TCCSĐT - Nội dung công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động đã tập trung vào việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực thi luật pháp, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em; vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ, như: giáo dục truyền thống và phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam; học tập nâng cao trình độ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác.

Những định hướng quan trọng

Trong những năm qua, cùng với nhiều chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng ta đã tiếp tục có nhiều nghị quyết và chỉ thị quan trọng về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-2-2005, của Ban Bí thư khóa IX về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” ; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến nữ công nhân, viên chức, lao động. 

Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của lao động nữ. Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung, trong đó tiếp tục có 1 chương (Chương X) dành cho lao động nữ. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030; Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Về mặt thể chế, đã có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, như Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ, Vụ Bình đẳng giới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp. Đây là những thuận lợi rất cơ bản cho công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động của tổ chức công đoàn cũng như giúp cho nữ công nhân, viên chức, lao động có cơ hội khẳng định vai trò của mình. 

Quán triệt các nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn xác định công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động là một nhiệm vụ quan trọng và được quán triệt trong mọi hoạt động công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29-01-2011 “Về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; ban hành Chương trình hành động số 1273/CTr-TLĐ ngày 05-8-2011 về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, ban hành Chương trình hành động số 190/CTr-TLĐ ngày 30-01-2008 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ban hành Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18-8-2010 về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn công tác nữ công. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách, pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, giúp đỡ nữ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn là những nét nổi bật của phong trào.

Những kết quả đạt được trong vận động nữ công nhân, viên chức, lao động

Trong lĩnh vực chính trị, ngày càng có nhiều cán bộ nữ giữ trọng trách trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Nhờ đó, nữ cán bộ, công chức có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng giới của mình thông qua việc tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện trong các cơ quan dân cử, tham gia các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. 

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, nữ công nhân, viên chức, lao động đã tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc và là lực lượng lao động chính, trực tiếp trong các ngành, như: dệt may, da giầy với tỷ lệ 80%, giáo dục 73,6%, y tế 63%, ngân hàng 60%, thủy sản 55%, bưu điện 50%... Ngày càng nhiều nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu được nhận Giải thưởng VIFOTEC, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giải thưởng Kovalepskaia, Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam…

Chị em cũng đã vượt lên nhiều khó khăn và có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng gia đình hạnh phúc; giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội và gia đình; đảm trách cả hai vai trò “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; tiếp tục là lực lượng nòng cốt để xây dựng gia đình theo chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Công tác tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; chú trọng lồng ghép giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, lao động trong các lĩnh vực: lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động… Đặc biệt, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới trong đó có việc cùng với các cơ quan chức năng đề xuất thành công tăng thời gian nghỉ thai sản cho nữ công nhân, viên chức, lao động từ 4 tháng lên 6 tháng. 

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến lao động nữ với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú và hướng vào các ngành nghề, doanh nghiệp, địa phương, đơn vị có đông lao động nữ, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia. Qua hoạt động trên, nữ công nhân, viên chức, lao động đã từng bước nâng cao kiến thức pháp luật, quyền, nghĩa vụ của mình, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình.

Công đoàn các cấp thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn đã tham gia kiểm tra 5.112 cuộc, kiến nghị giải quyết 1.202 trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chính sách với lao động nữ. Thông qua kiểm tra, công đoàn đã tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất Nhà nước sửa đổi những nội dung như: Ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách thai sản, nghỉ dưỡng sức với lao động nữ, ưu tiên bảo đảm việc làm cho lao động nữ, bảo đảm điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, chú trọng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ; tạo môi trường làm việc thân thiện với lao động nữ.

Công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, lao động

Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở đã quan tâm tập trung tư vấn, hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và tăng tỷ lệ thỏa ước lao động tập thể có các thỏa thuận về chính sách lao động nữ có lợi hơn so với quy định của pháp luật. 

Các trung tâm và văn phòng tư vấn pháp luật trong hệ thống công đoàn đã trực tiếp tư vấn cho hàng trăm nghìn lượt nữ công nhân, lao động và công đoàn cơ sở; tư vấn về chính sách lao động nữ và công đoàn, về chế độ thai sản, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở; tư vấn thông qua mục trả lời thư bạn đọc về các vấn đề liên quan đến chính sách lao động nữ qua hệ thống phương tiện thông tin của công đoàn.

Tỷ lệ các doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể (so với doanh nghiệp có công đoàn cơ sở) là 68%; trong đó ở doanh nghiệp nhà nước là 93%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 64%, các doanh nghiệp khác 69%. Về chất lượng, đã có nhiều bản thỏa ước lao động tập thể có lợi hơn cho lao động nữ, bên cạnh đó vẫn còn không ít bản thỏa ước lao động tập thể có tính hình thức, đối phó, chất lượng thương lượng chưa cao, sao chép lại các điều luật…

Hằng năm, ban chấp hành công đoàn cơ sở các đơn vị đã tích cực phối hợp với các ban chuyên môn và đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị người lao động. Các đại hội, hội nghị đã phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của người lao động tham góp xây dựng kế hoạch công tác, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và biện pháp tổ chức thực hiện, biện pháp bảo đảm điều kiện làm việc tốt hơn, ổn định việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động; phát động phong trào thi đua; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, các quy chế về tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng… Nhiều đơn vị sử dụng đông lao động nữ đã có những quy chế đặc thù riêng về giới, như tặng quà nhân ngày 8-3; hỗ trợ chí phí gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo.

Công đoàn đã đề xuất nhiều biện pháp để từng bước giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hóa, vấn đề hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, đặc biệt là tại các khu công nghiệp tập trung và nơi có đông nữ công nhân, viên chức, lao động. Nhiều địa phương, ngành đã có những hình thức đa dạng hóa công tác chăm lo nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp tập trung, vận động doanh nghiệp hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho công nhân, lao động có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Ở một số địa phương, ngành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Dệt - may..., có nơi đã tổ chức thành công mô hình công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp xây dựng và quản lý nhà trẻ, mẫu giáo cho con em công nhân, lao động. Điển hình như nhà trẻ Công ty Pou Yuen (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Viglacera (Quảng Ninh), Công ty Shints (Hải Dương)… Một số liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã tham gia với chính quyền đồng cấp triển khai đề án nhà ở cho công nhân, lao động có thu nhập thấp tại địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… 

Nhiều địa phương, ngành đã quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho lao động nữ trong các khu công nghiệp tập trung. Nhiều liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương đã triển khai mô hình cụm văn hóa thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, góp phần tích cực thúc đẩy phong trào “liên kết, kết nghĩa” giữa các địa phương, các ngành gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó, nữ công nhân, viên chức, lao động là lực lượng nòng cốt. Hoạt động của gần 4.500 câu lạc bộ nữ công tiếp tục được duy trì với nhiều nội dung sinh hoạt hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng tham gia. 

Công đoàn cũng đã quan tâm, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của ban nữ công công đoàn các cấp, tạo điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động về giới trong nữ công nhân, viên chức, lao động. Trình độ của cán bộ nữ công không ngừng được nâng cao và nhiều chị đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tham gia vào ban chấp hành, ban thường vụ liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác trong công nhân, viên chức, lao động. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa các nội dung, tiêu chuẩn thi đua cho phù hợp với đơn vị, cơ sở; tôn vinh, biểu dương kịp thời các tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động. Trong 5 năm qua, đã có 63 tập thể nhận cờ, 463 tập thể và 661 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Hoạt động xã hội chăm lo cho nữ công nhân, viên chức, lao động

Công tác xã hội trong nữ công nhân, viên chức, lao động được đẩy mạnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ nữ công nhân, viên chức, lao động nghèo được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình từ Quỹ Trợ vốn, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ Vì nữ công nhân, lao động nghèo, tăng cường các hoạt động xã hội của các cấp công đoàn giúp đỡ các trường hợp nữ công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn. 

Từ năm 2008 - 2012, tổng số vốn cho vay để giải quyết việc làm qua kênh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 63,8 tỷ đồng, được giao cho 62 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố quản lý và triển khai công tác cho người lao động vay, thu hút thêm gần 5.000 lao động nữ tham gia. Trong đó tạo việc làm mới cho gần 3.400 lao động nữ, giải quyết trên 5.700 hộ vay, góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống cho lao động nữ.

Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”, sau 5 năm thực hiện, các cấp công đoàn đã huy động được tổng số 437,553 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới hoặc sửa nhà cho khoảng 14.687 gia đình công nhân, lao động, trong đó lao động nữ được hưởng lợi từ chương trình chiếm tỷ lệ lớn.

Công tác chăm sóc, bảo vệ giáo dục trẻ em cũng được quan tâm với nhiều hoạt động đa dạng như: khen thưởng, tặng quà cho các em vượt khó, học giỏi; gặp mặt, biểu dương gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu; trại hè cho con công nhân, viên chức, lao động,… Điển hình như mô hình Trại hè Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh), trải qua 35 năm hình thành và phát triển đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho con công nhân, viên chức, lao động thành phố.

Quỹ Bảo trợ trẻ em trong 5 năm qua đã vận động các đơn vị tài trợ trên 15 tỷ đồng cho nhiều hoạt động xã hội nổi bật: Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học giỏi; các cháu mồ côi, tàn tật, nhiễm chất độc đi-ô-xin, các cháu bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn thương tâm. Thông qua quỹ, các nhà tài trợ đã trao tặng hàng chục ngàn chiếc cặp phao cứu sinh cho trẻ em vùng sông nước; xây dựng 3 phòng học nhà trẻ, 1 điểm trường học, 1 cầu cho vùng sâu, vùng xa… được xã hội đánh giá cao. 

Bên cạnh những việc làm được, công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động còn bộc lộ một số mặt hạn chế: Hoạt động nữ công ở một số doanh nghiệp ngoài nhà nước hiệu quả hạn chế. Đời sống nữ công nhân, lao động, nữ giáo viên, y tế ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tố mới là lao động trực tiếp còn chưa nhiều. Đội ngũ cán bộ nữ làm công tác nữ công mặc dù có sự phát triển, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Trước yêu cầu của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của các cấp công đoàn, đặc biệt là hoạt động nữ công công đoàn ngang tầm đòi hỏi của tình hình mới.

Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công tác nữ công tiếp tục có bước phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn của điều kiện kinh tế - xã hội và đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất cũng như thành quả của công nhân, viên chức, lao động cả nước./.