TCCSĐT - Ngày 8-12-2012, Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 18) đã bế mạc tại thủ đô Đô-ha (Doha) của Ca-ta với cam kết gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô đến năm 2020.

1. Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tiêu hủy vũ khí hạt nhân


 
 Ngày 3-12-2012, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết
kêu gọi tiêu hủy hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân


Ngày 3-12-2012, trong phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết do một nhóm quốc gia, trong đó có Nhật Bản tài trợ, kêu gọi tiêu hủy hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân. Nghị quyết trên được 174 quốc gia ủng hộ, chỉ duy nhất Triều Tiên bỏ phiếu chống. 13 quốc gia còn lại trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, I-ran, Mi-an-ma, Pa-ki-xtan và Xy-ri bỏ phiếu trắng. Đây là năm thứ 19 liên tiếp một nghị quyết kiểu này đã được thông qua. Nội dung nghị quyết trên thể hiện sự quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, được gọi là “chương trình làm giàu u-ra-ni và xây dựng lò phản ứng nước nhẹ” cũng như vụ việc xảy ra hồi tháng 4 năm nay mà Triều Tiên tuyên bố là phóng vệ tinh trong khi các nước khác cho là vụ thử tên lửa đạn đạo. Nghị quyết cũng kêu gọi các nước sở hữu hạt nhân nỗ lực tiến tới tiêu hủy hoàn toàn loại vũ khí nguy hiểm này. Cùng ngày, trong phát biểu tại Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (B. Obama) khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn bọn khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân, coi đó như một trong những chính sách an ninh ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

2. Hội đồng NATO - Nga họp cấp ngoại trưởng

Ngày 4-12-2012, sau phiên họp Hội đồng Nga - NATO cấp ngoại trưởng tại Brúc-xen (Brussels), Bỉ, Tổng Thư ký NATO An-đơ Phốc Rát-mu-xen (Anders Fogh Rasmussen) cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mong muốn tăng cường hợp tác với Nga. Tại cuộc họp lần này, Hội đồng Nga - NATO đã có những thảo luận tích cực và mang tính xây dựng về nhiều vấn đề thời sự quốc tế, cũng như về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và hướng tới xây dựng mối quan hệ chiến lược. Các ngoại trưởng cũng đã thông qua chương trình hợp tác NATO - Nga năm 2013. Theo Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov), Nga và NATO có lập trường chung về nhiều vấn đề như chống khủng bố, buôn bán ma túy và cướp biển,... Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận để tìm giải pháp tháo gỡ những bất đồng còn tồn tại, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu và vấn đề Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 - thời điểm hầu hết lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế được rút khỏi chiến trường Nam Á này.

3. Ủy ban châu Âu nhất trí thúc đẩy việc hiện đại hóa luật tác quyền

Ngày 5-12-2012, Ủy ban châu Âu (EC) 2 đã nhất trí thúc đẩy việc hiện đại hóa luật tác quyền để bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nghệ sỹ trong nền kinh tế kỹ thuật số. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, EC cho biết việc nâng cấp luật tác quyền nhằm bảo đảm bản quyền được duy trì “phù hợp với mục đích” trong nền kinh tế kỹ thuật số, được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới. EC cho biết sẽ xây dựng một khung tác quyền hiện đại nhằm bảo đảm sự ghi nhận cần thiết và thù lao xứng đáng cho các tác giả, khích lệ thường xuyên cho các hoạt động sáng tạo, sự đa dạng văn hóa và đổi mới. Dự kiến, EC sẽ tiến hành đối thoại với các bên liên quan vào năm tới, đồng thời tới cuối năm nay sẽ quyết định liệu có cần tiến hành các cải cách luật cần thiết hay không. “Hội tác giả nghệ thuật nghe nhìn” (SAA), đại diện cho khoảng 120.000 nhà biên kịch, giám đốc sản xuất phim và truyền hình, hoan nghênh động thái trên. Khoảng 16.000 người đã ký vào bản kiến nghị của SAA nhằm bảo vệ tác quyền trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

4. Hội nghị thượng đỉnh các nước SNG 

Ngày 5-12-2012, tại Hội nghị thượng đỉnh hằng năm diễn ra ở thủ đô Át-kha-bát (Ashkhabad), Tuốc-mê-ni-xtan (Turkmenistan), các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã ký 20 văn kiện hợp tác. Trong số những văn kiện được ký có Tuyên bố về phát triển hợp tác toàn diện SNG, Hiệp định hợp tác về liên kết thị trường tiền tệ giữa các nước thành viên SNG, thành lập Hội đồng lãnh đạo các đơn vị hoạt động tài chính, hợp tác đào tạo chuyên gia chống khủng bố, hợp tác bảo đảm vật chất - kỹ thuật cho các cơ quan chức năng chuyên trách chống khủng bố. Hội nghị đã ra quyết định về việc tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, ra Tuyên bố lấy năm 2013 làm Năm Văn hóa sinh thái và Bảo vệ môi trường của SNG, đồng thời thông qua những phương hướng chủ yếu trong việc phát triển hệ thống phòng không chung của SNG. Ngoài ra, lãnh đạo các nước SNG tham dự Hội nghị cũng nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo tại Bê-la-rút vào tháng 10-2013, quyết định để Bê-la-rút đảm đương chức Chủ tịch luân phiên SNG từ ngày 1-1-2013 và gia hạn nhiệm kỳ của Thư ký chấp hành SNG Xéc-gây Lê-bê-đép (Sergey Lebedev) đến cuối năm 2016.

5. Hội nghị chuyên đề quốc tế về APEC 2013

Trong hai ngày 6 và 7-12-2012, Hội nghị chuyên đề quốc tế về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2013 do các bộ có liên quan của In-đô-nê-xi-a, đứng đầu là Bộ Ngoại giao tổ chức, đã diễn ra tại thủ đô Gia-các-ta. Hội nghị tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề định hướng phát triển của APEC, tăng trưởng bền vững và hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hội nhập và gắn kết hơn. Qua trao đổi và thảo luận, các đại biểu nhất trí rằng hội nhập kinh tế khu vực vẫn tiếp tục là mục tiêu cốt lõi của APEC; quá trình hội nhập hướng tới tự do đầu tư và thương mại của APEC cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với việc các hàng rào thuế quan đã giảm mạnh, mức thuế trung bình của APEC hiện chỉ còn chưa đến 6%, mạng lưới sản xuất toàn cầu đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và hầu hết các sản phẩm của chuỗi dây chuyền này không còn phải đối mặt với các rào cản biên giới, trừ một số mặt hàng nông sản nhạy cảm được sản xuất với công nghệ thấp. APEC đã hài hòa tốt hơn các thủ tục hải quan và các thỏa thuận hợp tác đã giúp tiết kiệm chi phí nhiều tỷ USD mỗi năm. Về định hướng phát triển của APEC, Hội nghị cho rằng bên cạnh việc mở cửa và tự do thương mại và đầu tư, APEC cấn nhấn mạnh đến việc xây dựng sự kết nối trong khu vực, đến hội nhập toàn diện trong các lĩnh vực thương mại, kể cả thương mại điện tử, đầu tư, tài chính, dòng chảy nguồn nhân lực và đưa ra được những quy định, chính sách minh bạch, hiệu quả và nhất quán về cạnh tranh, mua sắm của chính phủ, công nhận lẫn nhau các tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn.

6. Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR lần thứ 44

Ngày 7-12-2012, tại Hội nghị thượng đỉnh Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) lần thứ 44 tổ chức ở thủ đô Bra-xi-li-a (Brasilia) của Bra-xin, các nhà lãnh đạo đã ký nghị định thư về việc kết nạp Bô-li-vi-a làm thành viên đầy đủ của khối. Tuy nhiên, để trở thành thành viên chính thức, Bô-li-vi-a sẽ phải chờ quốc hội 5 nước thành viên chính thức phê chuẩn. Ngoài thảo luận về vấn đề mở rộng các thành viên nhằm tăng cường sức mạnh trong khối, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ cũng đề cập sự cần thiết cải thiện cơ sở hạ tầng và khôi phục đàm phán thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên Vê-nê-duê-la tham dự trên cương vị thành viên chính thức, sau khi được kết nạp cuối tháng 7 vừa qua. Trở thành thành viên của MECOSUR, Vê-nê-duê-la sẽ áp dụng danh mục thuế quan chung của khối và có hiệu lực vào tháng 4-2013. Các mức thuế chung của MERCOSUR trong thương mại với bên ngoài khối sẽ được Vê-nê-duê-la áp dụng theo bốn giai đoạn và kết thúc vào năm 2016. MERCOSUR được thành lập năm 1991, hiện có 5 thành viên chính thức là Bra-xin, Ác-hen-tina, U-ru-goay, Vê-nê-duê-la và Paraguay (đang bị đình chỉ tư cách thành viên sau khi Thượng viện nước này phế truất Tổng thống hợp hiến Phéc-nan-đô Lu-gô (Fernando Lugo)). MERCOSUR hiện là thực thể kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như là một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 275 triệu người tiêu dùng. 

7. Bế mạc Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 


 
 Hội nghị biến đổi khí hậu (COP 18) cam kết gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô đến năm 2020


Ngày 8-12-2012, Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 18) đã bế mạc tại thủ đô Đô-ha (Doha) của Ca-ta với cam kết gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô đến năm 2020. Tại hội nghị, các đại diện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ô-xtrây-li-a và Thụy Sỹ cùng 8 nước công nghiệp khác trên thế giới đã ký thỏa thuận gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô ô từ ngày 1-1-2013 đến năm 2020, trong khi chờ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải nhà kính, còn được gọi là Nghị định thư “hậu Ki-ô-tô”. Kết quả này của Hội nghị được xem là một bước đi quan trọng tiến tới một thỏa thuận quốc tế mới của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015 để có thể có hiệu lực vào năm 2020 khi thời hạn kéo dài của Nghị định thư Ki-ô-tô kết thúc. Về vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để đối phó với tình trạng Trái đất ấm lên và chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng tái sinh, thân thiện với môi trường, các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch cam kết tiếp tục tài trợ cho các nước nghèo, song không nêu cụ thể số tiền với lý do “đang gặp khó khăn về tài chính”. Các nước đang phát triển cho rằng họ cần thêm ít nhất 60 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để đối phó với hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng. 

8. Thiên tai hoành hành châu Âu và châu Á

Tuần qua, thiên tai khắc nghiệt như bão tuyết, lũ lụt, động đất đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước châu Âu và châu Á.

Nhiều quốc gia châu Âu như Hà Lan, Pháp, Bỉ, Đức đang phải vật lộn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi tuyết rơi dày đặc khiến giao thông bị ngưng trệ, đặc biệt là giao thông hàng không. Hãng hàng không British Airway đã buộc phải hủy bỏ một số chuyến bay đến thủ đô Hà Lan. Trong khi đó, nhà cung cấp dịch vụ hàng không Hà Lan KLM đã hủy tất cả các chuyến bay hôm 7-12 vừa qua. Hành khách đã đăng ký các chuyến bay ngắn đến Bỉ, Lúc-xem-bua, Đức và Pa-ri đã được cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất thay thế. Tại Thụy Điển, giao thông ở sân bay chính tại Xtốc-khôm đã tê liệt ngày 5-12 do bão tuyết lớn, khiến cả một số nhân vật được trao giải Nô-ben năm nay gặp khó khăn khi tới nhận giải.

Tại Nhật Bản, theo thống kê mới nhất 13 người đã bị thương và một người vẫn còn mất tích sau trận động đất cuối giờ chiều 7-12 tại khu vực Đông Bắc, Nhật Bản. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người bị mất tích này. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trận động đất 7,3 độ rich-te này có thể là dư chấn của trận động đất hồi tháng 3-2011, đồng thời cảnh báo, một trận dư chấn khác cường độ 6 độ rich-te có khả năng xảy ra trong tuần tới.

Tại Phi-líp-pin, Tổng thống Phi-líp-pin Bê-ni-gnô A-qui-nô (Benigno Aquino) vừa tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia. Tuyên bố được đưa ra sau 4 ngày khi bão Bô-pha (Bopha), cơn bão mạnh nhất trong năm đổ bộ vào nước này. Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau bão, chính quyền các địa phương được phép sử dụng các quỹ khẩn cấp cho hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả bão. Một quy định cấm tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng đã được thông qua và có hiệu lực ngay lập tức. Theo số liệu thống kê mới nhất, gần 1.000 người thiệt mạng và mất tích do bão, phần lớn là ở khu vực miền Nam giàu tài nguyên của nước này. Chính phủ Phi-líp-pin đã kêu gọi các chính quyền địa phương và người dân tại các trung tâm sơ tán tăng cường các biện pháp vệ sinh dịch tễ nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan./.