Thái Nguyên phát huy lợi thế, vượt khó, vững bước đi lên
TCCS - Phát huy lợi thế, tiềm năng, vượt qua thách thức, chủ động tháo gỡ khó khăn, bám sát mục tiêu đoàn kết phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đã giành được nhiều thắng lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiềm năng, lợi thế
Với lợi thế nằm ở tâm hình rẻ quạt, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông giữa các tỉnh, thành miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thái Nguyên có lợi thế là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của khu vực. Bên cạnh đó, những tiềm năng về khoáng sản cũng đã đưa Thái Nguyên vào “bản đồ” các khu vực phát triển công nghiệp của cả nước với cái tên “gang thép Thái Nguyên” từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Về khía cạnh xã hội, Thái Nguyên là tỉnh rất có ưu thế khi trên địa bàn có 8 trường đại học, 24 trường cao đẳng và trên 50 cơ sở đào tạo nghề; có bệnh viện đa khoa lớn của khu vực cùng với hơn 15 bệnh viện khác.
Về văn hóa - lịch sử, Thái Nguyên là căn cứ địa chiến khu xưa, là một trong những trung tâm đặc biệt quan trọng của thủ đô kháng chiến của cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Những di tích An toàn khu (ATK) thuộc hệ thống di tích lịch sử cách mạng “Chiến khu Việt Bắc” đã được Chính phủ nhận định là quan trọng bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 80 km, địa danh lịch sử này càng hấp dẫn du khách khi bên cạnh đó có những cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi, như hồ Núi Cốc, hồ Suối Lạnh, hang Phượng Hoàng... Những ý nghĩa to lớn về văn hóa - lịch sử đã khiến Thái Nguyên trở thành một “điểm đến” hấp dẫn, đặc biệt với những du khách muốn tìm hiểu về một địa danh đậm dấu ấn trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.
Vượt qua thách thức, chủ động tháo gỡ khó khăn
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thời gian qua, Thái Nguyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu và những đợt thiên tai, dịch bệnh liên tiếp... Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và nỗ lực của cơ sở, một số ngành, nghề trọng điểm vẫn tăng về năng lực sản xuất, các thành phần kinh tế tăng trưởng, nhất là kinh tế ngoài quốc doanh đã khẳng định vị trí trong nền kinh tế nhiều thành phần...
Từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có 11 chi nhánh, 255 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và chuyển đổi hình thức sở hữu với số vốn đăng ký là 551,2 tỉ đồng. Trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có 78 doanh nghiệp tư nhân, 113 công ty trách nhiệm hữu hạn, 60 công ty cổ phần và 4 hợp tác xã. So với cùng kỳ năm 2008, tăng hơn 64 doanh nghiệp (khoảng 33,5%). Ngoài ra, có 240 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn kinh doanh, thay đổi, bổ sung ngành nghề lao động. Nhờ vậy, Thái Nguyên hầu như không có lao động bị mất việc làm, thậm chí, năm 2009 tỉnh còn thiếu lao động. Đây chính là kết quả của mục tiêu khuyến khích sự phát triển khối doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tạo thêm động lực cho nền kinh tế của tỉnh.
Nhìn lại thời kỳ khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng, có thể thấy việc triển khai các giải pháp tháo gỡ của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đề ra là đúng đắn, thực sự đã giúp Thái Nguyên đứng vững, ổn định, từng bước phát triển. Các giải pháp đó là:
Thứ nhất, nhóm giải pháp phát triển kinh tế
Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, ngày 11-12-2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện cơ chế lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra nhóm giải pháp “Năm đẩy, bốn quản và ba chống”. Giải pháp “Năm đẩy” là đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác quy hoạch chung, quy hoạch vùng, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm và đẩy mạnh công cuộc đổi mới đồng bộ các loại hình dịch vụ. “Bốn quản” là quản lý đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý về văn hóa - xã hội. “Ba chống” là chống lãng phí, tham nhũng, chống tội phạm ma túy, chống quan liêu.
Cụ thể hóa các nhóm giải pháp này, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và các làng nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở vẫn giữ vững các ngành nghề truyền thống có lợi thế cạnh tranh; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh kinh doanh; đổi mới công tác quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu thông qua sản xuất, chế biến, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người nghèo và các đối tượng khó khăn. Đặc biệt, ngay trong những tháng đầu năm 2009, tỉnh đã triển khai tích cực các dự án thuộc các nguồn vốn chính phủ, các công trình trọng điểm.
Trong năm 2009, Thái Nguyên đã tiếp tục khẳng định với các nhà đầu tư thiện chí hợp tác, mời gọi đầu tư bằng các cam kết cụ thể: Nhà đầu tư được giải quyết về địa điểm đầu tư, các ưu đãi đầu tư theo quy định và bảo đảm được bàn giao mặt bằng, nhận quyền sử dụng đất trong thời gian nhanh nhất; được hưởng ưu đãi cao nhất trong khung Chính phủ đã ban hành về các loại thuế; được hỗ trợ một phần tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, nếu dự án đầu tư thuộc vào các danh mục, lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư hoặc dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Chính sách tốt, cộng thêm các lợi thế về vị trí địa lý, về tài nguyên khoáng sản, về kết cấu hạ tầng..., Thái Nguyên đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Một số lĩnh vực thu hút mạnh đầu tư là: sản xuất thép xây dựng, vật liệu xây dựng, may mặc, cơ khí, động cơ Diezel, sản xuất chè, đồ gỗ, đầu tư phát triển các khu du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...
Thực hiện Nghị quyết số 37, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, theo tinh thần Nghị định số 134/2004/NĐ-CP, ngày 6-9-2004 của Chính phủ về việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2012, Thái Nguyên đã thành lập Trung tâm Khuyến công. Những năm qua, số đề án được thực hiện và nguồn kinh phí hỗ trợ ngày càng tăng (năm 2006, thực hiện 13 đề án với kinh phí hỗ trợ 594 triệu đồng; năm 2007, thực hiện 15 đề án với kinh phí hỗ trợ 1,05 tỉ đồng, tăng 77,4 % so với năm 2006; năm 2008, thực hiện 23 đề án với kinh phí hỗ trợ 1,4 tỉ đồng, tăng 44,49% so với năm 2007). Năm 2009, chương trình triển khai 34 đề án khuyến công quốc gia và địa phương, tổng kinh phí 2.700 triệu đồng. Để phù hợp với thực tiễn địa phương, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các chương trình khuyến công tiếp tục vận dụng phù hợp, hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của ngành công nghiệp và bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Tính trong ba năm 2006 -2008, đã có 32 đề án đào tạo chuyển đổi nghề, 01 đề án hỗ trợ 3 làng nghề, giúp củng cố và phát triển làng nghề, giúp người nông dân “ly nông” không “ly hương”. Việc phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới này được tỉnh xác định là một phương cách để huy động vốn trong nhân dân và gia tăng nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa lao động, nâng cao đời sống người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong thời kỳ khó khăn.
Nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ năm 2009, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định phương châm hành động của năm 2009 là “tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, lấy phát triển giao thông là khâu đột phá”. Từ định hướng đó, tỉnh đã phối hợp với các ngành hữu quan của Trung ương rà soát, bổ sung mạng lưới giao thông đồng bộ cho cả hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng sông, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về giao thông, huy động các nguồn lực từ trong nhân dân và các nhà đầu tư để phát triển giao thông. Trong năm 2009, tỉnh quyết tâm cùng Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ và ngày 24-11-2009 đã tổ chức khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, giao thông đến các khu công nghiệp; thông qua công tác tuyên truyền vận động đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trong thời gian qua nhân dân đã tự tháo dỡ tài sản, giải phóng mặt bằng, hiến trên 700.000m2 đất, điển hình như xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ); các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đã ủng hộ hàng chục tỉ đồng làm các tuyến đường giao thông nông thôn.
Toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, các trường học, bệnh viện, công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí... được nâng cấp, hoàn thiện, tương xứng với vai trò là trung tâm của vùng Trung du miền núi Bắc bộ.
Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, tuyên truyền có chuyển biến tích cực, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng; quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với cả nước và quốc tế. Đến hết năm 2009, trên địa bàn tỉnh có 05 đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát, 06 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và đã phủ sóng di động trên toàn địa bàn tỉnh; có 44 bưu cục, 139 điểm bưu điện văn hóa xã; mật độ điện thoại cố định đạt 19,6 thuê bao/100 dân; đã có 20.224 thuê bao Internet, đạt 1,8 thuê bao/100 dân; toàn tỉnh ước đạt: 80% gia đình văn hóa, 50% làng, bản văn hóa, 84% cơ quan văn hóa; duy trì 26 xã, phường không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
Nhóm giải pháp bảo đảm an sinh xã hội
Bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra về phấn đấu xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế vùng Đông Bắc Bắc Bộ, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã đặt ra yêu cầu bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề xã hội.
Trên cơ sở xác định nâng cao chất lượng đào tạo là tiền đề quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm là “địa chỉ” cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các nhà máy, khu công nghiệp không chỉ của tỉnh mà cho cả khu vực và cả nước, tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, chất lượng dạy và học phải được thực hiện trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục có bước phát triển tích cực; quy mô giáo dục, đào tạo các cấp học đều tăng so với năm học trước; giáo dục toàn diện và đào tạo mũi nhọn được quan tâm đầu tư. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2008 - 2009, tỉnh Thái Nguyên đạt 48 giải, tăng 6 giải so với năm học trước. Tính đến hết tháng 12-2009, toàn tỉnh có 258 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 40,4%; năm 2009 tỉnh đã xây dựng được 510 phòng học và 138 phòng ở công vụ cho giáo viên, góp phần cải thiện rõ rệt cơ sở vật chất trường, lớp học trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giáo dục, tỉnh đã đưa các dự án liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về lao động giai đoạn 2011 - 2020, Dự án xây dựng các trường đại học, cao đẳng vào danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2006 - 2010.
Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 8 trường đại học, 24 trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, trên 50 trung tâm, cơ sở dạy nghề, mỗi năm đào tạo được khoảng gần 100.000 lao động. Hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã có 164 ngành, nghề đào tạo. Trường đã mở rộng liên kết đào tạo với các nước, các trường đại học danh tiếng trên thế giới và tham gia tích cực vào việc chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho các tỉnh trong vùng. Trong tương lai, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng và phát triển tổng thể Đại học Thái Nguyên đạt các tiêu chí của trường đại học trọng điểm của quốc gia.
Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động xã hội khác cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngành y tế tỉnh đã nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, chú trọng y tế dự phòng, bảo đảm các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người già được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đúng kế hoạch và đạt kết quả khá. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh rất quan tâm đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Tính đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 107 xã chuẩn về y tế, đạt 59,4% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trong nỗ lực kêu gọi đầu tư, tỉnh đã định hướng tập trung cho các dự án nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh các tuyến, thành lập một số cơ sở y học chất lượng cao, có khả năng giải quyết các bệnh chuyên sâu, dự án khu dưỡng lão chất lượng cao dành cho người già, đồng thời tiếp tục đầu tư cho Bệnh viện đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ người dân trong tỉnh và nhân dân cả vùng Đông Bắc.
Tiếp tục vững bước đi lên
Chủ đề trọng tâm của năm 2010 đã được Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh xác định là: “Tập trung phát triển công nghiệp và làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch. Tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII”. Trong đó, bảo đảm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp tăng 22%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 17 triệu đồng; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,5%; tạo việc làm mới cho 16.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2009 xuống 2,5%; tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, hoàn thành 100% các chỉ tiêu về công tác quân sự địa phương.
Để hoàn thành các mục tiêu trên và bảo đảm phát triển bền vững cho năm 2010, một số giải pháp chủ yếu đã được đề ra:
Thứ nhất, với tư duy năng động, sáng tạo, sát tình hình, tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách, giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh...; tiếp tục thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp “năm đẩy, bốn quản, ba chống” và phương châm “ba thân thiện” trên địa bàn tỉnh; tập trung các nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI.
Thứ hai, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả cơ chế ưu đãi đầu tư trên địa bàn; thực hiện cắt giảm trên 30% thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ trên cơ sở thực hiện công khai, minh bạch nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, giảm chi phí xã hội, từng bước góp phần hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm phát huy hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn, các dự án phát triển giao thông, thủy lợi, chương trình mục tiêu, trái phiếu chính phủ và các chương trình nhà ở cho người nghèo, cho công nhân, sinh viên và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Thứ tư, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “ba thân thiện”: "thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường" để bảo đảm cho môi trường và phát triển kinh tế - xã hội được bền vững. Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ năm, coi phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch là khâu đột phá, trong đó, trọng điểm là vùng hồ Núi Cốc, ATK - Định Hóa, khu đô thị phía tây thành phố Thái Nguyên, trung tâm hành chính mới...
Thứ sáu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập; đẩy mạnh trấn áp các hoạt động tội phạm, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội và bảo đảm công tác phục vụ đại hội Đảng các cấp./.
Đồng thuận xã hội - một số vấn đề lý luận và thực tiễn  (31/03/2010)
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp; Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hội kiến Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào  (31/03/2010)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Tanzania phát triển nông nghiệp  (31/03/2010)
Ðẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước  (31/03/2010)
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16  (30/03/2010)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay