TCCS - Luật Hợp tác xã (HTX) đã ra đời từ năm 2003 nhưng đến nay nhiều hợp tác xã vẫn hoạt động một cách rất lúng túng. Trong khi đó có những HTX đã bứt lên, hoạt động có hiệu quả. Vậy đâu là căn nguyên và cần phải làm gì để phát huy tiềm năng của loại hình tổ chức này, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước?

Từ hai ví dụ điển hình về mô hình tổ chức kinh tế tập thể phát huy hiệu quả

Hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách - Hải Dương

HTX chăn nuôi Nam Sách (Hải Dương) là HTX kiểu mới được thành lập năm 2002, lúc đầu chỉ 20 xã viên từ 3 xã, nay có 35 xã viên từ 8 xã lân cận thuộc huyện Nam Sách. Trước khi tham gia HTX, mỗi hộ nói chung chỉ nuôi khoảng từ 1 - 5 con lợn mỗi năm. Sau khi tham gia HTX 3 - 4 năm, mỗi hộ thành viên đã nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp, từ 30 đến 200 con, thậm chí có hộ còn nuôi nhiều hơn, kết hợp nuôi gà và cá, thực chất là phát triển thành các trang trại chăn nuôi. Đời sống của các gia đình hộ xã viên từ vài năm gần đây đã được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ xã viên đã giàu có. HTX đã trở thành tổ chức hợp tác của nhiều trang trại chăn nuôi gia đình, hoạt động thực sự vì lợi ích xã viên chứ không phải "nghe ngóng", chờ trợ cấp.

Trong lúc nhiều HTX đang rất khó khăn trong việc định hình việc hoạt động thì HTX chăn nuôi Nam Sách đã xác định rõ lĩnh vực của mình là cung cấp vật tư, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, kỹ thuật chuồng trại và nuôi lợn, dịch vụ thú y, hỗ trợ vay tín dụng ngân hàng, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên - tức là các nhu cầu chung cho chăn nuôi lợn của các hộ xã viên mà từng xã viên riêng lẻ nếu làm sẽ kém hiệu quả, hoặc khó thực hiện. Chủ nhiệm HTX đồng thời là một chủ hộ xã viên của HTX, là người năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác, giúp đỡ cộng đồng và có năng lực cuốn hút người khác trong hoạt động của HTX. Có được như vậy là nhờ có sự bàn bạc dân chủ giữa các hộ xã viên trong HTX.

Lúc đầu trụ sở của HTX là nhà của chủ nhiệm. Sau vài năm, HTX kiến nghị và được chính quyền xã chấp thuận sử dụng một cái ao hố bom cũ. Cộng đồng xã viên đã cùng nhau san lấp ao, xây dựng trụ sở, vừa làm nơi hội họp, vừa làm nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng xã viên.

HTX phát triển đến quy mô khoảng 35 hộ xã viên thì được coi là tạm đủ xét theo năng lực quản lý và hiệu quả, nhưng HTX đã giúp đỡ phổ biến kinh nghiệm và tạo điều kiện cho 9 HTX tương tự khác thành lập và phát triển trong huyện Nam Sách. Trên cơ sở nhiều HTX chăn nuôi và từ nhu cầu chung của các HTX chăn nuôi - mà thực chất là nhu cầu chung của các hộ xã viên, Liên hiệp HTX chăn nuôi Nam Sách đã được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đầu vào, dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt mở dịch vụ tiêu thụ, chế biến thịt lợn cho các HTX thành viên. Quy mô hoạt động của Liên hiệp tăng hơn hẳn so với từng HTX thành viên riêng lẻ, do vậy hiệu quả của HTX và kinh tế hộ xã viên cao hơn hẳn so với trước đây. Liên hiệp HTX thực chất là HTX của các HTX, một tổ chức hợp tác cấp cao hơn so với HTX, tập hợp được nhiều xã viên hơn.

Đây chính là mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là chủ sở hữu vừa là người sử dụng dịch vụ của HTX.

Tổ Hợp tác lúa giống và Dịch vụ gặt, sấy Đồng Tháp

Tổ Hợp tác lúa giống ở xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được hình thành từ một hộ sản xuất lúa giống. Từ việc thấy sản xuất lúa giống có lời và ổn định, nhiều hộ lân cận cũng muốn sản xuất lúa giống và "nhập hội" với hộ trồng lúa giống đầu tiên - người trở thành tổ trưởng tổ hợp tác về giống sau này. Như vậy, đây là một trong nhiều tổ hợp tác chuyên về sản xuất lúa giống, mang lại lợi ích kinh tế nhiều hơn cho các tổ viên. Tổ trưởng hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ viên, tổ chức mua vật tư đầu vào và tổ chức tiêu thụ lúa giống chung cho cả tổ. Chi phí sản xuất lúa giống nhờ vậy giảm nhiều, thế mặc cả trên thị trường của cả tổ tăng lên, sản xuất có tính cộng đồng, tạo nên tinh thần kinh doanh và sức cạnh tranh chung của cộng đồng. Trong sinh hoạt, tổ hợp tác không chỉ bàn về việc sản xuất lúa giống mà còn là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng xã viên tại ngay nhà riêng của tổ trưởng. Tổ hoạt động có bản chất của HTX dịch vụ xã viên, với số tổ viên tới 24 hộ, vượt xa số lượng tối thiểu cần có của một HTX. Đáng chú ý, trong số 24 tổ viên tổ giống có 9 tổ viên lại thành lập riêng một tổ gặt và sấy lúa, theo đó mỗi tổ viên góp vốn để mua 3 máy gặt và máy sấy thóc, vừa tự phục vụ cho mình, vừa phục vụ cho các tổ viên khác của tổ giống và hộ nông dân khác trong vùng. Các tổ viên tự quản lý máy móc và tự vận hành máy, từ đó không những giảm chi phí cho dịch vụ cày bừa mà còn tăng thêm thu nhập. Chỉ sau một vụ, tổ đã có thu nhập không những bù đắp vốn đầu tư, mà còn trích quỹ tích lũy và chia lời cho tổ viên. Tổ hợp tác này có bản chất giống như hợp tác xã của người lao động, theo đó người tổ viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động của tổ.

Như vậy, trên một địa bàn có hai tổ hợp tác theo hai mô hình tổ chức khác nhau: tổ hợp tác dịch vụ phục vụ tổ viên và tổ hợp tác của người lao động; một xã viên có thể tham gia nhiều tổ hợp tác khác nhau.

Tổ hợp tác phục vụ tổ viên và tổ hợp tác của người lao động (cùng góp vốn và cùng làm) là hai loại hình phổ biến của tổ hợp tác ở nước ta.

Nghĩ về xu thế phát triển mới của hợp tác xã ở nước ta

HTX ở nước ta đã có xu hướng chuyển dịch sang loại hình HTX dịch vụ phục vụ xã viên. Phần lớn HTX nông nghiệp hiện nay là HTX dịch vụ nông nghiệp, tức chuyển sang chức năng phục vụ kinh tế hộ xã viên. Tất cả các quỹ tín dụng nhân dân đều là hình thức tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên: xã viên là người góp vốn vào quỹ đồng thời là khách hàng vay vốn từ quỹ. Tổng số HTX dịch vụ xã viên loại này chiếm tới trên 50% tổng số HTX. Tuy nhiên, loại hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên mới chỉ là xu thế ở nước ta, chưa phải là loại hình tổ chức rõ ràng, vì mấy lý do sau đây.

Một là, phần lớn HTX nước ta (chiếm trên 50% tổng số HTX) chuyển đổi từ HTX kiểu cũ của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nên quá trình tự đổi mới mình đang gặp rất khó khăn để từng bước thoát hẳn HTX kiểu cũ gắn với cách tư duy, quản lý, nợ nần, tài sản cũ không rõ giữa chung và riêng; mặt khác không quay trở lại với cơ chế cũ là thay thế, "nuốt" gọn kinh tế hộ/cá thể xã viên. Như vậy, thách thức lớn nhất là kiên quyết bứt khỏi mô hình tổ chức cũ không còn thích hợp.

Hai là, tổ chức hoạt động HTX diễn ra trong bối cảnh cơ chế kinh tế thị trường với sự tham gia của các tổ chức kinh tế thuộc nhiều thành phần kinh tế. Mỗi một loại tổ chức kinh tế có bản chất riêng, khác biệt nhau, phù hợp với nhu cầu của những nhà đầu tư, những người chủ sở hữu. HTX chuyển đổi, HTX mới hình thành và hoạt động phải tạo được bản sắc riêng có, phải có lợi thế riêng có thì mới khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống kinh tế, xã hội, không thể là hoặc "hoạt động như là một loại hình" doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, cũng không thể là một tổ chức xã hội, từ thiện. Như vậy, thách thức thứ hai đối với tổ chức HTX là phải tạo sự khác biệt với các loại hình tổ chức kinh tế của các thành phần kinh tế khác.

Ba là, cho đến Luật HTX năm 2003 cũng chưa làm thật rõ mô hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên. Do vậy, việc chuyển đổi hoặc phát triển các loại hình HTX này cũng là "tự phát", "mò mẫm". Trong đó không ít trường hợp phải "lách luật", ví dụ, nhiều HTX vận tải khi thành lập thì tổ chức theo mô hình cùng góp vốn, góp sức để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, nhưng khi tổ chức thực hiện thì hoạt động vận tải do các cá nhân xã viên hoàn toàn tự chủ; tài sản xe cộ của xã viên sau khi hợp thức hóa làm tài sản HTX thì lại được giao lại toàn quyền quản lý, sử dụng của xã viên. Hoạt động của HTX thực chất là dịch vụ phục vụ xã viên. Vậy thách thức thứ ba là phải tạo ra bản sắc riêng, lợi thế riêng hấp dẫn đối với xã hội, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững.

Chính vì vậy, nhiều HTX dịch vụ phục vụ xã viên ở nước ta còn chưa hiệu quả, thậm chí nặng về hình thức. Tại nhiều HTX nông nghiệp, xã viên không góp vốn hoặc góp vốn với mức rất thấp mang tính hình thức, không sử dụng dịch vụ của HTX; hộ không phải xã viên HTX cũng được hưởng dịch vụ của HTX như xã viên; không ít HTX, thành viên ban quản trị hoặc ban chủ nhiệm đóng góp vốn "trách nhiệm" rất lớn so với vốn góp xã viên, đương nhiên sẽ có quyền lực lớn trong quản lý và tổ chức HTX. Nhiều quỹ tín dụng nhân dân có mức vốn góp của xã viên rất thấp mang tính hình thức, đồng thời thành viên hội động quản trị, ban giám đốc góp vốn "trách nhiệm" rất lớn, do vậy các nguyên tắc của HTX không được thực hiện đầy đủ.

Chính vì vậy, loại hình HTX dịch vụ xã viên ở nước ta mới chỉ là xu thế - một xu thế mới chưa bền vững, nhưng đúng hướng phù hợp với nhu cầu và lợi ích thực sự của xã viên, nhất là nông dân, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm quốc tế với loại hình HTX dịch vụ phục vụ xã viên là phổ biến. Ngoài ra, một số HTX kiểu mới được thành lập và tổ chức hoạt động theo đúng bản chất HTX chưa nhiều, kết hợp với sự phát triển mạnh và rộng khắp của tổ hợp tác thực sự là nhân tố mới, động lực mới cho sự phát triển của HTX kiểu mới - cơ sở cho việc hoàn thiện khung pháp luật cơ bản và chính sách hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể ở nước ta.

Nhu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật cơ bản về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Khung pháp luật cơ bản về HTX theo Luật HTX năm 2003, mặc dù đã có bước đổi mới so với Luật HTX năm 1996, nhưng vẫn chưa thật sự làm rõ bản chất của tổ chức HTX, vẫn còn đưa đến những cách hiểu khác nhau về HTX, mới chỉ định hướng rõ hơn đến loại hình tổ chức HTX "góp vốn, góp sức" - tức loại hình HTX của người lao động, theo đó xã viên vừa là đồng chủ sở hữu, vừa là người lao động trong HTX, chưa quy định rõ ràng về loại hình tổ chức HTX dịch vụ phục vụ xã viên, theo đó xã viên vừa là đồng sở hữu vừa là người sử dụng (khách hàng) của HTX - là loại hình tổ chức HTX phổ biến ở nước ta hiện nay và cả trên thế giới.

Vấn đề còn lại chỉ là thể chế hóa một cách đúng đắn và đầy đủ bằng pháp luật và chính sách. Đồng thời, cần khắc phục một số nhận thức chưa đúng về HTX, như: nhận thức HTX theo kiểu cũ, nhầm lẫn giữa mô hình tổ chức HTX với mô hình tổ chức doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp) hoặc mô hình tổ chức xã hội từ thiện; hoặc tư duy áp đặt mang tính chủ quan, cho rằng HTX phải "to", phải có quy mô lớn ngay, phải có trụ sở hoành tráng, bộ máy quản lý đồ sộ,... Hãy để người xã viên HTX bàn bạc dân chủ để tự quyết định công việc của họ, vì lợi ích của chính họ, bắt đầu từ những hoạt động đơn giản nhưng mang lại lợi ích thực sự, từ đó mà đi lên. Khi số lượng, chất lượng dịch vụ của HTX cung ứng cho xã viên tăng lên sẽ làm cho các giá trị và nguyên tắc cao đẹp của HTX ngày càng được phổ biến rộng và thẩm thấu trong xã hội, dần trở thành "văn hóa" góp phần định hướng xã hội phát triển hài hòa và bền vững đất nước.

Rõ ràng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật cơ bản và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác nhằm phát huy tiềm năng của loại hình tổ chức này, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.