TCCSĐT - Ngày 26-8, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Kê-vin Rắt đã có cuộc điện đàm về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Xy-ri.

1. Giới lãnh đạo phương Tây thảo luận khả năng can thiệp quân sự vào Xy-ri

 

Các chuyên gia vũ khí Liên hợp quốc đang điều tra tại địa điểm được cho là đã xảy ra vụ tấn công bằng khí độc tại thị trấn Gu-ta (Ghouta), ngoại ô Đa-mát. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 26-8, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Kê-vin Rắt đã có cuộc điện đàm về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Xy-ri. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về thông tin vũ khí hóa học được sử dụng trong các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối tại Xy-ri, đồng thời trao đổi về “các phản ứng có thể thực hiện” đối với việc này. Ngày 31-8, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) tuyên bố việc phân tích các mẫu phẩm do các thanh sát viên Liên hợp quốc ở Xy-ri mang về để điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học như cáo buộc có thể phải “mất tới ba tuần”. Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên ngày 31-8, các quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết Nhà Trắng tin tưởng Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu ủng hộ một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Xy-ri vì mối đe dọa về vũ khí hóa học có thể ảnh hưởng tới an ninh của I-xra-en và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực này. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ là Pháp và Anh lại có thái độ thoái lui, thể hiện qua phát biểu ngày 29-8 của phát ngôn viên Chính phủ, bà Na-gia Vai-ô Ben-ca-xem (Najat Vallaud-Belkacem), nhận định rằng cuộc tấn công của các nước phương Tây nhằm đáp trả việc Đa-mát sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường là rất “phức tạp”. Trước đó, tại phiên bỏ phiếu cùng ngày, Quốc hội Anh cũng đã bác bỏ việc can thiệp quân sự vào Xy-ri.

Phát biểu với các phóng viên ngày 31-8, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô lên án Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma coi thường trách nhiệm của Liên hợp quốc nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung, đồng thời cảnh báo hành động này của Mỹ sẽ chỉ dẫn tới chiến tranh và hủy hoại. Tại Trung Đông, trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia ngày 31-8, Thủ tướng Xy-ri Oa-en an Han-ki (Wael al-Halqi) khẳng định quân đội nước này đã sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công từ bên ngoài. Về phần mình, I-ran - đồng minh thân cận của Xy-ri - tái khẳng định sự ủng hộ tuyệt đối của Tê-hê-ran đối với chính quyền và người dân Xy-ri. Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Oa-en an Han-ki, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Quốc hội I-ran, ông A-la-ét-đin Bo-ru-giéc-đi (Alaeddin Boroujerdi) đang ở thăm Đa-mát, tuyên bố Tê-hê-ran sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ trong khả năng của mình nhằm tăng cường sức mạnh và giúp Xy-ri đối đầu với sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

2. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ra Tuyên bố chung

Chiều 29-8-2013, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ hai đã kết thúc với lễ ký Tuyên bố chung Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan tại Bru-nây. Trong Tuyên bố chung, các bộ trưởng đã tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của ADMM+ và sự cần thiết phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Các bộ trưởng cho rằng mối quan hệ giữa các nước cần phải được định hướng bởi những nguyên tắc cơ bản đã được đề cập trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, đặc biệt trong việc từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và thể hiện kiềm chế. Các bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết củng cố hợp tác quốc phòng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, các bộ trưởng nhất trí thúc đẩy xây dựng năng lực thông qua việc can dự và tương tác lớn hơn, củng cố khả năng phối hợp thông qua huấn luyện và diễn tập chung, cũng như thiết lập các cơ chế phản ứng hiệu quả. Các bộ trưởng cũng nhất trí thiết lập các biện pháp thực tế để giảm bớt khả năng xảy ra hiểu nhầm và tránh những sự cố không đáng có trên biển. Các bộ trưởng cũng đánh giá và bày tỏ hài lòng với những thành tựu quan trọng của 5 nhóm công tác chuyên gia (EWG) trong việc thúc đẩy sự hợp tác thực tế giữa lực lượng quốc phòng các nước ADMM+. Điều này được cụ thể hóa thông qua cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y ADMM+ diễn ra tại Bru-nây hồi tháng 6 vừa qua. Các bộ trưởng cũng nhất trí thành lập nhóm chuyên gia công tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo nạn nhân bom mìn và tiến trình chuyển giao của các đồng chủ tịch EWG.

3. Hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 02-9 tại một số nước trên thế giới

Nhân kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

* Ngày 29-8-2013, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức Lễ kỷ niệm lần thứ 68 Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945 - 02-9-2013). Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng nêu rõ đây là dịp để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng ôn lại những trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc; đồng thời khẳng định người Việt Nam cũng luôn tự hào nhìn nhận lại những thành tựu phát triển của hơn 30 năm đổi mới, tạo cơ sở để Việt Nam phát triển thịnh vượng và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và sự tiến bộ xã hội trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đã nâng mối quan hệ Việt Nam và Thái Lan lên một tầm cao mới, có chất lượng, biến quan hệ hai nước trở thành một trong những trụ cột quan trọng, hỗ trợ tích cực cho việc hình thành một Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

* Tối 29-8, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm lần thứ 68 Ngày Quốc khánh. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc Tô Quốc Tuấn cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10-2011 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 6-2013. Tổng Lãnh sự cho rằng qua các chuyến thăm này, hai bên đã đề ra các biện pháp cơ bản lâu dài để phát triển quan hệ hai nước, trong đó có việc tăng cường giao lưu trao đổi cấp cao, phát huy vai trò chỉ đạo vĩ mô của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật. Thay mặt Tỉnh ủy và chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Đông Từ Thiếu Hoa cho rằng trong bối cảnh quan hệ hai nước giữ gìn được đà phát triển tốt lành những năm gần đây, giao lưu và hợp tác giữa Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam ngày càng bình thường hóa và quy phạm hóa. Hai bên cùng nỗ lực thiết lập cơ chế Hội nghị Điều phối hợp tác thường niên giữa Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam, đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới.

* Tối 28-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xi-a đã tổ chức chiêu đãi trọng thể nhân kỷ niệm lần thứ 68 Quốc khánh Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Ma-lai-xi-a Nguyễn Hồng Thao đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước không ngừng tăng cường và phát triển. Thay mặt Chính phủ Ma-lai-xi-a, Thứ trưởng Ngoại giao Ham-da Dai-nút-đin (Hamzah Zainuddin) chúc mừng Việt Nam nhân ngày Quốc khánh. Ông bày tỏ vui mừng khi mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a đang ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

* Tối 27-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba đã tổ chức chiêu đãi nhân kỷ niệm Quốc khánh. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Cu-ba Vũ Chí Công khẳng định mối quan hệ đoàn kết truyền thống, tình hữu nghị anh em và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cu-ba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn đang phát triển hết sức tốt đẹp với điểm nhấn đặc biệt là sự thành công của các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cu-ba và của Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) tới Việt Nam trong năm 2012.

* Ngày 27-8, tại Viêng Chăn, Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Lào - Việt Nam do đồng chí Phan-khăm Vi-phạ-văn (Phankham Viphavan), Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Giáo dục và Thể thao Lào, Chủ tịch Hội hữu nghị Lào -Việt Nam đã đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Lào chúc mừng Quốc khánh lần thứ 68 của Việt Nam. Đồng chí Phan-khăm Vi-phạ-văn khẳng định, quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn (Kaysone Phomvihane) cùng các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của hai nước dày công vun đắp là tài sản vô giá của hai dân tộc cần phải được giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau. Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh với sự quyết tâm chung của hai Đảng và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Lào sẽ ngày càng phát triển theo chiều sâu, hiệu quả, thiết thực vì lợi ích của nhân dân hai nước.

4. Đông Nam Á - EU tăng cường hợp tác về di cư và phát triển

Trong hai ngày 29 và 30-8 tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) đã diễn ra Hội nghị Hợp tác về di cư quốc tế và phát triển ở Đông Nam Á. Hội nghị tập trung thảo luận các cơ chế hiện có trong khu vực, hợp tác về di cư và phát triển ở Đông Nam Á và EU; tình trạng hiện tại, các thách thức và những nỗ lực giải quyết việc di chuyển của người dân, tuyển dụng lao động; tác động của lao động di cư và tính di động đối với phát triển, thực tiễn và kinh nghiệm về di cư và phát triển; các bài học và kinh nghiệm về khuôn khổ hợp tác và phối hợp trong di cư và phát triển của EU. Hội nghị cũng nêu bật những nỗ lực khác nhau có thể và cần được thực hiện để tăng cường chiến lược và sự phối hợp giữa các bên liên quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nhập cư. Các đại biểu nhất trí khẳng định di cư và phát triển là hai vấn đề có sự kết nối gắn bó với nhau, khi di cư tạo điều kiện cho sự luân chuyển nguồn nhân lực và kỹ năng, qua đó có thể đóng góp tích cực cho phát triển, bao gồm kích thích tăng trưởng, thúc đẩy đa dạng văn hóa, tăng cường trao quyền cho xã hội và thúc đẩy tiến bộ công nghệ tại cả nước xuất xứ lẫn nước đến. Hội nghị hợp tác về di cư quốc tế và phát triển ở Đông Nam Á tại Gia-các-ta là một trong ba hội nghị nhằm thảo luận và chia sẻ thông tin trên các khía cạnh khác nhau về di cư và phát triển ở các nước Đông Nam Á và EU. Hội nghị đầu tiên với chủ đề “Tình hình di cư và phát triển ở các nước Đông Nam Á” đã diễn ra tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) vào tháng 12-2012 và hội nghị thứ ba sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2013.

5. Hai ứng cử viên Thủ tướng Đức tranh luận trực tiếp trên truyền hình

Tối 01-9-2013, hai ứng cử viên Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 22-9 tới, gồm ông Pê-e Xtai-bruých (Peer Steinbrück) của Đảng Dân chủ - Xã hội (SPD) và bà An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) của Liên minh Dân chủ - Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), đã có buổi tranh luận trực tiếp duy nhất kéo dài 90 phút trên truyền hình. Bốn người dẫn chương trình thuộc các đài truyền hình ARD, ZDF, RTL và Pro Sieben đã trực tiếp đặt các câu hỏi cho hai ứng cử viên này, liên quan đến hàng loạt lĩnh vực gồm kinh tế, an sinh xã hội Đức và tình hình Xy-ri. Chính sách kinh tế, liên quan trực tiếp tới cử tri là chủ đề chính được đề cập ngay ở phần đầu của cuộc tranh luận. Ông P. Xtai-bruých tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội với việc áp dụng mức lương tối thiểu 8,5 ơ-rô/giờ. Trong khi đó, bà A. Méc-ken vẫn bảo lưu chính sách áp dụng mức lương theo từng ngành nghề và mức lương này do giới chủ cùng các nghiệp đoàn tự thương lượng. Bà A. Méc-ken đã phê phán kế hoạch thu thuế của SPD và Đảng Xanh, cho rằng việc tăng thuế đánh vào người có thu nhập cao sẽ gây bất lợi cho khả năng kiến tạo việc làm ở Đức. Hai ứng cử viên cũng bất đồng quan điểm về khoản tiền hỗ trợ cha mẹ chăm sóc con cái và tiền điện. Liên quan cuộc khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bà A. Méc-ken cho rằng Hy Lạp có thể cần thêm gói cứu trợ, song điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tiến trình cải cách ở A-ten. Về phần mình, ông P. Xtai-bruých ủng hộ thực hiện một chương trình tái thiết ở châu Âu, thay vì chỉ áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay. Trong vấn đề Xy-ri, cả hai ứng cử viên đều lên án việc sử dụng vũ khí hóa học ở nước này, song cùng bác bỏ khả năng tham gia của Đức vào một cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông. Về khả năng thành lập chính phủ cầm quyền sau cuộc bầu cử tới, bà A. Méc-ken khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Đảng Dân chủ tự do (FDP), song cả hai ứng cử viên đều bác bỏ khả năng bắt tay nhau để thành lập một đại liên minh cầm quyền. Các nhà quan sát cho rằng cuộc tranh luận nêu trên không có bất ngờ khi cả hai ứng cử viên đều khá thận trọng, không quá đi sâu vào các vấn đề được đề cập. Ứng cử viên SPD P. Xtai-bruých hy vọng với cuộc tranh luận này, ông có thể tranh thủ được sự ủng hộ của các cử tri còn do dự khi các cuộc thăm dò tới nay cho thấy ông bị bà A. Méc-ken bỏ khá xa về tỷ lệ ủng hộ. Kết quả thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận trên xác nhận ứng cử viên P. Xtai-bruých đã giành được sự ủng hộ của 49% số khán giả kênh ARD trong khi bà A. Méc-ken nhận được 44%. Tuy nhiên, hiện có 48% số cử tri Đức tỏ ý sẵn sàng bỏ phiếu cho bà A. Méc-ken làm thủ tướng mới và có 45% số ý kiến ủng hộ ông P. Xtai-bruých./.