Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị*

Nguyễn Hoàng Việt Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
20:10, ngày 10-12-2012
TCCS - Mười hai ý kiến phát biểu và 59 bản tham luận tại Hội thảo đã tập trung vào các nhóm giải pháp liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Thu hoạch từ cuộc Hội thảo này giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hầu hết các ý kiến và các bản tham luận gửi tới Ban Tổ chức Hội thảo được chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, đã phản ánh nhiều nội dung có tính khoa học và thực tiễn cao. Nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng. Đây chính là những nguồn tư liệu để các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng và cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quốc nghiên cứu, vận dụng trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Các ý kiến trong Hội thảo đều đánh giá cao Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng là kịp thời, đúng đắn, đã chọn ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, vấn đề thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đây là nội dung hết sức quan trọng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Thực tế thời gian qua, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế, trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi xảy ra sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vì vậy, trong các nhóm giải pháp và kế hoạch thực hiện Nghị quyết, bên cạnh các biện pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng,... là một khối lượng lớn biện pháp thuộc về công tác tổ chức và cán bộ, về xây dựng đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách, các quy định, quyết định nhằm làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Căn cứ vào ba vấn đề Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI nêu, có thể xác định hai nhóm công việc cần tiến hành, liên quan trực tiếp việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, trong đó có loại công việc có thể tiến hành ngay và loại công việc cần có thời gian chuẩn bị.

Loại công việc thứ nhất

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết (ngày 12-3-2012), Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời ban hành Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW, ngày 14-3-2012, để thực hiện Nghị quyết.

Trước hết phải kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Nội dung kiểm điểm căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách trong Nghị quyết, trong đó đối chiếu với tình hình hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước đó để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; phân tích, làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, quy trình tuyển chọn cán bộ, trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Bộ Chính trị yêu cầu đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này phải được thực hiện với phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, vững mạnh của mỗi cá nhân, tổ chức và sự nghiệp chung của Đảng; vừa giữ đúng nguyên tắc, có tính thuyết phục, vừa phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm, những trường hợp cố tình bao che sai phạm, khuyết điểm. Phải thực sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu, phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn. Chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm phải chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang cũng như lợi dụng để đấu đá, trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo. Kết quả kiểm điểm phải đạt được mục đích xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu và đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Loại công việc thứ hai

Đây là những vấn đề có liên quan đến Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức, công tác cán bộ, cơ chế, chính sách,... Các cơ quan chức năng đang khẩn trương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách, các quy chế, quy định, quyết định không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm cá nhân, vừa phải tôn trọng nguyên tắc tập thể, vừa phát huy vai trò của người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Trong đó, đã và đang nghiên cứu, ban hành một số văn bản mới, như xây dựng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy; thí điểm việc cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm về chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; Đề án  “Quy chế về quan hệ công tác giữa Ban cán sự đảng Chính phủ với Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy”; rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của các bộ, ban, ngành, đoàn thể  và đơn vị sự nghiệp Trung ương.

Ngoài ra tập trung tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành một số văn bản có liên quan để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, như Quy định về cơ chế hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; Quy định về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp trên nói chung phải kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp dưới; về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể theo hướng mở rộng đối tượng tham gia; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; đổi mới quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, để cán bộ dự kiến bổ nhiệm được tự giới thiệu, thể hiện trình độ, năng lực của mình; xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Đề án tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược.

Các đề án thí điểm cũng đang được khẩn trương nghiên cứu, sơ kết, rút kinh nghiệm, hướng dẫn thực hiện, như thí điểm việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; thí điểm chủ trương bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư. Đồng thời, tích cực cải cách hành chính nhà nước và cải cách hành chính trong Đảng; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, thu hút, tạo động lực và môi trường thuận lợi, lành mạnh để cán bộ, công chức yên tâm phấn đấu, cống hiến.

Với kết quả đạt được của cuộc Hội thảo này, Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng rằng các ý kiến phát biểu sẽ góp phần làm sáng tỏ về cơ sở lý luận và thực tiễn của nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; giúp cho việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách của các cơ quan tham mưu ở Trung ương và việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong phạm vi toàn Đảng.

Chúng ta cùng tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Đảng và sự tin cậy của nhân dân./.

------------------------------------------

* Trích Kết luận Hội thảo: “Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” (được tổ chức ngày 28-6-2012 tại thành phố Bắc Ninh)