Cuộc chiến chưa có hồi kết ở I-rắc

Hương Ly
22:50, ngày 27-03-2013
TCCSĐT - Ngày 20-03-2013, vừa tròn 10 năm Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở I-rắc (ngày 20-03-2003) với tên gọi “Đem tự do đến cho I-rắc” lấy cớ là Chính quyền của Tổng thống Xát-đam Hút-xen (Saddam Hussein) “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” và “có quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế”. Sau 10 năm nhìn lại, có thể thấy cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.
Cuộc chiến “tiền hậu bất nhất”

Cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm tại quốc gia này vẫn chưa có hồi kết. Ban đầu, từ năm 2003 đến năm 2004, là cuộc chiến giữa một bên là Lực lượng đa quốc gia do Mỹ chỉ huy với bên kia là Quân đội I-rắc. Tiếp đến, từ năm 2004 tới năm 2011, cuộc chiến diễn ra chủ yếu giữa quân đội Mỹ với các lực lượng nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài và giữa các phe phái, sắc tộc ở I-rắc. Từ năm 2011, là cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” giữa các sắc tộc và tôn giáo ở quốc gia này.

Theo kết quả thăm do dư luận từ năm 2005 đến nay, đại đa số người dân I-rắc phản đối cuộc chiến tranh mà Mỹ gọi là “Đem tự do đến cho I-rắc” ở quốc gia này. Cuộc chiến này còn được gọi là cuộc “Chiến tranh vùng Vịnh thứ 2” để phân biệt với “Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1” năm 1991. Những người phản đối cuộc chiến này còn gọi đây là "Chiến tranh của G.W.Bu-sơ”. Về sau, chính Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cô-lin Pao-oen (Colin Powell) - người đã từng hùng hồn trình bày bản báo cáo tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc I-rắc “sở hữu vũ khí sát thương hàng loạt” và “có quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế” đã phải thừa nhận cái cớ mà Mỹ sử dụng để phát động chiến tranh ở I-rắc năm 2003 là “không chính xác”, thậm chí là “được ngụy tạo”. Ông còn bày tỏ rằng “rất lấy làm tiếc” và “thất vọng” vì đã dựa vào tin tức của Cục Tình báo trung ương Mỹ để soạn thảo báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (1,3).

Cái giá quá lớn của cuộc chiến

Vào thời điểm 10 năm kết thúc cuộc chiến tranh I-rắc, giới phân tích đã đưa ra số liệu về cái giá của cuộc chiến này. Đó là, có tổng cộng 1,5 triệu binh lính Mỹ tham chiến; trong đó 5.000 quân nhân Mỹ thiệt mạng, 30.000 lính Mỹ bị thương. Nếu tính tổng số quân nhân Mỹ, các chiến binh vũ trang, nhà báo, các nhân viên cứu trợ nhân đạo bị thiệt mạng, con số này đã lên tới 176.000 - 289.000 người; và làm hơn 170.000 người dân I-rắc bị thiệt mạng.

 
 Cuộc chiến tranh do Mỹ phát động cách đây 10 năm đã châm ngòi cho cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu ở I-rắc mà điểm dừng chưa rõ sẽ ở đâu và tại thời điểm nào bởi nó còn liên quan tới một diễn biến khác không kém phức tạp và bất định, khó lường.

Mỹ đã bỏ ra gần 2.000 tỷ USD - một khoản chi phí khổng cho cuộc chiến này, một gánh nặng quá lớn đối với nước Mỹ cũng như là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự thâm hụt ngân sách liên bang và tăng nợ công tới mức báo động. Để khắc phục hậu quả của cuộc chiến này trong những năm tới, tổng chi phí của Mỹ cho cuộc chiến này sẽ lên tới 6.000 tỷ USD (nếu tính cả tỷ lệ phần trăm lãi suất của ngân hàng) bởi đến thời điểm trước khi rút quân khỏi I-rắc vào ngày 31-12-2011, vẫn còn khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ tại quốc gia Trung đông này.

Do hậu quả chiến tranh để lại, hiện có tới 2 triệu phụ nữ I-rắc góa bụa; 5 triệu trẻ em mồ côi; khoảng hơn 4 triệu người I-rắc di tản sang các nước láng giềng. Chỉ tính riêng ở quốc gia Xy-ri láng giềng đã có ít nhất 3 triệu người I-rắc tới xin được tị nạn và đang sống trong cảnh nghèo đói nhưng họ vẫn chưa thể quay trở về quê hương vì tình hình vẫn còn bất ổn. Đến nay, khi tình hình Xy-ri lâm vào nội chiến, người dân tị nạn I-rắc lại bị rơi vào tình trạng mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Cách đây khoảng 10-20 năm, I-rắc là một quốc gia có nền giáo dục được xếp vào loại tốt nhất ở Trung Đông, còn hiện nay, 15% trẻ em I-rắc không được đến trường; kết cấu hạ tầng công nghiệp, năng lượng và giao thông bị tàn phá; hệ thống y tế rối loạn. Trong những năm chiến tranh với I-ran (giai đoạn 1980 - 1988) ở I-rắc chưa bao giờ bị mất điện và gặp khó khăn trong việc bảo đảm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; không có tội phạm hoành hành và không có khủng bố. Còn hiện nay sau 10 năm, được quân đội Mỹ "giải phóng", tại nhiều địa phương của I-rắc vẫn không có điện hoặc thường xuyên bị cắt điện trong ngày; hàng hóa tiêu dùng, những nhu yếu phẩm vô cùng khan hiếm (1,2).

Ai là người “chiến thắng”?


Kể từ ngày 01-5-2003, khi Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ tuyên bố “kết thúc chiến tranh I-rắc” và Mỹ “đã giành chiến thắng” để “mang lại tự do cho người I-rắc”, thì trên thực tế người chiến thắng trong cuộc chiến này lại là những lực lượng khác, không phải Mỹ.

Trước hết, đó là người Cuốc (Kurd). Sau 10 năm, người Cuốc trên thực tế đã thành lập được nhà nước độc lập ở phía bắc I-rắc, được gọi là Cuốc-đi-xtan (Kurdistan). Đây là quốc gia khá thịnh vượng; có quốc kỳ và quốc ca riêng; có chính phủ riêng; có các lực lượng vũ trang riêng với quân số khá đông và được trang bị khá hiện đại. Nền kinh tế của Cuốc-đi-xtan dựa trên cơ sở khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Ai đến I-rắc vào lúc này có thể cảm nhận thấy rất rõ sự chia cắt không thể đảo ngược của đất nước này thành nhiều khu vực khác nhau, trong đó khu vực của Cuốc-đi-xtan được phân định bằng hàng rào dây thép gai, có các chòi canh và các trạm kiểm soát với các đơn vị vũ trang thường trực sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động nào của I-rắc có ý định tiến công từ hướng phía nam lên.

Hiện nay, người Cuốc vẫn chưa tuyên bố về nền độc lập hoàn toàn của họ vì lo ngại phản ứng từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và Mỹ, nhưng trên thực tế họ đã hoàn toàn độc lập. Người Cuốc chính là những người giành được chiến thắng thực sự trong cuộc chiến do Mỹ phát động năm 2003.

Người chiến thắng tiếp theo là Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama Ben Laden). Lực lượng khủng bố do Ô-xa-ma Bin La-đen chỉ huy đã từng bị các lực lượng quân sự và an ninh I-rắc dưới thời Tổng thống Xát-đam Hút-xen truy lùng ráo riết và tiêu diệt trước thời điểm năm 2003, đã được cuộc chiến tranh do Mỹ phát động tạo ra cơ hội để phát triển lực lượng hồi giáo thánh chiến sau khi lật đổ chế độ cầm quyền ở Bát-đa (Bagdad). Cơ hội này được nhân lên gấp bội sau khi Mỹ ủng hộ các các lực lượng hồi giáo cực đoan đối lập lật đổ chính phủ một số nước Bắc Phi và Trung Đông như Tuy-ni-di, Ai-cập, Li-bi và nay đang dẫn đầu các lực lượng đòi lật đổ chính phủ cầm quyền ở Xy-ri.

Cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở I-rắc đã biến quốc gia Trung Đông này vốn trước năm 2003 không có bóng dáng khủng bố, thì nay đã trở thành “thiên đường”, hoặc là “miền đất hứa” của các lực lượng thánh chiến Hồi giáo Gi-hát (Jihad) chuyên coi khủng bố là công cụ phát huy ảnh hưởng ra khắp thế giới, từ I-rắc tới Li-bi, Ma-li, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, các nước Trung Á, Đông Nam Á... Theo giới phân tích, cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở I-rắc cách đây 10 năm đã mở ra một cơ hội hiếm có cho khủng bố phát triển.

Có thể thấy, cuộc chiến ở I-rắc góp phần làm cho nền kinh tế Mỹ đã lâm vào sa sút và khủng hoảng với món nợ công khổng lồ và ngân sách quân sự tăng vọt. Bộ máy quân sự trở nên cồng kềnh và tiêu tốn các nguồn tài nguyên to lớn của nước Mỹ. Nghiêm trọng hơn, do tác động của cuộc chiến tranh I-rắc, nguy cơ khủng bố nổi lên ngay trong lòng nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, chiến lược an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải tính đến “nguy cơ khủng bố tại nhà” đối với nước Mỹ.

Trong tình hình đó, quyền tự do của các công dân Mỹ bị thu hẹp và bị vi phạm đáng kể. Thí dụ, Đạo luật Quốc phòng (National Defense Authorization Act) cho phép tổng thống Mỹ không cần xét xử vẫn có quyền quyết định tổ chức giám sát bất kỳ công dân Mỹ nào bị tình nghi liên quan với khủng bố, thậm chí ra lệnh tiêu diệt họ mà không cần điều tra. Vì thế, giới phân tích nhận định, chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng là kẻ thắng cuộc trong cuộc chiến ở I-rắc (1,3).

Tương lai nào cho I-rắc

Nguy cơ lớn nhất đối với I-rắc hiện nay là sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo, trong đó đáng lo ngại nhất là cuộc xung đột giữa ở người hồi giáo thiểu số theo dòng Xăn-ni (Sunni) và người hồi giáo chiếm đa số theo dòng Xi-ai (Shiite). Thủ tướng I-rắc Nu-ri An Ma-li-ki đã từng coi người Xăn-ni là nguy cơ chủ yếu đối với chính quyền ở Bát-đa hiện nay. Do bị “lép vế”, người Xăn-ni đã sử dụng khủng bố làm vũ khí để chống lại Chính phủ I-rắc do người Xi-ai cầm quyền. Do đó, khủng bố đã trở thành hiện tượng phổ biến hàng ngày ở I-rắc.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ở Xy-ri cũng đang diễn ra cuộc chiến tranh khủng bố do các lực lượng hồi giáo cực đoan theo dòng Xăn-ni chiếm đa số trong các lực lượng đối lập tiến hành chống lại Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-Xát - một người theo dòng Xi-ai. Đây là một trong những lý do khiến Chính phủ I-rắc của Thủ tướng Nu-ri An Ma-li-ki ủng hộ Chính phủ Xy-ri trong cuộc chiến chống lại các lực lượng đối lập.

I-rắc còn đứng trước nguy cơ xung đột giữa người A-rập và người Cuốc mà tâm điểm là thành phố Kiếc-cúc (Kirkuk) - nơi ẩn chứa tiềm năng dầu mỏ và khí đốt khổng lổ của I-rắc. Hiện nay, Chính phủ I-rắc và người Cuốc đang tranh giành chủ quyền đối với thành phố và tỉnh có cùng tên Kiếc-cúc. Cũng chính vì thế, cả người Cuốc và Chính phủ I-rắc đều tích cực chuẩn bị lực lượng, kể cả quân sự, để sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến có tính chất “một mất một còn” ở thành phố này. Như vậy, I-rắc hiện đang đứng trước nguy cơ một cuộc nội chiến lớn.

Cuộc chiến tranh do Mỹ phát động cách đây 10 năm đã châm ngòi cho cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo đẫm máu ở I-rắc mà điểm dừng chưa rõ sẽ ở đâu và tại thời điểm nào bởi nó còn liên quan tới một diễn biến khác không kém phức tạp và bất định, khó lường. Đó là các biến động chính trị - xã hội mang tên “Mùa xuân A-rập” hiện đang lên tới đỉnh điểm ở Xy-ri. Nhận định về tình hình này, tờ “Gurdian” của Anh đã đăng bài viết nhận định: “Việc Mỹ rút quân khỏi I-rắc chưa phải là chấm hết xung đột mà đúng hơn là một sự mở đầu một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh ngầm. Do đó, cuộc chiến ở I-rắc vẫn chưa kết thúc và có lẽ đối với thế hệ hiện nay nó sẽ không bao giờ kết thúc”.

Còn theo chuyên gia Trung tâm nghiên cứu các nước A-rập thuộc Viện Nghiên cứu về phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga ông Bô-rít Đôn-gốp (Boris Dongov), nguy cơ khủng bố ở I-rắc ngày một trầm trọng và tình hình này chỉ có thể được cải thiện khi tình hình ở khu vực các nước Bắc Phi và Trung Đông được ổn định mà thôi (2,4,5)./.

-----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. США потратили на войну в Ираке $2 трлн
http://top.rbc.ru/economics/14/03/2013/849254.shtml

2. Вечная война в Междуречье
http://m.lenta.ru/articles/2013/03/19/iraq/

3. Война в Ираке стала историей. Кто победил, и кто проиграл в этой войне?
http://www.golos-ameriki.ru/content/iraq-war-ended-2011-12-15-135696738/249300.html

4. Войне в Ираке 10 лет: Ближнему Востоку предрекают радикальную исламизацию
http://top.rbc.ru/viewpoint/19/03/2013/849874.shtml

5. Война в Ираке: 10 лет спустя
http://www.golos-ameriki.ru/content/vv-iraq/1624607.html