Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-7-2017
Kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính
Ngày 11-7, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi thuyết trình "Kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương". Hai Giáo sư Nhật Bản là Hisao TSUKAMOTO (Trường Quản lý công, Đại học Waseda) và Hirofumi TAKADA, Phó Giám đốc Chương trình Lãnh đạo trẻ (Học viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản) tham gia thuyết trình.
Buổi thuyết trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 73 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tham dự buổi thuyết trình tại điểm cầu Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, buổi thuyết trình được tổ chức nhằm trao đổi, tham khảo một số kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản.
Chia sẻ về cải cách hành chính chính quyền Trung ương Nhật Bản, Giáo sư Hisao TSUKAMOTO đánh giá cải cách hành chính là thách thức đối với mọi chính phủ. Mục tiêu của việc cải cách hướng tới cung cấp dịch vụ công thiết yếu, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của công dân và doanh nghiệp thông qua lắng nghe những khó khăn và tạo dựng lòng tin của họ đối với chính phủ. Giáo sư chỉ ra nguyên tắc cơ bản của cải cách: tinh gọn bộ máy Chính phủ thông qua "cắt giảm" bộ máy tổ chức đi liền với chọn lọc, sắp xếp, phân loại những chức năng, nhiệm vụ hiện có.
Giới thiệu lịch sử cải cách hành chính của Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh, Giáo sư khẳng định cải cách hành chính là động lực phát triển quốc gia. Thông tin cơ bản về bộ máy Chính phủ Nhật Bản, Giáo sư cho biết, ba nhánh của chính quyền Trung ương gồm: lập pháp (Nghị viện - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất); hành pháp (Chính phủ - Thủ tướng do Nghị viện bầu) và tư pháp. Hai nhánh của chính quyền địa phương là: lập pháp (ủy viên do dân bầu) và hành pháp (tỉnh trưởng/thị trưởng do dân bầu). Chính quyền địa phương gồm 2 cấp: tỉnh và thành phố, thị trấn, làng thuộc địa giới của tỉnh. Chính quyền địa phương độc lập đối với chính quyền trung ương, có quan hệ qua lại về hành chính và tài chính.
Thuyết trình về cải tổ chính trong Sáng kiến cải cách Chính phủ năm 2001, Giáo sư Hisao TSUKAMOTO cho biết kết quả chính đạt được từ cải cách là cải tổ bộ máy tổ chức của chính phủ giảm từ 23 còn 13; tăng cường quyền lực của Thủ tướng trong Chính phủ và tăng cường cán bộ và đơn vị hỗ trợ; tinh gọn bộ máy thông qua thành lập Cơ quan sự nghiệp; công bố mục tiêu giảm 15% tổng biên chế và giảm bớt việc tăng nhân viên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ...
Nói về kinh nghiệm quản trị địa phương tại Nhật Bản, Giáo sư Hirofumi TAKADA cho biết Hiến pháp Nhật Bản có một chương riêng, Chương VIII quy định về tự quản địa phương, trong đó nêu rõ: chính quyền địa phương có quyền quản lý tài sản địa phương, xử lý công việc và thực hiện hoạt động hành chính của địa phương đó, có quyền ban hành các quy định riêng của mình trong khuôn khổ pháp luật. Hệ thống chính quyền địa phương gồm hai cấp: cấp tỉnh và cấp thành phố/thị trấn/làng.
Giới thiệu những cải cách về phân cấp (năm 1995), Giáo sư cho biết ngay cả trước khi những cải cách về phân cấp được thực hiện, chính quyền địa phương tại Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ và công việc. Tuy nhiên, việc chính quyền Trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát và đặt ra những nghĩa vụ đối với chính quyền địa phương khi thực hiện những nhiệm vụ này bằng các luật đơn lẻ hoặc thông qua ban hành các thông tư đã làm giảm sút “tính tự quản địa phương”. Do đó, những cải cách về phân cấp tại Nhật Bản một phần nhằm mục đích nới lỏng hoặc hủy bỏ những can thiệp của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương khi thực hiện những nhiệm vụ của họ hơn là giao nhiều nhiệm vụ cho chính quyền địa phương. Điều này đã giúp mở rộng phạm vi quyền ra quyết định tự chủ về phía chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về Cơ chế một cửa quốc gia
Chiều 11-7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2017.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá một số bộ chưa tích cực trong thực hiện cải cách thủ tục, nhất là kiểm tra hải quan chuyên ngành. Phân tích kỹ về rào cản kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng cho biết các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 30-35% tổng số lô hàng mà tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, trong khi WB khuyến cáo tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành chỉ nên chiếm 15%.
“Vướng mắc hiện nay là văn bản pháp luật quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, quy định một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ. Có trường hợp một mặt hàng chịu nhiều hình thức kiểm tra của cùng một bộ. Có danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra (chiếm 50% tổng số lượng kiểm tra chuyên ngành của 9 bộ), có nghĩa là Bộ muốn kiểm tra gì cũng được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Để khắc phục các rào cản của kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ liên quan nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; áp dụng biện pháp công nhận lẫn nhau về quy trình sản xuất, truy xuất sản phẩm ngay tại nơi sản xuất để hạn chế kiểm tra, tăng cường hậu kiểm; giao cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhập khẩu...
Trước việc chỉ có 22 thủ tục hành chính đưa vào Cơ chế một cửa quốc gia từ đầu năm tới nay, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành kế hoạch đưa 130 thủ tục vào Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2017; rà soát, bổ sung các thủ tục mới qua Cơ chế một cửa quốc gia. Về Cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sẽ chính thức kết nối khi Nghị định thư về cơ chế này có hiệu lực (hiện nay đã có 9 nước phê chuẩn).
Các bộ ngành hoàn thành chương trình mục tiêu, hành động cụ thể thực hiện cơ chế này, chậm nhất trong tháng 8-2017; rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý và thủ tục hành chính phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tích cực triển khai hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm tính kết nối, an toàn và bảo mật...
Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính phải theo lộ trình
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Theo đó, có 15 lĩnh vực được đơn giản hóa thủ tục hành chính như: Đăng ký khai sinh, công chứng, bồi thường nhà nước, hộ tịch...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đây là định hướng triển khai công việc, không phải bỏ ngay một số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như nhiều người dân thắc mắc.
Theo Nghị quyết 58, có nhiều thay đổi về thủ tục trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Đặc biệt, trong lĩnh vực hộ tịch, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được bãi bỏ. Thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phân tích, Luật Hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 01-01-2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu điện tử. Khi đó, tất cả thông tin của người dân đều có trên cơ sở dữ liệu này nên khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục, người dân không cần xuất trình một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết đã đề nghị các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để trao đổi, cung cấp thông tin đúng đắn nhất đến người dân, giúp người dân hiểu rõ vấn đề.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết 58 rất mới và Bộ Tư pháp có tham gia vào quá trình xây dựng nghị quyết nhưng việc triển khai phải có lộ trình, bám sát lộ trình Luật Hộ tịch đã quy định. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang làm dự án thí điểm Chính phủ giao, sắp tới sẽ tổng kết, sau đó sẽ triển khai chính thức.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết thêm, Nghị quyết 58 không phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung các văn bản mà sau khi Nghị quyết được ban hành thì phải tiếp tục đợi Ban Chỉ đạo Đề án 896 hướng dẫn về lộ trình sửa các văn bản để bảo đảm phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch cụ thể để sửa đổi văn bản được quy định trong nghị quyết. Ngoài ra, các văn bản nêu trong nghị quyết vẫn có hiệu lực, thủ tục hành chính vẫn thực hiện bình thường. Việc thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghị quyết phải có lộ trình.
Thanh Hóa: Chấm dứt 3.015 hợp đồng lao động không đúng quy định
Thực hiện công tác tinh giản biên chế đợt II trong năm 2017, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện tinh giản biên chế 466 người. Trong đó, khối hành chính 73 người; khối sự nghiệp 379 người và khối Đảng, đoàn thể 14 người. Trước đó, trong đợt I năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tinh giản biên chế 6 trường hợp với tổng số kinh phí thực hiện là 468,1 triệu đồng.
Sở Nội vụ Thanh Hóa cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã chấm dứt 3.015 hợp đồng lao động không đúng quy định tại các sở, ban, ngành và các địa phương. Sau khi chấm dứt hợp đồng, người lao động được chi trả các chế độ theo đúng quy định.
Tại một số cơ quan, đơn vị của tỉnh đã xảy ra tình trạng tuyển dụng, tiếp nhận công chức không đúng quy định; tuyển dụng công chức có trình độ, chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm; chuyển ngạch từ viên chức sang công chức không báo cáo UBND tỉnh. Một số UBND cấp huyện thực hiện tuyển dụng công chức cấp xã chưa đúng quy định, không thành lập hội đồng tuyển dụng, không công khai nội dung tuyển dụng. Bố trí cán bộ công chức cấp xã trình độ chuyên môn không phù hợp với vị trí, chức danh như huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thường Xuân... Một số đơn vị thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức không đúng quy định, trình tự thủ tục, không thành lập hội đồng tuyển dụng.
Qua công tác thanh tra các cấp đã phát hiện nhiều tập thể và cá nhân có khuyết điểm vi phạm trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Theo đó đã có 5 tổ chức và 33 cán bộ đảng viên có khuyết điểm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức phải kiểm điểm, xem xét xử lý.
Hậu Giang tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính
Ngày 14-7, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số cải cách hành chính năm 2016.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang Võ Thành Chính, nhằm cải thiện chỉ số cải cách hành chính, tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của Hậu Giang có sự sụt giảm mạnh về điểm số và thứ hạng so với năm 2015 do nhiều nguyên nhân. Đó là ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên chưa thể đầu tư nhiều cho cải cách hành chính như xây dựng nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại; kinh phí tuyên truyền, kinh phí bồi dưỡng kỹ năng hành chính. Một số quy định của Trung ương chưa cụ thể, chậm triển khai nhưng lại trừ điểm các địa phương như chưa thống nhất về khung thời gian báo cáo, đề án hỗ trợ cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại, quy định thực hiện liên thông với ngành dọc...
Nguyên nhân chủ quan là một số sở, ngành, địa phương trong tỉnh chậm rà soát thủ tục hành chính, chậm công khai thủ tục hành chính, niêm yết lập lờ, thiếu chính xác. Một số sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định, thiếu chủ động của bộ phận tham mưu và tư duy ngại đổi mới, sợ khó của cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Cơ chế phối hợp thực hiện với các cơ quan ngành dọc trong giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai còn nhiều khó khăn.
Đồng Nai: Cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển
Năm 2017, tỉnh Đồng Nai tiếp tục xác định cải cách hành chính là khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã công bố lại bộ thủ tục hành chính tại 17/19 ngành. Hiện đã có 1.866 thủ tục hành chính được áp dụng tại 3 cấp chính quyền; trong đó cấp tỉnh 1.396 thủ tục, cấp huyện 324 thủ tục, cấp xã 146 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của 20 sở, ngành, 11 UBND cấp huyện và 171 UBND cấp xã đạt 94%.
Để tạo bước đột phá trong cải cách hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh Đồng Nai đã thành lập Trung tâm hành chính công. Người dân và doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục hành chính chỉ cần đến một nơi, không phải mất thời gian liên hệ nhiều sở, ngành. Trung tâm hành chính công được Đồng Nai áp dụng hệ thống quản lý, xử lý và điều hành bằng phần mềm hiện đại. Tại Trung tâm hành chính công Đồng Nai có 43 quầy tiếp nhận - trả hồ sơ và 5 quầy hỗ trợ. Có 22 sở, ngành bố trí nhân sự để tiếp nhận, trả kết quả đối với 1.206 thủ tục hành chính cấp tỉnh và tư vấn cho doanh nghiệp, người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện một cửa và một cửa liên thông hiện đại bằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Điển hình mô hình tích hợp thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua tin nhắn SMS và phần mềm một cửa; triển khai hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên phầm mềm một cửa Egov tại Trung tâm hành chính công và huyện Nhơn Trạch; thành lập tổng đài dịch vụ công với đầu số 1022; tích hợp hệ thống quan sát bằng camera tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp xã lên cấp huyện. Ngoài ra, đối với việc hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, tỉnh Đồng Nai đang áp dụng trao đổi văn bản bằng điện tử, thực hiện chữ ký số…./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-7-2017)  (17/07/2017)
Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (17/07/2017)
Cần Thơ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  (17/07/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiến tạo là phải vượt lên chính mình  (17/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên