Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa các vị khách quý,
Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Sau 24 ngày làm việc tích cực, khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, theo đúng yêu cầu về nội dung và tiến độ. Cụ thể là:
Về xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2008: Quốc hội đã thảo luận và thống nhất nhận định: Trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, lạm phát toàn cầu gia tăng làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong nước, rét đậm, rét hại kéo dài; một số dịch bệnh diễn ra trên diện rộng; chỉ số giá tăng đột biến, nhất là những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang có những diễn biến phức tạp, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan diễn biến tình hình và khả năng thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh một số nội dung của mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu kinh tế của kế hoạch năm 2008, trong đó nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Quốc hội cũng đã xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; xem xét và ra Nghị quyết về việc giải quyết một số vấn đề sau khi kết thúc việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.
Về công tác lập pháp: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, xem xét và thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Đó là: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật năng lượng nguyên tử; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dầu khí và Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 7 dự án luật khác để tiếp tục chuẩn bị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Việc ban hành các đạo luật này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại. Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, sớm đưa luật vào cuộc sống.
Về hoạt động giám sát: Cùng với việc xem xét các báo cáo kết quả giám sát giữa hai kỳ họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp và cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan thiết thực đến đời sống của người dân. Qua việc thảo luận tại kỳ họp cho thấy, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự tham gia của toàn dân, sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn những hạn chế; các quy định của pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ cụ thể; việc thực hiện còn thiếu thống nhất và chưa đồng đều giữa các vùng, miền; đáng chú ý là chưa coi trọng đúng mức việc phòng bệnh… Để thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Quốc hội đã ra Nghị quyết “Về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khoẻ nhân dân”.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã nghe Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp 1.551 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội. Quốc hội hoan nghênh các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri, đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời và có biện pháp giải quyết kịp thời các kiến nghị xác đáng của nhân dân, nhất là về những vấn đề khó khăn, bức xúc đang nổi lên hiện nay.
Quốc hội đã nghe 05 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn về một số vấn đề quan trọng của đời sống xã hội; nghe Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã cùng Chính phủ và các thành viên Chính phủ xem xét toàn diện hơn về tình hình đất nước, về trách nhiệm đối với lĩnh vực phụ trách, quản lý. Các thành viên Chính phủ đã giải trình, cung cấp thêm thông tin về nội dung được chất vấn, đồng thời nghiêm túc nhận những yếu kém, khuyết điểm của ngành mình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra giải pháp, lộ trình khắc phục. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tiếp tục tổ chức việc trả lời chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung cần thiết nhằm đưa hoạt động chất vấn từng bước trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã nêu, tạo chuyển biến thực sự trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Về xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh: Quốc hội đã tiến hành các bước một cách nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và Nội quy kỳ họp. Đặc biệt, trong việc xem xét điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan và đã thông qua Nghị quyết với tỷ lệ phiếu tán thành rất tập trung, thể hiện sự thống nhất cao của Quốc hội. Đây là một quyết định mang tính lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại, nhất là vào thời điểm mà đại lễ kỷ niệm Thủ đô 1.000 năm tuổi của dân tộc ta đang đến gần. Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện không đơn giản; trái lại, có nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi phải có cách làm thật khoa học, nghiêm túc và thận trọng. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện đề án và quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô sao cho xứng với quy mô và tầm vóc mới; lắng nghe ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và nhân dân để bảo đảm chất lượng và tính khả thi cao. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện những công việc cấp bách trước mắt như sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đoàn kết theo đúng các quy định của pháp luật; làm tốt công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý xã hội, bảo tồn các di sản văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn vệ sinh môi trường...
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Về cách thức tiến hành các phiên họp: Quốc hội đã bước đầu thực hiện được yêu cầu rút ngắn tối đa thời gian mà vẫn bảo đảm hoàn thành chương trình nghị sự một cách có chất lượng bằng cách tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành, điều hành các phiên họp theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cùng với phát huy mạnh mẽ trình độ, năng lực, trách nhiệm của cá nhân mỗi vị đại biểu Quốc hội; kết hợp việc đọc báo cáo tóm tắt tại Hội trường với việc gửi báo cáo đầy đủ cùng với tài liệu tham khảo để đại biểu tự nghiên cứu; kết hợp việc thảo luận ở tổ với thảo luận ở hội trường; chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp làm tốt công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nêu những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để Quốc hội tập trung thảo luận và biểu quyết.
Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đã tham dự khá đầy đủ các phiên họp của Quốc hội; dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu một số lượng lớn tài liệu, chuẩn bị các ý kiến phát biểu rất tâm huyết và có chất lượng; phản ánh sát thực tình hình đất nước và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hai mươi bốn ngày với một chương trình dày đặc, khối lượng công việc rất lớn, có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung rất khó và phức tạp, nhưng tất cả đều đã được giải quyết một cách tương đối trọn vẹn trong không khí dân chủ, thẳng thắn và thân ái; đó là một cố gắng lớn của tất cả chúng ta.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII đã thành công tốt đẹp. Ngay sau kỳ họp này, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội phát huy những kết quả đã đạt được của kỳ họp, quan tâm thực hiện tốt một số công việc sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các ngành, các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Chính phủ cần chủ động và làm tốt hơn nữa công tác dự báo, công tác thông tin một cách nhanh nhạy, chuẩn xác để có chính sách linh hoạt, đúng đắn, kịp thời nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực khách quan, đồng thời tận dụng có hiệu quả thời cơ mới để phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển đất nước.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ và năng lực lập pháp, nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, có tính khả thi cao; đồng thời trực tiếp và chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ pháp luật và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Thứ ba, các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu chấp hành các chính sách, pháp luật, động viên nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước vì sự ổn định và phát triển đất nước. Giữ mối liên hệ thường xuyên và gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đóng góp tích cực, có hiệu quả trong các hoạt động của Quốc hội.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thành công của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII đã cho chúng ta thêm kinh nghiệm về tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong tình cảm của đồng bào và cử tri cả nước. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, các vị khách quý đã tham dự kỳ họp và luôn luôn quan tâm, góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội; cảm ơn sự lãnh đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cảm ơn sự hoạt động rất tích cực của các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước, các ngành, các cấp, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị phục vụ đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp.
Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2008 là rất nặng nề, những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển và hội nhập có mặt gay gắt, nhưng chúng ta vẫn có nhiều thời cơ và thuận lợi cơ bản. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội. Trước mắt, cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức thiết nhằm mục tiêu ưu tiên hàng đầu lúc này là kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu và tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, những gia đình gặp khó khăn; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển cao, bền vững trong những năm sau.
Xin chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị lão thành cách mạng, các vị khách quý, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, chiến sĩ cả nước sức khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi.
Tôi xin tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2008  (03/06/2008)
Tóm tắt Hồ sơ sự kiện số 34 (25-4-2008)  (03/06/2008)
Triết lý và biện chứng thi đua yêu nước trong quan điểm của Hồ Chí Minh  (03/06/2008)
Quan hệ Việt Nam - Cộng hoà Áo  (03/06/2008)
Làng nghề - tiềm năng lớn của Việt Nam  (03/06/2008)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay