TCCSĐT - Ngày 22-3-2010, thế giới kỷ niệm lần thứ 18 ngày Nước thế giới. Chủ đề Ngày Nước mà tổ chức Liên hợp quốc chọn cho năm 2010 là “Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”. Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng đến 1/3 số người ở mọi châu lục trên thế giới.
 
1. Ngày Nước thế giới

Ngày 22-3-2010, thế giới kỷ niệm lần thứ 18 ngày Nước thế giới. Chủ đề Ngày Nước mà tổ chức Liên hợp quốc chọn cho năm 2010 là “Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh”. Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, tình trạng khan hiếm nước ảnh hưởng đến 1/3 số người ở mọi châu lục trên thế giới. Tình hình này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhu cầu sử dụng nước tăng cùng với việc tăng dân số, đô thị hoá, tăng việc sử dụng nước trong các hộ gia đình và trong ngành công nghiệp. Gần 1/5 dân số thế giới (khoảng 1,2 tỉ người) sống trong các khu vực khan hiếm nguồn nước tự nhiên. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, biến đổi khí hậu và việc con người sử dụng nguồn nước phung phí là nguyên nhân chính khiến thế giới ngày càng tiếp tục khát nước.

2. Ra mắt Quỹ Tiền tệ châu Á

Ngày 23-3-2010, Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF) do 10 nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thành lập theo mô hình Quỹ Tiền tệ quốc tế đã chính thức ra mắt với tổng trị giá 120 tỉ USD. AMF được thành lập trên cơ sở Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), được bộ trưởng tài chính các nước trên ký hồi tháng 12-2009, với mục đích hỗ trợ lẫn nhau về khả năng thanh khoản bằng USD trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc thị trường biến động bất thường. Theo đó, Nhật Bản và Trung Quốc mỗi nước đóng góp vào AMF 38,4 tỉ USD, chiếm 64% Quỹ; Hàn Quốc đóng góp 19,2 tỉ USD (16%); và các nước ASEAN đóng góp 24 tỉ USD (20%). Nhiệm vụ của AMF là hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với những biến động tiền tệ ngắn hạn theo hình thức hoán đổi tiền. Trong trường hợp một thành viên đề nghị được hỗ trợ, ngân hàng trung ương của các nước thành viên khác sẽ cung cấp USD để đổi lấy tiền nội tệ của quốc gia cần hỗ trợ. Quốc gia cần hỗ trợ có thể nhận được lượng USD khẩn cấp trong vòng một tuần kể từ khi chính thức đề nghị nếu được sự đồng ý của 2/3 tổng số thành viên.

3. IMF: Các nước phát triển cần giảm chi tiêu vào 2011

Ngày 23-3-2010, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Giôn Líp-xcai (John Lipsky) cho rằng, các nền kinh tế phát triển có mức thâm hụt ngân sách lớn cần bắt đầu chuẩn bị dư luận công chúng để khởi động các chương trình "thắt lưng buộc bụng," cắt giảm chi tiêu vào năm 2011. Ông nhấn mạnh phạm vi điều chỉnh phải lớn để có hiệu quả thúc đẩy phục hồi kinh tế cho dù chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và tăng nguồn thu cho ngân sách từ tăng thuế. Tuy nhiên, theo ông, triển vọng siết chặt tài chính để rút lui các gói tài chính lớn chống khủng hoảng vẫn không mấy sáng sủa đối với các nền kinh tế phát triển. Ông khẳng định, khủng hoảng kinh tế đã tác động nghiêm trọng tới cán cân tài chính, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. Trong khi đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về nhóm nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7), ông nêu rõ, nhóm này hiện có mức vay nợ cao chưa từng thấy tính từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Tỷ lệ nợ tính trên tương quan với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại nhóm nước trên trong năm 2010 dự kiến sẽ chạm mức phổ biến của thập niên 1950.

4. Ông Mi-gen In-xu-da tái đắc cử Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ

Ngày 24-3-2010, ông Giô-xê Mi-gen In-xu-la (Jose Miguel Insulza), người Chi-lê đã tái đắc cử chức Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối tại kỳ họp đặc biệt của tổ chức này. Đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông In-xu-da tại OAS. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông In-xu-da đã được khen ngợi sau khi dỡ bỏ nghị quyết loại trừ Cu-ba khỏi OAS vào đầu năm 2009, cũng như vai trò tích cực của tổ chức này trong việc cải thiện quan hệ giữa Cô-lôm-bi-a và Ê-cu-a-đo.

5. Hoàn tất Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược Nga-Mỹ

Ngày 24-3-2010, Văn phòng Tổng thống Nga cho biết, tất cả các văn bản liên quan đến việc ký kết Hiệp ước mới Nga-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược (START-2) đã được hoàn tất và thống nhất. Ngoại trưởng Nga La-vrốp cho biết: “Trong quá trình điện đàm, 2 Tổng thống đều bày tỏ hài lòng về kết quả của quá trình đàm phán. Hai bên thống nhất giải quyết nhiệm vụ chung, đó là thoả thuận cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược thực tế trên cơ sở tuyệt đối cân bằng có tính đến nguyên tắc an ninh trọn vẹn và như nhau”. Theo ngoại trưởng Anh Đa-vít Mi-li-ben (David Miliband), hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược tạo cơ hội tiến tới giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân. Một khi Hiệp ước mới có hiệu lực, Anh sẵn sàng tham gia tiến trình giải trừ kho vũ khí hạt nhân của mình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Baroso) và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã chúc mừng Tổng thống Nga và Mỹ về quyết định quan trọng này.

6. Hội nghị Thượng đỉnh mùa xuân 2010 của Cộng đồng châu Âu (EU)

Trong 2 ngày 25 và 26-3 tại Bruc-xen, Bỉ đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh mùa xuân 2010 của Cộng đồng châu Âu (EU). Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, và thông qua một chiến lược kinh tế mới: chiến lược "Châu Âu 2020". Ðây là lần đầu tiên khu vực đồng ơ-rô phải tìm biện pháp cứu trợ nước thành viên kể từ ra đời năm 1999. Trong phiên họp những người đứng đầu các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), 16 nước EU đã thông qua kế hoạch cứu trợ tài chính khẩn cấp cho nền kinh tế Hy Lạp do Đức và Pháp đưa ra. 2/3 khoản tiền cứu trợ trị giá từ 20 - 30 triệu euro sẽ được trích từ ngân sách của các nước EU, 1/3 còn lại từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Chiến lược "Châu Âu 2020” được soạn thảo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực, bảo đảm việc làm, và xây dựng một nền kinh tế sạch, thân thiện với môi trường.

7. WTO dự báo thương mại thế giới sẽ phục hồi mạnh trong năm 2010

Ngày 26-3-2010, các nhà kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra dự báo thương mại thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2010 với tăng trưởng 9,5% sau khi bị suy giảm mạnh nhất trong năm 2009. Xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển dự báo tăng 7,5% và của các nền kinh tế đang phát triển và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) dự kiến tăng 11% khi nền kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng. Các chuyên gia của WTO nhận định, buôn bán thế giới phục hồi mạnh mẽ cũng sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn và ổn định hơn mặc dù nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng đã làm giảm mức tăng trưởng của buôn bán thế giới tới 12,2%, mức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo họ, nếu nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi như tốc độ hiện nay, thương mại thế giới sẽ nhanh chóng vượt qua đỉnh cao của buôn bán thế giới năm 2008. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của WTO thận trọng cho rằng, những nguy cơ đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn và là những thách thức lớn như nguy cơ giá dầu tăng vọt, biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền lớn…

8. Thế giới hưởng ứng Giờ Trái đất

Ngày 27-3-2010, đúng 20h30 (giờ địa phương, tức 6h 45 GMT) các máy phát điện đi-ê-zen trên quần đảo Chát-ham (Chatham) của Niu Di-lân (New Zealand) đã ngừng hoạt động, chính thức đưa khu vực này trở thành địa điểm đầu tiên của 125 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng sáng kiến Giờ Trái Đất 2010 do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động. Hơn 1.000 toà nhà trên khắp thế giới cũng đã tắt đèn từ 20h30 đến 21h30 hôm 27-3 tùy theo từng múi giờ để hưởng ứng "Giờ Trái Đất". Đây là một hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chiến dịch Giờ Trái Đất 2010 được bắt đầu tại quần đảo Chát-ham (Niu Di-lân) và kết thúc tại thành phố A-pi-a của Xa-moa. Liên hợp quốc cho biết, năm nay, 6.000 thành phố thuộc khoảng 125 nước trên thế giới tham gia "Giờ Trái Đất", tăng gần gấp rưỡi so với con số 4.088 thành phố thuộc 88 nước tham gia năm 2009. Sáng kiến Giờ Trái Đất được bắt đầu vào năm 2007 ở Xít-ni (Sydney) của Ô-xtrây-li-a, sau này, nhờ các phương tiện truyền thông, Giờ Trái Đất đã trở thành một sự kiện thường niên diễn ra vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba mỗi năm, thu hút sự ủng hộ của hơn 1 tỉ người trên khắp thế giới.

9. Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 122

Tối 27-3-2010, kỳ họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Băng-cốc (Thái Lan), do Công chúa nước này Ma-hả Chạc-ri Xi-rít-hon (Maha Chakri Siridhorn) chủ trì. Với chủ đề "Quốc hội - Trung tâm của hòa giải chính trị và quản lý tốt", IPU 122 thu hút 1.400 đại biểu đến từ 132 quốc gia, 4 thành viên hiệp hội và 14 tổ chức quan sát. Kỳ họp IPU 122 sẽ thảo luận 5 vấn đề chính gồm: tình hình chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới; hợp tác và tăng cường vai trò của nghị viện trong cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, buôn bán ma tuý, buôn bán vũ khí trái phép, buôn bán người và khủng bố quốc tế; vai trò của quốc hội trong phát triển hợp tác Nam - Nam và hợp tác tam giác nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; vai trò của thanh niên trong quá trình dân chủ và Hội nghị nữ nghị sĩ tăng cường bình đẳng giới. Cùng thời điểm này, Hội nghị các tổng thư ký Quốc hội (ASGP) cũng được tổ chức từ ngày 27-3 đến ngày 1-4-2010./.