Năm 2009: Thương mại bất công chưa giảm

Nguyễn Văn Thanh
14:14, ngày 30-03-2010

TCCS - Ngày 7-12-2009, P. La-my (Pascal Lamy), người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã nói tại Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, với áp lực gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - mà nhiều người cho là có lợi cho nền kinh tế trong nước - khủng hoảng thương mại quy mô quốc tế vẫn sẽ tiếp diễn. Nhờ sự can thiệp của các chính phủ và cộng đồng quốc tế, tình hình có bớt căng, nhưng năm 2009 vẫn là năm thương mại quốc tế sút giảm tới mức chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giáo sư P. Krúc-gman (Paul Krugman), người được nhận giải thưởng Nô-ben, cho rằng mậu dịch thế giới trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay còn tồi tệ hơn cả đại suy thoái (1929 - 1933). Mậu dịch thế giới vận hành như một cơ chế truyền tải “lan tỏa khó khăn kinh tế đến cả những quốc gia vốn có hệ thống tài chính tương đối lành mạnh”, như Đức. Tuy gần đây thương mại có được phục hồi, nhưng năm 2009 sẽ đi vào lịch sử như năm đầu tiên thương mại toàn cầu sụt giảm kể từ năm 1982.

Nhìn tổng thể, dưới tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu phải đối đầu với những thử thách về cấu trúc, với chồng chất mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển, mâu thuẫn giữa phát triển và bảo vệ môi trường, mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, cùng mối đe dọa của sự biến đổi khí hậu. Chủ nghĩa tư bản tự do mới mất tín nhiệm trong khủng hoảng toàn cầu. Vai trò của nhà nước trong kinh tế và sự liên kết toàn cầu chống khủng hoảng (G20) đang nổi lên. Chủ nghĩa bảo hộ, thương mại đa phương, khu vực và song phương, cũng như Nghị trình phát triển Đô-ha (DDA) đang mang nhiều sắc thái chính trị.

1 - Chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trong khủng hoảng

Chủ nghĩa bảo hộ được biết là những biện pháp bảo vệ thị trường, công nghiệp, nông nghiệp nội địa và việc làm của nước mình bằng cách hạn chế sản phẩm và dịch vụ các nước khác thâm nhập vào. Chủ nghĩa bảo hộ đã có từ rất lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức. Dễ nhận biết nhất là các biện pháp áp thuế, ấn định cô-ta hoặc cấm mua bán. Ngoài ra, còn có những rào cản phi thuế như áp thuế chống phá giá hoặc nhân danh an toàn để cấm hoặc hạn chế nhập một số mặt hàng mà trong nước không đủ sức cạnh tranh. Quan trọng hơn là hình thức trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh có lợi với sản phẩm nước ngoài, như Hoa Kỳ và châu Âu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước bán sang các nước đang phát triển với giá hạ hơn các mặt hàng vốn là thế mạnh và kinh doanh truyền thống của các nước đó như thịt bò, bông vải, gạo, bột mì, thịt gà v.v.. Do sẵn tiền, trợ cấp của các nước giàu đẩy các nước nghèo vào cảnh khốn đốn.

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên ở tất cả các nước. Trước ngày nhậm chức của Tổng thống B. Ô-ba-ma, những nhà làm luật đã kịp đưa ra một dự luật “Mua hàng Mỹ” (Buy American) đặt Tổng thống mới vào một tình thế nan giải. Dự luật này là điển hình của chủ nghĩa bảo hộ. Nó quy định chỉ được mua hàng sản xuất trong nước đối với các công trình phục hồi kinh tế sử dụng các gói kích thích của chính phủ. Dự luật này tác động mạnh nhất đến Ca-na-đa, bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, nơi mua hơn 222 tỉ USD hàng hóa Hoa Kỳ trong năm khủng hoảng 2008. Các công ty lớn của Ca-na-đa như Ipex Inc., Hayward Gordon ltd. Và những công ty gang thép lớn đều không được dự phần trong các dự án kết cấu hạ tầng do Hoa Kỳ triển khai để kích thích kinh tế. Tổng thống B. Ô-ba-ma trấn an đồng minh trong Hội nghị thượng đỉnh của Khu vực Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hồi tháng 8-2009 và cũng tán thành có những cơ chế mới để hai bên có thể xúc tiến cung ứng hàng cho chính phủ qua biên giới. Ông nhấn mạnh “Tôi nghĩ rằng khi thương mại toàn cầu đang suy giảm, sẽ là sai lầm nếu đưa ra một thông điệp vị kỷ không quan tâm gì đến thương mại toàn cầu.”

Về phía Liên minh châu Âu (EU), ủy ban Thương mại của liên minh tuyên bố “Điều khoản “Mua hàng Mỹ” là tín hiệu tồi tệ nhất có thể đưa ra trong bối cảnh tất cả các nước đều đang gặp khó khăn. Mỹ dẫn đầu (chủ nghĩa bảo hộ), nhiều nước khác sẽ noi theo”. Thật mỉa mai, sau khi long trọng tuyên bố ở Hội nghị thượng đỉnh của hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) hồi tháng 11-2009, chính các quốc gia này đã áp dụng 121 biện pháp bảo hộ mậu dịch “trắng trợn”, như lời tố cáo của Tổ chức Báo động thương mại toàn cầu (Global Trade Alert) đặt trụ sở ở Luân-đôn.

Trong quý I-2009, những biện pháp bảo hộ của các nước thành viên WTO tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2008. Nổi lên là các biện pháp tiến hành điều tra những mặt hàng nhập khẩu nhằm chống bán phá giá. Trung Quốc là nước bị “soi” nhiều nhất, chiếm tới 19 trong số 28 sản phẩm thuộc diện bị điều tra (67,9%). Tiếp theo là các nước thành viên EU, Bra-xin. Trong diện các nước bị điều tra còn có In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Các nước thành viên WTO còn tăng 15,4% các biện pháp hạn chế về số lượng hàng nhập khẩu so với năm 2008. Nói cho công bằng, các nước đang phát triển cũng chiếm tới 48% so với 52% của các nước phát triển trong việc tăng rào cản thương mại. Nhưng các nước nghèo không có nhiều công cụ như các nước giàu, chẳng hạn trong lĩnh vực trợ cấp. Trong số các nước xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là nước có nhiều sản phẩm bị hạn chế nhập khẩu, chiếm tới 15 trong số 21 sản phẩm (71,4%). Mới nhất là vụ Hoa Kỳ áp thuế với ống thép của Trung Quốc trị giá nhiều tỉ USD có nguy cơ sẽ bị trả đũa như với trường hợp EU áp thuế chống phá giá giày da đã được Trung Quốc trả đũa bằng tăng thuế đánh vào ốc-vít nhập khẩu của EU. Tiếp sau là các nước và vùng lãnh thổ có 2 - 3 sản phẩm bị hạn chế, như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

2 - Thương mại khu vực, thương mại song phương đang “lấn sân” thương mại đa phương (WTO)

Các hiệp định thương mại khu vực và song phương đã tồn tại rất lâu trong lịch sử trước khi có thương mại đa phương. Kể từ khi GATT được thành lập vào năm 1947 và hậu duệ của nó là WTO ra đời năm 1995 đến nay, đã có 362 hiệp định thương mại khu vực được chính thức thông báo cho WTO, trong số đó 211 đã có hiệu lực. Nhưng nếu tính cả những hiệp định đã có hiệu lực nhưng chưa thông báo (cho WTO), những hiệp định đã ký nhưng chưa có hiệu lực, những hiệp định đang được đàm phán, và những hiệp định mới trong giai đoạn đề nghị, sẽ có trên 400 hiệp định dự kiến được thực thi vào năm 2010.

Các thành viên WTO đều có quan hệ thương mại khu vực hoặc song phương. Có thành viên có tới trên một chục hiệp định như vậy, tiêu biểu là Hoa Kỳ. Mặc dù là quốc gia đi đầu trong mậu dịch đa phương, Hoa Kỳ đánh giá cao các hiệp định FTA song phương và khu vực. Đó là vì với FTA, Mỹ có thể dễ dàng áp đặt hơn những đòi hỏi về bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ; có thể tham gia nhiều hơn vào mua sắm của chính phủ các nước; có điều kiện thúc đẩy mở cửa lĩnh vực dịch vụ cho cạnh tranh v.v..

Chính vì thế, kể từ hiệp định song phương đầu tiên với I-xra-en năm 1985, đến nay Hoa Kỳ đã ký 10 thỏa thuận khác với Gioóc-đa-ni, Chi-lê, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Ma-rốc, Hôn-đu-rát, Ni-ca-ra-goa. Bốn nước khác đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn là Ba-ranh, Goa-tê-ma-la, Cốt-xta Ri-ca, Cộng hòa Đô-mi-níc. Các nước đang được Quốc hội xem xét là Ô-man, Pê-ru, Ma-lai-xi-a, Liên minh thuế quan Nam Phi (SACU) bao gồm các nước Bốt-xoa-na, Lê-xô-thô, Na-mi-bi-a, Nam Phi và Xoa-di-len. Các hiệp định tự do thương mại với Pa-na-ma, Hàn Quốc và Cô-lôm-bi-a đang được xúc tiến. Về thương mại khu vực, có NAFTA bao gồm Ca-na-đa và Mê-hi-cô. Tổng kim ngạch thuế và mậu dịch với các đối tác khu vực và song phương năm 2007 là 420,348 tỉ USD tăng 8,60% lên 456,319 tỉ USD năm 2008 cho thấy các đối tác song phương đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với Hoa Kỳ trong khủng hoảng.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) rõ ràng có lợi cho Hoa Kỳ. Thực tế, từ năm 2007 đến 2008, trong lúc nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Chi-lê vẫn tăng tới 49,4%, sang Pê-ru tới 51,1%, với tất cả các đối tác ít nhiều đều tăng lên, thấp nhất cũng đạt 3% với I-xra-en hay Ca-na-đa với 4,4%. Ca-na-đa là bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ với 222,424 tỉ USD năm 2008. Chính vì thế, Mỹ vẫn biện hộ cho FTA, cả song phương (BTA) và khu vực (RTA), bất chấp những quan ngại của WTO.

P. La-my cho rằng, các FTA tạo nên những phân biệt đối xử với các bên không phải là thành viên, trái ngược với nguyên tắc Tối huệ quốc, vốn là một trong những hòn đá tảng của WTO. Trong 50 năm dưới thời GATT chỉ có 15 hiệp định FTA được ký kết. Dưới thời WTO, chỉ trong 11 năm đã có đến 23 FTA thông báo ra đời, chưa tính số không thông báo. FTA sẽ tiếp tục lôi cuốn các nước trong từng khu vực.

Thương mại đa phương không loại trừ được thương mại song phương hay khu vực. WTO không thể cấm FTA mà chỉ có thể đề ra một nguyên tắc chung là các hiệp định thương mại khu vực không được buộc các nước ngoài khu vực “phải trả giá” cho những ưu đãi nội bộ khu vực. Thương mại tự do khu vực vẫn là vấn đề nhức nhối cho WTO bởi bản chất thương mại là cạnh tranh. Có lợi thì làm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thương mại ưu đãi FTA (ngoài WTO) đã chiếm từ 15% đến 40% thương mại thế giới. Nguyên tắc Tối huệ quốc đã bị tổn thương nặng nề.

3 - Hội nghị bộ trưởng WTO và nghị trình phát triển Đô-ha

Vòng thương mại Đô-ha bắt đầu vào tháng 11-2001, năm các đại bản doanh thương mại và quốc phòng của Hoa Kỳ bị tấn công khủng bố, với một nghị trình được kỳ vọng giúp các nước nghèo phát triển dự kiến kết thúc vào 2005. Đến nay, những cuộc xung đột thương mại giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển được bàn luận tại vòng Đô-ha kéo dài đã chín năm mà vẫn chưa thể kết thúc được. Thông thường một vòng đàm phán chỉ kéo dài vài ba năm, trừ vòng U-ru-goay khai sinh WTO. Mở đầu là vòng Xin-ga-po năm 1996; vòng Giơ-ne-vơ năm 1998; vòng Xi-a-tơn năm 1999; vòng Đô-ha năm 2001 (được tiếp nối bằng vòng Can-cun năm 2003 và vòng Hồng Kông năm 2005, nhưng không chỉ thuần túy bàn thảo về Đô-ha) và mới đây là vòng Giơ-ne-vơ từ 30-11 đến 2-12-2009. Theo quy chương của WTO, hai năm họp một lần. Vòng này đã chậm bốn năm vì sự bế tắc của vòng Đô-ha. Cuộc khủng hoảng toàn cầu về tài chính và kinh tế dường như đã làm cho các nước thấy rõ hơn cần có những tương nhượng và các nước phát triển cần hạ thấp bớt những biện pháp đánh thuế và trợ cấp bất bình đẳng trong cạnh tranh thương mại.

4 - G20: thành công của chủ nghĩa tư bản tự do mới hay một tương quan mới trong kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB cùng với GATT và WTO là các thiết chế tài chính, kinh tế và thương mại của chủ nghĩa tư bản được Hoa Kỳ chuẩn bị từ trong chiến tranh (năm 1944) và chính thức ra đời ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là những thiết chế chủ yếu được các độc quyền dựng nên để phục vụ cho sự thống trị của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn nhà nước can thiệp vào kinh tế cũng như trong giai đoạn thị trường giữ vai trò chi phối mọi hoạt động kinh tế, tài chính và thương mại của đất nước.

Sau chiến tranh, các nước đang phát triển ngày càng lớn mạnh, tương quan lực lượng có nhiều thay đổi, Hoa Kỳ không còn giữ địa vị độc tôn, từ chỗ chiếm hơn 50% sản lượng của thế giới nay chỉ còn khoảng 20%. Các nước đang phát triển ngày càng trở thành một lực lượng hùng mạnh thách thức chủ nghĩa tư bản. Giữa năm 1997, khủng hoảng kinh tế bùng phát ở Thái Lan, một quốc gia được coi là “học trò giỏi” của IMF - WB. Các nước tư bản G7 thành lập nhóm G22, bao gồm các nước G7 và một số nước đang phát triển do họ lựa chọn để đối phó với tính chất toàn cầu của khủng hoảng (đã lan sang Hàn Quốc, Nga và các nước Mỹ La-tinh).

Đầu năm 1999, G7 quyết định mở rộng thêm hợp tác với các nước đang phát triển nhằm cải tổ cấu trúc tài chính quốc tế, giải quyết những vấn đề kinh tế, tài chính và thương mại nảy sinh từ khủng hoảng 1997 của châu Á. G7 đồng ý mở rộng thành viên từ 22 nước lên 33 nước (1). Nhưng G7 sớm nhận ra có thêm nhiều thành viên như G33 tổ chức kềnh càng khó làm việc, thực chất là khó áp đặt và một số nước không tương xứng với vị trí quốc tế do quá nhỏ bé hoặc chưa chín muồi trong sinh hoạt quốc tế.

G20 ra đời kế tục và thay thế cho G33. Thành viên G20 bị khống chế về số lượng. Chỉ 19 nước cộng với EU. Danh sách bao gồm: Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Liên minh châu Âu (EU) được chủ tịch luân phiên và Ngân hàng Trung ương châu Âu đại diện là thành viên thứ 20 của G20. Giám đốc điều hành IMF, Chủ tịch WB cùng người đứng đầu các Ủy ban tiền tệ quốc tế và tài chính, Ủy ban phát triển của IMF và WB cũng tham dự với tư cách đương nhiệm.

G20 vẫn là một sản phẩm của sự hợp tác khiên cưỡng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Tám nước G8 nằm trong số 20 thành viên. Cùng với EU, thành viên thứ 20 đại diện cho EU (EU15 và EU27), rõ ràng các nước phát triển chiếm ưu thế áp đảo trong G20. Có thể nói G20 là một hình thức hợp tác Bắc - Nam với sự chi phối của các nước phương Bắc. Sự ra đời của G20 phản ánh một tương quan lực lượng mới - ưu thế của các nước phát triển tương đối giảm đi so với các nước đang phát triển, nhất là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và Nga (tuy nằm trong G8 nhưng cũng thường được xếp vào các nước BRIC như danh sách trên). Một cơ chế “chính phủ thế giới tư bản chủ nghĩa” vẫn là ước muốn của các nước tư bản phát triển với trung tâm và ngoại vi thay cho đế quốc và thuộc địa trước đây.

Tháng 4-2009, Thủ tướng Anh G. Brao (Gordon Brown) mời lãnh đạo 22 nước(2) dự Hội nghị thượng đỉnh Luân-đôn vì “ổn định, tăng trưởng và việc làm”. Người ta không thấy vai trò của Liên hợp quốc mà chỉ thấy Hoa Kỳ và Anh Quốc chủ trì các hội nghị quốc tế chống khủng hoảng, đương nhiên có các trợ thủ đắc lực là IMF, WB - nhưng không có WTO - và đại diện các khu vực NEPAD (Đối tác mới vì phát triển châu Phi), ASEAN, AU (Liên minh châu Phi) “để các nước nghèo “có tiếng nói” và cũng là phản ánh thực tiễn mới của kinh tế toàn cầu”.

Năm 2009 có thể xem như một năm bản lề của kinh tế thế giới trong khủng hoảng. Suy giảm đã kéo dài tám quý trong lúc chỉ cần tăng trưởng sút kém hai quý liền đã liệt vào suy thoái. Kinh tế các nước tuy vẫn chưa hoàn toàn phục hồi nhưng đã giảm bớt đà suy thoái. Khối lượng thương mại thế giới theo WTO đã sụt giảm hơn 10%. Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng trong bối cảnh đó “các nước cần hợp tác tuyệt đối và về phương diện chính sách, cần phải tránh mọi biện pháp bảo hộ”. Nhưng đó là trên lời nói.

Khủng hoảng kinh tế mang lại các bài học lớn: Một là, tư nhân và thị trường tự điều tiết không thể giải quyết khủng hoảng, các chính phủ phải giải cứu kinh tế bằng chú trọng hơn nội lực, không thể nhấn mạnh xuất khẩu mà coi nhẹ tiêu dùng trong nước, phải đi con đường tăng trưởng lấy nhân dân làm trung tâm, chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy thương mại công bằng. Hai là, khủng hoảng mang tính toàn cầu thì phải có giải pháp toàn cầu, phải hợp tác quốc tế. Nhưng mua bán phải phân minh, không thể tiếp tục ỷ thế lắm tiền nhiều của để thi hành các chính sách trợ giá, dựng hàng rào phi thuế quan bất lợi cho các nước đang phát triển, nổi lên gần đây là việc EU kéo dài áp thuế bán phá giá giày da của Việt Nam 10% thêm 15 tháng. Ba là, các nước đang phát triển phải đoàn kết để chống lại mọi mưu toan của các nước phát triển chia rẽ và áp đặt.

Năm 2009, theo Tổng cục thống kê, GDP nước ta tăng trưởng 5,2%, FDI đạt 21,48 tỉ USD (chỉ bằng 1/3 năm 2008), với xuất khẩu 56,73 tỉ USD (so với 62,7 tỉ năm 2008)(3), nhập khẩu 68,71 tỉ USD (đã giảm 12 tỉ so với năm 2008 nhưng vẫn nhập siêu 12 tỉ USD trong năm 2009), với lạm phát 6,88% v.v.. cho thấy những nỗ lực của Nhà nước trong chỉ đạo và điều hành kinh tế đã có những kết quả nhất định.

Bài học của chúng ta là không thể để mặc cho thị trường thao túng, phải cảnh giác với làm giàu bất chính, với những nhóm lợi ích, phát triển kinh tế phải gắn liền với thi hành các chính sách xã hội, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, phải cân đối xuất khẩu và nhập khẩu, ngoại lực và nội lực, trong quan hệ Nhà nước và thị trường, cần thực hiện đúng nghị quyết của Đảng coi “kinh tế thị trường là phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội”(4), chú trọng cả thương mại đa phương và song phương, cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày một mở rộng, có biện pháp hiệu quả đối phó với sự biến đổi của khí hậu, với tình trạng không công bằng trong thương mại thế giới mà chúng ta đang là nạn nhân./.
 
______________________________________________________________________________________________

(1) Ngoài số 22 nước G22 nói trên, bổ sung thêm Bỉ, Chi-lê, Cốt Đi-voa, Ai Cập, Ma-rốc, Hà Lan, A-rập Xê-út, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Thổ Nhĩ Kỳ

(2) Có thêm Hà Lan và Tây Ban Nha nhưng vẫn gọi là G20

(3) So với các nước, Thái Lan giảm 23,5% trong 10 tháng đầu năm 2009; Trung Quốc giảm 23% trong tám tháng đầu năm 2009; Nhật Bản giảm tới 36% trong cùng kỳ

(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr 139