TCCSĐT - Thực hiện nghiêm số lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp, nhiều chính sách ưu đãi phát triển cụm công nghiệp, chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, thúc đẩy tích tụ đất đai, tạo điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp, là những chính sách mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thực hiện nghiêm số lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23/CT-TTg yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chính quyền địa phương các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp.

Cụ thể, thực hiện nghiêm quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP về số lượng, cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân, nhất là số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Những đơn vị hành chính chưa được phân loại đơn vị hành chính thì khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phân loại để có căn cứ xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định.

Đối với những nơi tăng thêm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì tiếp tục giữ nguyên trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Khi nhân sự tăng thêm được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu để bầu giữ chức vụ cao hơn hoặc điều chuyển bố trí, phân công công tác khác hoặc thôi việc thì không bổ sung nhân sự mới thay thế để bảo đảm số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại địa phương đó theo đúng quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ khi thẩm định hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, việc tuân thủ quy trình, thủ tục bầu, nội dung hồ sơ thẩm định theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hàng năm.

Nhiều chính sách ưu đãi phát triển cụm công nghiệp

Chính phủ vừa ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm công nghiệp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

Theo Nghị định, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 7 năm và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được xem xét đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu

Tại Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, Nhà nước ưu đãi về đất đai; hỗ trợ sản xuất giống, hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu... cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi trồng, khai thác dược liệu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

100% các trường phải có giáo viên dạy môn pháp luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2020, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Phương án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Công tác phân kỳ đầu tư được tính toán theo từng giai đoạn, phù hợp với lưu lượng phương tiện phát triển trong thực tế, tuy nhiên cần thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch; đồng thời, có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc kết nối tại các nút giao theo quy hoạch. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển đường cao tốc, bảo đảm có tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện Dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư.

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo nêu liên quan đến mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Thúc đẩy tích tụ đất đai, tạo điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo trong thời gian tới cần thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tài sản đất đai.

Về quan điểm thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thứ nhất, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân; tích tụ, tập trung đất đai phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển ngành nghề ở nông thôn nói riêng, tạo công ăn, việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn với việc cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất.

Thứ ba, phải phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.

Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp./.