Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay hữu ý?

Đại tá Lê Thế Mẫu
22:49, ngày 27-03-2013
TCCSĐT - Năm 2009, mở đầu nhiệm kỳ 1, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma thăm Trung Đông với tuyên bố “nước Mỹ và thế giới Hồi giáo là bạn”. Sau đó, làn sóng Hồi giáo nổi lên lật đổ chính quyền hàng loạt nước trong “Mùa xuân A-rập”. Năm 2013, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2, ông B.Ô-ba-ma lại chọn Trung Đông là điểm dừng chân, trong bối cảnh Xy-ri bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Sự lựa chọn này liệu có đem đến một kịch bản được lặp lại?
Sự trùng hợp lần thứ nhất

Mở đầu nhiệm kỳ 1, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã từng đến thăm các nước Trung Đông trong hàng loạt chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, tới A-rập Xê-út và Ai Cập. Bài diễn văn gửi thế giới Hồi giáo trước khoảng 3.000 người tại Trường Đại học Cai-rô, thủ đô Ai Cập, ngày 04-06-2009 đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Trong bài diễn văn này, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố: “Tôi tới đây là để tìm kiếm một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo. Người Mỹ và người Hồi giáo cần chấm dứt mọi sự hoài nghi, cùng nhau chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan dưới mọi hình thức”.

Đến cuối năm 2010, “một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo” đã diễn ra dưới hình thức các biến động chính trị - xã hội bùng phát các nước Bắc Phi và Trung Đông mang tên “Mùa xuân A-rập”, trong đó các lực lượng Hồi giáo được Mỹ ủng hộ, đã nổi lên làm sụp đổ chính quyền ở nhiều nước và thay vào đó là các chính phủ mới, trong đó các lực lượng Hồi giáo, thậm chí đa số là Hồi giáo cực đoan, chiếm ưu thế và gần như kiểm soát bộ máy quyền lực mới ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và hiện nay đang ráo riết tiến hành cuộc chiến khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát (Bashar al-Assad).

Như vậy, “Mùa xuân A-rập” đã không những không “chấm dứt mọi sự hoài nghi” và đưa các nước trong khu vực các nước Bắc Phi và Trung Đông “cùng nhau chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan dưới mọi hình thức” như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma mà trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Thế giới đã và đang phải chứng kiến một xu hướng đáng lo ngại đó là quá trình cực đoan hóa các tổ chức Hồi giáo, gây hoài nghi, bất ổn và bạo lực lan tràn. Nhưng đáng lo ngại hơn là một số thế lực ở các nước phương Tây cũng như đồng minh của họ trong và ngoài khu vực Trung Đông đang công khai ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cực đoan thực hiện các hoạt động chống phá đòi lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát được bầu cử một cách dân chủ và hợp pháp (*).

Sự trùng hợp lần thứ hai

Không biết vô tình hay hữu ý, thời điểm mở đầu chuyến thăm Trung Đông lần này của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (ngày 20-03-2013) lại trùng với thời điểm cách đây 10 năm khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh I-rắc (ngày 20-03-2003), với cớ là Chính quyền của Tổng thống Xát-đam Hút-xen (Saddam Hussein) “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” và “có quan hệ với khủng bố”.

Tuy nhiên các cơ quan điều tra có trách nhiệm của Liên hợp quốc đã xác minh chắc chắn rằng không có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ I-rắc sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt. Vì thế, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép Mỹ phát động cuộc chiến tranh can thiệp vào I-rắc. Hai nước đồng minh của Mỹ là Pháp và Đức cũng đã phản đối chiến dịch quân sự của Mỹ ở I-rắc năm 2003.

Về sau, chính Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen (Colin Powell) - người đã từng trình bày bản báo cáo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc I-rắc “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” và “có quan hệ với các tổ chức khủng bố”, đã phải thừa nhận cái cớ mà Mỹ sử dụng để phát động chiến tranh ở I-rắc năm 2003 là “ngụy tạo”.

Lần này, đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma thăm Trung Đông, một vụ nổ vũ khí hóa học đã xảy ra tại A-lép-pô (Aleppo), nơi đang diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa các lực lượng ủng hộ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát với các các lực lượng đối lập. Chính phủ Xy-ri đã ra tuyên bố khẳng định, các lực lượng đối lập ở Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học chống lại Quân đội Xy-ri. Trong khi đó, các lực lượng đối lập ở Xy-ri được Mỹ, NATO và một số đồng minh của họ trong khu vực, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế và vũ khí, trang bị, tố cáo “các lực lượng của Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở A-lép-pô”.

Trong khi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) ra lệnh mở cuộc điều tra lời cáo buộc của Chính phủ Xy-ri về việc các lực lượng đối lập ở Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công gần thành phố A-lép-pô vào ngày 19-03-2003, thì ngày 20-03-2013, tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng I-xra-en, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nói: “Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân Xy-ri là một sai lầm nghiêm trọng và bi thảm. Chúng tôi cũng chia sẻ mối lo ngại của I-xra-en rằng vũ khí hóa học hoặc vũ khí khác có thể rơi vào tay các lực lượng khủng bố, thí dụ nhóm “Héc-bô-la” (“Hezbollah”). Vũ khí hóa học có thể được sử dụng chống lại I-xra-en. Chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát nên nhớ rằng, họ phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc chuyển thứ vũ khí đó cho lực lượng khủng bố”. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma còn tuyên bố, Mỹ hoài nghi cáo buộc cho rằng các lực lượng đối lập ở Xy-ri thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Tại Luân Đôn, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron), nói với Quốc hội Anh rằng thông tin về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học cho thấy Liên minh châu Âu (EU) cần nới lỏng việc cấm vận vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Còn Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu), khẳng định: “Việc Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của I-xra-en”.

Cũng trong chuyến thăm I-xra-en lần này, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma khẳng định I-xra-en có khả năng ra quyết định sử dụng sức mạnh quân sự để vô hiệu hóa nguy cơ đối với an ninh quốc gia, trong đó có nguy cơ bị tiến công hạt nhân từ phía I-ran, hoặc bị “tấn công bằng vũ khí hóa học của Xy-ri”. Như vậy là, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho I-xra-en có quyền tự do hành động. Giới phân tích quân sự nhận định, đến một ngày nào đó nếu Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhận được báo cáo rằng Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học thì kịch bản chiến tranh I-rắc cách đây 10 năm sẽ được lặp lại ở Xy-ri. Chỉ có điều, khác với cuộc chiến tranh I-rắc cách đây 10 năm là lần này Mỹ sẽ không trực tiếp ra tay mà giao phó cho các đồng minh then chốt của họ ở Trung Đông là I-xra-en, Thổ Nhĩ Kỳ và một số đồng minh trong khu vực thực hiện. Điều này thể hiện học thuyết “lãnh đạo từ phía sau” của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã từng được áp dụng gần đây trong việc đứng đằng sau ủng hộ các nước NATO tiến hành cuộc chiến tranh ở Li-bi, ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh ở Ma-li và hiện nay đang ra sức ủng hộ các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Điều đó tương tự như việc trong khi Mỹ tuyên bố chỉ “viện trợ nhân đạo” cho phe nổi dậy ở Xy-ri thì lại khuyến khích Anh, Pháp và các đồng minh khác viện trợ vũ khí cho các lực lượng đang tiến hành cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống Ba-xa An Át-xát (**)./.

--------------------------------------
Tài liệu tham khảo:

(*) Малийский кризис радикальный исламизм и арабская весна.
http://perspektivy.info/oykumena/vostok/malijskij_krizis_radikalnyj_islamizm_i_arabskaja_vesna_2013-03-07.htm

(**) Израиль как разменная карта в политике США.
http://www.pravda.ru/world/asia/middleeast/21-03-2013/1149360-Israel-0/