Ngày 14-05-2008, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ cùng phu nhân lên đường bắt đầu chuyến thăm Trung Đông. Trong vòng 6 ngày, Tổng thống G.Bu-sơ đã hoàn thành một chương trình ngoại giao đồ sộ: tới thăm I-xra-en nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái, A-rập Xê-út và Ai-cập; gặp mặt và hội đàm với Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hơ-mut A-bat (Mahmud Abass); Tổng thống I-rắc Gia-la Ta-la-ba-ni; Tổng thống Ap-ga-ni-xtan Ha-mit Ca-zai; và Thủ tướng Li-băng Phu-át Xi-nhi-ô-ra. Họ là những người đứng đầu các quốc gia mà Tổng thống G.Bu-sơ đang có ý định "dân chủ hoá" theo ý đồ chiến lược đề ra trong "Kế hoạch Trung Đông Lớn" do ông đề xướng vào năm 2004.

Bối cảnh chuyến thăm không mấy sáng sủa

Chuyến thăm rất có thể là cuối cùng trên cương vị tổng thống của Tổng thống G.Bu-sơ đến Trung Đông diễn ra trong bối cảnh tình hình ở khu vực này đang ở trạng thái khá phức tạp. Trong vòng nhiều thập niên vừa qua, Trung Đông được coi là "khu vực lợi ích chủ yếu và được ưu tiên" của Mỹ. Các chiến lược gia ở Mỹ liên tiếp đưa ra các sáng kiến nhằm ổn định tình hình nhưng đều không mang lại kết quả. Sau hơn 5 năm tuyên bố "giành chiến thắng" trong cuộc chiến tranh I-rắc, hiện Mỹ đang bị sa lầy ở quốc gia này, chưa tìm ra lối thoát, và "vấn đề I-rắc" trở thành chủ đề tranh luận hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra đầy kịch tính ở Mỹ. Vấn đề hạt nhân I-ran chưa được giải quyết. Xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều lò thuốc súng khác rất dễ được châm ngòi. Sắp kết thúc hai nhiệm kỳ cầm quyền với biết bao trăn trở về "Trung Đông Lớn", Tổng thống G.Bu-sơ lại một lần nữa tuyên bố sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực có thể tìm ra hướng "hóa giải” cái vòng luẩn quẩn này.

Trước khi Tổng thống G.Bu-sơ chuẩn bị lên đường sang Trung Đông, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quan tâm tới một vấn đề đang được nhiều người bàn luận: liệu những nỗ lực của Mỹ sẽ đi tới đâu? Các chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế am hiểu tình hình Trung Đông thống nhất ở một nhận định rằng, chuyến thăm lần này của Tổng thống G.Bu-sơ sẽ không có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình ở khu vực này. Từ trước tới nay, chưa có một ai, kể cả Tổng thống G.Bu-sơ, đưa ra được một giải pháp cho hàng loạt các vấn đề được coi là rất "nóng" trong khu vực. Trong khi đó, thời điểm mà Tổng thống G.Bu-sơ lựa chọn để thực thi chuyến công du này thật không mấy thích hợp.

Lý do chính thức của chuyến thăm lần này của Tổng thống Bu-sơ tới I-xra-en là dự lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà nước Do Thái. Nhưng trong lúc này, đại diện của giới tinh hoa chính trị ở Ten-a-víp không mấy vui vẻ. Thủ tướng I-xra-en, ông Ơ-hút Ôn-méc-tơ (Ehud Olmert), đang bị cáo buộc dính líu vào các vụ tham nhũng. Các đối thủ của ông một mực khẳng định, Thủ tướng Ơ-hút Ôn-méc-tơ đã nhận tiền bất hợp pháp của một số doanh nhân người Mỹ. Nếu các lời cáo buộc đối với Thủ tướng Ơ-hút Ôn-méc-tơ được minh chứng thì I-xra-en sẽ phải tổ chức chiến dịch vận động bầu cử mới và cuộc đối thoại giữa thế giới A-rập với I-xra-en thông qua vai trò trung gian của Mỹ có thể sẽ bị đóng băng trong một thời gian dài nữa. Đến lúc này, "cuộc đối thoại thế kỷ" đó vẫn chưa tạo ra được chuyển biến đáng kể nào. Ngoài ra, các nước A-rập chưa thể dự đoán được chủ nhân Nhà Trắng sắp tới ở Mỹ sẽ có quan điểm thế nào đối với vấn đề Pa-le-xtin.
 
Nhà Trắng cũng còn mất ăn mất ngủ trước hoạt động ngày càng gia tăng của các lực lượng Hồi giáo cực đoan có xu hướng chống lại I-xra-en hiện đang hoạt động ở Dải Ga-da và ở Li-băng. Đúng vào ngày Tổng thống Bu-sơ đặt chân đến I-xra-en, các chiến binh thuộc tổ chức Ha-mat (Hamas) đã mở các đợt pháo kích dữ dội vào một thành phố nằm ở phía Bắc I-xra-en. Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hơ-mut A-bat, người được Mỹ, I-xra-en hậu thuẫn và đặt nhiều hy vọng, chỉ kiểm soát được một trong hai khu vực của người Pa-le-xtin là bờ Tây sông Giooc-đăng (Jordan), còn Dải Ga-da đang thuộc về quyền kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Những lực lượng này lại hoàn toàn không muốn đàm phán với Mỹ cũng như với I-xra-en.

Tại nước Li-băng láng giềng, lực lượng Héc-bô-la tạm thời kiểm soát phần chủ yếu trong thủ đô Bây-rút, đang buộc Chính phủ phải nhượng bộ. Tình hình đang diễn ra ở Li-băng chứng tỏ ai mới là người thực sự kiểm soát tình hình ở quốc gia này. Tuy nhiên, Tổng thống G.Bu-sơ làm ra vẻ như không nhận thấy những khó khăn phức tạp đang diễn ra, và vẫn chủ trương tiếp tục tiến trình đàm phán. Trong bài trả lời phỏng vấn báo "Bưu điện Giê-ru-xa-lem" ("Jerusalem Post") trước khi lên đường đi Trung Đông, Tổng thống G.Bu-sơ bày tỏ sự tin tưởng rằng, các cuộc đàm phán với Tổng thống Pa-le-xtin "không sớm thì muộn sẽ đem lại kết quả". Ông còn gọi Thủ tướng I-xra-en, ông Ơ-hút Ôn-méc-tơ là “một người đàn ông chân thành”.

I-rắc vẫn là chủ đề chính

Trong chuyến thăm các nước Trung Đông lần này, Tổng thống G.Bu-sơ đặc biệt quan tâm đến vẫn đề I-rắc. Về phương diện này, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống G.Bu-sơ với Quốc vương A-rập Xê-út, ông Áp-đu-la Áp-đun A-dít (Abdullah bin Abdul Aziz) và với Tổng thống Ai-cập, ông Hô-xni Mu-ba-rắc (Hosni Mubarack) sẽ có tầm quan trọng đặc biệt. Ngoài sự viện trợ kinh tế, I-rắc đang rất cần sự ủng hộ về mặt chính trị từ phía các nước A-rập. Không còn úp mở gì nữa, nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông coi chính phủ hiện nay ở I-rắc là do Mỹ điều khiển. Trong bối cảnh đó, Tổng thống G.Bu-sơ đang đề nghị người đứng đầu các chính phủ A-rập Xê-út và Ai-cập khẩn trương thắt chặt quan hệ với I-rắc, bởi I-ran - quốc gia láng giềng với I-rắc, đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao hướng tới I-rắc và các nước khác ở Trung Đông, nhằm giành vị thế lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo. Nhìn chung, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Bu-sơ với nguyên thủ các nước A-rập không mấy dễ dàng, bởi lẽ uy tín của Mỹ trong thế giới Hồi giáo đã bị tổn thương lớn. Hành động của Mỹ ở I-rắc có ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ giữa Mỹ với A-rập Xê-út - một thời từng đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.

Điều này khó có thể tạo điều kiện cho ông chủ Nhà Trắng đạt được tiến bộ trong việc giải quyết một vấn đề nhức nhối nữa đối với Mỹ. Đó là giá dầu mỏ đang có nguy cơ tăng vọt. Sự tăng giá dầu một phần quan trọng là do các nước OPEC không chịu tăng khối lượng khai thác dầu, trong đó A-rập Xê-út là một trong những thành viên có vai trò then chốt của tổ chức này.

Kế hoạch "Trung Đông Lớn" trước nguy cơ phá sản

Tình hình khó khăn mà Mỹ đang lâm vào ở Trung Đông phần nhiều liên quan đến tiến trình thực hiện kế hoạch “Trung Đông Lớn” do Tổng thống Bu-sơ đề xuất. Khái niệm “Trung Đông Lớn” hoặc “Đại Trung Đông” được Tổng thống G.Bu-sơ và các chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ sử dụng để chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị G-8 họp ở Xi-xlan-đơ (Mỹ) năm 2004. Thuật ngữ “Trung Đông Lớn ”cũng được sử dụng khi soạn thảo một văn kiện quan trọng của Mỹ mang tựa đề “Đề án đối với nước Mỹ trong thế kỷ mới”. Việc Tổng thống G.Bu-sơ sử dụng khái niệm "Trung Đông Lớn" xuất phát từ Chiến lược toàn cầu của Mỹ đưa hai khu vực nhiều dầu mỏ nhất thế giới là vùng vịnh Pếch-xich và Biển Ca-xpi vào chiến lược phát huy ảnh hưởng của Mỹ. Trong Trung Đông Lớn có thêm các quốc gia thuộc khu vực Trung Á và khu vực Cáp-ca như A-dếch-bai-dan, Ác-mê-ni-a, Gru-di-a và Bắc Phi. Trung Đông là khu vực đặc biệt nhạy cảm về chiến lược, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo.

Tình hình Trung Đông đang trở nên bất ổn hơn và đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc xung đột đã và đang diễn ra tại đây hoặc đang tiềm ẩn. Nguồn gốc xung đột rất đa dạng, xuất phát từ sự tranh giành ảnh hướng của các nước lớn, trước hết là Mỹ; từ sự tranh giành tài nguyên nước, dầu mỏ, khí đốt được thiên nhiên phân bố không đồng đều ở các nước trong khu vực; do sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc và văn hoá v.v.

Hiện nay, ngoài nguy cơ xung đột do sự tranh chấp tài nguyên dầu mỏ, tại đây đang tiềm ẩn cuộc xung đột mới liên quan đến nguy cơ thiếu nước ngọt. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay hơn 2 tỉ người đang bị thiếu nước ngọt. Còn theo dự báo của Cục tình báo trung ương Mỹ, đến năm 2015, sẽ có khoảng một nửa dân số trên hành tinh sinh sống ở các khu vực thường xuyên thiếu nước ngọt. Vì thế, nước ngọt đang trở thành tài nguyên thiên nhiên quý hiếm. Việc thiếu nước đang làm nảy sinh hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị, có nguy cơ gây mất ổn định trên thế giới và dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo Báo cáo “Xu hướng toàn cầu 2015” ("Global Trends 2015"), sau 10 năm nữa, ở trung tâm châu Phi, số người chết vì đói khát sẽ tăng lên 20%, thúc đẩy cư dân từ các nước nghèo đói di chuyển đến các nước giàu có. Nạn thiếu nước ngọt có thể dẫn đến các cuộc chiến tranh đẫm máu ở Trung Đông. Tại khu vực này đang xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Trong 40 năm gần đây, cư dân ở các khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã phải giảm nhu cầu tiêu dùng nước xuống còn 1.250 lít/1năm. Vấn đề nước đã làm căng thẳng thêm quan hệ vốn đã rất phức tạp giữa các nước ở khu vực này. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc B.Ga-li đã từng dự báo rằng, cuộc chiến tranh tiếp theo ở Trung Đông sẽ là “cuộc chiến tranh vì nước ngọt”.

Để thực hiện "Kế hoạch Trung Đông Lớn", Tổng thống G.Bu-sơ, một mặt, chủ trương trấn áp các lực lượng chống Mỹ, mặt khác, ủng hộ các quốc gia và lực lượng sẵn sàng đi theo quỹ đạo của Mỹ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nhiều nỗ lực của các đời tổng thống Mỹ trước đây đã không mấy kết quả. Lần này, dường như tất cả các vấn đề liên quan đến Trung Đông mà Tổng thống G.Bu-sơ định giải quyết đều chưa đạt được tiến bộ đáng kể. Đi ngược lại các nỗ lực ủng hộ của Mỹ, đến nay, I-xra-en vẫn chưa trở thành một quốc gia “an toàn”. Tại I-rắc, sau khi lật đổ chế độ cầm quyền Xát-đam Hút-xen (Sadam Hussein), Mỹ và đồng minh đang đưa quốc gia này chìm đắm trong tình cảnh hỗn loạn, “huynh đệ tương tàn”. Chính phủ của Tổng thống Ta-la-ba-ni chỉ duy trì được ảnh hưởng của họ nhờ lực lượng quân sự chiếm đóng của Mỹ, còn những lực lượng không có thiện cảm với phương Tây đang có ảnh hưởng ngày càng lớn, thậm chí, còn vượt cả ảnh hưởng của các lực lượng đi theo Tổng thống Xát-đam Hút-xen đã quá cố.

Vấn đề hạt nhân I-ran: bài toán khó giải đối với Mỹ

Đã có lúc, một số báo ở Mỹ liên tục “tiết lộ” thông tin về khả năng Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ sẽ ra lệnh tiến công quân sự nhằm vào I-ran, thậm chí một số báo còn đưa ra cả “kịch bản” các đòn tiến công đầu tiên nhằm vào các cơ sở hạt nhân và kết cấu hạ tầng của I-ran. Cũng không ít chuyên gia phân tích cho rằng, rất ít khả năng Tổng thống G.Bu-sơ sẽ phát động một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến thứ ba, sau hai cuộc chiến còn dang dở ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Quả thật, lúc này ông G.Bu-sơ đang đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn, thậm chí có người còn cho rằng đó là “sự lựa chọn lịch sử” đối với nước Mỹ. Vì sao vậy?

Nếu Tổng thống G.Bu-sơ lựa chọn phương án chiến tranh, giải pháp này có thể sẽ dẫn đến thất bại có tính toàn cầu đối với nước Mỹ. Với khả năng nhân lực hạn chế, tinh thần phản chiến ngày càng gia tăng và rộng khắp ngay trong hàng ngũ các binh sỹ Mỹ, việc Mỹ phải đồng thời tiến hành chiến tranh trên ba mặt trận: Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và nếu sắp tới là I-ran - sẽ là nhiệm vụ khó kham nổi. Thêm nữa, Tê-hê-ran đã chuẩn bị khá công phu về mọi mặt để “tiếp đón” quân Mỹ. Họ vừa hoàn thành hợp đồng nhập khẩu các vũ khí phòng thủ hiện đại của Nga, lại vừa tự nỗ lực phát triển các phương tiện chiến tranh mới có khả năng đối phó với các đòn tiến công của Mỹ. Nếu Tổng thống G.Bu-sơ “có thừa quyết tâm và phương tiện” như ông từng tuyên bố để tiến công quân sự I-ran, thì rất có thể đó sẽ là cuộc chiến tranh đẫm máu và kéo dài với kết cục khó lường đối với Mỹ. Với I-ran, Mỹ sẽ phải khó khăn hơn khi chiếm đóng một quốc gia có dân số gần 70 triệu người đi theo tín ngưỡng Hồi giáo, kiên quyết chống Mỹ, với địa hình đồi núi phức tạp khiến Mỹ sẽ phải lâm vào tình trạng sa lầy còn tồi tệ hơn ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Các chỉ huy quân sự Mỹ hiểu rất rõ điều đó. I-ran còn là "điểm huyệt" trong hệ thống các quan hệ rất nhạy cảm của nền kinh tế và chính trị thế giới.

Giới phân tích cũng đưa ra khả năng rằng, rất có thể, Tổng thống Bu-sơ sẽ lựa chọn phương án “cách mạng màu” nhằm lật đổ chế độ cầm quyền ở Tê-hê-ran. Lúc đó, sự phô trương sức mạnh quân sự ở Vùng Vịnh chỉ là để hậu thuẫn cho lực lược nổi dậy bên trong I-ran. Để tiến hành “cách mạng màu”, Mỹ phải có được sử ủng hộ rất mạnh bên trong I-ran. Điều này là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể đối với Mỹ, nếu xét về sự khác biệt tôn giáo, văn hoá và tư tưởng giữa hai nước. Thí dụ, để có được sự ủng hộ bên trong I-ran, Mỹ phải đưa nền kinh tế nước này vào tình trạng khủng hoảng. Muốn vậy, Mỹ sẽ phải giảm đáng kể giá dầu mỏ để hạn chế nguồn thu ngân sách của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu này của thế giới. Về lý thuyết, Mỹ có thể làm được điều đó bằng cách cho các mỏ dầu do Mỹ kiểm soát khai thác hết công suất và tung ra thị trường thế giới một khối lượng dầu mỏ khổng lồ. Nhưng nếu làm thế, Mỹ sẽ vấp phải một vấn đề rất tế nhị là quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế với nhịp độ nhanh tới “chóng mặt” của siêu cường kinh tế Trung Quốc đang tiêu thụ một khối lượng dầu mỏ và khí đốt ngày càng lớn, biến nguyên liệu dầu mỏ thành dòng thác hàng hóa đồ sộ chiếm lĩnh thị phần đáng kể trên thế giới. Bất kỳ sự giảm giá dầu và khí đốt đáng kể nào cũng sẽ làm giảm chi phí sản xuất ở Trung Quốc, làm tăng khả năng cạnh tranh của họ và gia tăng đột biến nhịp độ phát triển kinh tế Trung Quốc vốn đã ở mức rất cao. Mỹ, chắc chắn, không muốn nhìn cảnh Trung Quốc "hốt bạc", còn mình lại "xơi đạn và lửa" ở Trung Đông. Trước tình trạng khó xử như vậy, Mỹ buộc phải duy trì giá dầu mỏ ở mức cao trên thị trường thế giới để kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và các đối thủ khác đang "khát dầu" như EU, bất luận ai cầm quyền ở Mỹ, Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Do đó, Tổng thống G.Bu-sơ đã phải làm một công việc trái với phong cách của một siêu cường duy nhất là ngồi cùng bàn đối thoại với các quốc gia không chịu sức ép từ phía Mỹ, trong đó có cả I-ran.

Niềm lạc quan cuối cùng

Tổng thống G.Bu-sơ không muốn kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của mình trong một tình cảnh ảm đạm như vậy, nên trong khoảng thời gian còn lại hơn 8 tháng, ông có ý định triển khai các hoạt động ngoại giao quy mô lớn trên hướng Trung Đông. Nhưng những cái bắt tay hào hứng và những lời tuyên bố mạnh mẽ trước ống kính camera truyền hình khó có thể thay đổi được điều gì. Thủ lĩnh các nước trong khu vực nhận thấy điều đó và họ đang hướng sự chú ý nhiều hơn về phía Oa-sinh-tơn xem ứng cử viên nào đang tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng./.