Xây dựng chiến lược an toàn giao thông đường bộ

Theo: Chinhphu.vn
17:33, ngày 25-09-2012
Theo dự thảo Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia, số người chết do tai nạn giao thông đường bộ trên 100 ngàn dân sẽ giảm từ 13 người (năm 2009) xuống còn 8 người năm 2020, từ 4-6 người năm 2030.
Ngày 25-9-2012, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã nghe Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan báo cáo về dự thảo Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Dự thảo được xây dựng dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng chiến lược an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, quy hoạch các chuyên ngành có liên quan.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên thế giới đã và đang diễn ra một cách nghiêm trọng, hằng năm làm khoảng 1,2 triệu người bị chết và 50 triệu người bị thương. Đối với Việt Nam, sau khi triển khai Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông giảm đáng kể ở cả 3 tiêu chí. Nhưng theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của các nước đang phát triển, nhất là khi tốc độ tăng trưởng vận tải của Việt Nam hiện tăng cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP, làm gia tăng áp lực đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông.

Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững trên cả 3 tiêu chí số người chết, người bị thương, số vụ tai nạn, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, tiến tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn. Theo đó, số người chết do tai nạn giao thông đường bộ trên 100 ngàn dân sẽ giảm từ 13 người (năm 2009) xuống còn 8 người năm 2020, từ 4-6 người năm 2030.

Dự thảo chiến lược cũng đề cấp tới nhiều giải pháp đồng bộ bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông đường bộ, quản lý phương tiện giao thông, tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, việc xây dựng Chiến lược là hết sức cần thiết, hiện đã các văn bản đề cập nội dung này nhưng chưa có một văn bản tổng hợp chung các quy định đó một cách toàn diện. Trong quá trình xây dựng chiến lược, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước và vận dụng một cách hợp lý theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Góp ý cho bản dự thảo Chiến lược, các đại biểu tham dự đồng tình với việc nghiên cứu, ban hành Chiến lược trên quan điểm xây dựng các giải pháp mạnh, đột phá, đồng bộ, thực hiện từng bước, liên tục và kiên trì nhằm thiết lập và duy trì trật tự xã hội trong lĩnh vực giao thông vận tải, bảo đảm cho người dân và phương tiện khi tham gia giao thông.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dự thảo Chiến lược được Bộ Giao thông vận tải xây dựng khá công phu, nghiêm túc với ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định chiến lược này là cơ sở để xây dựng, chỉ đạo, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn giao thông trước tình trạng “khẩn cấp về an toàn giao thông” hiện nay, từ đó, lập kế hoạch cho các bước đi cụ thể. Các mục tiêu và giải pháp của chiến lược phải khả thi, dễ nhớ, dễ thực hiện. Các thứ tự ưu tiên và mục tiêu của dự thảo Chiến lược cần được sắp xếp cho hợp lý trên cơ sở nguồn lực, con người, hoàn cảnh cụ thể. Phó Thủ tướng lưu ý, một trong các giải pháp cần được nhấn mạnh là giải pháp về giáo dục, tuyên truyền đến tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ, học sinh, sinh viên… Trên cơ sở đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ngành tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu tối đa, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt./.