Theo báo cáo xếp hạng “Chỉ số An ninh mạng toàn cầu” (GCI) trong 6 tháng đầu năm 2017 của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 101 trên tổng số 193 nước thành viên về khả năng đảm bảo an ninh mạng với số điểm là 0,245 điểm.
Sự cố tấn công mạng nhằm vào hệ thống an ninh hàng không của Việt Nam trong năm 2016 và sự tấn công của mã độc tống tiền Wannacry hồi tháng 5-2017 đã khiến Việt Nam giảm liên tiếp 25 bậc trong bảng xếp hạng này.

Trong danh sách 10 nước đứng đầu thế giới, Singapore đứng ở vị trí cao nhất với 0,925 điểm. Vượt qua nhiều quốc gia phát triển, Malaysia gây bất ngờ khi là nước xếp thứ 3 với 0,893 điểm.
Báo cáo Chỉ số An ninh mạng toàn cầu cũng phân loại các quốc gia thành viên trong Liên minh viễn thông quốc tế thành 3 nhóm dựa trên thực trạng phát triển an ninh mạng. Đó là giai đoạn hình thành gồm 96 nước (trong đó có Việt Nam), giai đoạn đang phát triển có 77 nước và giai đoạn dẫn đầu có 21 nước. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mặc dù tình trạng an ninh mạng trên toàn cầu có nhiều tiến bộ, nhưng khoảng cách về trình độ đảm bảo an ninh mạng giữa các quốc gia, giữa các vùng và khu vực vẫn còn rất lớn.

Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, tình hình an ninh mạng toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp khi xuất hiện hàng loạt mã độc tấn công trên quy mô lớn, mức độ ảnh hưởng rộng. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách với tất cả các quốc gia trong việc thực hiện cam kết liên minh chặt chẽ hơn nữa để phát triển và xây dựng một thế giới hiện đại an toàn hơn, lành mạnh hơn trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Liên minh viễn thông quốc tế là một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc, thực hiện việc xác định tần số radio trên toàn cầu, đưa ra các khuyến nghị và tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật điện thoại, điện tín và truyền thông dữ liệu, cung cấp các chương trình tư vấn và đào tạo cho các nước đang phát triển. Việt Nam đã gia nhập tổ chức này từ năm 1951.

Chỉ số An ninh mạng toàn cầu là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 yếu tố: Công nghệ, tổ chức, luật pháp, hợp tác và tiềm năng phát triển. Mục đích chính của chỉ số an ninh mạng toàn cầu là để phân loại, xếp thứ hạng và sau đó là đánh giá, dự báo, định hướng quá trình phát triển trong tầm khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu./.