Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-7-2017)
TCCSĐT - Vào trung tuần tháng 7-2017, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thực hiện chuyến công du tới Pháp. Chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng mang tính biểu tượng nhân kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất, đồng thời được coi là cơ hội để củng cố mối quan hệ gắn kết giữa Washington và Paris.
Nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung
Tổng thống Mỹ D. Trump gặp gỡ Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: cnn.com
Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Paris, Tổng thống Mỹ D. Trump và Tổng thống Pháp E. Macron đã thảo luận về các vấn đề song phương và một số chủ đề nổi bật, như các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria, những chiến lược chống khủng bố ở quy mô lớn hơn, xu hướng bảo hộ và quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống D. Trump cho rằng, lệnh ngừng bắn ở miền Nam quốc gia Trung Đông này cho thấy, cuộc thảo luận giữa ông và Tổng thống Nga V. Putin hồi tuần trước đã đạt được những kết quả nhất định. Theo ông D. Trump, hai bên đang nỗ lực nhằm đưa ra một lệnh ngừng bắn thứ hai tại một khu vực khác nguy hiểm hơn tại Syria. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E. Macron cho biết, ông D. Trump đã đề nghị các nhà ngoại giao phác thảo một sáng kiến nhằm chuẩn bị cho tương lai của Syria.
Đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống D. Trump và Tổng thống E. Macron khẳng định, hai nước Mỹ và Pháp chia sẻ nhiều quan điểm đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và bảo vệ các lợi ích sống còn của cả hai quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa Pháp và Mỹ luôn là hình mẫu, dù là ở vùng Trung Cận Đông hay châu Phi. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, đồng thời kêu gọi lực lượng đồng minh đang chiến đấu chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quyết tâm bảo vệ thành phố Mosul của Iraq.
Tổng thống D. Trump đã để ngỏ vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông D. Trump: “Điều gì đó có thể xảy ra, chúng ta sẽ thảo luận về nó trong thời gian tới”, song không cho biết điều mà ông muốn để đổi lại sự nhượng bộ này. Về phần mình, Tổng thống E. Macron cho biết, ông “tôn trọng mong muốn bảo vệ việc làm” cho người Mỹ của người đồng cấp D. Trump, song nhấn mạnh Pháp vẫn sẽ theo đuổi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp cũng khẳng định, sự bất đồng này không ảnh hưởng và không ngăn cản các cuộc thảo luận về các vấn đề khác. Ông khẳng định, Washington vẫn là “đồng minh chiến lược” của Paris dù còn “nhiều bất đồng” về khí hậu.
Việc Tổng thống E. Macron chọn thời điểm ngày Quốc khánh để mời Tổng thống D. Trump tới thăm có ý nghĩa quan trọng, cho phép tái khẳng định những mối liên hệ lịch sử đã gắn kết hai nước Pháp và Mỹ, cũng như gắn kết Mỹ với châu Âu. Song điều chính yếu, nổi bật trong chuyến thăm đó là chiến lược của ông E. Macron trong việc tái thiết lập vị trí của Pháp là một cường quốc thế giới và một quyết tâm nhằm bảo đảm rằng, Mỹ vẫn can dự ở phương Tây.
Trong khi đó về phía Mỹ, chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống Mỹ đã đưa ra một thông điệp rằng, Pháp là đồng minh gắn bó với Mỹ. Thăm Paris lần này cũng là một cơ hội để Tổng thống D. Trump cải thiện hình ảnh của mình ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sau hàng loạt quyết sách gây rạn nứt quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, như chính sách bảo hộ thương mại, việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh cả Mỹ và Pháp cùng mong muốn gạt sang một bên những bất đồng về thương mại và chống biến đổi khí hậu, chuyến thăm Pháp của người đứng đầu nước Mỹ được coi là cơ hội để tìm kiếm sự đồng thuận giữa hai nước và từ đó tạo điều kiện tốt cho mối quan hệ liên Đại Tây Dương.
Bê bối tham nhũng làm chao đảo chính trường Brazil
Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: bbc. com
Từ hai năm nay, chính trường Brazil liên tục rung chuyển bởi hàng trăm chính trị gia và doanh nhân có dính líu tới vụ bê bối ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Gần đây nhất, ngày 12-7, Tòa sơ thẩm Brazil đã tuyên án 9 năm rưỡi tù giam đối với cựu Tổng thống Lula da Silva (2003 - 2010) vì tội tham gia vào đường dây tham nhũng này. Cùng ngày, Ủy ban Hiến pháp và Tư pháp Hạ viện Brazil cũng bắt đầu phiên thảo luận về khởi tố của Viện kiểm sát cáo buộc Tổng thống đương nhiệm M. Temer tội tham nhũng cũng vì vụ bê bối Petrobras.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 13-7, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva tố cáo án tù 9 năm rưỡi chống lại ông vì tội tham nhũng thụ động và rửa tiền mang động cơ chính trị, đồng thời yêu cầu cơ quan pháp luật đưa ra bằng chứng làm cơ sở để kết tội. Phát biểu tại trụ sở Đảng Lao động (PT), ông Lula da Silva đã bác bỏ quyết định của Thẩm phán S. Moro. Ông Lula da Silva cũng yêu cầu PT cho phép ra tranh cử chức Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Ông Lula da Silva hiện là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Brazil trong cuộc bầu cử năm 2018. Tỷ lệ ủng hộ của các cử tri đối với ông Lula da Silva hiện ở mức 30% và luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông Lula da Silva cũng nhiều lần tuyên bố sẽ ra tranh cử. Ông sẽ chỉ bị tước quyền ứng cử vào chức tổng thống nếu Tòa phúc thẩm khẳng định ông phạm tội tham nhũng.
Liên quan tới cáo buộc Tổng thống đương nhiệm M. Temer tội tham nhũng vì vụ bê bối Petrobras, ngày 13-7, Ủy ban Hiến pháp và Tư pháp Hạ viện Brazil đã bác bỏ yêu cầu khởi tố của Viện kiểm sát. Trong một phiên bỏ phiếu, 40 nghị sĩ đã bác bỏ kết luận của ông S. Zveiter, người được chỉ định thụ lý vụ việc. Chỉ có 25 nghị sĩ ủng hộ đề xuất của ông S. Zveiter, trong đó khẳng định có nhiều bằng chứng quan trọng để tiến hành một phiên tòa hình sự xét xử người đứng đầu nhà nước. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu trên được thông báo, Chủ tịch Hạ viện R. Maia thông báo Hạ viện sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 02-8 tới để bỏ phiếu về các các buộc tham nhũng chống lại ông M. Temer. Trong trường hợp 2/3 trong tổng số 513 nghị sĩ tại cơ quan lập pháp này thông qua đề nghị khởi tố ông M. Temer, vụ việc sẽ được chuyển tới Tòa án tối cao để xét xử người đứng đầu nhà nước. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Brazil, một tổng thống đương nhiệm bị khởi tố vì tội tham ô.
Nhiều ý kiến lo ngại tình hình chính trị bất ổn trên sẽ ảnh hưởng không chỉ Brazil mà còn cả các nước trong khối Thị trường chung Nam Mỹ Mercosur. Mercosur được thành lập dựa trên một hiệp định thương mại tự do vào năm 1991 giữa các nước Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Tuy nhiên, ngày 15-7, Ngoại trưởng Argentina J. Faurie khẳng định, cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay tại Brazil, quốc gia sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch khối (Mercosur) vào tuần tới, không ảnh hưởng tới hoạt động của khối này. Ông J. Faurie đã nhóm họp với người đồng cấp Brazil A. Nunes một ngày trước đó tại Brasilia. Ông cho biết, Buenos Aires theo dõi chặt chẽ tình hình nước láng giềng và khẳng định tin tưởng hoàn toàn vào thể chế Brazil. Argentina sẽ trao chức chủ tịch luân phiên Mercosur cho Brazil vào ngày 21-7 tới trong cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra tại tỉnh Mendoza. Ông J. Faurie bày tỏ hy vọng trong nhiệm kỳ 6 tháng tới đây của Brazil, Mercosur sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU).
ASEAN thúc đẩy triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối 2025
Việt Nam và Myanmar đồng chủ trì phiên thảo luận lĩnh vực chiến lược về sự di chuyển của con người. Ảnh: vietnamplus
Từ ngày 12 đến 14-7, Diễn đàn về xây dựng tài liệu khái niệm, sáng kiến để triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Hội thảo Kết nối lần thứ 8 đã được tổ chức tại thành phố Alabang (Philippines). Các thành viên Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) đã tham gia với vai trò chủ trì các phiên thảo luận chính của 5 lĩnh vực chiến lược gồm: cơ sở hạ tầng bền vững; sáng tạo số; chuỗi cung ứng không gián đoạn; tối ưu quản lý và sự di chuyển của con người.
Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại Viêng Chăn (Lào), ngày 06-9-2016, với tiền đề là sự thành công của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2010. Diễn đàn có sự tham dự của gần 150 đại biểu gồm thành viên ACCC, cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan đầu mối quốc gia (cơ chế được thành lập trên cơ sở MPAC 2025), Chủ tịch 8 cơ quan ASEAN được giao triển khai sáng kiến (SEOM, ACCMSME, WC-FINC, TELSOM, ACCSQ, NTOs, DGICM và SOMED), cùng các tổ chức doanh nghiệp và các đối tác của ASEAN.
Tại Diễn đàn lần này, các sáng kiến được chia thành những phiên thảo luận riêng để các chuyên gia, đại diện bộ, ngành và các đối tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đưa ra các ý tưởng và biện pháp mới làm cơ sở để sau này đề xuất và xây dựng các dự án MPAC 2025 thiết thực, hiệu quả. Các phiên thảo luận sáng kiến được trao đổi thẳng thắn và thiết thực, trong đó về cơ sở hạ tầng bền vững có các sáng kiến về xây dựng danh sách những dự án ưu tiên để huy động vốn hay chiến lược đô thị hóa bền vững cho các thành phố ASEAN. Bên cạnh các nội dung thảo luận tại Hội thảo, đây là dịp để các cơ quan điều phối, đầu mối quốc gia các nước ASEAN lần đầu gặp gỡ và trao đổi trực tiếp về cách thức triển khai trong lĩnh vực kết nối, trong đó có việc hình thành mạng lưới phối hợp triển khai MPAC 2025 trong thời gian tới.
Bên lề Diễn đàn MPAC 2025, ngày 14-7 đã diễn ra Hội thảo lần thứ 8 về Kết nối với sự tham dự đông đảo của các đại diện dự Diễn đàn MPAC 2025, các tổ chức và thể chế tài chính khu vực và quốc tế, các tổ chức hợp tác tiểu vùng, các học giả, doanh nghiệp. Hội thảo nhằm thông tin về kết quả thảo luận của Diễn đàn MPAC 2025 và trao đổi quan điểm, ý tưởng hợp tác, phối hợp triển khai hiệu quả MPAC 2025 trong thời gian tới.
Ukraine xích lại gần EU: Bài toán mở
Các nhà lãnh đạo họp bàn tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu - Ukraine. Ảnh: Ria Novosti
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Ukraine diễn ra ngày 12 và 13-7 với trọng tâm liên quan tới tiến trình phê chuẩn Hiệp định liên kết giữa hai bên. Đây được xem là một vấn đề rất quan trọng, quyết định đến tương lai của mối quan hệ giữa EU và Ukraine. Tuy nhiên, mọi tiến triển của mối quan hệ này vẫn sẽ phải trông đợi vào mối quan hệ với Nga.
Hội nghị Thượng đỉnh EU - Ukraine diễn ra trong bối cảnh EU đã hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định liên kết EU - Ukraine, bao gồm cả Khu vực mậu dịch tự do toàn diện và sâu rộng, nhằm thiết lập quan hệ liên kết chính trị và kinh tế giữa liên minh này với Ukraine. Ngay trước thềm Hội nghị, Hội đồng châu Âu đã thông qua thỏa thuận liên kết trên. Đây được xem là bước cuối cùng trong tiến trình thông qua hiệp định và đã được các nhà lãnh đạo EU đánh giá cao tại Hội nghị lần này.
Trước đó, một tín hiệu tích cực khác trong quan hệ giữa EU và Ukraine là việc quy chế miễn thị thực cho công dân Ukraine của EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 11-6-2017. Theo đó, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học có thể đi 30 nước châu Âu mà không cần thị thực với thời gian lưu trú không quá 90 ngày trong vòng 180 ngày bất kỳ. Quy chế miễn thị thực cho công dân Ukraine được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU, ngoại trừ Anh, Ireland và 4 nước không phải thành viên EU gồm Iceland, Công quốc Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.
Như vậy, với việc Hội đồng châu Âu thông qua hiệp định liên kết với Ukraine, hai bên cam kết thiết lập “mối quan hệ gần gũi, lâu dài trong tất cả các lĩnh vực chính sách quan trọng”. Việc thông qua này sẽ cho phép hai bên thực thi đầy đủ hiệp định từ ngày 01-9-2017. Hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine là một phần trong sáng kiến “Đối tác phương Đông” của EU, vốn được hai bên khởi xướng từ năm 2007 và ký kết vào năm 2014, nhằm tạo khuôn khổ cho sự hợp tác giữa hai bên. Hiệp định liên kết EU - Ukraine sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa hai bên. Một thị trường mở gồm 45 triệu dân của Ukraine cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng đang trì trệ ở EU và một Ukraine thành công cũng là cơ sở tạo nên sự ổn định rất cần thiết cho khu vực EU.
Theo đánh giá của Bộ Kinh tế Ukraine, lợi ích lớn nhất từ việc thành lập Khu vực Thương mại tự do sâu rộng và toàn diện mà nước này nhận được là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dòng hàng hóa giá rẻ. Khoảng 97% danh mục hàng hóa được miễn thuế khi xuất - nhập giữa hai bên, mang tới cho GDP của Ukraine 10 - 15 tỷ hryvnia (khoảng 4 - 6 tỷ USD) mỗi năm. Mức giảm giá hàng hóa từ EU vào khoảng 5%.
Các nhà phân tích cho rằng, thông qua Hiệp định liên kết, Ukraine sẽ được tiến gần hơn đến con đường gia nhập EU. Những bước đi này của EU được coi là nhằm kéo Ukraine xích lại gần hơn với khối này trong bối cảnh quan hệ giữa Ukraine và Nga vẫn luôn căng thẳng liên quan tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Từ bấy lâu nay, tấm vé trở thành thành viên chính thức của EU luôn là điều mà Ukraine vẫn trông đợi. EU cũng muốn mở cánh cửa với quốc gia Đông Âu này, nhưng trở ngại vẫn còn nhiều ở phía trước. Các nhà phân tích cho rằng, dù đã được thông qua song cũng cần phải nhắc tới việc Ukraine phải thông qua hàng loạt chương trình cải cách, trong đó có đấu tranh chống tham nhũng, quản lý tài chính công, phân quyền và lĩnh vực năng lượng. Tiến trình này được cho là không mấy dễ dàng với Ukraine và đến nay được đánh giá là chưa có nhiều khả quan.
Ngoài ra, nội bộ EU cũng có nhiều nước không mấy thiện cảm với việc kết nạp thêm Ukraine. Điều này thể hiện rất rõ qua việc phải rất khó khăn EU mới thông qua được hiệp định liên kết với Ukraine. Do vậy, với việc quyết tâm xích lại gần nhau thì cái giá đã và sẽ phải tiếp tục trả cho Ukraine lẫn EU là không nhỏ. Từ trước đến nay, Nga không bao giờ chấp nhận việc Ukraine xích lại gần EU. Bởi xích lại gần EU sẽ thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO và đó là một thách thức, đe dọa lớn đối với an ninh của Nga. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ có những “lá bài” để hạn chế sự xích lại gần EU của Ukraine. Điều này đã được Nga công khai thể hiện trong Thỏa thuận Minsk-2 với việc hạn chế tầm ảnh hưởng của Ukraine đối với các vùng có tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực miền Đông Ukraine và giáp giới phía Tây - Nam của Nga.
Còn đối với EU, càng ràng buộc Ukraine vào mình như thế, EU lại càng khó khăn và khó xử trong việc giải quyết vấn đề tình hình hiện tại ở nước này. Và vì vậy, hòa bình cho miền Đông Nam Ukraine cũng như phục hồi nền kinh tế Ukraine sau Hội nghị Thượng đỉnh EU - Ukraine lần này được nhận định là khó có thể trở nên sáng sủa hơn.
Hòa đàm Syria không có bước đột phá
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura. Ảnh:EPA/TTXVN
Cuộc đàm phán hòa bình Syria diễn tại Geneva, Thụy Sĩ đã kết thúc ngày 14-7 mà không đạt được một bước đột phá nào cụ thể. Đây là vòng đàm phán thứ 7 do đại diện chính phủ Syria và phe đối lập tiến hành thông qua trung gian hòa giải là Liên hợp quốc với mục tiêu đạt được một giải pháp toàn diện và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài dai dẳng tại Syria.
Vòng đàm phán mới được Liên hợp quốc bảo trợ tập trung vào bốn vấn đề chính, bao gồm một bản hiến pháp mới, quyền điều hành đất nước, các cuộc bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố. Phát biểu trong cuộc họp báo cuối cùng của vòng đàm phán này, đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Misturacho biết, dù không có đột phá, song ít nhất các cuộc đàm phán đã không đổ vỡ và không bên nào rời bàn thương lượng. Ông cũng lưu ý, cơ chế tham vấn kỹ thuật được hình thành từ các vòng đàm phán trước đã giúp phe đối lập tại Syria có thể hợp tác chặt chẽ hơn và có các cuộc thương lượng chi tiết hơn. Song, đặc pháp viên cũng lên tiếng thừa nhận các bên vẫn ”tồn tại khoảng cách trong những vấn đề lớn”, và sự thúc ép về mặt thời gian đã cản trở tiến trình hòa bình. Theo ông S. Misturacho, sau các xung đột, khoảng cách giữa các nước đã khiến cho tiến trình đàm phán hòa bình Syria luôn chậm lại. Ngoài ra, ông cũng hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Pháp E. Macron về việc thành lập một nhóm liên lạc về vấn đề Syria.
Ngày 15-7, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva, ông A. Borodavkin cho rằng, các cuộc thảo luận về vùng giảm căng thẳng tại Syria đã có tác động tích cực đối với phe đối lập Syria. Đồng thời, ông nhấn mạnh, vòng hòa đàm thứ bảy về Syria đã kết thúc và vòng đàm phán tiếp theo sẽ được nối lại vào đầu tháng 9 tới đây.
Bước sang năm thứ 7, cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi bất đồng giữa các bên vẫn chưa thể hóa giải. Cuộc khủng hoảng kéo dài 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu. Nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria, kể từ đầu năm 2016 đến nay đã diễn ra 4 cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại Geneva, Thụy Sỹ do Liên hợp quốc bảo trợ. Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã diễn ra hai cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập tại thủ đô Astana (Kazakhstan) do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ./.
Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (17/07/2017)
Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (17/07/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiến tạo là phải vượt lên chính mình  (17/07/2017)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên