Ngày 26-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký ban hành luật tiếp tục cấp ngân sách cho các bộ ngành của chính phủ liên bang hết tài khóa năm nay (kết thúc ngày 30-9-2013) sau khi dự luật này được Quốc hội lưỡng viện lần lượt thông qua.

Luật trên được ban hành đúng một ngày trước khi đạo luật hiện hành hết hiệu lực vào ngày 27-3 để tránh phải đóng cửa hệ thống công sở liên bang do không còn ngân sách hoạt động.

Với với việc lưỡng viện Quốc hội phê chuẩn và Tổng thống Obama ký ban hành, cuộc tranh cãi xung quanh kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2013 ở Mỹ coi như đã chấm dứt với mức cắt giảm tự động hơn 85 tỷ USD.

Tuy nhiên, tranh cãi xung quanh việc cắt giảm chi tiêu và cải cách bộ luật thuế trong kế hoạch ngân sách năm 2014 được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng hơn, với việc Hạ viện cũng đã thông qua đề án của phe Cộng hòa cắt giảm chi tiêu 4.600 tỷ USD trong 10 năm tới nhằm cân bằng cán cân chi tiêu ngân sách. Đây là một đề án đã bị Nhà Trắng và phe Dân chủ tại Thượng viện mạnh mẽ bác bỏ.

Theo phương án của Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện - Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Paul Ryan, đến năm 2023 thay vì 2040 như đề xuất trước đây, nước Mỹ sẽ cân bằng được cán cân chi tiêu ngân sách.

Trong 4.600 tỷ USD cắt giảm trong 10 năm, phe Cộng hòa dự kiến có 620 tỷ USD từ việc tăng thuế đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 400.000 và 450.000 USD/năm trở lên mà họ đã buộc phải chấp thuận hồi tháng 1-2013; 1.800 tỷ USD từ cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội; 931 tỷ USD từ việc chấm dứt cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; 85 tỷ USD cắt giảm ngân sách tự động tài khóa 2013 bắt đầu từ ngày 1-3; 249 tỷ USD từ ngân sách của Bộ Quốc phòng và các chương trình khác từ giáo dục tới các công viên quốc gia...

Trong 10 năm tới, ngân sách hàng năm của chính phủ liên bang sẽ chỉ tăng ở mức 3,4% thay vì 5% như hiện nay. Với kế hoạch này, phe Cộng hòa tại Hạ viện dự kiến thâm hụt ngân sách liên bang năm 2014 sẽ giảm từ mức hơn 1.000 tỷ USD của 4 năm gần đây xuống 528 tỷ, năm 2015 là 125 tỷ và năm 2016 là 69 tỷ USD.

Với mức giảm thâm hụt ngân sách này, nợ công của Mỹ hiện ở mức 16.700 tỷ USD, chiếm 103% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm xuống 77,2% GDP vào năm 2014 và 54,8% sau 10 năm. Ngoài việc cắt giảm trên đây, đề xuất của phe Cộng hòa đề nghị đơn giản hóa bộ luật thuế theo đó quy gọn thuế thu nhập về hai mức 10% và 25%.

Trong khi đó, để đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách 1.850 tỷ USD trong 10 năm tới, phe Dân chủ tại Thượng viện chủ trương kết hợp giữa cắt giảm chi tiêu của chính phủ và tăng nguồn thu qua việc áp đặt mức thuế cao hơn đối với những người giàu nhất nước Mỹ.

Cụ thể, gói đề xuất cắt giảm của Đảng Dân chủ bao gồm 975 tỷ USD tăng thuế thu nhập và lấp các lỗ hổng trong chính sách thuế; 493 tỷ USD từ các chương trình chi tiêu trong nước; 240 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng...

Các nhà lãnh đạo của phe Dân chủ cho biết quan điểm của họ là cắt giảm nhưng vẫn phải hỗ trợ cho kinh tế phát triển và tạo thêm việc làm. Kế hoạch của Đảng Dân chủ không kỳ vọng cân bằng được cán cân chi tiêu liên bang trong 10 năm mà chỉ giảm thâm hụt xuống mức có thể kiểm soát được./.