Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ trưởng

BTV/chinhphu.vn
22:12, ngày 16-05-2018

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương và bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Cụ thể, tại Quyết định 529/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Đặng Hoàng An, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Ông Đặng Hoàng An sinh năm 1965, quê quán tỉnh Bắc Giang. Trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng An từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; Trưởng Ban kỹ thuật lưới điện EVN; Phó Giám đốc Công ty truyền tải điện 1; Trưởng Ban kế hoạch EVN; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam rồi Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Tại Quyết định 525/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Lê Đình Thọ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đang trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng không, vận tải, an toàn, an ninh hàng không; lĩnh vực đường bộ, vận tải đường bộ và an toàn giao thông đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hàng không, bao gồm cả kế hoạch quản lý, bảo trì; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bao gồm cả kế hoạch quản lý, bảo trì; thể chế, chính sách chung về vận tải; kết nối các phương thức vận tải và giao thông tiếp cận; công tác đào tạo: kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường đào tạo thuộc ngành; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe;...

Chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức Kiểm toán nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 66/2018/NĐ-CP quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước. Nghị định quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước theo quy định tại Phụ lục số 6 Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 29-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị định áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước; người lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 29-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản quy định, hướng dẫn về tiền lương của Chính phủ.

Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước được trích 5% số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị theo quy định tại khoản 1 Phụ lục 6 quy định chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết số 325/2016/UBTVQH14 ngày 29-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước, bao gồm: Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác; các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại ngân sách nhà nước; các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý giảm chi, giảm thanh toán; các khoản kinh phí bố trí dự toán vượt định mức phân bổ, sai nguồn do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

Kiểm toán nhà nước sử dụng số kinh phí 5% để chi cho các nội dung sau: - Chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, gồm: - Lương ngạch bậc, chức vụ; - Các khoản phụ cấp: phụ cấp chức vụ, phụ cấp vượt khung và phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị quyết số 325/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 29-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước.

Số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2018 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ về chế độ tiền lương, chế độ trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức kiểm toán nhà nước và chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước; Nghị định số 32/2011/NĐ-CP ngày 16-5-2011 của Chính phủ và Nghị định số 02/2015/NĐ-CP ngày 02-01-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Sửa đổi Quy chế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27-7-2014.

Quy chế quy định về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình công tác, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm văn bản mật, tối mật, tuyệt mật (gọi tắt là văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Quy chế này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; các cơ quan, tổ chức khác trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (các bộ, cơ quan, địa phương).

Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg giải thích rõ nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bao gồm: Soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, phê duyệt hoặc ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền các đề án, báo cáo, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; những nhiệm vụ cụ thể khác được giao thực hiện trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm những nhiệm vụ thực hiện thường xuyên theo chức năng của các bộ, cơ quan, địa phương).

Nhiệm vụ giao trong văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định của Chính phủ, Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định mới quy định rõ nội dung thông tin phải cập nhật. Đối với văn bản giao nhiệm vụ không phải là văn bản mật, ngoài cập nhật lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và công khai trên mạng dùng riêng của Chính phủ tên văn bản; cơ quan, đơn vị trình ban hành văn bản; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; nội dung nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thời hạn thực hiện nhiệm vụ thì còn phải cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao (đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện trong hạn hoặc quá hạn; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giao so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Đối với văn bản giao nhiệm vụ được phát hành theo chế độ mật (mật, tối mật, tuyệt mật), cập nhật các thông tin sau đây lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và công khai trên mạng dùng riêng của Chính phủ: Tên văn bản, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành, người ký văn bản (không có trích yếu); cơ quan, đơn vị trình ban hành văn bản; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; đơn vị (thuộc Văn phòng Chính phủ) được giao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; tổng số nhiệm vụ giao (không cập nhật chi tiết nội dung nhiệm vụ); thời hạn hoàn thành; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao (đã thực hiện; chưa thực hiện trong hạn hoặc quá hạn; không cập nhật nội dung chi tiết kết quả thực hiện). Trường hợp đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương phải báo cáo các nội dung theo quy định bằng văn bản theo chế độ mật gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm và quy trình cập nhật thông tin; thời hạn cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi; nhiệm vụ, quyền hạn theo dõi, đôn đốc; nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan...

Trong đó, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương và báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

Quyết định cũng sửa đổi lại thời hạn thông tin, báo cáo. Theo quy định mới, chậm nhất trước ngày 20-6 (đối với Báo cáo 6 tháng) và ngày 30-11 (đối với Báo cáo năm), các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp, gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ.

Trên cơ sở số liệu của các bộ, cơ quan, địa phương, trước ngày 25-6 và ngày 20-12 hằng năm, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính giao các bộ, cơ quan, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.