TCCSĐT - Ngày 25-01-2016, ngày làm việc thứ 5, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thực hiện nội dung công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Đoàn nghiên cứu danh sách nhân sự do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử. Buổi chiều, Đại hội làm việc tại Hội trường, nghe Đoàn Chủ tịch báo cáo về việc bầu cử và danh sách ứng cử, đề cử bổ sung, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đại hội thực hiện quy trình để biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử bổ sung, các trường hợp xin rút khỏi danh sách đề cử bổ sung Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trước đó, Đại hội đã biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Theo quy chế, số dư trong danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương không quá 30% để các đại biểu có điều kiện chọn lựa. Đại hội sẽ quyết định số dư trong danh sách bầu cử, cũng là phát huy dân chủ để Đại hội thể hiện chính kiến của mình trong việc chuẩn bị nhân sự bầu cử.

Danh sách chính thức để Đại hội bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ được hình thành từ hai nguồn: Nguồn thứ nhất là danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử, nguồn thứ hai là do các đại biểu tại Đại hội ứng cử, đề cử bổ sung. Danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ do Đại hội quyết định.

Đến hết chiều 24-01, các trường hợp được các đại biểu Đại hội đề cử bổ sung, đã chủ động xin rút rất nhiều, còn hơn 90 nhân sự được đề cử bổ sung vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong số này có 62 nhân sự được đề cử vào danh sách bầu Ủy viên Trung ương chính thức.

Chia sẻ ý kiến bên lề Đại hội về việc một số đồng chí không trong danh sách đề cử do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu, được đại biểu Đại hội đề cử, đã chủ động xin rút, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đó là sự tôn trọng tổ chức của mình. Ban Chấp hành Trung ương là một tổ chức ở cấp cao cho nên tính kỷ luật, tính tổ chức rất chặt chẽ. Khi mà cả tổ chức đã giới thiệu thì phải đa số; nếu không được giới thiệu, việc xin rút là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc sinh hoạt trong tổ chức Đảng, tức là thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ cơ sở lên mình làm như thế hết, do vậy, đại hội đảng bộ các địa phương rất thành công, đại hội đảng bộ các cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương rất tốt, tới Trung ương càng làm tốt hơn.

Còn đại biểu Lê Hoàng Phụng (Đoàn đại biểu Đảng bộ Lâm Đồng) thì cho rằng: Có thể nói, đó là truyền thống của Đảng ta về sự chăm lo, xây dựng, quy hoạch và bảo đảm tính kế thừa. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đồng chí đó đã tự nguyện, tạo điều kiện, cơ hội cho thế hệ trẻ. Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, để thế hệ mà chúng ta bồi dưỡng trong quá trình quy hoạch theo Nghị quyết số 42 của Bộ Chính trị được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm và bảo đảm được các quy trình chung./.