TCCSĐT - Ngày 9-7-2009, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.
 
Mục đích của Hội thảo là, một mặt, huy động các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước nêu những kinh nghiệm thực tế, tìm kiếm các giải pháp để tận dụng thời cơ, phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, qua đó đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng các chính sách của nước ta trong thời gian tới, mặt khác, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước về những chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Trên 400 đại biểu trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo. Hội thảo đã nhận được 22 bài viết của các đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp, các nhà khoa học và quản lý phân tích các khía cạnh liên quan đến chủ đề của Hội thảo, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:

1. Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng và định hướng điều chỉnh chính sách sau khủng hoảng

Một số bài viết đề cập đến các chính sách của các quốc gia trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng và định hướng điều chỉnh chính sách sau khủng hoảng, trong đó đáng quan tâm là sự phối hợp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia trong việc giải quyết khủng hoảng; kinh nghiệm trong cải cách lại hệ thống tài chính – ngân hàng, những kinh nghiệm của các nước châu Á vượt qua khủng hoảng tài chính và đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

2- Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô sau khủng hoảng

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện mới (sau khủng hoảng) là tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Muốn vậy, cần tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý, giám sát của Nhà nước đối với thị trường nói chung và thị trường tài chính nói riêng, bảo đảm sự vận hành an toàn, thông suốt và cân đối của các thị trường; cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng theo hướng bền vững, tăng cường việc cảnh báo và giám sát hoạt động của hệ thống này; tăng cường công khai, minh bạch tài chính, cân đối thu - chi ngân sách; chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt trong từng giai đoạn của chu kỳ phát triển kinh tế; bảo đảm các cân đối vĩ mô.

3- Phát triển thị trường trong nước

Chính sách thương mại cần hướng vào việc sử dụng các gói kích cầu để phát triển thị trường trong nước, tăng tiêu dùng và đầu tư nội địa; quan tâm hơn đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho thị trường nội địa; tăng khả năng cạnh tranh trong thường mại và dịch vụ trong nước; hướng xuất khẩu vào việc khai thác các thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường và tăng thị phần vào các thị trường truyền thống; tranh thủ thời cơ để điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu, tăng cường đổi mới công nghệ cho phát triển kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả.

4- Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp

Việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp cần theo hướng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nhằm nâng cao tỷ trọng VA/GO (Giá trị gia tăng công nghiệp trên giá trị gia tằn sản xuất công nghiệp); tăng tỷ trọng khu vực tư nhân và FDI; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển nhân lực cho các ngành công nghiệp mới; khuyến khích hình thành hệ thống vườn ươm doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên theo hướng kết hợp sức mạnh từ bên trong hệ thống doanh nghiệp và hỗ trợ đắc lực của Nhà nước; tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, dành những ưu đãi cho doanh nghiệp theo hướng bình đẳng; tránh bao cấp tràn lan.

5- Đổi mới quan điểm và nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực

Thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém, những khiếm khuyết trong phát triển nguồn nhân lực vừa qua, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển thị trường lao động, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo ...

6- Đổi mới việc thu hút đầu tư nước ngoài

Việc thu hút đầu tư nước ngòai cần được đổi mới trên cả khía cạnh tạo môi trường đầu tư tốt hơn về hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách và hệ thống kết cấu hạ tầng; hướng đầu tư nước ngoài vào phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của quốc gia và của các vùng, miền; gắn đầu tư với quy hoạch và kế hoạch; bảo vệ môi trường; thực hiện tốt hơn các chính sách ưu đãi cho đầu tư. Quan tâm xây dựng hệ thống các quỹ đầu tư nước ngoài...

7- Kiến nghị một số định hướng chiến lược phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng, hướng tới một mô hình phát triển bền vững hơn.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới sẽ làm thay đổi cả về hệ thống tài chính, địa vị các quốc gia trên trường quốc tế. Những biến đổi đó cần được chúng ta tính đến trong thời kỳ “hậu khủng hoảng”.

Những định hướng chiến lược cần nhằm vào việc đổi mới mô hình phát triển kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả; cải cách cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, gắn phát triển với bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế..., điều chỉnh mục tiêu và quan điểm về xuất khẩu, ngăn chặn nhập siêu thái quá; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, nhằm vừa thúc đẩy sản xuất và ngăn chặn lạm phát; tranh thủ thời cơ thuận lợi để thu hút vốn và đầu tư có hiệu quả vào nền kinh tế; cải cách cơ cấu các ngành và sản phẩm; tăng cường khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa…/.