Tạo sự thông thoáng và thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Luật Đầu tư năm 2005 từng được xem là “một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam”. Nhờ văn bản này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật Đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập như lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư còn dàn trải, thiếu tính thống nhất. Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư thiếu tính minh bạch, khả thi và đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được một mặt bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các quy định về cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết, không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo sự thông thoáng và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng còn hướng đến việc tăng thu hút đầu tư; tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp...
Trong lần đầu tiên lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã nhận được sự đồng tình với những mục tiêu và quan điểm xây dựng Luật. Các ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ góp phần tác động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên phát triển để thu hút đầu tư từ mọi nguồn lực; xây dựng phân cấp đầu tư cụ thể, hợp lý giữa trung ương và địa phương đi kèm với việc quy định rõ trách nhiệm của từng cấp gắn với chế tài xử lý rõ ràng, đồng bộ để hạn chế đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các cam kết quốc tế đang được đàm phán hiện nay để khi Hiệp định được ký kết có hiệu lực thì Luật vẫn phù hợp.
Tiến hành thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy định về danh mục lĩnh vực cấm đầu tư như dự thảo Luật còn quá chung chung, không rõ các ngành, nghề bị cấm đầu tư. Dự thảo Luật cần quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư, tạo sự minh bạch cho các nhà đầu tư và thực thi luật trong thực tế.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đọc xong dự thảo Luật này, nhà đầu tư cũng không biết cái gì mình không được phép làm, những lĩnh vực có điều kiện thì ai quy định những điều kiện ấy. Nếu Luật Đầu tư vẫn “bắt” nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư... mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch chưa, thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư chưa”.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, có khoảng vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện Ban Soạn thảo đang tiếp tục rà soát, đối chiếu cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp.
Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện nay các dự án hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp Giấy chứng đăng ký nhận đầu tư. Việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc phân cấp đầu tư theo hướng xác định rõ những ngành, lĩnh vực được phân cấp, những ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù như dầu khí, viễn thông, năng lượng nguyên tử, truyền tải điện... sẽ chỉ thuộc quyền quản lý thống nhất ở cấp trung ương. Với việc phân cấp đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý sai phạm cho phù hợp.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh mục đích của Luật là giải phóng tiềm năng của đất nước, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; đồng thời giải quyết việc làm cho lao động và tăng nguồn thu cho đất nước. Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo Luật vẫn còn khá sơ sài, thiếu chặt chẽ và chưa có chiều sâu. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nhằm khắc phục tối đa những vấn đề nảy sinh trong thực tế, bảo đảm sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài./.
Trung Quốc - Venezuela nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược  (22/04/2014)
Một số hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ  (22/04/2014)
Chủ tịch nước gặp thân mật các cựu chiến sĩ Trường Sơn  (22/04/2014)
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp xúc cử tri Nam Định  (22/04/2014)
Việt Nam chủ trì điều hành mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN  (22/04/2014)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay