Mộng lớn khó thành

Quách Quỳnh
20:44, ngày 02-07-2013
TCCSĐT - Trong chuyến thăm nước Đức vừa qua, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra đề nghị mới về việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Đề nghị này về mức độ không đi xa được như đề nghị được ông B. Ô-ba-ma đưa ra ở Pra-ha (Séc) cách đây 4 năm, nhưng có cùng ý tưởng và theo cùng định hướng. Chỉ có điều là trong bối cảnh tình hình hiện tại, đề nghị mới của ông B. Ô-ba-ma với yêu cầu thấp hơn, nhưng lại khó khả thi hơn, nếu như không nói là không khả thi, ít ra lở thời điểm hiện tại và cả trong thời gian tới.
Ở Pra-ha cách đây 4 năm, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã nêu ra ý tưởng về thế giới không còn có vũ khí hạt nhân, có nghĩa là giải trừ triệt để vũ khí hạt nhân. Mới rồi ở Béc-lin (Đức), vị tổng thống da màu này lại đề nghị cắt giảm một phần ba số vũ khí hạt nhân hiện tại, có nghĩa là chỉ giải trừ một phần vũ khí hạt nhân. Khách quan mà nói thì không thể không công nhận là ông B. Ô-ba-ma đã có thiện chí và thành tâm ở mức độ nhất định với ý định đẩy mạnh việc giải trừ loại vũ khí này. Chiến tranh lạnh đã đi qua. Vũ khí hạt nhân mất dần tác dụng răn đe trong khi nguy cơ lọt vào tay những lực lượng khủng bố và cực đoan lại càng thêm thực tế hơn. Mỹ có lợi ích thiết thực trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Việc bảo dưỡng, duy trì và bảo đảm an ninh cho kho vũ khí hạt nhân rất tốn kém đối với các nước có loại vũ khí này. Ước tính hằng năm Mỹ và Nga phải chi ra ít nhất 8 tỷ USD cho việc bảo trì, bảo dưỡng trên. Trong khi đó, chiến tranh lại được tiến hành theo phương cách mới và bằng những loại vũ khí mới. Việc giải trừ vũ khí hạt nhân còn là một trong những lĩnh vực quan hệ rất nhạy cảm về mọi phương diện giữa Mỹ và Nga. Hợp tác hay bất hợp tác, tin cậy hay nghi ngờ lẫn nhau đều thể hiện ở đó.

Tuy nhiên, mộng lớn của Tổng thống B. Ô-ba-ma rất khó có thể trở thành sự thật bởi giữa Nga và Mỹ hiện vẫn còn có quan niệm rất khác nhau về vai trò và tác dụng của vũ khí hạt nhân trong thế giới ngày nay. Bên cạnh đó, các nước khác hiện có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pa-ki-xtan hay I-xra-en đều hoàn toàn không sẵn sàng tham gia vào việc giải trừ vũ khí hạt nhân nói trên. Một số trong diện ấy tuy không tăng, nhưng cũng không giảm tiềm lực hạt nhân và số còn lại thậm chí còn chủ định gia tăng số vũ khí hạt nhân của họ. Chừng nào những đối tác này không triệt bỏ hết kho vũ khí của mình thì chừng đó sẽ chưa có chuyện Mỹ và Nga tiêu huỷ hết số vũ khí hạt nhân hiện có.

Nhưng ngay cả việc giảm một phần ba số vũ khí hạt nhân như Tổng thống B. Ô-ba-ma đề nghị ở Béc-lin cũng rất khó khả thi. Pháp và I-xra-en ngay sau đó đã thẳng thừng bác bỏ trong khi phía Nga tỏ ra chẳng mặn mà gì với đề nghị này. Cho dù Mỹ và Nga có giảm đi một phần ba tiềm lực vũ khí hạt nhân hiện có thì họ vẫn còn sở hữu gấp nhiều lần số vũ khí hạt nhân của các đối tác khác. Anh và Pháp không sẵn sàng tham gia giải trừ vũ khí hạt nhân vì tư cách "cường quốc hạt nhân" hiện là tác nhân duy nhất đem lại cho họ "vai trò và ảnh hưởng thế giới". I-xra-en, Ấn Độ và Pa-ki-xtan sở hữu, duy trì và thậm chí phát triển tiềm lực vũ khí hạt nhân để răn đe những đối thủ của họ và coi vũ khí hạt nhân là một trong những vũ khí chiến lược.

Nga coi vũ khí hạt nhân là một trong những bảo đảm cho sự cân bằng chiến lược với Mỹ. Trong chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh của mình, Nga vẫn coi vũ khí hạt nhân là một trong những trụ cột và là con chủ bài quyết định. Vì thế, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân đối với Nga không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, mà còn phục vụ cho chiến lược trỗi dậy của Nga về mọi phương diện. Tất cả những điều đó lý giải vì sao đề nghị mới nói trên của Tổng thống B. Ô-ba-ma không được hưởng ứng và không khả thi.

Ông B. Ô-ba-ma dường như phần nào đã ảo tưởng hoặc đã chủ ý dùng đề nghị mới này để tranh thủ dư luận và đẩy Nga vào tình thế bị động đối phó trên lĩnh vực giải trừ loại vũ khí này. Quan điểm đó lại càng được củng cố khi ông đưa ra đề nghị này quá muộn và phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ cầm quyền cuối cùng này không thể đủ để ông B. Ô-ba-ma thực hiện được nó./.