Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 13-5-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:03, ngày 16-05-2018

TCCSĐT - Các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vận động hành lang để bảo vệ các đầu tư của mình vào Iran bằng cách duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này và đe dọa áp đặt trừng phạt các công ty châu Âu.

Ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 13 tỉnh

Chính phủ vừa ban hành các Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của 13 tỉnh gồm Hà Nam, Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Gia Lai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc.

Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân 13 tỉnh trên xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuế đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật đất đai...

Quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghị định này quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, Nghị định quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Cụ thể, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư.

Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT; vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công) không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Đối với hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (hợp đồng BT), nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.

Nghị định quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 300 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án; dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án của bộ, ngành mình không thuộc các trường hợp do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 19-6-2018.

Công bố các địa chỉ giả mạo, đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra cảnh báo hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử

Cả hai ngân hàng này đều đưa ra thông tin ghi nhận một số trường hợp giao dịch giả mạo ngân hàng điện tử, lợi dụng sự sơ hở của khách hàng để đánh cắp thông tin cá nhân, tên truy cập và mật khẩu dịch vụ để từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Ví dụ một số địa chỉ giả mạo như: http://homebank247.com/Bidv/ giả mạo website BIDV, http://homebank247.com giả mạo website Vietcombank.

Một dạng giao diện giả mạo dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Vietcombank, nhưng tên miền không phải www.vietcombank.com.vn

Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, ngân hàng này chỉ có duy nhất 1 website chính thức tại địa chỉ http://www.vietcombank.com.vn.

Nhằm mục đích bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro do kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận, Vietcombank lưu ý khách hàng chỉ giao dịch và sử dụng các dịch vụ tại trang web chính thức của Vietcombank tại địa chỉ https://www.vietcombank.com.vn cũng như đọc kỹ hướng dẫn giao dịch an toàn luôn được đăng tải trên website Vietcombank.

Lãnh đạo BIDV cũng khuyến cáo khách hàng không đăng nhập vào hệ thống ngân hàng điện tử từ các liên kết (link) giả mạo như trên hoặc từ các liên kết được gửi từ email, thông tin quảng cáo không tin tưởng, không rõ nguồn gốc.

Để bảo đảm an toàn, khách hàng chỉ nên truy cập website chính thức của BIDV tại địa chỉ http://bidv.com.vn và đăng nhập vào các hệ thống ngân hàng điện tử được liên kết từ trang web này. Trường hợp khách hàng nghi ngờ đã truy cập vào các liên kết giả mạo nên đổi mật khẩu gấp và hoặc liên hệ với tổng đài BIDV để được hỗ trợ nếu cần.

WTO ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại căng thẳng thương mại gia tăng

Ngày 08-5, 41 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng và những nguy cơ xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp của Đại hội đồng WTO đã kêu gọi chính phủ các nước giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác, bao gồm việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan của WTO.

Tuyên bố nhấn mạnh quan ngại của các nước thành viên trước sự gia tăng những căng thẳng thương mại cũng như những nguy cơ đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại thế giới.

Văn kiện này đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO tránh thực thi các biện pháp bảo hộ cũng như những hành động làm leo thang căng thẳng.

Các nước thành viên trên, bao gồm các quốc gia đang phát triển và phát triển, cũng nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc được hợp nhất trong WTO giữ vai trò then chốt đối với các nền kinh tế cũng như sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Các nước đồng thời kêu gọi hành động để giải quyết những thách thức lớn mà WTO đang phải đối mặt, bao gồm vượt qua những khó khăn trong việc hoàn tất các cuộc thương lượng và giải quyết những quan điểm khác biệt về thương mại và phát triển.

Cùng ngày, cũng tại cuộc họp của Đại hội đồng WTO, Đại diện Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần cho rằng Mỹ đã phản đối cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của WTO bằng cách gây khó khăn cho quy trình tuyển chọn các thành viên mới của Cơ quan phúc thẩm.

Cơ quan phúc thẩm, do Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, hiện chỉ 4 trong số 7 thành viên làm việc kể từ khi Washington từ chối tiến hành quy trình tuyển chọn các thành viên mới.

Trong phát biểu của mình, ông Trương Hướng Thần cảnh báo nếu quy trình tuyển chọn không được tiến hành, chức năng của Cơ quan phúc thẩm sẽ bị tê liệt, khiến toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp rơi vào khủng hoảng.

Quan chức này nhận định hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang đối mặt với khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi được thành lập, nhấn mạnh nếu không có hệ thống này, các quy tắc thương mại của WTO sẽ không còn phát huy hiệu quả và niềm tin cũng như uy tín của hệ thống thương mại đa phương sẽ bị suy yếu.

Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã cảnh báo mặc dù thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị hủy hoại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát nổi.

Châu Âu tìm cách bảo vệ lợi ích tại Iran sau lệnh trừng phạt của Mỹ

Các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vận động hành lang để bảo vệ các đầu tư của mình vào Iran bằng cách duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này và đe dọa áp đặt trừng phạt các công ty châu Âu.

Đức và Pháp, vốn có các quan hệ thương mại làm ăn lớn với Iran, khẳng định vẫn cam kết thực thi JCPOA, giống như quan điểm của Anh. Ngoại trưởng ba nước này có kế hoạch gặp nhau vào ngày 15-5 để thảo luận hướng giải quyết tình hình mới.

Cuộc gặp là một phần của các nỗ lực ngoại giao dày đặc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 09-5 tuyên bố rút khỏi cái mà ông gọi là "thỏa thuận tồi tệ và một chiều." Quyết định của Mỹ đồng nghĩa với nguy cơ các biện pháp trừng phạt sẽ được tái áp dụng đối với bất cứ công ty nước ngoài nào đang làm ăn kinh doanh với Iran.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cần thảo luận cách cứu thỏa thuận lịch sử trên khi không có Washington. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh không thể chấp nhận rằng "Mỹ là cảnh sát kinh tế của hành tinh này" và cho biết các nước EU sẽ đề xuất các biện pháp ngăn chặn trừng phạt lên Ủy ban châu Âu (EC).

Ông Le Maire cùng Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin cân nhắc các biện pháp miễn hoặc hoãn áp dụng trừng phạt đối với các công ty đã có mặt tại Iran, như Renault, Total, Sanofi, Danone và Peugeot của Pháp.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Trump đã nhất trí rằng cần đàm phán thêm để thảo luận các trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ tác động như thế nào đến các công ty nước ngoài đang làm ăn tại nước này.

Người phát ngôn của bà May cho biết Anh và các đối tác châu Âu vẫn "kiên định cam kết" đảm bảo thực thi thỏa thuận, coi đây là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Thỏa thuận JCPOA ký năm 2015, giữa nhóm P5+1 (gồm bốn nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Tehran. Theo văn kiện này, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt.

Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. EU lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông./.