchia-tren-da-tang-truong-kha-quan.html
(6) Xem: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/asean/item/27438502-campuchia-no-luc-phat-trien-nganh-y-duoc.html