Sáng 19-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương đã vào các tỉnh miền Trung, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

Đồng thời, Phó Thủ tướng  kiểm tra các mặt công tác vận hành điều tiết nước, bảo đảm an toàn các vùng hạ du.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới thị xã An Nhơn, địa bàn chịu lũ nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua, thăm hỏi và động viên những gia đình có người thiệt mạng, những gia đình có nhà bị sập, lũ cuốn trôi. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương quan tâm, sớm cử lực lượng giúp đỡ cũng như cấp hỗ trợ tiền chính sách để cùng người dân khắc phục mất mát, ổn định lại sản xuất và đời sống.

Đoàn công tác Chính phủ cũng đã tới các công trình đường, đê xung yếu, các công trình thủy lợi trên địa bàn để xem xét, kiểm tra công tác vận hành, chức năng phòng ngừa, điều tiết và chống chọi với mưa lũ.

Đồng chí Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đợt mưa lũ trên địa bàn từ ngày 15 đến 18-11 được đánh giá là đợt mưa lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 50 năm qua với diễn biến rất nhanh. Trong vòng 6-8 giờ đồng hồ đã xuất hiện lũ ở vùng hạ lưu, lượng mưa trung bình đạt 337mm; đỉnh lũ cao nhất trên sông Kôn tại Thạnh Hòa lúc 5h ngày 16-11 vượt báo động 31,68m.

Hầu hết nhà dân trong vùng lũ đều bị ngập sâu, có vùng ngập từ 6-8m, đợt lũ gây thiệt hại lớn về nhà cửa, kết cấu hạ tầng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Toàn tỉnh có 18 người chết, 1 người mất tích, gần 100.000 nhà bị ngập, nhiều nhà bị sập đổ, hư hỏng, 6 hồ chứa nước bị xói lở, 100km kênh mương bị sạt lở, tuyến QL1A, 19 và đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng hơn 208km, gây ách tắc kéo dài.

Báo cáo về công tác phòng chống bão lũ, công tác chuẩn bị và nhất là vấn đề điều tiết nước, phòng chống lũ ở hạ du, tỉnh Bình Định cho biết, trước đợt mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo cho 161 hồ chứa thủy lợi hạn chế tích nước để bảo đảm an toàn, một nửa số hồ chỉ giữ 50% dung tích thiết kế, thực hiện điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du.

Trên thực tế, vùng thị xã huyện An Nhơn, hạ du của hồ Định Bình là hồ chứa lớn nhất tỉnh 226triệu m3 trước khi có lũ, các cống xả sâu đều đóng kín, các cánh cửa tràn xả mặt treo theo quy trình vận hành đã được tỉnh phê duyệt. Đến 16h ngày 16-11, mực nước hồ ở cao trình 86,41m, lưu lượng nước đến hồ là 650m3/s, lưu lượng qua tràn là 365m3/s.

Con số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong các giờ mưa lớn, hồ Định Bình đều có lượng nước xả thấp hơn lượng mưa về hồ. Mặt khác, hầu hết các hồ không xả nước, mà đều là tràn nước qua hồ, việc điều hành tại hồ Định Bình và các hồ đã giúp điều tiết nước vùng hạ lưu.

Các cơ quan chuyên môn có chung nhận định với tỉnh về việc hầu hết các hồ chứa tại Bình Định vận hành đúng quy trình và đều có vai trò điều tiết nước, giảm lũ trong thời gian mưa lũ mấy ngày qua. Đối với 3 hồ thủy điện trên địa bàn là Vĩnh Sơn - Sông Hinh vào lúc cao điểm nhất xả qua tràn xuống hồ Định Bình ở mức rất thấp là 124m3/s. Hồ Trà Xom không xả nước; Vĩnh Sơn 5 là đập dâng, nên mùa mưa lũ không đóng đập tích nước.

Tại cuộc họp trên địa bàn thị xã An Nhơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chuyển lời hỏi thăm, chia sẻ của Chính phủ, của Thủ tướng về những đau thương, mất mát của những gia đình vùng mưa lũ. Do diện bị ngập lụt, thiệt hại rộng, nên Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm khôi phục sớm đời sống, sản xuất của nhân dân. Cán bộ bám sát địa bàn, khẩn trương hỗ trợ không để người dân nào bị đói, bị rét trong thời gian sau mưa lũ.

Đối với các nhà dân bị sập, đổ, sớm tổ chức việc tạm cư, bảo đảm an toàn cho dân, sau đó tiến hành hỗ trợ xây dựng lại nhà theo chính sách, giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất. Cơ quan Trung ương hỗ trợ các cơ số thuốc để cung cấp nước sạch, chú ý các loại thuốc vệ sinh môi trường, ứng vốn để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Hạ tầng điện, nước, giao thông, rà soát lại những bất cập của công trình để đánh giá, điều chỉnh các hệ thống phù hợp với tình hình thiên tai mới.

Đánh giá về công tác phòng chống, vai trò của các công trình thủy lợi trong mưa lũ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới những hiện tượng ngày càng cực đoan của thời tiết, hiện tượng lũ cao kỷ lục và diện ngập sâu, ngập rộng tại Bình Định đòi hỏi phải được phân tích, đánh giá kỹ để có giải pháp phù hợp.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu vận hành đúng quy trình, giữ nước xả thấp hơn nước về hồ, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cao hơn cho các hồ là phải tính toán cắt lũ đúng đỉnh, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Đồng thời, xem xét lại vấn đề thông tin, báo động lũ tại các địa bàn để đạt hiệu quả tới từng người dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong đợt công tác này sẽ xem xét, đánh giá kỹ việc vận hành các hồ chứa của khu vực miền Trung. Hệ thống hồ chứa khu vực này thường có dung tích không lớn, trong khi địa hình lại dốc nên ít khả năng chống chọi với mưa lớn cục bộ. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện hồ chứa nào vận hành không đúng quy trình, làm nặng nề thêm cho tình trạng lũ lụt hạ du thì phải nghiêm khắc xử lý, kỷ luật./.