Bình Phước chăm lo công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc
TCCS - Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, quán triệt sâu sắc vai trò nguồn nhân lực trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Bình Phước đã luôn coi trọng công tác cán bộ nói chung và cán bộ vùng đồng bào dân tộc nói riêng, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số
Bình Phước là tỉnh miền núi, dân tộc, biên giới, có dân số 876.430 người, với 41 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 19%. Về cơ cấu hành chính, tỉnh hiện có 10 huyện, thị với 111 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện còn 18 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 21 thôn, ấp (khu vực II) đặc biệt khó khăn và 72 xã thuộc vùng khó khăn. Tổng số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 5.221 hộ, chiếm 16 % số hộ đồng bào dân tộc và chiếm 43,6% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Do làn sóng di dân tự do từ các địa phương khác đến sinh sống tại tỉnh ngày càng tăng; đồng bào dân tộc thiểu số sống theo tập quán du canh, du cư; trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật hết sức hạn chế, dễ bị kẻ thù kích động, xúi giục... đã tạo ra những thách thức lớn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, quản lý an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở cơ sở của tỉnh còn hạn chế về số lượng và chất lượng nên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cán bộ là người dân tộc chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm gần 50%, số cán bộ qua đào tạo sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo chiếm gần 26%, đáng chú ý là số cán bộ chưa được đào tạo chính trị hoặc có trình độ sơ cấp chính trị còn chiếm tỷ lệ hơn 85%.
Từ nhận thức đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số của tỉnh có vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ vững ổn định an ninh - chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh dành nhiều sự quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc bằng những giải pháp và bước đi cụ thể.
Xây dựng chủ trương, chính sách phù hợp
Thực hiện tốt quan điểm cơ bản về công tác dân tộc trong thời kỳ mới “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”(1). Ngày 16-5-2003 Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về công tác dân tộc, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành, triển khai nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách dân tộc. Trong đó có Quyết định số 2603/QĐ-UBND ngày 17-12-2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008 - 2010; Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 4-8-2008 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số, học sinh người Kinh ở những xã đặc biệt khó khăn đi học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là điều kiện thuận lợi cho các huyện có đông người dân tộc thiểu số sinh sống và những xã đặc biệt khó khăn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trong giáo dục - đào tạo, đồng thời tạo nguồn cán bộ quản lý công tác dân tộc cho địa phương. Việc triển khai thực hiện các chương trình, quyết định của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định.
Công tác giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh chỉ đạo, thực hiện một cách cơ bản, xuyên suốt và đồng bộ. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống các trường, lớp rộng khắp tận cấp thôn (ấp), cụ thể có 63 trường mẫu giáo, 282 trường hệ phổ thông. Hệ thống trường Dân tộc nội trú cũng phát triển, hiện có 01 trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, 4 trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện (Bình Long, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Đăng), quy mô từ 150 đến 330 học sinh, với thành phần 18 dân tộc khác nhau gồm 2 nhóm: dân tộc bản địa (Xtiêng, Mơ Nông, Khmer), dân tộc nhập cư (Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu, CaoLan...). Nhà trường thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống học sinh; bảo đảm chế độ ăn, ở đúng quy định; cấp học bổng với mức 432.000 đồng/tháng/học sinh và các khoản phụ cấp khác.
Nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã có chính sách cử tuyển riêng, hỗ trợ toàn phần hoặc một phần kinh phí ăn, ở, học tập, sinh hoạt đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có 25 em đang theo học Đại học Nông lâm (hệ tại chức), 30 em học Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng để đào tạo giáo viên 2 thứ tiếng phổ thông và Khmer, 130 em học tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, 155 em học trung học y tế... Theo chế độ cử tuyển và dự bị đại học, từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã chọn cử 604 em dân tộc thiểu số tham gia học đại học, cao đẳng hệ chính quy, trung học chuyên nghiệp và 217 em hệ dự bị đại học. Số sinh viên này đều được hưởng các chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 28-02-2008 như nhập trường, đi lại, học bổng, làm đề tài nhằm khuyến khích, động viên học sinh, sinh viên, học viên dân tộc thiểu số học tập, rèn luyện, phấn đấu và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về quy hoạch, sử dụng và quản lý cán bộ là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2005 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã làm công tác dân tộc và số cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhìn chung, trên địa bàn các huyện trong tỉnh, công tác tổ chức cán bộ được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của địa phương. Tỉnh đã bố trí trên 400 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số vào làm việc, công tác tại cơ quan đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, nâng tổng số cán bộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh lên 507 người, trong đó, cấp tỉnh có 54; cấp huyện có 105, cấp xã, phường, thị trấn có 191.
Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Thường trực và Ban Thường vụ các cấp ủy đảng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về cơ cấu cán bộ và người dân tộc thiểu số vào cấp ủy mới cao hơn hiện nay: cấp ủy tỉnh tăng từ 2 - 3 đồng chí; cấp ủy huyện, thị và tương đương, nguồn cán bộ người dân tộc đưa vào quy hoạch tăng 32 đồng chí; cấp ủy xã, phường, thị trấn tăng 261 đồng chí.
Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc, công tác xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm. Công tác xây dựng củng cố tổ chức đảng ở cơ sở được tiến hành thường xuyên, hiện nay trên địa bàn tỉnh 100% số thôn, ấp đều có chi bộ đảng. Các cấp ủy chú trọng công tác bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số vào hàng ngũ của Đảng. Tính đến 31-10-2009, toàn tỉnh có 1.402 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng với Hội đồng Già làng luôn được phát huy, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, từ đó có kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bức xúc, những “điểm nóng” ngay từ khu dân cư. Chính quyền đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chăm lo ổn định cuộc sống và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho 5.087 học viên dân tộc thiểu số, trong đó có 137 học viên theo học hệ trung cấp nghề; các doanh nghiệp cao-su trên địa bàn tạo mọi điều kiện trong việc giải quyết chính sách lao động người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định. Quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ vùng dân tộc ở một vài huyện, xã còn bất hợp lý, tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo là người dân tộc thiểu số các cấp còn ít (chỉ chiếm 12%), nhất là cấp xã; đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số chưa gắn với bố trí sử dụng, còn nhiều trường hợp sinh viên dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành chương trình cử tuyển vẫn chưa được bố trí việc làm. Một số xã vùng đồng bào dân tộc vẫn còn tình trạng cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu sự quan tâm, hướng dẫn từ cấp trên nên không biết việc để làm, hoặc làm nhưng bị động và lúng túng, hoạt động không có chiều sâu, kém hiệu quả. Cán bộ làm được việc phải kiêm nhiều việc, khối lượng công việc nhiều dẫn đến xử lý, giải quyết công việc chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc, nhất là một số công việc liên quan đến quyền lợi, nhu cầu chính đáng của nhân dân như tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, giải quyết các bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số. Một số chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã là người dân tộc còn bất cập nhưng chưa điều chỉnh kịp thời vì vậy chưa động viên, khuyến khích số cán bộ này làm tốt công tác dân tộc tại địa phương.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc
Nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước nói riêng và đạt được mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, bảo đảm cơ cấu dân tộc trong công tác quy hoạch cán bộ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian tới, công tác cán bộ vùng đồng bào dân tộc của Bình Phước tập trung vào một số vấn đề sau:
Một là, thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện chiến lược đào tạo, sử dụng cán bộ trong giai đoạn 2010 -2015 phù hợp với tình hình địa phương. Đổi mới sâu sắc và tạo bước chuyển biến quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ vùng đồng bào dân tộc nói riêng.
Ba là, tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số, gắn kết chặt chẽ các khâu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt việc nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo đẩy mạnh công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ vùng đồng bào dân tộc, rà soát lại đội ngũ cán bộ hiện có để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, phấn đấu 90% số cán bộ là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn.
Bốn là, gắn kết chặt chẽ quy hoạch, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc. Chú trọng thực hiện các chính sách cán bộ dân tộc, công tác cử tuyển trong đào tạo với bố trí công tác hợp lý, tăng cường cử cán bộ có năng lực, trình độ về công tác tại vùng đồng bào dân tộc; đặc biệt chú trọng cán bộ người đồng bào dân tộc có trình độ về quản lý nhà nước và kỹ sư nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xã hội và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng sâu, vùng khó khăn.
Năm là, coi trọng việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã. Nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ công tác trong vùng dân tộc thiểu số.
Sáu là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và phù hợp với đặc thù của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay.
Bảy là, tập trung xây dựng củng cố tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc. Phát huy vai trò những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản. Phấn đấu tăng tỷ lệ đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao đến công tác tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Củng cố, tăng cường, nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm 100% số thôn, ấp dân tộc thiểu số có tổ chức Hội đồng già làng và hoạt động hiệu quả.
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 35
Phát triển và giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú tại khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hải Dương  (20/04/2010)
Festival "Trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập"  (20/04/2010)
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý  (19/04/2010)
Bế mạc phiên họp lần thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII  (19/04/2010)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam