TCCSĐT - Bên lề Đại hội XII của Đảng, nhiều ý kiến của đại biểu đã trao đổi, làm rõ hơn về những nội dung quan trọng được đề cập tại dự thảo các Văn kiện trình Đại hội; đánh giá việc chuẩn bị nhân sự của Trung ương.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội

Các đại biểu tiếp tục đánh giá cao việc chuẩn bị nhân sự của Trung ương; cho rằng cùng với sự chuẩn bị này và việc thực hiện tốt Quy chế bầu cử đã được Đại hội thông qua sẽ là cơ sở để Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước ý kiến cho rằng: Thông tin về Đại hội lần này được chia sẻ rất rõ ràng, cập nhật kịp thời, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói: Tôi nghĩ Đại hội này của chúng ta là Đại hội tiếp tục đổi mới, theo yêu cầu của nhân dân là phải đổi mới hơn nữa. Chính vì thế, mọi việc từ trao đổi, thảo luận tại Đại hội, chuẩn bị nhân sự Đại hội, kết quả Đại hội đều cần công khai, kịp thời, rõ ràng, cụ thể để nhân dân theo dõi. Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng của cả dân tộc nên mọi người đều quan tâm theo dõi Đại hội, điều đó là rất tốt.

Về việc một số đồng chí không trong danh sách đề cử do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, được đại biểu Đại hội đề cử, đã chủ động rút, đồng chí Vũ Trọng Kim cho rằng, đó là sự tôn trọng tổ chức của mình. Ban Chấp hành Trung ương là một tổ chức ở cấp cao cho nên tính kỷ luật, tính tổ chức rất chặt chẽ. Khi mà cả tổ chức đã giới thiệu thì phải đa số; nếu không được giới thiệu, việc xin rút là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc sinh hoạt trong tổ chức Đảng, tức là thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ cơ sở lên mình làm như thế hết, do vậy, đại hội đảng bộ các địa phương rất thành công, đại hội đảng bộ các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương rất tốt, tới Trung ương càng làm tốt hơn.

Trước ý kiến cho rằng, lần này quy trình nhân sự đã thể hiện rất rõ sự tập trung dân chủ, đồng chí Vũ Trọng Kim nêu rõ: Đại hội đã thảo luận và thông qua Quy chế bầu cử tại Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hầu hết đại biểu đã thống nhất Quy chế đó bằng sự biểu quyết của mình. Làm theo Quy chế đó, kết quả sẽ thành công. Ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên dự Đại hội XII đánh giá sự chuẩn bị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cho Đại hội này rất là tốt. Việc chuẩn bị cho 3 độ tuổi rất khoa học và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính dân chủ và tập trung. Trên thực tế, vừa qua Đại hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vận dụng đúng quy định này, nên rất thành công. Tại Phú Yên, Đại hội Đảng bộ các cấp đều thực hiện rất tốt các quy định của Trung ương. Về tỷ lệ cán bộ nữ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Phú Yên có 9 Ủy viên nữ, đạt trên 17%, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số cũng đạt. Ban Chấp hành Tỉnh ủy chuẩn bị nhân sự khóa mới đảm bảo số dư 10% - 15%, Đại hội có trách nhiệm chuẩn bị để bảo đảm danh sách bầu chính thức có số dư không quá 30%. Tôi cho rằng, quy định như thế rất là tốt, bảo đảm vừa dân chủ, vừa tập trung. Nếu rộng quá sẽ không thực hiện được, ít quá sẽ không đảm bảo sự dân chủ của Đảng. Đại hội đã có hướng dẫn rồi, các đại biểu thực hiện quyền của mình thôi. Do vậy, việc thực hiện Quy chế này sẽ góp phần vào thành công Đại hội XII của Đảng.

Đại biểu Lê Hữu Quý (Ninh Bình) đánh giá sự chuẩn bị về hồ sơ, điều kiện phục vụ đại biểu để xem xét lý lịch của các nhân sự đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII rất chu đáo. Các đại biểu được tiếp cận với các hồ sơ nhân sự rất dễ dàng. Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình thảo luận rất sôi nổi về cơ cấu, độ tuổi và các thành viên trong Đoàn xem rất chi tiết các hồ sơ. Không khí thảo luận sôi nổi và dân chủ được thể hiện rất rõ. Đại biểu Lê Hữu Quý đánh giá việc các nhân sự không nằm trong danh sách của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử, khi Đại hội giới thiệu đã chủ động xin rút, thể hiện tính Đảng rất cao. Vừa qua, Đại hội Đảng các cấp đều bảo đảm 3 độ tuổi kể cả tỷ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Đại biểu Lê Hữu Quý cho rằng, Đại hội XII lần này đã kết tinh được kết quả các đại hội từ cơ sở đến tỉnh, đến Trung ương.

Lần thứ ba tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đại biểu Lê Hoàng Phụng (Đoàn đại biểu Đảng bộ Lâm Đồng) chia sẻ, ông thấy sự chuẩn bị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI rất chu đáo về nội dung, chương trình, về Quy chế làm việc của Đại hội. Việc góp ý thảo luận tại Hội trường của các Đoàn thể hiện tinh thần dân chủ, đổi mới và thực hiện đúng các quy trình, quy định.

Theo quy chế, số dư trong danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương không quá 30% là cách để các đại biểu có điều kiện chọn lựa. Đại hội đã quyết định Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 200 Ủy viên, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết. Đại hội sẽ quyết định số dư trong danh sách bầu cử, cũng là phát huy dân chủ để Đại hội thể hiện chính kiến của mình trong việc chuẩn bị nhân sự bầu cử.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc một số đồng chí không nằm trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu nhưng được đại biểu đề cử tại Đại hội, đã chủ động xin rút, đại biểu Lê Hoàng Phụng bày tỏ: Có thể nói, đó là truyền thống của Đảng ta về sự chăm lo, xây dựng, quy hoạch và bảo đảm tính kế thừa. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đồng chí đó đã tự nguyện, tạo điều kiện, cơ hội cho thế hệ trẻ. Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, để thế hệ mà chúng ta bồi dưỡng trong quá trình quy hoạch theo Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và bảo đảm được các quy trình chung.

Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật

Các đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Đặng Quốc Vinh (Hà Tĩnh), Phạm Thiện Nghĩa (Đồng Tháp) đã nói rõ hơn về những nội dung quan trọng trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Đánh giá Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, nhưng theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), cần tiếp tục làm rõ ba vấn đề.

Thứ nhất là cơ sở để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là một đất nước nông nghiệp, cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được tiến hành trên cơ sở nền nông nghiệp tiên tiến và có sức cạnh tranh cao.

Đại biểu phân tích, bản thân nông nghiệp là một thị trường và nó sẽ giúp cho đất nước bảo đảm được an ninh lương thực. Trên thực tế, chính nông nghiệp trong thời gian qua đã khẳng định là nơi cung cấp nguồn vốn để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề là hiện nay khả năng, tiềm lực công nghiệp của đất nước còn đang rất hạn chế, nên việc tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở nền nông nghiệp cần được ghi rất rõ vào văn kiện.

Thứ hai là việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững và thực tế cho thấy năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và những vấn đề đặt ra hiện nay xuất phát từ vấn đề con người và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực phải cụ thể, mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao hơn cũng như sự đầu tư nhiều hơn.

Thứ ba, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ song hành cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Muốn vậy, chúng ta cần đưa ra các giải pháp liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đảng viên, đặc biệt là đối với các đảng viên sai phạm cần nghiêm khắc hơn, công khai trong nhân dân, để nhân dân kiểm soát việc xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Đại biểu Đặng Quốc Vinh (Hà Tĩnh) cho biết đang kỳ vọng Đại hội XII sẽ là một khởi đầu cho công cuộc đổi mới (lần II) của Đảng. Cái chốt của chúng ta là chìa khóa của dân chủ, nhưng phải dân chủ tập trung, chứ không phải dân chủ cực đoan; không được lợi dụng dân chủ và càng không được dân chủ hình thức. Cùng với đó, phải kiểm soát quyền lực và vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

Đại biểu cho biết rất tâm đắc với ba nội dung: Dân chủ, kiểm soát quyền lực và vững bước đi lên trên con đường đổi mới. Làm được điều này thì Đại hội XII sẽ rất thành công và mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc ta, đất nước ta, Đảng ta - đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trong Báo cáo trình Đại hội lần này, Đảng đánh giá rất thẳng thắn về những thành công, đồng thời nói rõ khuyết điểm và các mục tiêu phát triển để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. “Tôi cho rằng đây là một sự đánh giá rất thẳng thắn của Đảng, sự thể hiện rất nghiêm túc và đáng mừng”. Đại biểu thấy rất mừng vì Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, đây là việc dũng cảm của Đảng.

Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Hải Dương) đánh giá, những ý kiến góp ý từ cơ sở đã được Trung ương tiếp thu một cách đầy đủ và mang tầm khái quát cao. Theo đại biểu, việc triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống sẽ tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Nâng “sức đề kháng” để hội nhập thành công

Đại biểu Nghiêm Xuân Thành (Khối doanh nghiệp Trung ương) cho biết, qua các phiên thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao về đánh giá những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp. Trong những thành quả đó, đại biểu đánh giá ngành ngân hàng đã có những đóng góp tích cực thông qua các chính sách tiền tệ.

Về nhiệm vụ trong 5 năm tới, Đại hội xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đổi mới đầu tư, trước hết là đầu tư công, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, kiểm soát có hiệu quả nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công đối với doanh nghiệp Nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng trọng tâm là cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức lớn lao - đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Phạm Mạnh Thường (Bắc Giang) đánh giá báo cáo chính trị trình Đại hội XII lần này được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, hội tụ được tất cả những ý kiến đóng góp của đảng viên cả nước, đã tổng kết được 30 năm đổi mới và phát triển đất nước, qua đó rút kinh nghiệm những cái đã đạt được và những cái không đạt được. Đặc biệt, đất nước đang hòa nhập sâu rộng với thế giới, vì lẽ đó Đại hội lần này đòi hỏi trí tuệ của tất cả các đại biểu để tiếp tục đổi mới, đưa đất nước phát triển, hội nhập.

Đại biểu tin tưởng rằng, Đại hội XII sẽ phát huy được những thành quả đã đạt được trong 30 năm đổi mới. Chúng ta có đầy đủ hành trang để hội nhập, phát triển; chắc chắn Việt Nam sẽ sớm trở thành một nước công nghiệp, giàu mạnh.

Theo đại biểu Phạm Minh Đạo (Đồng Nai), hội nhập là một sân chơi, vì vậy phải có sự chuẩn bị kỹ, phải tự nâng “sức đề kháng”, đó là năng suất, giá thành, chất lượng. “Hiện nay đặc điểm mình là nhỏ lẻ, đây là vấn đề cần phải xử lý, đó là bài toán trong chiến lược. Trong điều kiện hiện nay, tôi nghĩ như Đồng Nai là chuyện liên kết”.

Từ câu chuyện của tỉnh, đại biểu nêu một thực tế, thương lái là rất quan trọng với đặc điểm sản xuất nhỏ lẻ, nếu không có thương lái, nông dân tiêu thụ sản phẩm ở đâu? Vì vậy cần đặt ra vấn đề quản lý thương lái và Đồng Nai đã thấy vấn đề này. Vai trò thương lái có, nhưng làm sao để phân phối lợi ích cho hài hòa nên vai trò liên kết, hình thành các hợp tác xã để giải quyết dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra là một vấn đề lớn, một chuyên đề có nghị quyết riêng.

Theo đại biểu, còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong việc này để kinh tế hợp tác đủ mạnh, vươn lên - đại biểu chia sẻ.

Đại biểu Phan Văn Sử (Tây Ninh) cho rằng, Báo cáo chính trị tại Đại hội đã đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc, có giải pháp, hướng đi cho giai đoạn tới, là thể hiện trách nhiệm cao và rất phù hợp.

Theo đại biểu Phạm Thiện Nghĩa (Đồng Tháp), đang có những chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thời gian qua, công nghiệp phát triển nhiều ngành nghề nhưng chính sách chưa sâu. Do đó, thời gian tới nên quan tâm hơn đến ngành này để tạo động lực cho kinh tế phát triển và lực lượng này phải có sự đầu tư, phát triển tương xứng./.