Ngày 10-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7) với chủ đề “Đối phó với khủng khoảng kinh tế: Đầu tư cho phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và phát biểu ý kiến. Tham dự có 404 cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) cơ sở tiêu biểu đại diện cho hơn 165 nghìn cán bộ DS – KHHGĐ trên cả nước; đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc các tổ chức phi chính phủ, và một số đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc, trên toàn thế giới, hằng năm vẫn còn hơn 500 nghìn phụ nữ tử vong trong quá trình mang thai và sinh đẻ; số phụ nữ gặp các biến chứng liên quan tới mang thai cao gấp 30 lần con số nêu trên; hơn 350 triệu cặp vợ chồng chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ; hai phần ba số người mù chữ trên thế giới là phụ nữ… Mỗi ngày có khoảng 30 nghìn trẻ tử vong (tức là mười triệu trẻ em chết trong một năm vì các bệnh mà chúng ta có thể ngăn chặn được). Tại những nước kém phát triển nhất, tỷ lệ sinh đẻ của phụ nữ dưới 20 tuổi cao gần hai lần so với các quốc gia phát triển. Điều này đặt cuộc sống của họ và con cái họ vào tình trạng rủi ro trong khi khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) còn rất hạn chế.

Hưởng ứng thông điệp của Liên hợp quốc nhân Ngày Dân số thế giới năm nay, tại mít-tinh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội, đặc biệt là ngành y tế, dân số và các cấp hội phụ nữ hãy chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hành động thiết thực, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi cấp để thực hiện tốt những cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ và trẻ em gái Việt Nam. Cần khắc phục những tồn tại về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số; tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục gắn liền với việc đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đa dạng, an toàn, có hiệu quả đến tận người dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo và chủ động kiểm soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ của Chiến lược Dân số, Chiến lược chăm sóc sức khỏe sinh sản và Chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010.

Tại mít-tinh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trao bằng khen của Bộ Y tế cho 33 cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu trong cả nước.

*** Trước đó, ngày 9-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ DS-KHHGÐ cơ sở tiêu biểu toàn quốc năm 2009.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội TòngThị Phóng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và hơn 400 cán bộ DS-KHHGÐ cơ sở tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 11 nghìn cán bộ chuyên trách DS-KHHGÐ xã và gần 154 nghìn cộng tác viên DS-KHHGÐ ở thôn, xóm, ấp, bản làng trên cả nước.

 
 

Thời gian qua, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về chính sách DS-KHHGÐ,Nghị quyết 47-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGÐ, công tác DS-KHHGÐ đã thu được nhiều kết quả quan trọng: Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,8 con (năm 1989) xuống còn 2,08 con (năm 2008). Tỷ lệ phát triển dân số giảm từ 1,51% năm 1999 xuống còn 1,22% năm 2008. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2008 đạt 0,733 điểm (xếp thứ 105/177 nước trên thế giới).

Ðể đạt được những kết quả nói trên là do sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ðảng và chính quyền, sự hưởng ứng của toàn dân, sự tham gia tích cực của các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội, của hệ thống chuyên trách làm công tác DS-KHHGÐ các cấp. Nhất là những nỗ lực cùng sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ và cộng tác viên DS-KHHGÐ ở cơ sở.

Ðội ngũ cán bộ DS-KHHGÐ có từ năm 1993, đến nay đã từng bước kiện toàn và củng cố ở các xã, phường, thị trấn trong phạm vi cả nước. Mỗi xã có một cán bộ chuyên trách DS-KHHGÐ và trung bình có 14 cộng tác viên. Họ là những người bám sát dân, ngày đêm trực tiếp tham gia tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thực hiện chính sách DS-KHHGÐ./.