Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03-12 đến 09-12-2012)
1. Hội thảo “Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc - phát huy vai trò người cao tuổi và phòng, chống bạo lực gia đình”
Ngày 3-12, tại thành phố Đà Nẵng, Hội thảo “Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc - phát huy vai trò người cao tuổi và phòng, chống bạo lực gia đình” đã khai mạc với sự tham dự của đại diện các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội thảo do Hội Nông dân Việt Nam, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ chủ chốt Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong khu vực về 3 vấn đề nêu trên, qua đó nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền của hai hội. Đây cũng là dịp chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình hay giữa các địa phương.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong giai đoạn từ 2009 - 2050 sẽ có 3 phương án về tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS): Phương án tích cực là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, sau đó giảm dần và trở về mức 105 bé trai vào năm 2025. Phương án quá độ là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 120 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 sau đó giảm dần và trở về dưới mức 105 bé trai vào năm 2030. Phương án không can thiệp là TSGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho tới năm 2050. Theo xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện này, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 triệu người đến 4,3 triệu người.
Hội thảo cũng cho biết: Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của nước ta là từ 17-20 năm, ngắn hơn so với nhiều nước. Hiện tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng lên, năm 2011 là 73 tuổi. Trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng được nghe giới thiệu về chương trình phòng chống bạo lực gia đình hiện nay của Việt Nam.
2. 28 tác phẩm đoạt giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3
Ngày 3-12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổng kết và trao giải thưởng Giải báo chí Việt Nam về HIV/AIDS lần thứ 3, năm 2011- 2012. Năm nay, có hơn 30 giải thưởng được trao cho các tập thể, cá nhân xuất sắc nhất. Trong đó có 4 giải nhất (6 triệu đồng/tác phẩm), 6 giải nhì (4 triệu/tác phẩm), 8 giải ba (2 triệu/tác phẩm), 10 giải khuyến khích (1 triệu/tác phẩm); ngoài ra còn có 3 giải thưởng dành cho tập thể, cá nhân có nhiều tác phẩm tham dự nhất.
Bốn giải Nhất được trao cho các tác giả, nhóm tác giả: Ninh Quỳnh Hương (Tạp chí AIDS và cộng đồng) với tác phẩm "Những dấu + đáng yêu"; nhóm tác giả Nguyễn Lại Thìn - Nguyễn Huy Phương (Đài tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm" Ngôi nhà thắp lên hy vọng của trẻ nhiễm HIV"; Lê Thị Tuyết Mai- Dương Việt Phương (Đài phát thanh truyền hình Quảng Bình) với tác phẩm"Cần cho em niềm vui được đến trường"; Đinh Thu Trang (Đài tiếng nói Việt Nam) với tác phẩm "Để các em có một cuộc sống bình thường".
Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, góp phần định hướng dư luận xã hội quan tâm hơn đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao một bước trình độ nhận thức và thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS của cộng đồng. Thông qua các tác phẩm dự thi, chúng ta thấy xã hội đã có nhận thức đúng, xóa dần kì thị, phân biệt đối xử với người HIV và bệnh nhân AIDS, nhiều người chia sẻ với họ, giúp đỡ họ hơn. Báo chí cũng ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục và định hướng dư luận xã hội, góp sức ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tác hại của HIV/AIDS đối với đời sống cộng đồng. Đồng thời tạo một cái nhìn thông cảm, chia sẻ, không phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV hoặc mắc phải căn bệnh AIDS.
3. Hội nghị "Phát triển các dịch vụ thanh toán bưu chính điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4”
Ngày 4-12, tại Hà Nội, Hội nghị "Phát triển các dịch vụ thanh toán bưu chính điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4" đã diễn ra với sự tham dự của đại biểu đến từ 9 quốc gia, các chuyên viên cao cấp của Liên minh bưu chính thế giới và các điều phối viên của dự án khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đây là hội nghị lần thứ 4 trong khuôn khổ dự án kết hợp giữa Liên minh bưu chính thế giới và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế nhằm phát triển mạng lưới thanh toán bưu chính điện tử phục vụ đối tượng là nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá mục tiêu, kế hoạch tổng thể đồng thời rà soát thực trạng triển khai dự án chung và của từng nước tham gia. Từ đó phân tích và triển khai các bước tiếp theo trong mục tiêu dự án, mở rộng hợp tác giữa các nước tham gia dự án với nhiều nước khác trên thế giới; đánh giá việc triển khai và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ dịch vụ chuyển tiền, bàn luận phương pháp thương mại điện tử cho dịch vụ phát hành thu tiền trên hệ thống.
Trong khuôn khổ hội nghị, bưu chính Việt Nam đã có các phiên làm việc song phương với bưu chính của Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Lào, Campuchia nhằm trao đổi các bước thử nghiệm triển khai cung cấp dịch vụ; xây dựng chương trình phối hợp quảng bá dịch vụ chuyển tiền giữa bưu chính Việt Nam và các nước. Thông qua hội nghị, bưu chính Việt Nam hướng tới thị trường kiều hối có tiềm năng to lớn, đặc biệt chú trọng đến khối lượng 30% bằng tiền mặt trong tổng số kiều hối về thị trường Việt Nam qua các kênh chính thức. Hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu người học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, thị trường xuất khẩu lao động ngày càng tăng trưởng, xu hướng toàn cầu hóa thị trường lao động và nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa ngày càng tăng. Thêm vào đó lượng người sử dụng điện thoại di động và internet ngày càng tăng nhanh là những tiền đề thuận lợi để thị trường kiều hối, dịch vụ chuyển tiền phát triển. Trước mắt, bưu chính Việt Nam tập trung vào các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản...
4. Hội nghị phòng, chống ma tuý khu vực Viễn Đông
Từ ngày 5 đến 6-12, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị quốc tế phòng, chống ma tuý, khu vực nhóm công tác Viễn Đông năm 2012 do Việt Nam đăng cai đã chính thức khai mạc. Tham dự có 19 thành viên; Việt Nam, Australia, Brunei Darusalam, Combodia, China, Hong Kong SAR, Ma Cao Sar, Indonexia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mongolia, Myanmar, New Zealand, Philipppin, Hàn Quốc, Sigapore, Timor Leste, Thai Lan. Dự Hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an); Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng; đại diện các Vụ, Cục thuộc Tổng Cục An ninh; Đại diện Công an thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng và một số đại biểu là quan sát viên quốc tế của Cảnh sát Liên bang Úc và UNODC.
Hội nghị lần này, các thành viên tập trung trao đổi, đánh giá tình hình về kết quả công tác phòng chống ma tuý trong khu vực Viễn Đông kể từ Hội nghị tổ chức từ tháng 4-2012 tại Thái Lan cho đến nay; Thông qua báo cáo của các thành viên về các chuyên án đấu tranh chống tội phạm ma tuý; Thảo luận và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý khu vực nhóm công tác Viễn Đông; Nghiên cứu xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin danh sách đối tượng truy nã...và cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến các chuyên án đấu tranh chống tội phạm ma tuý qua biên giới có sự phối hợp của nhiều nước; Đảm bảo tinh thần đoàn kết, hữu nghị hợp tác toàn diện nhằm không ngừng củng cố, tăng cường mói quan hệ hợp tác vốn có giữa lực lượng phòng, chống ma tuý các nước, vùng lãnh thổ khu vực nhóm công tác Viễn Đông.
5. Hội thảo quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
Ngày 6-12, tại thành phố Đà Nẵng đã chính thức khai mạc Hội thảo quốc tế "Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương - những vấn đề đặt ra và kinh nghiệm quốc tế" do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Dự án hỗ trợ thực hiện chính sách (PIAP) phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về chính quyền địa phương khi thực hiện sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành Hiến pháp mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tìm hiểu các nội dung: Tình hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương - những vấn đề đặt ra từ hoạt động thực tiễn; Đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND ở Việt Nam; Dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách địa phương - những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; Mối quan hệ trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương; Kinh nghiệm pháp luật nước ngoài về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; Đổi mới tổ chức chính quyền địa phương - những vấn đề phương pháp luận; Một số vấn đề thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Các đại biểu cũng có dịp tham khảo kinh nghiệm thực tiễn từ Canada trên lĩnh vực tài chính, quan hệ liên chính quyền, ý thức của quản lý công ở địa phương...
Ở Việt Nam, chính quyền địa phương là một bộ phận hợp thành của một Nhà nước thống nhất, bao gồm các cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương do nhân dân trực tiếp bầu ra và các cơ quan tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp hài hoà giữa lợi ích của nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước.
6. Hội nghị lần thứ 5 Ủy ban công tác liên hợp: Hợp tác hữu nghị, biên giới phồn vinh
Ngày 6-12, tại Cao Bằng đã diễn ra Hội nghị lần thứ 5 Uỷ ban công tác liên hợp (UBCTLH) giữa các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Lãnh đạo 4 tỉnh của Việt Nam và Khu tự dân tộc Choang – Quảng Tây (Trung Quốc) đã tổng kết lại một số thành quả mà hai bên đã đạt được sau hội nghị lần thứ 4. Theo đó, t rong khuôn khổ thỏa thuận khung “hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt – Trung, trong năm 2012, hai bên đã tích cực phát huy ưu thế của mình, khuyến khích doanh nghiệp bên này đầu tư sang bên kia, cùng phối hợp tổ chức và ủng hộ các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại do bên kia tổ chức, qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh, chính sách xúc tiến đầu tư của địa phương, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động thương mại do hai b ên tổ chức. Hai b ên cũng thường xuyên gửi thư thông báo, trao đổi tình hình giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự trên biên giới cửa khẩu.
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) cùng nhau ký Bản ghi nhớ Hội nghị UBCTLH lần thứ 5; chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa Sở Ngoại vụ 4 tỉnh biên giới (Việt Nam) và Văn phòng Ngoại sự Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
7. Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 7-12, tại Hà Nội, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên toàn thể lần thứ 6. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự Phiên họp.
Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban Biên tập nhấn mạnh: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã dành thời gian trong hai ngày thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhìn chung cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình. Các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo đã thể hiện được Cương lĩnh của Đảng, đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời bảo đảm được nội dung kết luận của Nghị quyết Trung ương 5 về việc sửa đổi Hiến pháp 1992... Phiên họp này sẽ thảo luận những nội dung, phương án còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội; đưa ra những phương án phù hợp nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại phiên họp, Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ thảo luận về các nội dung còn có ý kiến khác nhau như: về tên gọi, bố cục của Hiến pháp; Chương I: Chế độ chính trị; Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ban biên tập cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự kiến sửa đổi, bổ sung các nội dung: Kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và môi trường tại Chương III; Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tại Chương IV; Tổ chức bộ máy nhà nước (về kiểm soát quyền lực nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, các cơ quan hiến định độc lập) và Quy trình sửa đổi Hiến pháp (chương XI)...
8. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2012
Ngày 7-12, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2012. Một trong những trọng tâm của Nghị quyết là Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát, xây dựng đề án xử lý nợ xấu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10-12-2012. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và các hàng hóa xuất khẩu, có lợi thế cạnh tranh.
Chính phủ nhận định, việc ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP là đúng quy trình, thủ tục về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy định việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện là cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như việc quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện chưa đúng với nội dung quy định trong Nghị định; công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện việc xử phạt đối với hành vi này chưa được chú trọng, cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi chờ ban hành Thông tư, chưa tiến hành xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh mức lệ phí trước bạ sang tên đổi chủ với các phương tiện cho phù hợp.
9. Các địa phương đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
* Ninh Bình: ngày 8-12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu năm 2013, đưa tốc độ tăng trưởng GDP lên 13 %, tăng 1,95% so với năm 2012; GDP bình quân đầu người từ 28,8 triệu đồng/người lên 34 triệu đồng/người; thu ngân sách 2.776 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD; lượng khách du lịch đến với Ninh Bình khoảng 4 triệu lượt; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%; 88% dân số khu vực nông thôn và 95% dân số khu vực thành thị được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
* Hà Giang: Hội nghị lần thứ 16, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang (khoá XV) đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh năm 2013. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt trên 12,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người 12 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 37,6 vạn tấn; thu ngân sách đạt trên 1.384 tỉ đồng; giá trị hàng hoá XNK qua biên giới đạt trên 400 triệu USD. Năm 2003, Hà Giang phấn đấu tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi (6-14 tuổi) đến trường đạt trên 98%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,7%; tỷ lệ hộ nghèo còn 20,06%; tỷ lệ che phủ rừng là 56,3%; 84% hộ gia đình được sử dụng điện…
Nhiệm vụ trọng tâm được xác định: Trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung; mở rộng sản xuất cây vụ đông; phát triển các sản phẩm có thế mạnh; phát triển chăn nuôi hàng hoá theo thế mạnh từng vùng gắn với việc trồng cỏ làm thức ăn gia súc. Tỉnh tích cực tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy nguồn lực tại chỗ kết hợp việc lồng ghép hiệu quả với các chương trình để đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng nông thôn mới, hoàn thành dứt điểm công việc ở từng thôn xã. Bên cạnh đó, t iếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình trọng điểm, các đề án lớn, nâng cấp đường giao thông quan trọng; đầu tư phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu; thực hiện chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với qui hoạch và ổn định dân cư khu vực biên giới...
* Bạc Liêu: Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII đã đề ra kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013; theo đó chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu 170 ngàn đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.694 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 17.250 lao động; lao động qua đào tạo nghề 12 ngàn người; giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; tổng sản lượng lúa đạt 975 ngàn tấn; sản lượng thủy sản 262 ngàn tấn; kim ngạch xuất khẩu 360 triệu USD... Tỉnh tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 và Nghị quyết 13 của Chính phủ; đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển...
10. Khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên
Tối ngày 9-12, tại Quảng trường Đại đoàn kết Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Lễ khánh thành tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được tổ chức trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ ngành T.Ư và các địa phương đã dự lễ. Công trình tượng đài được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, trung tâm TP.Pleiku. Tượng Bác cao 10,8 m, nặng 16 tấn, đúc bằng đồng nguyên chất, đặt trên bệ đá cao 4,5 m; phía sau phù điêu bằng đá rộng 600 m2, khắc các hình ảnh hoạt động văn hóa, sản xuất và chiến đấu... Tổng giá trị đầu tư của công trình là 230 tỉ đồng.
Lễ khánh thành tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được diễn ra trang trọng. Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên với chủ đề Đón bác về Tây Nguyên do nhạc sĩ Nguyễn Cường làm Tổng đạo diễn. Khép lại buổi lễ là chương trình bắn pháo hoa chào đón Bác về với đồng bào Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn tiêu biểu, góp phần quan trọng giáo dục thế hệ tương lai và thể hiện tấm lòng của người dân Gia Lai cũng như đồng bào Tây Nguyên đối với Bác. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên sẽ phát huy truyền thống cao đẹp, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế - xã hội…”./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Lai Châu cần có những bước đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn  (10/12/2012)
Kính cáo các Vua Hùng về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh  (10/12/2012)
Phó Chủ tịch nước tặng học bổng cho trẻ em nghèo  (10/12/2012)
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - Hiến pháp về đại dương  (10/12/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay