TCCSĐT - Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ là một áng văn lập quốc vĩ đại, có giá trị to lớn về nhiều lĩnh vực như chính trị, pháp lý, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa..., mà còn hội tụ và tỏa sáng hào khí mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là dấu mốc đặt nền tảng cho một trật tự pháp lý hiện đại trong thế kỷ XX.

Sự kiện ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không những khẳng định tư tưởng về quyền con người được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789, mà còn đánh dấu một cuộc đổi đời chưa từng có cho nhân dân ta, đưa người dân từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước. Đồng thời, tạo ra bước ngoặt có tính chất quyết định, đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, mở ra thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Với ý nghĩa vĩ đại đó, việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Nhà nước Việt Nam mới được thành lập không phải là kết thúc, mà đó chỉ là sự mở đầu cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Bằng tầm nhìn chiến lược về ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam tuyên bố mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa nước ta với nước Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vì vậy, với cách thể hiện rất độc đáo, sáng tạo và cử chỉ ngoại giao vừa tinh tế, vừa sắc bén của chủ nhân một quốc gia độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước mình lời bất hủ từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Người còn dẫn nội dung quan trọng nhất trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Điều đó càng thể hiện sáng ngời truyền thống đại nghĩa, lòng khoan dung cao cả của nhân dân Việt Nam. Trong hơn 30 năm đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chứng kiến biết bao nỗi khổ nhục, lầm than của các tầng lớp nhân dân lao động cả ở chính quốc và thuộc địa; thấu hiểu bản chất bóc lột dã man, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Khi vạch rõ tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ nước ta, Người khẳng định, chúng đã “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”. Nhưng đến khi thực dân Pháp bị phát-xít Nhật hất cẳng, nhân dân ta vẫn độ lượng khoan hồng, giang tay cứu giúp nhiều người Pháp và tài sản của họ thoát khỏi bàn tay tàn bạo của bọn phát-xít.

Đối với nhân dân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng tình cảm của họ đối với Tô-mát Giép-phơ-xơn, người đã khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Niềm tự hào đó càng được đề cao khi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới lại được mở đầu bằng chính những nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, đúng vào thời điểm quân Đồng minh vừa chiến thắng phe phát xít. Nhưng điều còn thú vị hơn là, trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho viên thiếu tá tình báo Mỹ L.A Pát-ti, đại diện của quân đội của Mỹ ở Hà Nội khi đó, được xem trước bản Tuyên ngôn Độc lập mà Người sẽ đọc tại cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội, khiến cho L.A Pát-ti “không còn tin ở tai mình nữa”.

Rõ ràng, ngay trong thời kỳ đầu lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đặt nền móng mối quan hệ ngoại giao thân thiện giữa Việt Nam với Chính phủ và nhân dân Mỹ, Pháp. Thế nhưng, cơ hội lịch sử đó đã bị chính phủ đương thời ở Mỹ và Pháp bỏ qua, đúng vào thời điểm nhân dân Việt Nam đang sát cánh đứng về phía phe Đồng minh để loại trừ hoàn toàn chủ nghĩa phát-xít tàn bạo trên thế giới.

Trên cơ sở pháp lý và chính nghĩa, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã trở thành một văn kiện mẫu mực về nghệ thuật phân hóa, cô lập kẻ thù để nhằm loại bỏ từng kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Đứng trước dã tâm xâm lược trở lại Việt Nam của thực dân Pháp, bản Tuyên ngôn Độc lập đã lột rõ bộ mặt “bảo hộ” giả nhân, giả nghĩa, núp dưới bóng cờ quân Đồng minh của thực dân Pháp. Bằng những lập luận đanh thép và vững chắc, Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ cho toàn thế giới thấy rõ một thực tế lịch sử là: Từ mùa thu năm 1940, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, dâng đất nước ta cho bọn phát-xít Nhật. Cho nên, cũng từ đó, Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Nhật. Chính từ đây, Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh để giành lại nước Việt Nam từ tay phát-xít Nhật. Do đó, cơ sở pháp lý về sự tồn tại quyền lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Dương không còn nữa. Theo các Hiệp nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, nếu các nước Đồng minh đã công nhận quyền dân tộc tự quyết của những nước đã bị phát-xít chiếm đóng, thì “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Những lập luận đanh thép dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế trong Tuyên ngôn Độc lập đã đặt các thế lực của chủ nghĩa thực dân, đế quốc vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng núp dưới bóng cờ của quân Đồng minh để hòng thôn tính đất nước ta một lần nữa.

Bằng sự nhạy cảm về chính trị và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, ngay tại thời điểm có tính chất bước ngoặt của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của cách mạng Việt Nam và của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì vậy, Người đã làm tất cả để phân hóa kẻ thù, tranh thủ từng đối tượng, kể cả long trọng khởi đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc mình bằng việc dẫn những nội dung chính yếu nhất trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Như vậy, từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, nhân dân Việt Nam phải tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm mới làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (ngày 7-5-1954), giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Chúng ta lại phải đi tiếp chặng đường hơn 20 năm để có Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp nối “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã trở thành một áng hùng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX; đã đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Sáu mươi tư năm đã trôi qua sau sự kiện ra đời bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, đất nước Việt Nam đã có nhiều đổi thay lớn lao trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn xây dựng và động viên khối đại đoàn kết toàn dân, gồm cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới hơn 20 năm qua, mặc dù luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, chính trị - xã hội được đảm bảo ổn định. Nếu như những năm trước đây, nước ta hằng năm phải nhập hàng chục tấn lương thực, thì nay đã trở thành một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo; một số loại hàng hóa nông sản khác cũng chiếm vị trí hàng đầu về xuất khẩu; tích lũy quốc nội đạt 27 - 30 % GDP. Mặc dù hiện nay tình hình kinh tế thế giới có biến động do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá cao. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2008, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam lên đến 31,6 tỉ USD, tăng hơn 48 % so với cùng kỳ năm 2007 (21,3 tỉ USD). Đầu tư nước ngoài gia tăng đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Hơn 20 năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo, xóa đói, giảm nghèo, về tôn giáo và dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện có kết quả tốt. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững và phát huy, đã đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta chủ trương đổi mới tư duy, thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Vì vậy, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn; đồng thời, tham gia vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ...

Cùng với việc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng củng cố quốc phòng - an ninh vững chắc, coi đây là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhằm đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và mọi thành quả cách mạng.

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố nền quốc phòng và an ninh đất nước trong hơn 20 năm đổi mới đã tạo thế và lực cho cách mạng nước ta mạnh lên rất nhiều. Đó cũng chính là sự kết tinh và tỏa sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam trong thời đại mới.

Sáu mươi tư năm đã trôi qua, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử hôm nay vẫn như còn vang lên tiếng nói đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời bất hủ trong bản hùng văn lập quốc vĩ đại là lời hiệu triệu với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kể cả những đồng bào Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, công tác và học tập ở nước ngoài, hãy luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, cùng nhau đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đóng góp được nhiều nhất sức lực, trí tuệ và tài năng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta./.