Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia
Chiều 05-6, tại Nhà Quốc hội, Lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia Wesley W.Simina và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Liên bang Micronesia được tổ chức trọng thể với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Wesley W.Simina và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Liên bang Micronesia; đồng thời bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Đoàn sẽ là dấu ấn quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt Nam - Micronesia và giữa Quốc hội hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia Wesley W.Simina đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ Micronesia - Việt Nam; đồng thời nêu rõ, chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Đoàn là minh chứng mạnh mẽ, khẳng định cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước nhân kỷ niệm 23 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2018).
Nhấn mạnh hai nước đã thống nhất lĩnh vực hợp tác trọng tâm là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia khẳng định, Chính phủ, Quốc hội Micronesia sẽ cố gắng để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên ba lĩnh vực này. Là hai quốc gia đang phát triển, do đó hai bên có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để cùng phát triển. Hiện các doanh nghiệp nhỏ của Micronesia rất quan tâm và mong muốn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó Micronesia và Việt Nam đã hợp tác tích cực, chặt chẽ trên cả bình diện đa phương, nhất là trên lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia bày tỏ vui mừng ngoại giao nghị viện song phương cũng được thúc đẩy mạnh mẽ; đồng thời đánh giá cao sự tham gia tích cực cũng như công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam khi tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào năm 2015 và Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) vào tháng 01-2018 vừa qua.
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao mối quan hệ chính trị giữa hai nước thời gian qua có sự phát triển tích cực, kể từ khi Liên bang Micronesia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22-9-1995.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Micronesia; trân trọng cảm ơn Micronesia đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch phát triển hiện chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, thời gian tới, hai bên sớm ký thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao việc hai nước quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; cho rằng điều đó thể hiện rõ tinh thần hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Về hợp tác tại các diễn đàn đa phương, cho rằng trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tích cực phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn, các tổ chức khu vực và đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ Micronesia cũng như các đảo quốc Nam Thái Bình Dương khác gắn kết chặt chẽ hơn với ASEAN, mang lại nhiều cơ hội hợp tác mới và lợi ích to lớn cho ASEAN cũng như các nước trong khu vực; đồng thời đề nghị Micronesia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2020 - 2021.
Nhấn mạnh Micronesia là quốc gia có biển, Việt Nam có bờ biển dài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước; đồng thời khẳng định thiện chí, chủ trương nhất quán của Việt Nam là gìn giữ quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các cam kết khu vực.
Về quan hệ hai Quốc hội, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, thời gian qua mối quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội đã được xây dựng và thúc đẩy tích cực, đạt được những kết quả tốt đẹp trên cả song phương và đẩy mạnh trao đổi, tiếp xúc và phối hợp với nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF)...
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao vai trò Chủ tịch Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương trong IPU của Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia tại Đại hội đồng IPU - 138 diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ từ ngày 24 đến 28-3-2018. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Liên bang Micronesia, các đại biểu dự họp hoan nghênh nội dung báo cáo của Quốc hội Việt Nam với vai trò là thành viên Ban Chấp hành IPU.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thời gian tới hai bên trao đổi đoàn cấp cao, các cấp và giao lưu nhân dân; thiết lập các cơ chế hợp tác và đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, hợp tác kỹ thuật... Cùng với đó, hai bên trao đổi thương mại hàng nông sản, tiêu dùng, máy móc nông nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Micronesia về phát triển nông nghiệp (trồng lúa) và bảo đảm an ninh lương thực; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp; viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam có đội tàu đánh bắt thủy sản xa bờ hàng chục nghìn chiếc, có kinh nghiệm tốt trong đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, trong khi đó Micronesia có vùng nước rộng hàng ngàn km2. Đây là những lợi thế lớn để hai bên thúc đẩy hợp tác./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada  (05/06/2018)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh: Các cụ cao niên là chỗ dựa về tinh thần cho chính quyền địa phương  (05/06/2018)
2000 vụ bạo lực trẻ em ở Việt Nam mỗi năm  (05/06/2018)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay