Châu Âu - thách thức từ chủ nghĩa dân túy
TCCSĐT - Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có lẽ được coi là một trong những vấn đề nhức nhối và gây hệ lụy sâu sắc ở châu Âu trong năm 2016. Năm 2017 là năm diễn ra một loạt sự kiện bầu cử ở Hà Lan, Pháp, Đức, có thể cả tại I-ta-li-a. Không loại trừ khả năng phong trào dân túy có thể giành chiến thắng tại các cuộc bầu cử quan trọng này. Châu Âu đang đứng trước một thách thức lịch sử và tương lai Liên minh châu Âu (EU) ra sao là vấn đề rất khó đoán định.
Châu Âu và “những người đi tìm bản sắc”
Sau một loạt những nỗ lực để tránh việc Hy Lạp, thành viên EU, rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngày 23-6-2016, cả thế giới bất ngờ trước việc đa số người dân Anh (52%) “đồng ý” với việc Anh rời EU (Bre-xít) trong cuộc trưng cầu ý dân. Nguyên Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-run, người tin rằng sẽ thuyết phục được cử tri bỏ phiếu ở lại EU đã không lường trước được việc có quá nhiều thành viên quan trọng trong đảng Bảo thủ Anh ủng hộ Bre-xít.
Cùng với Bre-xít, một loạt các sự kiện diễn ra tại Lục địa già năm 2016 thể hiện sự lên ngôi của phong trào cực hữu và dân túy. Tại Đức, Thủ tướng A. Méc-ken và chính phủ của bà chịu sự chỉ trích gay gắt của cánh hữu đối lập khi chấp nhận số lượng lớn người tị nạn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những quốc gia láng giềng, đặt gánh nặng thuế lên vai người lao động Đức. Một số tình trạng như hiện tượng cướp giật, khủng bố… có liên quan đến người nhập cư khiến sự bất bình vì lý do này tại Đức ngày càng gia tăng. Tại Áo, năm 2016, Áo đã phải tổ chức bầu cử hai lần mới có thể lựa chọn được Tổng thống mới. Phong trào cực hữu ở đây phát triển mạnh, trong cuộc đua bầu Tổng thống vòng hai (ngày 21-05-2016), Thủ lĩnh cực hữu N. Ô-phơ của đảng Tự Do (FPO) đã bám sát đối thủ A-lếch-xan-đơ Van đơ Bơ-len thuộc đảng Xanh (chỉ cách biệt 31.000 phiếu). Gần đây nhất là sự kiện diễn ra ở I-ta-li-a. Thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 04-12-2016 về cải cách Hiến pháp, Thủ tướng cánh tả I-ta-li-a M. Ren-di đã buộc phải từ chức. Đây được coi như thắng lợi của phe đối lập bao gồm các đảng dân túy và hoài nghi EU, như đảng Phong trào 5 sao, Liên đoàn phương Bắc và Đảng Tiến lên I-ta-li-a của cựu Thủ tướng X. Béc-lu-xcô-ni.
EU ngày càng bộc lộ những điểm yếu khi phải đối mặt với khủng hoảng tiền tệ, nạn thất nghiệp, làn sóng người tỵ nạn, khủng bố..., cánh hữu và phong trào dân túy càng có điều kiện phát triển. Trên khắp châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân túy tự mô tả mình là những người hoài cổ, muốn bảo vệ những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, những lợi ích thiết thực của đại đa số dân chúng… Họ tự coi mình là “những người đi tìm bản sắc” (phong trào “Identitarian”). Giới trẻ sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội, như YouTube, Facebook, Twitter, Instagram để thúc đẩy phong trào “Identitarian”. Cương lĩnh của những người theo chủ nghĩa dân túy là chống nhập cư, chống người Hồi giáo, chống lại sự hội nhập, nhất thể hóa không phù hợp với lợi ích quốc gia.
Các chính trị gia đại diện cho những lực lượng cực hữu lại ra sức tận dụng các phong trào này để củng cố ảnh hưởng của mình trên chính trường châu Âu. Nhưng điều nguy hiểm nhất là các chính đảng lớn và phương tiện truyền thông thời gian qua đã công nhận và tạo diễn đàn cho các quan điểm cực đoan này có cơ hội thu hút sự ủng hộ của người dân. Chiến thắng của ông Đ. Trăm ở Mỹ lại tiếp thêm “sự tự tin nhất định” cho các phong trào dân túy châu Âu. Các đảng cực hữu châu Âu đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ sau Bre-xít và chiến thắng đầy bất ngờ của ông Đ. Trăm.
EU đối mặt với nhiều khó khăn
Sau những “khúc dạo đầu” của phong trào dân túy năm 2016, năm 2017, khối thống nhất EU mới bước vào cuộc thử thách thực sự với các cuộc bầu cử quan trọng. Trung tuần tháng 3-2017, Hà Lan sẽ tiến hành bầu cử nghị viện. Các cuộc khảo sát cho thấy, Đảng Tự do (PVV) theo chủ nghĩa dân tuý và hoài nghi châu Âu của ông G. Uyn-đơ có thể trở thành một trong những phe phái chính trị mạnh nhất tại Hà Lan và sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống chính trị châu Âu. Trong bản tuyên ngôn tranh cử của mình, ông G. Uyn-đơ tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, cấm kinh Cô-ran, đóng cửa biên giới và đưa Hà Lan ra khỏi EU.
Tại Pháp, chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp liên tiếp xuất hiện những diễn biến bất ngờ. Những diễn biến này đã khiến kết quả của cuộc đua vào Điện Ê-li-dê dự kiến sẽ được tổ chức trong hai vòng vào ngày 23-4 và 07-5-2017 trở nên khó đoán định. Trong cuộc bầu cử sơ bộ bên cánh hữu, cựu Thủ tướng Phrăng-xoa Phi-ông đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, cơ hội đắc cử của ông Phrăng-xoa Phi-ông đang bị đe dọa nghiêm trọng sau những tiết lộ mới đây của báo chí Pháp về việc ông “sử dụng sai mục đích tài chính công” khi tạo ra một vị trí việc làm giả mạo cho vợ của ông, bà Pê-nê-lốp Phi-ông và con của ông trong nhiều năm và trả cho họ mức lương lên tới gần 1 triệu ơ-rô. Uy tín của cựu Thủ tướng Pháp Phrăng-xoa Phi-ông sụt giảm. Những người được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ vụ bê bối của ứng cử viên đảng Cộng hòa, gồm lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Ma-rin Lơ Pen và ứng cử viên độc lập theo đường lối trung dung Em-ma-nuy-en Ma-crông - hai gương mặt được dự báo là sẽ đối đầu trực tiếp trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 07-5-2017. Vẫn còn quá sớm để kết luận một chính trị gia 39 tuổi, chưa từng đảm nhiệm vị trí dân bầu nào như ông E. Ma-crông có thể dễ dàng vượt qua bà Ma-rin Lơ Pen trong vòng hai của cuộc bầu cử, thậm chí có thể những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa sẽ quay sang bỏ phiếu cho lãnh đạo phe cực hữu nếu ông Phrăng-xoa Phi-ông không vượt qua vòng một. Bà Ma-rin Lơ Pen từng tuyên bố chiến thắng của ông Đ. Trăm là chiến thắng của nhân dân đối với giới chóp bu (thiểu số thống trị). Bà Ma-rin Lơ Pen hy vọng, người dân Pháp sẽ noi gương dân Mỹ để chọn bà làm người dẫn dắt nước Pháp trong cuộc bầu cử. Không chỉ muốn lấy lại quyền lực cho dân Pháp, bà Ma-rin Lơ Pen còn muốn người dân khắp EU được quyền thể hiện tiếng nói, giống như người dân Anh trong cuộc trưng cầu Bre-xít.
Chặng đua nước rút sắp tới ở Pháp được dự báo sẽ là một cuộc cạnh tranh vô cùng gay cấn khi các đảng dồn mọi nỗ lực nhằm vực dậy uy tín, thu hút sự ủng hộ của các cử tri. Nếu người Pháp quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên Ma-rin Lơ Pen và chọn chủ nghĩa dân túy cánh hữu, nguy cơ EU tan rã là rất lớn, bởi EU khó có thể tồn tại nếu Pháp là nước lớn thứ hai trong EU quyết tâm rút lui khỏi EU.
Tháng 6-2017, các cuộc bầu cử mới có thể diễn ra tại I-ta-li-a. Kể từ khi cựu Thủ tướng I-ta-li-a M. Ren-di thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12-2016 đến nay, I-ta-li-a vẫn do một nội các lâm thời lãnh đạo. Tại I-ta-li-a, đảng “Phong trào 5 sao” của danh hài B. Gri-lô, một đảng phái chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, hoài nghi về châu Âu lại đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến. Có thể đảng “Phong trào 5 sao” chưa hẳn đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử nhưng chính những khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị tại I-ta-li-a sẽ là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Eurozone.
Tháng 9-2017, nước Đức sẽ bầu ra nghị viện mới. Nhiều người châu Âu và phương Tây hiện coi bà A. Méc-ken như là vị cứu tinh cho châu Âu, thậm chí còn coi bà A. Méc-ken là người bảo vệ các giá trị của phương Tây. Người ta hy vọng vào khả năng “cầm lái” vững vàng của bà A. Méc-ken trong một thế giới đầy bất ổn. Do vậy, ít có khả năng đảng dân túy cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) giành thắng lợi, nhưng việc AfD có thể giành số lượng lớn ghế lớn hơn trong Quốc hội sẽ gây ra sự suy yếu đối với đảng cầm quyền.
Khi các cuộc bầu cử ở những nước này diễn ra, đại diện cánh nào, đảng phái nào giành thắng lợi sẽ góp phần quyết định diện mạo của châu Âu thời gian tới. Điều đáng lo ngại hơn với EU là cuối tháng 3-2017, Anh sẽ kích hoạt Điều 50 để bắt đầu tiến trình đàm phán Bre-xít. Đây có thể là một cuộc trắc nghiệm hóc búa, quyết định đến sự tồn tại của EU. Thực tế đang chứng minh rằng, những người ủng hộ Bre-xít đã đánh giá quá thấp những hệ lụy và khó khăn của cuộc thoái lui này. Chính phủ của bà T. Mây sẽ phải đối mặt với hai năm khó khăn để đàm phán Bre-xít với 27 quốc gia thành viên khác. Đối với nữ Thủ tướng Anh T. Mây, khó lại chồng khó khi trước đó (tháng 11-2016), Tòa án tối cao Anh quốc ra điều luật rằng, các chính sách phải được thành viên của Quốc hội thông qua trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán. Nhiều khả năng đa số trong đó không được thông qua. Trong khi đó, 27 nước thành viên EU còn lại chính thức đề ra các quy định về tiến trình “Anh rời EU” và hình thành một mặt trận chung thống nhất chống lại Anh, đưa ra quan điểm cứng rắn về các dàn xếp thương mại trong tương lai. Như vậy, Anh sẽ khó khăn hơn để có thể đạt được một “thỏa thuận hữu hảo” về tương lai quan hệ giữa Anh và EU. Liệu các cuộc đàm phán này có thể hoàn tất trong hai năm sau đó hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng, tiến trình Bre-xít sẽ bị sa lầy ở khâu hành chính và pháp lý. Khi Anh và EU còn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về Bre-xít, nguy cơ đối với kinh tế mà đặc biệt là rủi ro trên thị trường tài chính, vốn nhiều lo ngại hiện nay, của cả hai bên là khó tránh khỏi.
Hướng đi nào cho EU?
EU đang phải đối mặt đồng thời với các thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Bước tiến của các đảng dân túy tại châu Âu, vấn đề nhập cư, biến đổi khí hậu, giải quyết khủng hoảng nợ công…; Trung Quốc và Nga đang thể hiện quyết tâm thiết lập lại trật tự thế giới; Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm dự định sẽ giảm sự can dự của Mỹ ở cấp độ toàn cầu, trong đó có châu Âu. Tất cả những vấn đề trên có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến các nền dân chủ tự do của EU trong năm 2017.
EU sẽ không thể thoát ra khỏi mớ “bòng bong” nếu vẫn còn mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ như hiện nay. Nếu EU không nhanh chóng thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm chính trị, nguy cơ tan rã khối là rất lớn. Nếu như EU không có những bước tiến thì khối sẽ bị tụt lùi. Dù chủ nghĩa dân túy chưa hẳn đã giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu năm 2017, nhưng các chính trị gia châu Âu đều cho rằng, mô hình EU hiện tại cần phải trở nên linh hoạt hơn, nếu EU muốn tồn tại. Nhưng EU cần phải làm gì để tiến lên phía trước?.
Ngày 25-3-2017, tại thủ đô Rôm (I-ta-li-a), sẽ diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày ra đời Hiệp ước Rôm - sự kiện tạo nền móng cho việc thành lập thị trường chung châu Âu. Sự kiện này có tầm quan trọng về mặt chính trị. Có thể các thành viên EU sẽ tận dụng lễ kỷ niệm này để chuyển tải một thông điệp về niềm tin và hy vọng vào tương lai.
Trước đó, ngày 18-01-2017, trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra tại Xtra-buốc (Pháp), trên tinh thần “Châu Âu trước tiên” cho năm 2017, các nghị sĩ đã tập trung thảo luận về một loạt thách thức mà EU phải đối mặt trong năm 2017, như vấn đề Bre-xít, quan hệ EU với Mỹ, quan hệ EU với Nga, vấn đề người di cư, các tiến bộ kinh tế - xã hội, liên minh quốc phòng. Các chính trị gia khẳng định sự đồng thuận hiện nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các đại biểu tham dự EP đã nhất trí cao với quan điểm “số phận của châu Âu nằm trong tay người châu Âu”. Các thể chế chính trị của EU phải là đại diện cho lợi ích của liên minh, nỗ lực phấn đấu vì một châu Âu thịnh vượng và an toàn hơn. Theo đó, phải có sự phân cấp rõ ràng các nhiệm vụ mà EU có thể thực hiện có hiệu quả, coi đó là những yếu tố sống còn đối với mô hình và an ninh EU. Các nhiệm vụ chung của EU, đó là chính sách quốc phòng chung, chính sách thuế đa quốc gia để tránh thất thu các khoản lớn, các biện pháp nâng giá trị đồng ơ-rô ngang hàng với đồng tiền dự trữ… Chính sách thương mại và cạnh tranh liên quan đến thị trường nội khối sẽ được giữ nguyên nhưng có sự điều chỉnh nhất định. Những vấn đề còn lại thuộc về các quốc gia thành viên, như chính sách nông nghiệp… Bên cạnh đó, EU cần phải tái tạo mô hình xã hội, tập trung giải quyết ba vấn đề, đó là đổi mới, già hóa dân số, sự đoàn kết, qua đó, bảo vệ và tạo động lực mới cho các quốc gia. Ngoài ra, EU cần phải tái cân bằng trong hoạt động liên chính phủ, trong đó, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người dân. Trọng tâm của thỏa hiệp châu Âu sẽ phải hướng đến người dân, huy động sức mạnh người dân EU thông qua khơi dậy sự chia sẻ những nhận thức chung đối với những thách thức chính của châu Âu.
Năm 2017, các nước EU sẽ phải cùng nhau nhìn lại để cân nhắc các biện pháp đối phó phù hợp trước sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy. Trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng, chủ nghĩa dân túy có thể ảnh hưởng lớn đến các quyết định của cử tri. Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội mà họ đang đối mặt và nếu các nhà chính trị không cải thiện các thông điệp gửi đến người dân nước họ thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới và khó lường./.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  (14/03/2017)
Câu quan họ kết nối cộng đồng người Việt Nam ở Séc  (13/03/2017)
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hiroshima hợp tác về xử lý môi trường  (13/03/2017)
Thủ đô Hà Nội và Vientiane tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực  (13/03/2017)
Việt Nam và CLMV trao đổi kinh nghiệm giám sát, quản lý ngân sách  (13/03/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay