Bắc Kạn phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu từng bước trở thành tỉnh giàu mạnh

Hoàng Ngọc Đường TS, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn
20:13, ngày 10-12-2012
TCCS - Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mỗi địa phương đều phải chọn cho mình một hướng đi, cách làm phù hợp. Tùy theo điều kiện mà hướng đi, cách làm của các địa phương có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là phải phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình để hội nhập và phát triển. Đó cũng là suy nghĩ và hành động của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm sâu trong nội địa. Thị xã tỉnh lỵ cách Thủ đô Hà Nội 170 km về phía bắc. Tổng diện tích tự nhiên là 4.859 km2; dân số 300 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 84% dân số. Từ khi được tái lập (ngày 01-01-1997) đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1997 - 2010 đạt khoảng 10%/năm, năm 2011 đạt 13%. An ninh lương thực được bảo đảm với sản lượng lương thực bình quân đầu người trên 520 kg/năm. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh với những cây trồng đặc sản, có giá trị kinh tế cao, như quýt, hồng không hạt, chè shan tuyết, khoai môn và dong riềng. Diện tích trồng rừng mới hằng năm đạt trên 6.000ha (riêng năm 2011 đã trồng gần 14.500ha), nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,7%. Duy trì tổng đàn trâu, bò trên 100 ngàn con, đàn lợn trên 150 ngàn con. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 11,94%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều công trình quan trọng, như điện, đường, trường học, bệnh viện,... đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và nông thôn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học tháng 12-1998 và được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở từ tháng 12-2005. Công tác giảm nghèo đạt kết quả khích lệ, theo chuẩn của mỗi giai đoạn: Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2000 - 2005 giảm từ 48% xuống còn 12,5%; giai đoạn 2006 - 2010 giảm từ 50,87% xuống còn 17,6%; giai đoạn 2011 - 2015 phấn đấu giảm từ 32,13% xuống còn 10% (năm 2011 đã giảm được 8,61%, chỉ còn 23,52%). An ninh, trật tự trên địa bàn ổn định, tạo môi trường lành mạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có thể nói, kết quả đạt được từ khi tái lập tỉnh đến nay là rất to lớn và toàn diện, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn.

Trên tinh thần đổi mới về cách nghĩ, cách làm; tập trung mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế; xóa bỏ các rào cản làm chậm quá trình phát triển; Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn phấn đấu trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt mức tăng trưởng kinh tế 15%/năm. Để đạt được mục tiêu này, trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá một cách khoa học, khách quan về những tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bắc Kạn xác định hướng đi phù hợp, phấn đấu từng bước trở thành tỉnh giàu mạnh. Về tổng thể, trước mắt cũng như lâu dài, tỉnh chủ trương đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, coi đây chính là hướng đi lên và là mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bắc Kạn. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để từng bước khai thác tiềm năng du lịch, đưa du lịch đóng góp ngày càng lớn cho GDP, đồng thời phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. 

Đẩy mạnh phát triển nông - lâm  nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bắc Kạn có diện tích tự nhiên tương đối rộng, trong đó có tới 85% diện tích là rừng và đất rừng, điều đó tạo ra nhiều khó khăn nhưng cũng đem lại cho Bắc Kạn một lợi thế lớn vì nhu cầu về gỗ hiện nay ở trong nước cũng như trên thế giới ngày càng tăng. Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn tập trung vào công tác quy hoạch và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế vốn có. Xác định trồng rừng gắn với chế biến lâm sản tạo ra giá trị gia tăng là hướng đi chính với mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 sẽ trồng 60.000ha rừng (12.000ha/năm). Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là lựa chọn loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, bởi vì bao đời nay người dân đã có rừng nhưng vẫn nghèo. Sau khi nghiên cứu kỹ, tỉnh thống nhất chỉ đạo tập trung trồng cây keo. Bởi vì, so với một số loại cây trồng khác, cây keo có nhiều ưu điểm, như tốc độ sinh trưởng nhanh, cải tạo đất tốt, biên độ sinh thái rộng, giá cây giống không cao, nhu cầu thị trường lớn, giá bán sản phẩm cao và có thể trồng trên nhiều loại đất. Nhưng muốn phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững thì phải gắn sản xuất với chế biến để có đầu ra ổn định. Đáp ứng nhu cầu đó, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn và Tổng Công ty xây dựng nhà ở Hà Nội đã liên doanh, liên kết thành lập Công ty cổ phần SAHABAK (chuyên chế biến các sản phẩm từ gỗ). Với việc Công ty cổ phần SAHABAK ra đời và sớm đi vào hoạt động, bài toán đầu ra cho trồng rừng về cơ bản đã được giải quyết.

Công ty cổ phần SAHABAK đã đưa nhà máy sản xuất ván thanh vào hoạt động từ năm 2010 với công suất 3.000m3/năm, sử dụng khoảng 14.000m3 - 16.000m3 nguyên liệu/năm. Công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF với tổng vốn đầu tư 1.140 tỷ đồng, công suất 108.000m3/năm, nhu cầu 200.000m3 nguyên liệu/năm (tương đương 20.000ha rừng), dự kiến hoàn thành đưa vào sản xuất từ quý II năm 2014. Trong tương lai, cùng với đầu tư cho trồng rừng, tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng thêm một số nhà máy chế biến gỗ ở phía bắc để giảm chi phí vận chuyển, tăng thêm lợi nhuận từ phát triển kinh tế rừng cho người dân.

Về trồng trọt, tỉnh chủ trương duy trì diện tích lúa, ngô hiện có, đưa bộ giống lúa thuần vào gieo cấy đại trà để bảo đảm an ninh lương thực. Còn lại, tập trung chủ yếu vào phát triển trồng cây dong riềng, một loại cây bản địa, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng việc trồng dong riềng bán củ với giá trung bình 1.500 đồng/kg, người dân cũng có thể thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Đáng chú ý là, từ củ dong riềng đến khi chế biến thành miến dong chuỗi giá trị tăng thêm đến 60%. Từ mô hình tại hai huyện Na Rì và Ba Bể, năm 2012 phong trào trồng cây dong riềng đã lan rộng ra hầu hết các huyện trong tỉnh, với diện tích hơn 1.800 ha, tăng ba lần so với năm 2011. Bên cạnh việc chỉ đạo tăng nhanh diện tích cây dong riềng, tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm ổn định đầu ra bằng các biện pháp như chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên cho vay vốn, dùng quỹ khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình mua các dây chuyền chế biến sản phẩm bột và sản xuất miến dong, nhằm tiêu thụ hết sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Về chăn nuôi, tỉnh tập trung nuôi đàn nái nền nhằm cải tạo con lai có chất lượng sản phẩm tốt và thị trường tiêu thụ lớn. Hiện nay, đã hình thành một số trang trại sản xuất giống ở hai huyện Ngân Sơn và Na Rì để cung cấp giống cho toàn tỉnh.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất hướng vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi như trên, Bắc Kạn đang tập trung sớm hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trong toàn tỉnh. Tập trung nguồn lực, vật liệu, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tăng cường xây dựng các công trình điện, thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt, xử lý rác thải, tổ chức tốt các điểm bưu chính viễn thông, các thiết chế văn hóa thông tin,... phục vụ sản xuất và dân sinh. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng nông thôn mới có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, bài trừ mê tín dị đoan. Xây dựng mô hình nông thôn xanh - sạch - đẹp. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xây dựng mô hình gia đình văn hóa điển hình mẫu mực ở nông thôn.

Về quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch

Cùng với các địa danh lịch sử như ATK Chợ Đồn, Phủ Thông, Đèo Giàng,... Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500 ha, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể. Mặt hồ trải dài 8km, rộng từ 200m đến 1.000m. Độ sâu trung bình 17m - 23m; nơi sâu nhất lên đến 29m. Hồ Ba Bể càng đẹp hơn bởi có hệ động vật phong phú, đa dạng với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt, trong đó có nhiều loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng Đông Bắc Việt Nam, như cá chép kính, cá anh vũ, cá rầm xanh và cá lăng. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng du khách khi tới nơi đây. Chính vì vẻ đẹp và sự độc đáo trong cấu tạo địa chất, địa mạo mà Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN và Khu Ram-sar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 3 của Việt Nam.

Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch, đầu tư đúng mức, nên đến nay hồ Ba Bể vẫn chưa thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Để phát triển du lịch Ba Bể một cách bài bản, lâu dài, đồng thời gìn giữ được những nét đẹp thiên nhiên vốn có của nó, tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch du lịch Ba Bể. Tỉnh đã tiến hành ký kết hợp đồng với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd của Nhật Bản, đơn vị trúng thầu tư vấn, lập dự án quy hoạch du lịch Ba Bể. Quan điểm của tỉnh trong quy hoạch du lịch Ba Bể là, du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế, phù hợp với quan điểm bảo tồn và phát triển. Dựa trên cơ sở tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Ba Bể, các danh hiệu đã được tổ chức quốc tế công nhận để xây dựng thương hiệu. Dự kiến quy hoạch chi tiết sẽ được tiến hành trong 8 tháng. Sau khi hoàn chỉnh quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, đồng thời kêu gọi đầu tư để thực hiện quy hoạch, nhằm đánh thức và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, một  thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời.

Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

Bắc Kạn có 165 mỏ và điểm quặng với các loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn là: kẽm chì (trữ lượng khoảng 4 triệu tấn), sắt (khoảng 22 triệu tấn), vàng (trữ lượng khoảng 39 tấn), ngoài ra còn có các mỏ đá vôi, đá trắng, đất sét,... Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Với quan điểm khai thác tiềm năng khoáng sản, nhất là quặng kẽm chì, sắt để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương, tỉnh đã đề ra kế hoạch, với các bước đi phù hợp, cụ thể, như quy hoạch lại ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng kẽm chì, sắt trên địa bàn; không xuất quặng thô, chỉ cấp mỏ cho những doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu có công suất lớn với công nghệ hiện đại, có nguồn lực đầu tư để xử lý về mặt môi trường.

Nhờ tăng cường quản lý, nên thời gian gần đây ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Một số nhà máy chế biến sâu khoáng sản đang tích cực được đầu tư xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới đây, như: Dự án xây dựng nhà máy sắt xốp 100.000 tấn/năm của Công ty cổ phần vật tư thiết bị toàn bộ MATEXIM; Dự án chế biến quặng chì, kẽm công suất 30.000 tấn/năm của Công ty TNHH Ngọc Linh,... Khi các nhà máy chế biến khoáng sản và một số cơ sở sản xuất công nghiệp khác, như Nhà máy sản xuất thuốc lá điếu, chế biến gỗ MDF, các cơ sở sản xuất bột dong riềng và chế biến miến dong đi vào hoạt động đồng loạt trong thời gian tới sẽ giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, tăng thu cho ngân sách và góp phần làm thay đổi tích cực cơ cấu kinh tế địa phương.

Cải thiện môi trường đầu tư

Để khai thác được tiềm năng, lợi thế, ngoài việc phát huy nội lực tại chỗ, tỉnh xác định phải huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Kạn. Trong đó, hết sức chú trọng thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, giúp đỡ các thành phần kinh tế trong việc định hướng đầu tư. Rà soát lại tất cả các thủ tục cho thuê đất, cấp phép đầu tư cho cả đối tượng trong và ngoài nước; cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện phương án “một cửa”. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vào đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Bắc Kạn.

Chính quyền tỉnh sẽ tham gia cùng các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp; trực tiếp tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại để nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhằm giúp họ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc có liên quan đến các chế độ, chính sách ở địa phương.

Danh mục các dự án khuyến khích đầu tư liên tục được cập nhật là cơ sở cho các nhà đầu tư chọn lựa phù hợp với khả năng của mình. Các cơ quan thanh, kiểm tra không được kiểm tra các doanh nghiệp nhiều lần trong năm. Việc kiểm tra thường xuyên theo quy định của pháp luật phải được thông báo trước cả về thời gian và nội dung cho các doanh nghiệp.

Trên tinh thần mọi người đều có thể đầu tư làm ăn tại Bắc Kạn đối với những ngành nghề mà luật pháp không cấm, Bắc Kạn chủ trương sẽ không đưa ra thêm bất cứ một thủ tục hành chính nào ngoài quy định của Trung ương, với mong muốn kêu gọi, động viên mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp của Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng tập trung nguồn lực để đầu tư tại đây. Quan tâm giải quyết vấn đề căn bản nhất là bảo đảm sự hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động và của xã hội.

Để tạo điều kiện hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của tỉnh; đề nghị Trung ương ban hành quyết định về chính sách cho cán bộ luân chuyển, để ưu đãi, thu hút cán bộ lên công tác tại miền núi; chuyển giao kinh nghiệm trồng rừng, công nghiệp chế biến lâm sản,...

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, với tinh thần tự lực, tự cường, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành ở Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Bắc Kạn quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu đưa Bắc Kạn từng bước trở thành tỉnh giàu mạnh, sánh vai với các tỉnh, thành trong cả nước./.