Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 đã diễn ra sáng 17-7-2017 tại Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương khu vực Tây Bắc đã tham dự hội nghị.
Nói chuyện với các nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng đưa ra tinh thần “một Sơn La, ba điểm đến” với ba thế mạnh nổi trội: Các vùng tiểu khí hậu độc đáo trong đó có cao nguyên Mộc Châu, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc địa phương độc đáo. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Sơn La nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án trọng thu hút đầu tư trên địa bàn trung tâm của vùng Tây Bắc tươi đẹp, giàu tiềm năng.

Lợi thế so sánh đặc biệt về du lịch

Với hai cao nguyên lớn là Mộc Châu và Nà Sản, nằm trong lưu vực của sông Đà và sông Mã đã tạo cho Sơn La có một vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng. Vùng đất này còn là một miền quê xinh đẹp giàu tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa với những cung đường uốn lượn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nói đến Sơn La, còn phải nói đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà n ổi bật nhất là Cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia, hay các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng: Di tích Quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, Khu lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Di tích Ngã 3 Cò Nòi, Văn bia Quế lâm ngự chế và đền thờ vua Lê Thái Tông… Đặc biệt, Sơn La sở hữu một nền văn hóa rực rỡ sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc với các phong tục tập quán hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh du lịch, Sơn La còn có lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu với 927.000 ha đất nông nghiệp. Tỉnh có 2 lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La với diện tích hơn 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thủy lợi, 35 dòng suối lớn, nhỏ và 2.500 ha ao hồ để đầu tư phát triển thủy sản.

Mộc Châu - máy điều hòa khổng lồ của Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, bày tỏ vui mừng trở lại thăm Sơn La, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mảnh đất miền núi vùng cao này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với gần 2 triệu du khách trong nước và quốc tế năm 2016. Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược liệu, chế biến bước đầu xuất hiện theo làn sóng đầu tư mới đang đến với tỉnh nhà.

Khẳng định vùng cao nguyên rộng lớn, đồng thời cũng là Khu du lịch quốc gia trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ là một điểm nhấn sâu sắc, làm nên một vẻ đẹp bất tận của du lịch Việt Nam, Thủ tướng nhận xét, nếu có chiến lược đúng đắn, sự phối hợp, hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cùng sự giúp đỡ của trung ương thì nhất định “chúng ta sẽ thu hút mọi du khách, nhiều nhà đầu tư từ đông sang tây, từ Á sang Âu đến mảnh đất này”. Đặc biệt, đây cũng là nơi có thể thưởng lãm các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới lẫn ôn đới, khám phá các địa danh, cảm nhận được sự hòa trộn tinh tế giữa nét đẹp kỳ bí của thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người qua những thửa ruộng bậc thang, những đồi chè xanh ngát, những lễ hội mang đậm tính di sản châu Á - một lợi thế so sánh mà vùng khác khó có được.

“Người ta nói Mộc Châu là một chiếc máy lạnh khổng lồ của Việt Nam”. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với tỉnh để tìm ra một lối đi, một cách làm phát huy tốt nhất thế mạnh của Sơn La.

Nhắc lại yêu cầu về xây dựng một bộ máy hành chính nhạy bén, sâu sát, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, chính quyền Sơn La tiếp tục cải cách, chuyển động cả hệ thống để đáp ứng yêu cầu này. “Người ta tới đây để tìm một sự thuận lợi cho phát triển chứ không phải tìm những sự khó khăn, kêu ca, phức tạp”, Thủ tướng yêu cầu phải làm sao cho “Ai đến Sơn La đều có thời cơ để phát triển”.

Kiến tạo là phải vượt lên chính mình

Thủ tướng biểu dương kết quả thực hiện đường hướng kiến tạo, phát triển rất đáng khích lệ của huyện Vân Hồ - một trong những huyện nghèo nhất của Sơn La và Tây Bắc, nhưng năm 2017 đã thu hút được hai dự án quy mô 2.300 tỷ đồng từ Tập đoàn TH True Milk với nhiều mục tiêu tăng trưởng bao trùm, đem lại những giá trị bền vững về xã hội và môi trường. Đánh giá đây là bước đột phá của Vân Hồ và là hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội để các huyện vùng sâu, vùng xa Tây Bắc noi theo, Thủ tướng đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư vào vùng sâu vùng xa, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Từ câu chuyện ở Vân Hồ, phân tích sâu sắc hơn những yêu cầu, tiêu chí xây dựng Chính phủ kiến tạo ở các cấp, các ngành, Thủ tướng lưu ý kiến tạo phải bằng hành động để đem lại những kết quả cụ thể, nhất là ở cơ sở. “Kiến tạo không phải chỉ biết tìm ra khó khăn để đối phó, phó mặc cho định mệnh mà chúng ta phải có tinh thần vượt lên chính mình như chuyển động ở một số địa phương thời gian qua”. “ Muốn kiến tạo phải có niềm tin, phát huy những giá trị độc đáo, nét khác biệt riêng có của địa phương thay vì chỉ biết đưa ra những khó khăn ” , Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng phát triển

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt ra 6 yêu cầu đối với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. Trước hết là phải làm tốt công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh trật tự xã hội cả truyền thống và phi truyền thống mà trong đó đói nghèo chính là một trong những nguyên nhân. “Phải luôn đảm bảo đời sống cho đồng bào, không để kẻ xấu lợi dụng”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Cùng với đó là thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường; tăng cường các mô hình liên kết; động viên ý chí khởi nghiệp, sự vươn lên của cả các cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. “Phải xem họ là lực lượng phát triển chứ không phải nhìn vào khía cạnh là đối tượng chính sách, kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, làm theo tập quán cũ, ngại làm lớn, sợ rủi ro”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng đề nghị Sơn La đẩy mạnh một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy du lịch địa phương, bổ sung cho tính đa dạng của du lịch tỉnh nhà, nhất là những sản phẩm “màu xanh của rừng”. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh hiện đang đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước đầu tư, tỉnh cần chú ý phát huy nguồn lực mềm, yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ công chức, khả năng kết nối thông tin, internet. “Sơn La nói chung và miền núi nói riêng không được đứng ngoài lề xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nói.

Đề cập đến công tác quy hoạch du lịch và đô thị bền vững tại Sơn La, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch xây dựng phải có tầm nhìn xa, bền vững, chứ không tập trung vào mục tiêu ngắn hạn. “Làm sao càng xây thì càng đẹp, càng thoáng chứ không phải mất đi vẻ đẹp của Sơn La, của Mộc Châu”; “không ăn xổi ở thì trong phát triển”.

Nhấn mạnh mục tiêu phải làm sao để người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch cũng như nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng mong muốn Sơn La xây dựng được những mô hình có thể nhân rộng ra các tỉnh Tây Bắc.

Trăn trở trước lối sống phô trương của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Trao đổi với lãnh đạo 14 tỉnh miền núi Tây Bắc có mặt tại hội nghị, Thủ tướng cho biết mình rất trăn trở trước những thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi thời gian qua.

“Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của địa phương; ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung”. Trong khi đó, có bao nhiêu tấm gương ngày đêm vượt khó, đóng góp cho sự phát triển của vùng cao như các thày, cô giáo ngày ngày cùng học sinh vượt mưa lũ đến trường, một lòng vì tương lai các thế hệ trẻ mà không quản ngại, lùi bước trước khó khăn; hay các doanh nghiệp dấn thân vào vùng cao, nghiên cứu đầu tư lâu dài, phát triển bền vững, Thủ tướng đưa ra những hình ảnh thực tế để so sánh.

Gợi ý một số chỉ tiêu phát triển cho Sơn La về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đặt mục tiêu Sơn La phấn đấu đón 5 triệu khách du lịch vào năm 2020, nhất là người trẻ và khách nước ngoài; khai thác tốt hơn nguồn nước khoáng nóng. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao và vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn; mở rộng đàn gia súc theo mô hình chăn nuôi đại gia súc; tận dụng các nguồn nước trong lành của lòng hồ sông Đà để nuôi trồng các loại thủy sản giá trị cao, có khả năng xuất khẩu lớn như cá tầm, cá hồi hiện mới làm được bước đầu. Sơn La còn là nguồn cung ứng lớn các loài hoa không chỉ trong nước, mà còn có thể tiến tới xuất khẩu...

Tại hội nghị, tỉnh Sơn La trao Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư 8.560 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ với Nhà đầu tư 17 dự án, tổng mức đầu tư 14.932 tỷ đồng. /.