Sáng 22-8-2015 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm truyền thống ngành văn hóa (28-8-1945 - 28-8-2015), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2, Đại hội thi đua nước lần thứ II- 2015 với sự tham gia của các thế hệ cán bộ ngành văn hóa và 300 đại biểu ưu tú toàn ngành giai đoạn 2011-2014.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự và chia vui cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành văn hóa có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội.

Tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của ngành văn hóa. Đây là phần thưởng cao quý, sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao to lớn của toàn ngành văn hóa đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.

Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trải qua 70 năm trưởng thành và phát triển, ngành văn hóa đã luôn nỗ lực làm tròn sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa văn nghệ là vũ khí, là sợi dây tinh thần kết nối giữa hậu phương với tiền tuyến, góp phần khắc họa hình ảnh của một dân tộc đại nghĩa, anh hùng và đậm nét văn hoa với sức mạnh chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi tới hòa bình, độc lập, tự do. Trong hòa bình, văn hóa là động lực phát huy nguồn lực của đất nước, là sức hấp dẫn và lợi thế trong hợp tác, hội nhập quốc tế.

Từ năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, công tác quản lí nhà nước cũng như gắn kết giữa các bộ, ngành và toàn xã hội không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Gần 70 năm qua, lời kêu gọi "Thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là động lực tinh thần to lớn để người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong đó không thể không nói tới vai trò quan trọng của ngành văn hóa với các phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Người tốt việc tốt", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"... Những phong trào này đã góp phần phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Từ các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Những đóng đóng góp to lớn của các thế hệ ngành văn hóa đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của cả dân tộc. Văn hóa Việt Nam hiển hiện trong di sản vật thể, phi vật thể, trong mỗi con người và toàn thể dân tộc ta. Ngày nay, người Việt Nam vinh dự và có trách nhiệm được kế thừa một nền văn hóa rực rỡ, với những di sản vô giá không chỉ với dân tộc mà với cả nhân loại. Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian mà là hàng ngày, hàng giờ, từng phút, từng khoảnh khắc và mãi mãi. Đất nước đang đổi mới và phát triển từng ngày, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên nhiều mặt nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn lại là có không ít những biểu hiện lệch lạc về văn hóa đã xuất hiện và có chiều hướng gia tăng nếu không kịp thời ngăn chặn. Phát triển văn hóa, đấu tranh chống lại những lệch lạc về văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người nhưng trước hết là của đội ngũ những người làm công tác quản lí nhà nước về văn hóa.

Phó Thủ tướng mong muốn, ngành văn hóa có những phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để góp phần làm cho văn hóa thực sự là "soi đường cho quốc dân đi" như lời Bác Hồ đã dạy. Bên cạnh đó, ngành cần những việc làm cụ thể, thiết thực để khơi dậy sức sáng tạo trong đội ngũ những người hoạt động văn hóa nghệ thuật, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc và thế giới; có những phong trào thi đua yêu nước thiết thực, tôn vinh yếu tố tích cực, thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, giúp những nét đẹp văn hóa mãi trường tồn, tỏa sáng.

70 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Nha Thông tin tuyên truyền, cơ quan tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay là một chặng đường dài với nhiều dấu son quan trọng. Biết bao mồ hôi, tâm sức, trí tuệ và cống hiến, hi sinh của những thế hệ người làm văn hóa đã đổ xuống để để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại lễ kỉ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, trong 70 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của ngành văn hóa luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Trải qua chặng đường đầy khó khăn, thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, ngành văn hóa đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước ngày nay. Ngày 31-7-2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ từng bước được kiện toàn, với 22 đơn vị quản lý nhà nước, 61 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, thể chế văn hóa tiếp tục hoàn thiện.

Các lĩnh vực hoạt động ngành ngày càng gắn kết, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá, nghệ thuật ngày càng mở rộng và đa dạng, làm lan tỏa các giá trị văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới, phục vụ tốt các sự kiện chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước. Nhiều gương điển hình cá nhân, tập thể tiêu biểu được tôn vinh. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt kết quả quan trọng, với 21 di sản được UNESCO ghi danh là di sản thế giới (tính riêng giai đoạn 2007-2014 có 13 di sản được ghi danh là di sản thế giới). Thành tích của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Ngành du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm liên tục trong nhiều năm, đóng góp ngày càng nhiều vào tổng thu nhập kinh tế quốc dân...

Với những thành tích đã đạt được, ngành Văn hóa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hàng trăm Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 102 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 458 Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đại hội Thi đua yêu nước Bộ lần thứ II, năm 2015 cũng là hoạt động lớn của toàn ngành nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống. Những nhân tố tiêu biểu, mô hình sáng tạo, cá nhân tiên tiến, luôn cống hiến không mệt mỏi vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà, nhân dịp này là những điểm sáng được tôn vinh. Đó là mô hình nhà hát cấp quốc gia tự chủ về tài chính nhưng luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng các chương trình nghệ thuật, phục vụ các hoạt động chính trị, đối ngoại của đất nước. Đó là mô hình sáng tạo, năng động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành du lịch. Là gương mặt vận động viên tiêu biểu với những thành tích xuất sắc, cống hiến cho nền thể thao nước nhà...

Ngành văn hóa cũng xác định rõ: Trong thời gian tới, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và rất khó lường, đi cùng những cơ hội thuận lợi là không ít khó khăn, thách thức. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho toàn ngành những trọng trách mới, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị. Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay, văn hóa phải phát huy hơn nữa sứ mệnh “soi đường quốc dân đi”, xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, trở thành điểm tựa tinh thần và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.../.