TCCSĐT - Hai năm sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, chiều 16-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới kiểm tra tình hình ổn định đời sống nhân dân trong vùng bị thiệt hại tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế và thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị.

Đây là những địa phương ven biển của hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của 46.218 người, khoảng 13.000 hộ dân ở 230 thôn/xóm, 42 xã/ thị trấn của 4 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc) và thị xã Hương Trà tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Qua các đợt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương trong tỉnh, đã làm tình hình xã hội dần ổn định. Việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định đã được tổ chức đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Người dân phấn khởi, đồng tình cao với các chính sách của Chính phủ. Việc tổ chức chi trả được thực hiện chặt chẽ từ khâu rà soát, điều tra, đánh giá, phê duyệt cũng như sự tham gia tích cực của hệ thống chỉnh trị trong việc tuyên truyền, tổ chức và giám sát thực hiện.

Theo thống kê, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế là 980.3 tỷ đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định sổ 772/QĐ-TTg.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác chi trả, đạt tỷ lệ 100% so với phê duyệt, trong đó, huyện Phú Vang đã triển khai bồi thường với tổng kinh phi 382,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 41% tổng kinh phí toàn tỉnh). Riêng tại thị trấn Thuận An, số đối tượng được chi trả bồi thường, hỗ trợ theo diện này là 6.511 đối tượng với kinh phí 156,1 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác đền bù thiệt hại từ sự cố môi trường biển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thăm hỏi, tìm hiểu tình hình đời sống vật chất, tinh thần và lắng nghe ý kiến của người dân đối với việc triển khai công tác đền bù tại địa phương.

Nói chuyện với bà con ngư dân thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng chứng kiến tâm trạng phấn khởi, không khí vui tươi, đoàn kết của bà con sau khi chính quyền địa phương hoàn tất việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ sự cố môi trường biển.

Đánh giá cao việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường của tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đảm bảo các yếu tố công khai, dân chủ, minh bạch dưới sự giám sát của chính quyền là cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong triển khai đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhờ đó, gìn giữ, vun đắp được tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt lương, giáo của người dân. Tình làng, nghĩa xóm được duy trì và phát huy.

Cũng chính từ nguồn tiền hỗ trợ này, bên cạnh việc giải quyết đời sống trước mắt, người dân còn tranh thủ nâng cấp ngư cụ, trang thiết bị đi biển, từ đó nâng cao sản lượng đánh, bắt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang và thị trấn Thuận An đã làm tốt chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Ghi nhận các ý kiến đề xuất của bà con tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng giao các bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng hoàn thiện Quy hoạch phát triển vùng Phá Tam Giang, nâng cấp hạ tầng cơ sở của huyện Phú Vang, thị trấn Thuận An để tiếp tục cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho bà con.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề ngoài đánh bắt thủy sản sang các nghề như dệt, may, da giày, xuất khẩu lao động hoặc kết hợp phát triển du lịch, tận dụng lợi thế của địa danh du lịch nổi tiếng của vùng Đầm phá Tam Giang.

Cũng tại thị trấn Thuận An, Thủ tướng đã tới thăm, tặng quà cho hai gia đình ngư dân Trần Dành và Nguyễn Văn Hòa, thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, từng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016.

Rời Thừa Thiên-Huế, cũng trong chiều tối nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện với ngư dân tại Cảng cá Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - một địa phương chịu thiệt hại nặng trong sự cố môi trường biển năm 2016.

Tại đây, Thủ tướng đã thân mật trò truyện với chủ tàu cá và ngư dân; tìm hiểu tình hình thực tế đời sống, việc làm của ngư dân sau khi Nhà nước tiến hành hỗ trợ, bồi thường thiệt hại.

Vui mừng trước sự hài lòng của người dân về công tác đền bù của Nhà nước, Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả thực hiện chủ trương bồi thường thiệt hại của chính quyền tỉnh Quảng Trị, huyện Gio Linh; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm, sớm có các biện pháp giải quyết một số khó khăn, bất cập tại khu vực cảng cá, như tăng cường nạo vét, khắc phục tình trạng bồi lắng, khơi thông luồng, lạch để tạo điều kiện cho người dân nâng cao quy mô đánh bắt.

Hoan nghênh người dân tận dụng được nguồn kinh phí từ đền bù để mua sắm thêm ngư lưới cụ, đồ nghề đi biển, nâng cao hiệu quả đánh bắt, sau khi trò chuyện, Thủ tướng đã mua cá và tặng quà ngư dân ngay tại tàu cá neo trong Cảng cá Cửa Việt.

Cũng tại huyện Gio Linh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan Khu du lịch Cửa Việt, một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Quảng Trị.

Thủ tướng đã thân mật chuyện trò với khách du lịch; tìm hiểu mô hình, điều kiện kinh doanh của một số cơ sở kinh doanh du lịch tại đây.

Thủ tướng vui mừng trước số lượng khách du lịch đến Khu du lịch Cửa Việt ngày càng tăng so với trước đây; căn dặn Ban quản lý Khu du lịch Cửa Việt cần chú ý mở rộng, cải thiện hạ tầng cơ sở lưu trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách du lịch.

Theo chương trình, sáng mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

** Cùng ngày, tại Quảng Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đến động viên, thăm hỏi đời sống người dân ở một số xã biển tỉnh Quảng Bình sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển.

Phó Thủ tướng Thường trực đã đến thăm, tặng quà ba hộ dân tại xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) và hai hộ dân ở xã biển Quang Phú ( thành phố Đồng Hới). Phó Thủ tướng Thường trực đã ân cần thăm hỏi ngư dân về đời sống, cách thức vượt qua khó khăn cũng như tình hình biển đảo, công tác chi trả tiền bồi thường sự cố môi trường biển.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao tinh thần của người dân vùng biển tỉnh Quảng Bình đã một lòng, chung sức với các cấp chính quyền trong thời gian qua, vượt mọi khó khăn để ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển.

Phó Thủ tướng động viên ngư dân ở đây cố gắng hơn nữa để cùng với các cấp, ngành địa phương từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn mà ngư dân nêu lên.

Về các kiến nghị của ngư dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao cho lãnh đạo các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tiếp thu, tổng hợp, trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất để làm giàu cho gia đình, xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

** Ngày 16-5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã đến tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi các hộ dân huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh về tình hình sản xuất kinh doanh, khai thác hải sản; kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ở Khu Kinh tế Vũng Áng.

Đến thăm các hộ kinh doanh hải sản tại Khu Du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những khó khăn mà các hộ gặp phải sau khi xảy ra sự cố môi trường biển. Tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Phó Thủ tướng hỏi thăm việc khôi phục sản xuất, khai thác hải sản của ngư dân ở địa phương, kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ do ảnh hưởng bởi sự cố môi trường cho người dân ở đây.

Sự cố môi trường biển đã làm cho đời sống nhân dân vùng vùng biển Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh kinh tế sa sút; việc nuôi trồng, khai thác, kinh doanh hải sản bị đình trệ. Theo thống kê, trên 400 thôn, xóm, tổ dân phố thuộc 67 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng đến hơn 6.000 tàu cá; 2.259 ha ao, hồ, bãi triều nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; 31.692 m3 nuôi lồng bè mặn lợ; 127 ha sản xuất muối.Nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, hơn 60.000 lao động và một số đối tượng khác.

Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, Hà Tĩnh đã kịp thời cấp hỗ trợ 6.240 tấn gạo cho 19.247 hộ; hơn 23 tỷ đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền theo chính sách của Trung ương. Công tác thống kê, thẩm tra đối tượng bị ảnh hưởng môi trường biển được tỉnh thực hiện nghiêm túc và công khai, đã hỗ trợ cho trên 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỷ đồng.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại lò cao, khu vực cảng biển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Hiện nay, Công ty đã lắp đặt hệ thống xử lý môi trường tại các điểm xả thải phục vụ giám sát trực tuyến, các thiết bị quan trắc tự động liên tục, camera theo dõi, giám sát truyền trực tiếp số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát 24/24 giờ; hoàn thành hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học./.