Triết lý và biện chứng thi đua yêu nước trong quan điểm của Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc là ngày 11-6-1948, nhưng tinh thần thi đua thì đã được Người phát động từ trước. Đọc “Đời sống mới” (3-1947) chúng ta bắt gặp quan điểm thi đua của Tân Sinh (Hồ Chí Minh). Người cho rằng muốn làm tốt đời sống mới, một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy ai cũng hăng hái. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên nhắc nhở vấn đề thi đua. Như khi nói về công tác Trần Quốc Toản (2-1948), Người nhắc nhở “đội này thi đua với đội khác”.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Hồ Chí Minh và Chính phủ chuẩn bị những quy định về thể lệ thi đua cho các bộ. Ngày 27-3-1948, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị đã nêu rõ: “1- Phong trào thi đua ái quốc đã nhóm.2- Mục đích thi đua ái quốc. 3- Phạm vi thi đua ái quốc. 4- Nội dung thi đua ái quốc. 5-Kế hoạch thi đua. 6- Tổ chức việc thi đua. 7- Thuật động viên thi đua. 8- Những điều phải tránh trong việc thi đua. 9- Một vài điều cần chú ý trong việc thi đua. 10- Khẩu hiệu thi đua”.
Ngày 1-5-1948, Hồ Chí Minh có Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Từ đó trở đi, một phong trào thi đua yêu nước được nhóm lên khắp cả nước. Nhân ngày Quốc tế lao động 1-5-1948, Hồ Chí Minh đã kêu gọi “mỗi một người và toàn thể công nhân ta phải ra sức xung phong trong phong trào thi đua ái quốc”. Trong dịp 1000 ngày kháng chiến, Hồ Chí Minh đã có Lời kêu gọi, khẳng định “từ cuộc vận động Tăng gia sản xuất và Luyện quân lập công, chúng ta đã tiến đến phong trào thi đua ái quốc khắp mọi mặt, khắp mọi nơi. Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân ta, cuộc Thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to”. Nhân dịp này, Người có “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, và phong trào thi đua ái quốc chính thức, thật sự bắt đầu. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, theo dõi chỉ đạo, động viên phong trào đến tận những tháng ngày trước lúc Người đi xa.
2. Triết lý và biện chứng của thi đua ái quốc
Vậy, Thi đua ái quốc là gì? “Là ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”(1). Với tinh thần đó, từ sớm Hồ Chí Minh đã có những luận giải về thi đua một cách dễ hiểu, như “có thực mới vực được đạo”, “thực túc thì binh cường”, “cấy nhiều thì khỏi đói”, “muốn no, phải lo làm ruộng”... Bằng cách tiếp cận này, người đọc có thể dễ nhận thức tính triết lý và biện chứng của thi đua. Chẳng hạn: Thi đua yêu nước là tăng gia sản xuất thì phải tạo ra nhiều lương thực, có lương thực thì bộ đội mới ăn no, đánh thắng, kháng chiến nhất định thắng lợi. Cũng như vậy, “cấy nhiều” không đơn giản chỉ là việc cấy của người nông dân mà thực chất là làm cho nhiều, mà làm nhiều thì đủ ăn, đủ mặc, đủ lương thực, khí giới, biết đọc, biết viết..., làm cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
Xuân Kỷ Sửu 1949, Hồ Chí Minh có Thơ chúc Tết. Bài thơ đem lại cho ta một sinh khí mới, một triết lý về thi đua. Đó là cùng với thời gian - thêm một năm mới, thì thi đua lại thêm tiến tới. Và càng thi đua thì càng tăng thêm lực lượng và tinh thần, kháng chiến càng thêm mau thắng lợi; càng thi đua thì “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Bàn về thi đua học, Hồ Chí Minh cắt nghĩa về mối quan hệ biện chứng giữa biết và học; học và tiến bộ; tiến bộ và học. Theo Người, muốn biết thì phải học; học không bao giờ cùng; càng học càng tiến bộ và càng tiến bộ càng thấy phải học thêm. Bằng cách tiếp cận này, chúng ta hiểu rằng mỗi nấc thang học tập sẽ tạo ra hiểu biết mới, tiến bộ mới; mỗi nấc thang hiểu biết mới, tiến bộ mới lại đòi hỏi học tập nhiều hơn.
Trong “Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc”, khi bàn về “Mục đích thi đua”, Hồ Chí Minh đã lý giải giữa thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm với việc cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân và việc xây dựng dân chủ mới và chủ nghĩa xã hội. Chỉ có thi đua thì mới hoàn thành dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp đến, sau khi điểm qua tình hình thi đua mấy năm qua, Người luận giải về mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất và tiết kiệm: tiết kiệm để giúp tăng gia, tăng gia để thực hiện tiết kiệm.Và tiết kiệm và tăng gia tốt thì sẽ có điều kiện tăng năng suất và diệt giặc lập công.
Trong tất cả những nội dung liên quan đến thi đua, thì ý nghĩa thi đua phản ánh đậm nét triết lý và tính biện chứng của vấn đề.
Thứ nhất, thi đua tăng cường đoàn kết, đoàn kết đẩy mạnh thi đua.
Thi đua, dù cá nhân hay tập thể; dù các dân tộc đa số hay thiểu số; dù lương hay giáo; già trẻ hay gái trai; dù công, nông hay binh, sĩ; v.v.. tất cả đều nhằm vào một mục đích: diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm. Chính mục đích đó là chất keo liên kết mọi giai tầng, mọi hạng người. Trước kia, ai lo việc nấy, nhất là giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Giữa các hạng người cảm tình chưa được thân mật. Nhưng nhờ có thi đua và qua thi đua mà mọi người cảm thấy cần nhau hơn, gần gũi nhau hơn, không thể thiếu được nhau trong công cuộc cách mạng. Thí dụ: muốn bộ đội đủ ăn mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa, công nhân thi đua sản xuất nhiều súng đạn. Ngược lại, trong lúc thi đua diệt giặc lập công, thì bộ đội luôn nhớ đến đồng bào và khuyến khích lẫn nhau diệt nhiều giặc cho đồng bào làm ăn yên ổn. Thi đua tăng cường đoàn kết còn thể hiện ở chỗ một tấm gương sáng trong thi đua sẽ lôi cuốn nhiều người trong dòng chảy của cả dân tộc, tạo ra tấm lòng tương thân tương ái trong cộng đồng.
Thứ hai, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.
Thi đua như đã nói ở trên là mọi người, mọi nhà, mọi ngành gắng phát triển tài năng, sáng kiến của mình, làm nhanh, làm tốt, làm đẹp nhằm tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, diệt được nhiều giặc...thì đó là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Bởi vì, yêu nước là làm cho nước mau hòa bình, thống nhất, độc lập, giàu mạnh. Mà càng thi đua thì năng suất càng cao, kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng nhiều lần. Ta sẽ diệt giặc gấp nhiều lần, thắng lợi gấp nhiều lần. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi, kiến quốc sẽ thành công và đi đến dân giàu nước mạnh. Hiểu như vậy thì một người tự cho mình là yêu nước thì phải thi đua. Bởi vì chỉ có qua thi đua- với kết quả cụ thể - mới bộc lộ và ngày càng bộc lộ tinh thần yêu nước. Yêu nước - thứ của quý kín đáo - không thể cất giấu trong rương, trong hòm, mà phải được đưa ra trưng bày. Tinh thần yêu nước thì phải được thực hành vào công việc kháng chiến, kiến quốc. Và như vậy thì rõ ràng là những người thi đua - tức là tăng năng suất nhiều lần - là những người yêu nước nhất.
Thứ ba, thi đua là tinh thần quốc tế, là làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
Bản chất khái niệm thi đua hay thi đua yêu nước đã chứa đựng tinh thần quốc tế. Bởi vì chỉ có các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân chủ mới thì mới có thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt giặc lập công. Chúng ta làm những công việc đó là lợi ích cho ta, cho dân tộc ta, cho các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Mặt khác, thi đua trong các nước xã hội chủ nghĩa có một mục tiêu chung là tiêu diệt kẻ thù chung của nhân loại tiến bộ, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên thực tế, vì những cái chung đó mà nhân dân ta rất quan tâm tới phong trào thi đua của các nước; ngược lại, nhân dân và báo chí các nước cũng rất quan tâm và vui mừng vì những thành tích trong phong trào thi đua của ta. Tất cả những điều đó cho thấy tinh thần quốc tế của thi đua.
Thứ tư, thi đua cải tạo con người.
Nếu lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các loại sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội thì thi đua được hiểu là một loại lao động ở một cung bậc khác, cao hơn, tức là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra làm, nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất. Và nếu lao động là vẻ vang, sáng tạo ra xã hội, thì thi đua càng vẻ vang, càng sáng tạo xã hội. Bởi vì, càng thi đua thì càng phải tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật; lao động trí óc thì gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay. Như vậy, phong trào thi đua làm cho công nông binh trí thức hóa, và trí thức thì lao động hóa. Đó chính là một mặt quan trọng của ý nghĩa thi đua cải tạo con người. Mặt khác, đã là chiến sĩ thi đua thì họ là những người giàu tinh thần trách nhiệm, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì vậy, phong trào thi đua càng sâu rộng, càng có nhiều con người tốt, tạo đà cho sự phát triển của xã hội, của cách mạng. Có thể nói, những người thi đua là những người đạo đức nhất. Bởi vì, như Hồ Chí Minh đã dạy: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua là những người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc trên lợi ích riêng của cá nhân. Họ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân chứ không phải nửa tâm nửa ý. Họ không sợ khó nhọc, ra sức vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho họ, chứ không suy bì hơn thiệt của cá nhân, không ganh tị về địa vị và hưởng thụ. Họ không giấu nghề, không dìm những người anh em chung quanh mình, họ giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Họ không tự kiêu, tự mãn, tự tư tự lợi”(2).
Thứ năm, thi đua ích nước, lợi nhà, được lợi, được danh
Thi đua như đã nói, người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, các địa phương thi đua. Tất cả công, nông, bộ đội, du kích, dân quân, viên chức, văn nghệ sĩ, nhà giáo dục, đồng bào tư sản, địa chủ, các xã, khu ủy, tỉnh ủy, cán bộ của hội... thi đua. Cá nhân với cá nhân, đoàn thể với đoàn thể, cơ quan với cơ quan, các địa phương, các đơn vị bộ đội thi đua với nhau, tóm lại cả nước thi đua. Và thi đua về mọi mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa...
Thi đua như vậy sẽ lợi nhà. Thí dụ: nông dân, khi chưa thi đua, thì làm một mẫu thu được 30 nồi. Khi đã thi đua, thì làm một mẫu được 32, 35 nồi hoặc nhiều hơn nữa. Thi đua như vậy sẽ ích nước. Bởi vì ngoài phần thóc nộp cho Chính phủ, phần thóc ăn, phần thóc thừa bán cho Chính phủ. Chính phủ mua thóc để nuôi cán bộ, bộ đội, làm các việc ích chung. Tăng gia nhiều, thừa thóc nhiều, thì bán thóc cho Chính phủ càng nhiều hơn. Nếu tăng gia nhiều nhất trong địa phương, thì còn được Chính phủ khen thưởng. “Thế là đã được lợi, lại được danh”(3) .
Thứ sáu, thi đua là phải làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ.
Bản chất thi đua trước hết là làm ra nhiều sản phẩm (lương thực, đạn dược, thuốc men, diệt nhiều địch...). Chỉ có làm nhiều mới đủ dùng, phục vụ tốt cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc ngày càng phát triển.
Nhiều nhưng phải nhanh. Đi đường ai cũng muốn mau tới đích. Làm cách mạng cũng muốn mau thắng lợi cuối cùng. Và ta có điều kiện làm nhanh, vì nhân dân lao động đã trở thành người chủ. Khả năng tiềm tàng trong nhân dân là vô tận. Nhanh là hết sức quan trọng, nhưng phải hiểu đúng thế nào là nhanh và bằng cách nào để nhanh. Nhanh không phải chỉ gắng sức lên từng lúc, từng đợt. Nhanh là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng. Muốn nhanh thì trước hết phải tiêu diệt tư tưởng bảo thủ, rụt rè trong từng người. Phải không ngừng cải tiến công tác. Và lúc nào cũng phải làm bước trước chuẩn bị bước sau, làm hôm nay chuẩn bị ngày mai.
Làm nhiều, làm nhanh cốt tăng nhanh mức sống của của nhân dân lao động, tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên nhiều, nhanh lại phải đi đôi với tốt. Nếu chỉ nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, thì kết quả cuối cùng vẫn không nhiều, nhanh. Thí dụ: một nhà máy, nếu xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể dùng được 50 năm. Nhưng nếu xây dựng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thì chỉ vài chục năm sau, nhà máy sẽ xuống cấp, không an toàn. Như vậy, khác nào bỏ vốn xây dựng một nhà máy mà chỉ được một nửa nhà máy. Trong công tác xây dựng cơ bản, cũng như trong việc sản xuất máy móc, dụng cụ, hàng tiêu dùng, nhiều, nhanh và tốt luôn gắn bó với nhau như vậy. Nguy hại hơn, vì muốn có nhiều “thành tích” hoặc muốn được hưởng mức công cao, nên làm bừa, làm ẩu. Làm như vậy rất có hại. Hại cho sản xuất, hại cho xây dựng kinh tế chung, hại cho đời sống nhân dân.
Thói thường thì nhiều thì khó nhanh; nhanh thì khó tốt; tốt thì khó rẻ. Nhưng đó chỉ là “thói thường” khi người lao động còn phải bán mình như một món hàng để kiếm sống. Còn “đối với chúng ta, những người lao động đang làm chủ và xây dựng cuộc sống mới, thì nhiều, nhanh, tốt, rẻ lại gắn bó với nhau như da với thịt”(4). Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt nhưng lại không rẻ- nghĩa là phải dùng quá nhiều sức người, sức của- thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của nhân dân và tăng nhanh tích lũy để mở mang kinh tế. Tăng năng suất là tiết kiệm sức người, sức của, thời gian trong sản xuất và xây dựng. Đó là cách làm vừa nhanh vừa rẻ. Lại còn phải tính toán chi ly trong việc dùng nguyên liệu, vật liệu (dùng hợp lý, không bị loại bỏ, dùng loại rẻ thay loại đắt, dùng thứ sẵn có ở gần thay thế ở xa chở tới, v.v..). Tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, quy đến cùng là tiết kiệm vốn. Ngoài ra, tiết kiệm vốn còn một cách nữa là làm cho vốn “quay vòng nhanh”.
Tóm lại, thi đua tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, không ngừng giảm được giá thành, mà còn dôi ra một số khá lớn sức người, sức của để sản xuất thêm nhiều hàng hóa, xây dựng thêm nhiều xí nghiệp mới, thế là đã nhiều, nhanh lại rẻ. Và do rẻ, nên càng nhiều, nhanh. Cho nên: “Làm nhanh mà không tốt,/ Có gì là vẻ vang?/ Đã là người làm chủ,/ Tính toán phải đàng hoàng:/ Nhiều, nhanh, tốt, rẻ rõ ràng/ Lợi dân, lợi nước đôi đàng vẹn đôi”(5) .
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t 9, tr 71
Quan hệ Việt Nam - Cộng hoà Áo  (03/06/2008)
Làng nghề - tiềm năng lớn của Việt Nam  (03/06/2008)
Làng nghề - tiềm năng lớn của Việt Nam  (03/06/2008)
Quốc hội thông qua 11 Luật và và 2 Nghị quyết quan trọng  (03/06/2008)
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc  (03/06/2008)
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc  (03/06/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay