Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2009
Trong hai ngày 06-07 tháng 7 năm 2009, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2009, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau đây:
1. Các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009; dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam; kiểm điểm chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009 của Chính phủ; diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, tình hình triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế và đề xuất chính sách; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 6/2009; công tác cải cách hành chính tháng 6/2009; tình hình triển khai thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam; tình hình xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh trong quý II/2009 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình.
Từ những tháng cuối năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động dự báo tình hình và xác định đúng mục tiêu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đề ra và tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa ngăn chặn suy giảm kinh tế và phòng ngừa lạm phát; gắn việc thực hiện các giải pháp hướng tới các mục tiêu ngắn hạn, mang tính tình thế với triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn, mang tính chất cơ bản, lâu dài; vừa tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa hết sức chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội; vừa tiếp tục thực hiện những giải pháp, chính sách về kinh tế-xã hội đã có và áp dụng trong điều kiện bình thường, vừa ban hành và nhanh chóng triển khai các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; kết hợp tốt giữa giải quyết các vấn đề cụ thể trong chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội với công tác xây dựng thể chế.
Trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế và dần tạo được đà tăng trưởng: Từ tháng 2/2009, nền kinh tế đã có chiều hướng tăng dần, tháng sau cao hơn tháng trước. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý I tăng 3,1%, quý II tăng 4,51%, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 3,9%, là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái, hầu hết các nước có mức tăng trưởng âm; sản xuất công nghiệp và xây dựng đang có xu hướng phục hồi; sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định; khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát và bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế; chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành linh hoạt đã phát huy tác dụng tích cực, khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất và tiêu dùng; giá trị kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng từng tháng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản có tiến bộ; công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh hướng vào xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo, giải quyết, hỗ trợ việc làm, xây dựng nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, tăng lương cơ bản...; thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện; sức mua thị trường trong nước tăng dần; chỉ số giá tiêu dùng dao động ở mức thấp; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tiếp tục chú trọng và có nhiều tiến bộ; công tác đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế có hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố hòa bình và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; chính trị, xã hội ổn định, tạo được sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; trật tự an toàn xã hội có chuyển biến. Những kết quả nêu trên đã tạo cơ sở và niềm tin cho chúng ta tiếp tục quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm.
Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009 đã có những chuyển biến tích cực, nhưng để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều: tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của các ngành sản xuất còn thấp so với kế hoạch; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều vấn đề chưa vững chắc; xuất khẩu còn tiếp tục khó khăn; tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng nhanh gây sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng; thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với cùng kỳ; việc triển khai một số chính sách an sinh xã hội còn chậm; thiên tai, dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...
Bám sát mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã nêu trong Nghị quyết của Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm là phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 5%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát và khống chế tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%, bội chi ngân sách dưới 7%; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa X), các kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp sau:
- Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc quyết liệt nhằm thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương bảo đảm đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cho nông dân; chủ động phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh lây lan trên diện rộng; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác dự báo và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân; phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tiêu thụ lúa gạo, nông sản, thủy sản cho nông dân.
- Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh; phối hợp với Bộ Ngoại giao thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ trực tiếp các mặt hàng và hợp đồng xuất khẩu lớn, truyền thống, khai thác mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; có chương trình xúc tiến thương mại và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong đó chú trọng thị trường nông thôn; tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc nhằm thực hiện việc triển khai các gói kích thích kinh tế, bảo đảm sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế; khẩn trương hoàn thành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trình Chính phủ ban hành trong tháng 7/2009.
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thúc đẩy tiến độ giải ngân các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, nhất là đối với các công trình, dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chuyển các khoản vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành ở Trung ương, các khoản vốn bổ sung có mục tiêu ở địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ mà đến hết tháng 8/2009 chưa triển kkhai hoặc không thể giải ngân hết trong năm 2009.
- Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục chỉ đạo, điều hành linh hoạt các chính sách tài chính, tiền tệ nhằm vừa giữ được các cân đối lớn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ngăn ngừa tái lạm phát một cách chủ động, hiệu quả; hướng dẫn thực hiện tốt chính sách giãn, giảm, miễn thuế, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh cho vay, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, kiềm chế nhập siêu.
- Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng chống và kiểm soát tốt dịch sốt xuất huyết, dịch bệnh cúm A (H1N1), có phương án xử lý đúng mức không để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, nhất là du lịch, tránh tình trạng tập trung quá tải tại một số địa điểm; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiệu quả để hướng dẫn các địa phương triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở, công trình xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư, xử lý chất thải, nước thải y tế tại các bệnh viện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư thực hiện nhiệm vụ này, phấn đấu hoàn thành dứt điểm trong hai năm 2009-2010.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ, bắt buộc các dự án, công trình phải thực hiện các phương án xử lý môi trường có hiệu quả; tập trung xử lý dứt điểm các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các dự án mới, dự án mở rộng.
- Bộ Kế hgoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác dự báo kinh tế, đồng thời các Bộ, ngành chức năng tăng cường và nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo các biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới để đề xuất kịp thời các giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp trong xử lý công việc và trong công tác xây dựng thể chế.
- Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổ chức bộ máy phù hợp với thực tiễn và phát huy tốt hiệu quả quản lý nhà nước; xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ở các cơ quan Bộ, ngành, địa phương, nhất là những địa phương có nhiều khu kinh tế lớn mà mới có 3 Phó Chủ tịch để nghiên cứu, đề xuất việc tăng thêm số lượng Thứ trưởng hoặc tương đương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các Bộ, ngành, địa phương chú trọng phát hiện, đào tạo, bố trí phát huy cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, đạo đức, phẩm chất tham gia vào đội ngũ lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng gắn liền với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ trước ngày 01/7/2007; hoàn tất việc chuẩn bị để ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7 và 1/8/2009; tập trung chuẩn bị để trình Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ các dự án luật trong chương trình công tác quý III/2009; tổ chức triển khai thực hiện chương trình luật, pháp lệnh năm 2010 ngay sau khi có quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ. Việc dự thảo các dự án luật cần linh hoạt, căn cứ vào nội dung của từng dự án để xây dựng các quy định khung hoặc quy định chi tiết, cụ thể. Sau phiên họp này, Chính phủ dự kiến tổ chức một phiên họp riêng để cho ý kiến về một số dự án luật trong chương trình công tác quý III/2009.
- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành tựu kinh tế - xã hội đạt được, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên nhân dân, doanh nghiệp tự tin, tiếp tục phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra; các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, đáp ứng quyền được thông tin của nhân dân.
2. Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-Chính phủ ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trên, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
3. Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo hai Nghị định trên, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
4. Chính phủ đã thảo luận các dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp các ý kiến thành viên Chính phủ.
a. Về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi): Là khuôn khổ pháp lý cơ bản điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã góp phần từng bước hoàn thiện khuôn khổ, thể chế tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước theo cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số quy định của Luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế; trong điều hành và thực thi chính sách tiền tệ; giám sát hoạt động ngân hàng và xử lý các tổ chức tín dụng gặp khó khăn; công bố thông tin về chủ trương, chính sách tiền tệ, ngân hàng… Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật hiện hành, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ trong nền kinh tế thị trường, cải cách hệ thống thanh tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng và thực hiện các cam kết quốc tế…
b. Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho tổ chức và hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần phát triển đáng kể quy mô, chất lượng, hiệu quả các tổ chức tín dụng và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, trước sự pháp triển của nền kinh tế và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống tín dụng cũng như yêu cầu nâng cao khả năng quản lý an toàn trong hoạt động của hệ thống, một số quy định còn xung đột với các luật khác… Vì vậy, cần thiết phải ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm khắc phục các bất cập và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại.
G-8, G-14, G-20, hay lớn hơn nữa?  (12/07/2009)
Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn được ưu đãi tín dụng  (11/07/2009)
Xu thế mới của phát triển kinh tế tập thể và nhu cầu hoàn thiện luật pháp, chính sách  (11/07/2009)
G8 và những thỏa thuận đạt được  (11/07/2009)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay