Diễn biến mới đáng lo ngại trong cuộc chiến ở Xy-ri

Đại tá Lê Thế Mẫu
20:49, ngày 02-07-2013
TCCSĐT - Trong những ngày gần đây liên tiếp diễn ra nhiều sự kiện “nóng” liên quan tới cuộc chiến ở Xy-ri, đưa cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước trong và ngoài khu vực ở quốc gia này, trước hết là giữa Mỹ và Nga, có khả năng dẫn tới nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông.
Các lực lượng đối lập ở Xy-ri lâm vào thế bị động

Diễn biến đáng chú ý và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực Trung Đông trong mấy tuần qua là các lực lượng trung thành với Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát đã thay đổi chiến thuật quân sự. Theo đó, họ tập trung nỗ lực giành lại các khu vực có ý nghĩa then chốt đối với các lực lượng đối lập ở Xy-ri, trong đó có thành phố An Quy-xây (Al-Qusayr). Đây là thành phố có ý nghĩa quân sự then chốt vì thông qua địa bàn này, các lực lượng đối lập ở Xy-ri có thể tiếp nhận nhiều vũ khí trang bị và nhân lực từ bên ngoài được vận chuyển từ Địa Trung Hải vào sâu trong lãnh thổ quốc gia.

Sau thắng lợi ở An Quy-xây, quân đội Xy-ri tập trung nỗ lực chủ yếu để bao vây và cô lập các lực lượng đối lập ở thành phố A-lép-pô (Aleppo). Đây là chiến dịch quân sự quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với cả hai bên xung đột. Theo nhận xét của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Mi-sen A-i-ô Ma-ri (Michele Alliot Marie), chiến dịch quân sự ở A-lép-pô sẽ quyết định cục diện cuộc chiến ở Xy-ri.

Trong tình hình hiện nay, các lực lượng đối lập ở Xy-ri đang lâm vào thế bị động, lúng túng đối phó và kêu gọi các nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự do phải chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài.

Đó là do,
Quân đội Xy-ri nhận được sự chi viện của lực lượng “Héc-bô-la” (“Hezbolla”) từ Li-băng. Đây là lực lượng thiện chiến, có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động chống khủng bố, đã từng làm thất bại âm mưu của I-xra-en trong cuộc chiến ở Li-băng năm 2006. Vừa qua, lực lượng này đã sát cánh cùng Quân đội Xy-ri đánh bại các tổ chức khủng bố và tái chiếm thành phố An Quy-xây.

Hai là, Quân đội Xy-ri cũng nhận được sự chi viện của một lực lượng tinh nhuệ của I-ran, khoảng 4 nghìn người, bởi Chính phủ I-ran trước và sau cuộc bầu cử vừa qua đều tuyên bố ủng hộ các lực lượng trung thành với Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát.

Ba là, Chính phủ I-rắc tuyên bố đứng về phía Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát, thời gian qua đã viện trợ hậu cần và vũ khí trang bị cho Quân đội Xy-ri. I-rắc không bị ràng buộc bởi các lệnh cấm vận và họ có quyền viện trợ cho Chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát.

Bốn là, tình hình bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rối loạn hậu phương quan trọng của các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Trước đây, lãnh thổ của nước này là nơi trung chuyển vũ khí, nhân lực và lập trại huấn luyện cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Vừa qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Giê-xép Tay-íp Ê-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) đã chính thức tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri trên lãnh thổ nước ông. Đây là một đòn giáng mạnh vào tiềm lực quân sự cũng như tinh thần của các lực lượng đối lập ở Xy-ri.

Tình hình hiện nay đặt các lực lượng đối lập ở Xy-ri trước nguy cơ không thực hiện được mục đích lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát mà những thế lực đứng đằng sau họ đạo diễn, đặt ra.

 
 Một góc chiến tuyến ở A-lép-pô

Hành động cứu nguy từ bên ngoài cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri


Để cứu nguy cho các lực lượng đối lập, Oa-sinh-tơn vội vã đưa ra tuyên bố: “Mỹ đã có trong tay bằng chứng về việc Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học”. Do đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố Xy-ri đã vượt qua “ranh giới đỏ” và ông quyết định tăng cường viện trợ quân sự trực tiếp và khẩn cấp cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, bao gồm 2 nội dung: (1) đưa một khối lượng lớn vũ khí trang bị hiện đại cho lực lượng đối lập và (2) thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri từ lãnh thổ nước láng giềng Gioóc-đa-ni. Từ đây, Mỹ sẽ sử dụng máy bay và tên lửa “Patriot” để bắn hạ các máy bay của Xy-ri nhằm vô hiệu hóa sức mạnh không quân của Quân đội Xy-ri. Oa-sinh-tơn lập luận rằng, việc thiết lập vùng cấm bay không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vì các máy bay Mỹ sẽ không xâm phạm không phận Xy-ri.

Tại Hội nghị G8 vừa kết thúc ở Bắc Ai-len, phía Mỹ đã thông báo những “bằng chứng” về việc Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học, buộc lãnh đạo các nước G8 ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở nước này. Tuy nhiên, Mỹ đã không thuyết phục được tất cả các thành viên G8 và vì thế Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị không đề cập đến việc tăng cường viện trợ trang bị vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri và chủ trương giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia này bằng giải pháp chính trị.

Sau thất bại ngoại giao ở Hội nghị G8, Mỹ thúc giục các nước trong nhóm “Những người bạn của Xy-ri” tổ chức cuộc họp khẩn cấp ở Ca-ta vào ngày 22-6-2013 với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao 11 nước, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Gioóc-đa-ni, A-rập Xê-út, Ca-ta, Các Tiểu Vương quốc A-rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập tại Thủ đô Đô-ha. Tại cuộc họp này các bên đã ra tuyên bố gồm các nội dung: (1) viện trợ vật chất và trang thiết bị cần thiết khẩn cấp cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri theo thể thức mỗi nước có thể viện trợ theo “cách của mình”; tất cả các khoản viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri đều qua đầu mối duy nhất là Hội đồng Quân sự tối cao của Quân đội Xy-ri tự do nhằm giảm thiểu nguy cơ vũ khí viện trợ rơi vào tay các lực lượng khủng bố, trong đó có tổ chức mang tên “Mặt trận An Nut-ra” có quan hệ với “An Kê-đa” (“Al-Qaeda”); cáo buộc các lực lượng của “Héc-bô-la” (“Hezbollah”), I-ran và I-rắc đang hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát và yêu cầu các lực lượng này rút khỏi Xy-ri. Kênh truyền hình liên A-rập “Al Arabiya” cũng đưa tin các lực lượng đối lập ở Xy-ri đã nhận được một lô hàng lớn vũ khí và đạn dược.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) cho biết, Anh chưa quyết định cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Tuy nhiên, báo “Al-Quds Al-Arabi” có trụ sở tại Luân Đôn đã đưa tin, Chính phủ Anh khuyến khích các thành viên của quân đội và lực lượng an ninh Xy-ri tiến hành một cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát sau thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh G8.

Xy-ri trước nguy cơ một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài


Mặc dù Mỹ và một số nước đồng minh thường tuyên bố, họ chủ trương thực hiện một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, nhưng trên thực tế, họ đã chuẩn bị kịch bản tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia này từ rất lâu. Theo tiết lộ của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Rô-lân Đu-ma (Roland Duma) trong bài trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp LSP, ông có bằng chứng cho thấy, Mỹ, Anh và cùng với I-xra-en đã từng có kế hoạch tiến hành cuộc chiến tranh lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát 2 năm trước khi bùng phát phong trào mang tên “Mùa xuân A-rập” ở quốc gia Trung Đông này.

Còn theo nhà báo Mỹ A-lếch Lan-ti-ơ (Alex Lantier) trong một bài viết đăng tên trang mạng “Toàn cầu hóa” (The Globalizátion), cho biết, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ gần đây, các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ thông báo, Lầu Năm góc đã triển khai các lực lượng tinh nhuệ thuộc Sư đoàn Thiết giáp số 1 tới Sở chỉ huy gần biên giới giữa Xy-ri và Gioóc-đa-ni, chuẩn bị thực hiện kế hoạch nhanh chóng triển khai 20.000 quân Mỹ hoặc nhiều hơn sau khi có lệnh của Nhà Trắng để can thiệp vào Xy-ri. Cũng tại phiên điều trần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Ha-gen (Chuck Hagel) cho biết, việc triển khai lực lượng nói trên nằm trong kế hoạch quân sự lớn có thể do Mỹ và các đồng minh châu Âu và Trung Đông thực hiện. Như vậy, lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Ha-gen xác nhận công khai rằng, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đang chuẩn bị một cuộc tấn công trực tiếp vào Xy-ri.

Theo kịch bản được giới phân tích thạo tin tiết lộ, từ năm 2012, I-xra-en đã sử dụng không phận của Bun-ga-ri để tiến hành cuộc tập trận mô phỏng kịch bản tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhằm vào Xy-ri vì Bun-ga-ri từng là đồng minh của Liên Xô trước đây và được trang bị nhiều loại vũ khí của Nga tương tự các loại vũ khí Nga chuyển giao cho Xy-ri theo hợp đồng ký kết giữa hai nước. Hiện nay, I-xra-en chỉ chờ Mỹ “bật đèn xanh” là sẽ mở cuộc không kích ồ ạt để tàn phá tiềm lực quân sự của Xy-ri, tạo điều kiện cho các lực lượng đối lập lấy lại ưu thế chiến lược. Kịch bản này đã được I-xra-en dự tính trước khi Nga chuyển giao tên lửa S-300 cho Xy-ri. Cuộc tiến công của I-xra-en vào Xy-ri sẽ kết hợp với các mũi tiến công của các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ triển khai sẵn sàng trên lãnh thổ một số nước Trung Đông.

 
 Lính thủy đánh bộ Mỹ vừa được triển khai ở Gioóc-đa-ni, sát biên giới Xy-ri.

Phản ứng của Nga và một số nước về hành động của Mỹ

Nhận xét về hành động của Mỹ nhằm cứu nguy cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, giới phân tích nhận định, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma-người từng được tặng Giải thưởng Nô-ben Hòa bình năm 2009, nay đang đi theo “vết xe đổ” của Tổng thống tiền nhiệm G.W.Bu-sơ.

Dư luận vẫn nhớ như in năm 2003, Chính quyền của cựu Tổng thống G.W.Bu-sơ đã từng tạo chứng cứ giả về việc Chính phủ của Tổng thống Xát-đam Hút-xen sở hữu vũ khí hóa học để phát động cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc. Hiện nay, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng viện cớ Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học để “thiết lập vùng cấm bay” đối với quốc gia này, mà trên thực tế là thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Xy-ri.

Nhận định về quyết định của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma viện cớ “Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học” để quyết định viện trợ quân sự trực tiếp cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã đặt câu hỏi: “Nga không hiểu vì sao một số nước lại quyết định viện trợ vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, trong khi các lực lượng này có cả những kẻ khủng bố đã từng có các hành động mổ bụng và ăn gan người dân nước này?”.

Tại Diễn đàn kinh tế ở Xanh Pê-téc-bua, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định rằng, việc một số nước tăng cường viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri để lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực mà rất có thể các lực lượng khủng bố hiện đang chiếm ưu thế trong các lực lượng đối lập ở Xy-ri sẽ lấp khoảng trống đó. Đây sẽ là một tình thế nguy hiểm và là nguy cơ đối với an ninh trong và ngoài khu vực Trung Đông. Do đó, Nga kiên quyết phản đối việc thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cho rằng, việc thực hiện “vùng cấm bay” có sử dụng máy bay F-16 và tên lửa “Patriot” của Mỹ ở Gioóc-đa-ni là trái với luật pháp quốc tế.

Chỉ vài giờ sau khi Hội nghị của Nhóm "Những người bạn của Xy-ri" kết thúc ở Đô-ha, Ngoại trưởng I-ran A-li Ác-ba Xa-lê-hi (Ali-Akbar Salehi) tuyên bố, I-ran sẽ không cho phép bất kỳ nước nào áp đặt các quyết định đối với Xy-ri. Ông A-li Ác-ba Xa-lê-hi nhấn mạnh lập trường nói trên của I-ran là "trước sau như một". Tê-hê-ran phản đối việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Xy-ri và cho rằng động thái này sẽ "kéo dài cuộc khủng hoảng Xy-ri, gây đổ máu và tàn phá". Theo ông A-li Ác-ba Xa-lê-hi, các nước trong và ngoài khu vực cần phải giúp người dân Xy-ri tự tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Hãng Thông tấn nhà nước “Petra” của Gioóc-đa-ni dẫn lời Thủ tướng nước này, ông Áp-đun-la En-xua (Abdullah Ensour) cho biết, Gioóc-đa-ni phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Xy-ri và sẽ không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện các hành động chống Chính phủ Đa-mát. Thủ tướng Áp-đun-la En-xua cho biết, Gioóc-đa-ni kêu gọi tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri nhằm duy trì thống nhất và sự ổn định ở quốc gia này. Gioóc-đa-ni cũng đang nỗ lực hết sức để kiểm soát biên giới và ngăn chặn các hoạt động xâm nhập và chuyển lậu vũ khí vào Xy-ri.

Còn ở Ca-na-đa và Mỹ, kết quả một cuộc điều tra dư luận xã hội công bố ngày 22-6-2013 cho thấy, có khoảng 60% số người được hỏi không ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Xy-ri./.